Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Nhà thờ họ Mai làng Thọ Linh-"Gạch nối" giữa quá khứ và hiện tại

  • 06:58 | Thứ Hai, 18/12/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Di tích lịch sử cấp tỉnh nhà thờ họ Mai nằm ở trung tâm xã Quảng Sơn (làng Thọ Linh xưa), TX. Ba Đồn, là nơi thờ tự các vị tiên tổ dòng tộc họ Mai và những người có công đức trong công cuộc khai khẩn, xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước, gắn với quá trình hình thành, phát triển của làng Thọ Linh xưa, xã Quảng Sơn ngày nay. Đây cũng là nơi vinh danh, tri ân các anh hùng liệt sỹ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; đồng thời lưu giữ những hiện vật, tư liệu có giá trị về lịch sử, văn hóa…
 
Theo gia phả họ Mai làng Thọ Linh, nhà thờ được dựng vào khoảng cuối thế kỷ XV, dưới triều vua Lê Thánh Tông (1460-1497). Ban đầu, nhà thờ được dựng bằng gỗ, tranh, tre nứa. Sau nhiều lần tu sửa, đến năm 1884, nhà thờ dòng họ được xây dựng lại với vật liệu là đá liếp, gạch, vôi vữa, lợp ngói liệt. Vị trí nhà thờ nằm ngay trung tâm xóm Chùa, làng Thọ Linh. Đồng thời, dòng họ quy tập, xây dựng khu lăng mộ tổ tiên trên núi Đại Sơn. Trải qua hơn 500 năm, nhà thờ họ Mai làng Thọ Linh đã chứng kiến bao sự kiện lịch sử của quê hương, đất nước.
 
Trong thời kỳ Cần Vương kháng Pháp, nhà thờ họ Mai là một những cơ sở của nghĩa quân Lãnh binh Mai Lượng tụ họp, chuẩn bị lực lượng đánh Pháp; trong cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, địa bàn xã Quảng Sơn là nơi trú đậu của tàu Hải quân ta; nơi tập kết, trung chuyển nhân tài, vật lực từ hậu phương miền Bắc vào tiền tuyến lớn miền Nam.
 
Từ đây, các trạm giao liên dùng thuyền chở bộ đội, vũ khí, lương thực vượt sông Rào Nan qua Gia Hưng (Bố Trạch) để lên Phong Nha-Kẻ Bàng theo đường 20 Quyết Thắng, chi viện cho chiến trường miền Nam. Lúc này, nhà thờ họ Mai làng Thọ Linh được sử dụng làm kho quân nhu, cất giữ lương thực, vũ khí, đạn dược của Hải quân Quân khu IV; nơi tập kết hàng hóa từ miền Bắc chuyển vào.
 
Do phát hiện được vị trí chiến lược của xã Quảng Sơn, đế quốc Mỹ đã tập trung đánh phá cực kỳ ác liệt. Trong một trận ném bom hủy diệt B52 của đế quốc Mỹ, nhà thờ họ Mai bị phá hủy hoàn toàn phần tiền đường, chỉ còn một phần nhà hậu điện.
Nhà thờ họ Mai làng Thọ Linh.
Nhà thờ họ Mai làng Thọ Linh.
Sau chiến tranh, để có nơi thờ tự các vị tiên tổ, con cháu dòng họ góp công, góp của tu sửa lại nhà thờ. Sau nhiều lần tu bổ, tôn tạo, đến năm 2021, nhà thờ họ Mai được xây dựng lại với quy mô kiến trúc truyền thống, khang trang, bề thế. Mỗi năm, vào ngày giỗ ngài Thủy tổ Mai Phúc Khánh và các vị tiền nhân cũng như những dịp lễ, Tết, con cháu về tụ họp đông đủ tại nhà thờ, thắp nén hương tưởng nhớ, tri ân những người đã khuất.
 
Nhà thờ họ Mai làng Thọ Linh còn là nơi lưu giữ những di vật của tổ tiên, như: Gia phả, văn tự cổ cùng những bức hoành phi, các cặp câu đối, khám thờ, bài vị… Trong một lần ghé thăm nhà thờ họ Mai làng Thọ Linh, giáo sư Trần Quốc Vượng đã chú ý đến bộ gia phả Hán Nôm viết trước năm 1942, ghi rõ từ Thủy tổ Mai Phúc Khánh đến đời thứ 12 và cho đây là một tài sản vô cùng quý giá. Có thể nói nhà thờ họ Mai như một bảo tàng thu nhỏ của dòng họ bởi nó chứa đựng rất nhiều thông tin về dòng họ, về giá trị truyền thống văn hóa được lưu giữ.
 
Họ Mai làng Thọ Linh là một trong những dòng họ có bề dày lịch sử và truyền thống lâu đời, có nhiều bậc tướng tài, yêu nước thương dân. Trong đó, tiêu biểu có thể kể đến, như: Tiền hiền khai khẩn đức Thủy tổ Mai Phúc Khánh, tước vị Tham nghị Trác Lộc nam, một tướng tài dưới thời vua Lê Thánh Tông với công cuộc mở cõi về phương Nam, sau khi ngài mất, tưởng nhớ công đức của ngài đối với quê hương, đất nước, triều vua Khải Định (1916-1925) đã ban sắc phong cho ngài là “Đại lang Dực bảo Trung hưng linh phò Trung đẳng thần” và được phụng thờ tại đình làng Thọ Linh; hai cha con ông Cai đội Tham Đốc hầu Mai Phúc Văn và Thụy Quận công Mai Tất Phương; Lãnh binh Mai Lượng-vị lãnh tụ Cần vương chống Pháp cuối thế kỷ XIX.
 
Trải qua hơn 500 năm lịch sử hình thành và phát triển, con cháu dòng họ Mai làng Thọ Linh luôn tiếp nối và phát huy truyền thống ông cha, nhiều người đỗ đạt, thành đạt trong các lĩnh vực quân sự, khoa học, kinh tế… Từ các triều đại phong kiến, con cháu họ Mai làng Thọ Linh được vua phong các tước vị và giữ các vị trí quan trọng của triều đình, tiêu biểu, như: Mai Phúc Tín-Đô đốc Hiển Quân, Mai Tứ Long-Đô đốc đỉnh Quận công, Mai Tất Xưng-Phụ lãnh Khâm ngự tiền, Mai Trần Bá Tước-Bản phủ hiệu sinh, phụ đồng Tri phủ, Mai Chí Thụy-Quan học chánh, Hàn lâm Viện kiểm thảo... Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, con cháu dòng họ Mai tích cực tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, góp phần vào sự nghiệp giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước...
 
Trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng quê hương, đất nước, con cháu dòng họ Mai làng Thọ Linh trên địa bàn luôn tích cực đi đầu thực hiện các phong trào ở địa phương, con cháu xa quê luôn hướng về cội nguồn bằng việc đóng góp nguồn quỹ khuyến học, xây dựng nông thôn mới... Mỗi gia đình trong dòng họ đều thi đua lao động sản xuất để phát triển kinh tế gia đình, qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
 
Việc xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh đối với nhà thờ họ Mai làng Thọ Linh có giá trị trong việc giáo dục các thế hệ trẻ về truyền thống yêu quê hương đất nước, truyền thống uống nước nhớ nguồn của ông cha, từ đó, phát huy tinh thần tự lực tự cường, ý chí vươn lên trong cuộc sống, trong việc lập nghiệp cho các thế trẻ hôm nay và mai sau.
                                                                                   Anh Đào
                    (Bảo tàng Tổng hợp tỉnh)

tin liên quan

Đình Xuân Lai được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh

(QBĐT) - Sáng 30/8, Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Mai Xuân Thành cho biết, UBND tỉnh đã có Quyết định số 2425/QĐ-UBND về việc xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh đối với đình Xuân Lai, xã Xuân Thủy (Lệ Thủy).

Quảng Bình có 2 món ăn được công nhận là món ăn tiêu biểu Việt Nam

(QBĐT) - Sáng 29/9, tại TP. Hà Nội diễn ra lễ trao chứng nhận 121 món ẩm thực tiêu biểu giai đoạn I-2022 và công bố giai đoạn II-2023 Đề án "Xây dựng và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia"'. 

Vẹn tấm lòng son

(QBĐT) - Là võ tiến sĩ duy nhất quê ở Quảng Bình được khắc ghi trên văn bia Võ Miếu, kinh đô Huế, Đề đốc Lê Trực quê ở xã Thanh Thủy, nay là xã Tiến Hóa (Tuyên Hóa) luôn giữ vẹn lòng trung nghĩa bảo vệ vua Hàm Nghi và phong trào Cần Vương.