Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Độc đáo lễ buộc chỉ cổ tay của người Khùa

  • 07:05 | Thứ Tư, 13/03/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Bên dãy núi Giăng Màn ở hai xã Trọng Hóa và Dân Hóa (Minh Hóa), từ nhiều năm qua, người Khùa (thuộc dân tộc Bru-Vân Kiều) vẫn luôn sinh sống đoàn kết, gắn bó với cộng đồng xung quanh và đang lưu giữ tục lệ buộc chỉ cổ tay, được tổ chức vào đầu tháng giêng hàng năm. Tục lệ này được người Khùa và các cộng đồng sinh sống liền kề xem là một mỹ tục cần giữ gìn bởi hàm chứa nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống, tâm linh…
 
Nhiều già làng người Khùa nơi dãy núi Giăng Màn cho biết, từ khi họ được sinh ra thì tục lệ buộc chỉ cổ tay đã có rồi. Trước đây, khi điều kiện khu vực núi rừng chưa có sợi chỉ công nghiệp để thực hiện nghi thức cho buổi lễ thì đồng bào nơi đây thường dùng sợi cây gai rừng phơi khô hoặc sợi tơ của con tằm ăn lá sắn nhả ra…
 
Chúng tôi tìm đến nhà ông Hồ Thong (70 tuổi) ở bản Khe Rôông, xã Trọng Hóa vào một ngày trung tuần tháng giêng năm 2024 để tham dự buổi lễ buộc chỉ cổ tay theo lời mời của gia chủ. Từ sáng sớm, gần 50 người trong dòng họ này đã có mặt khá đông đủ tại ngôi nhà sàn của Hồ Thong. Sau khi bưng ra mâm lễ gồm 1 vòng bạc, sáp ong, gà, bánh nếp, các sợi chỉ và những tấm vải sọc còn mới… đặt trịnh trọng ở chính giữa gian nhà sàn, Hồ Thong bắt đầu thực hiện nghi lễ cúng, cầu khấn theo tục lệ của người bản địa.
Người già và trẻ nhỏ đều thực hiện lễ buộc chỉ vào cổ tay đầu năm mới để cầu mong sức khỏe, an lành, may mắn.
Người già và trẻ nhỏ đều thực hiện lễ buộc chỉ vào cổ tay đầu năm mới để cầu mong sức khỏe, an lành, may mắn.
Tiếp đó, Hồ Thong mời một người ở ngoài dòng họ có tên là Hồ Lót (già làng ở bản Khe Rôông) thực hiện nghi thức buộc chỉ vào cổ tay cho các thành viên trong dòng tộc của mình. Hồ Thong cho biết: “Tục lệ buộc chỉ cổ tay của người Khùa thường có 3 phần chính, đầu tiên là cúng, thờ tổ tiên; tiếp đến là thực hiện nghi thức buộc chỉ vào cổ tay cho mọi người; sau cùng là phần hội tạo điều kiện cho mọi người cùng chung vui, thắt chặt tình đoàn kết, giáo dục con cháu luôn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống... Người được chọn để thực hiện nghi thức buộc chỉ vào cổ tay cho dòng tộc phải là người ở ngoài dòng họ, có sự thành đạt và uy tín về nhiều mặt trong cuộc sống. Việc buộc chỉ vào cổ tay cho các thành viên trong dòng tộc còn nhằm mục đích cầu mong cho mọi người ai nấy cũng đều có sức khỏe, an lành, may mắn, đoàn kết, gắn bó yêu thương dòng tộc, quê hương, đất nước...”.
 
Tại nhà ông Hồ Kết, bản La Trọng 2, chúng tôi chứng kiến có trên 150 người đang tập trung tại nơi đây. Hỏi ra thì mới biết, do dòng họ này có con cháu tập trung đông đúc nên phải mời đến 3 người ngoài dòng họ đến thực hiện nghi thức buộc chỉ cổ tay.
 
“Vài năm trở lại đây, trong các dòng họ của người Khùa ở xã Trọng Hóa luôn có thêm các thành viên tham gia xuất khẩu lao động, đi bộ đội, làm ăn xa vào dịp đầu năm mới. Vì thế, buổi lễ buộc chỉ cổ tay thường được người Khùa ở xã Trọng Hóa tổ chức đàng hoàng, trang trọng và mở rộng thêm thành phần khách mời. Tục lệ này được người Khùa ở xã chú trọng giữ gìn, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc qua nhiều thế hệ nhằm giáo dục con cháu luôn sống có ích cho quê hương, đất nước, tránh phạm phải các việc xấu, bất lợi…”, Bí thư Đảng ủy xã Trọng Hóa Hồ Thị Thoi chia sẻ.

Hồ Kết tâm sự: “Năm nay trong dòng họ chúng tôi có con, cháu tham gia đi bộ đội, xuất khẩu lao động, vào miền Nam làm thuê…, nên tổ chức lễ lớn hơn các năm trước. Nhằm giúp con, cháu, họ hàng, khách mời sau buổi lễ buộc chỉ cổ tay được ngồi lại vui vẻ, ấm cúng, các thành viên trong dòng tộc đã thống nhất đóng góp thêm chút ít thịt lợn, gà, bánh nếp không nhân, canh măng rừng, môn sáp vàng, chuối, mía… Theo quan niệm của người Khùa, tục lệ buộc chỉ cổ tay vào dịp đầu năm mới nhằm cầu mong, giáo dục cho mọi người trong dòng tộc luôn đoàn kết, gắn bó thân tình với nhau, biết ơn tổ tiên, nguồn cội, yêu mến quê hương, đất nước; đồng thời chúc phúc cho người được buộc chỉ tay luôn có sức khỏe tốt, gặp nhiều may mắn trong cuộc sống, học tập thuận lợi, thành đạt. Thông qua tục lệ này, hàng năm, mọi thành viên trong dòng tộc cũng muốn được các dòng tộc sinh sống gần kề đến chứng dám, sẻ chia về thành quả mà dòng tộc đã đạt được hoặc những khó khăn còn gặp phải. Bởi thế, trong buổi lễ buộc chỉ cổ tay đầu năm 2024 này, dòng tộc chúng tôi đã mời thêm rất nhiều vị khách như bộ đội Biên phòng, cán bộ xã, Kiểm lâm địa bàn, cán bộ bảo vệ rừng… cùng dự”.

Ngoài việc buộc chỉ cổ tay cho những người trong cùng dòng họ, các vị khách mời cũng có thể được thực hiện nghi thức này nếu có sự đồng ý của gia chủ. Theo quan niệm của người Khùa nơi dãy Giăng Màn, trong cuộc đời của mỗi con người rất cần có một sợi dây để ràng buộc phần thể xác và hồn vía tích cực lại với nhau. Có như vậy mới tạo ra sự đoàn kết, sức mạnh, may mắn, đẩy lùi mọi tiêu cực, xui xẻo trong cuộc sống.
Văn Minh

tin liên quan

Người Mày cúng thần Cu lôông Cờ tôốc

(QBĐT) - Một ngày đầu xuân 2024, chúng tôi ngược ngàn đến với dãy Giăng Màn để được chứng kiến đồng bào người Mày (dân tộc Chứt) bản K-Ai, xã Dân Hóa (Minh Hóa) tổ chức lễ cúng thần Cu lôông Cờ tôốc.

Mùa lễ hội bên bờ sông Gianh

(QBĐT) - Ba Đồn-địa danh gắn liền với sông Gianh lịch sử cùng nhiều trầm tích bể dâu và bề dày văn hóa truyền thống. 

Nhà thờ họ Mai làng Thọ Linh, xã Quảng Sơn được xếp hạng di tích cấp tỉnh

(QBĐT) - Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao Mai Xuân Thành cho biết: Ngày 20/11/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Quyết định số 3302/QĐ-UBND về việc xếp  hạng di tích cấp tỉnh đối với Nhà thờ họ Mai làng Thọ Linh, xã Quảng Sơn (TX. Ba Đồn).