Kiến Giang "dậy sóng" mừng Tết Độc lập

  • 07:55 | Thứ Sáu, 01/09/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tháng tám, quê hương xứ Lệ rợp cờ hoa, âm vang tiếng trống, mõ, phách, tiếng mái chèo làm dậy sóng cả dòng Kiến Giang. Gần 80 năm qua, sông nước nơi đây luôn có riêng một mùa lễ hội-lễ hội đua, bơi thuyền truyền thống mừng Tết Độc lập mang đậm bản sắc văn hóa và nức tiếng gần xa.
 
Giữ “hồn cốt” làng quê…
 
Thôn Tiền Thiệp (xã Xuân Thủy, Lệ Thủy) nằm ở phía tả ngạn dòng Kiến Giang, ẩn chứa bên trong bao trầm tích văn hóa và những câu chuyện giữ “hồn cốt” đua bơi có từ xa xưa. Chuyện “cổ tích” về làng Tiền Thiệp chúng tôi được nghe kể trong một buổi sáng bên bờ sông Kiến Giang lộng gió bởi Bí thư Đảng ủy xã Xuân Thủy Nguyễn Văn Đề.
 
Ông Nguyễn Văn Đề cho biết, người làng Tiền Thiệp gốc gác là dân vùng Hà Cạn (xã Phong Thủy) di cư lên. Trước đây, họ sinh sống và mưu sinh chủ yếu dựa vào nghề đánh bắt cá trên sông Kiến Giang. Dân làng dùng cá, tôm đánh bắt được để trao đổi hàng hóa, thực phẩm phục vụ cuộc sống hàng ngày.
Nhiều trai bơi làng Tiền Thiệp có tuổi đời cao.
Nhiều trai bơi làng Tiền Thiệp có tuổi đời cao.
“Ngày trước, người dân làng Tiền Thiệp sống như những cư dân vạn đò, gần cuối những năm 60 thế kỷ trước họ bắt đầu di cư lên đất liền, neo mình bên dòng Kiến Giang cho đến hôm nay. Trải qua nhiều cuộc biến thiên, nhưng làng Tiền Thiệp vẫn còn lưu giữ được “hồn cốt” của làng quê với sự đoàn kết mà hiếm làng quê nào ở Lệ Thủy có được…”, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Thủy Nguyễn Văn Đề cho hay.
 
Trưởng thôn Tiền Thiệp Lê Thanh Nghị bắt đầu câu chuyện đua, bơi của làng bằng niềm tự hào, người Tiền Thiệp hôm nay cho dù có cuộc sống thay đổi, vẫn là những cư dân “kẻ biển, kẻ rừng”, “hồn cốt” của làng vẫn tồn tại, trường tồn cùng dòng chảy của cuộc sống, đó là sự đoàn kết, quyết tâm vươn lên.
 
“Sau một thời gian vắng bóng, năm 2014, làng Tiền Thiệp quyết định đưa đò bơi Tiền Thiệp trở lại tham gia lễ hội đua, bơi thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang. Quyết định nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo người dân của làng. Giữa bộn bề khó khăn, khi làng chỉ có 94 hộ, 360 nhân khẩu, đời sống chẳng khấm khá là bao, thì việc đóng một chiếc đò bơi mới với kinh phí cả trăm triệu đồng thật sự ngoài tầm tay. Nhưng bằng sự chung tay của trai bơi, sự nhiệt tâm đóng góp của con em xa quê, ước mong đưa con thuyền mang tên làng trở lại với dòng Kiến Giang của bao thế hệ làng Tiền Thiệp thành hiện thực…”, Trưởng thôn Tiền Thiệp chia sẻ.
 
Bởi khó khăn về kinh phí, trai bơi làng Tiền Thiệp phải ăn cơm nhà để đi bơi, không lấy tiền công như trai bơi các làng khác. Đặc biệt, làng Tiền Thiệp “neo người” nên việc huy động hơn 30 trai bơi đủ sức khỏe để tham gia là việc quá kỳ công. Làng phải huy động nhân lực từ già đến trẻ, miễn ai có sức khỏe là tham gia. Nhiều gia đình ba thế hệ ông, cha, con đều tham gia trai bơi. Trai bơi của làng người ít tuổi nhất từ 17-18, cao tuổi có năm gần thất thập, rồi con em Tiền Thiệp đi làm ăn xa ở các tỉnh phía Nam xin nghỉ việc vài ngày về quê để lo việc cùng làng…
Một góc làng Tiền Thiệp, xã Xuân Thủy, nơi luôn lưu giữ “hồn cốt” làng quê.
Một góc làng Tiền Thiệp, xã Xuân Thủy, nơi luôn lưu giữ “hồn cốt” làng quê.
Ông Nguyễn Văn Ba (SN 1963), tay chèo phách cao tuổi nhất của làng Tiền Thiệp trong mùa bơi năm nay bảo rằng: "Làng Tiền Thiệp không có trai bơi dự bị, nếu trai bơi nào có vấn đề về sức khỏe, thì những người lớn tuổi của làng phải vào bơi thay thế. Truyền thống của làng là không đặt nặng tính ăn thua và chưa bao giờ thuê trai bơi từ nơi khác đến…".
 
“Bảng vàng thành tích của trai bơi làng Tiền Thiệp, sau gần một thập kỷ trở lại đường đua là luôn xếp đầu xã Xuân Thủy, nhiều năm liền vô địch đua bơi xã; năm 2014, đò bơi của làng Tiền Thiệp đoạt hạng nhì chung kết bảng A huyện; năm 2015, tiếp tục đoạt hạng nhất chung kết bảng A huyện. Hy vọng, năm nay, trai bơi của làng sẽ giành thành tích cao…”, Trưởng thôn Tiền Thiệp thông tin.
 
Rộn rã mừng Tết Độc lập…
 
Những ngày tháng tám, khi các làng, xã hạ thủy đò bơi để tập luyện, cũng là lúc người dân Lệ Thủy bước vào mùa đua, bơi mới. Đâu đâu, người ta cũng nói chuyện đua, bơi. Tiếng mõ, tiếng phách lại vang vọng cả dòng sông Kiến Giang. Chưa đến lễ hội, nhưng hai bên bờ dòng Kiến Giang đã đông đúc người xem đò đua, bơi tập luyện.
 
“Người dân Lệ Thủy rất tự hào về quê hương của mình, tự hào về nét văn hóa đón Tết Độc lập và lễ hội đua, bơi thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang. Đối với con em xứ Lệ, Tết Độc lập dù có ở xa bao nhiêu cũng phải trở về quê để sum vầy bên gia đình, hòa vào lễ hội quê hương….”, Trưởng phòng Văn hóa- Thông tin huyện Lệ Thủy Dương Văn Bình cho hay.

Dù xa quê đã 40 năm, nhưng mỗi dịp Quốc khánh 2/9, dù bận đến mấy, đại tá, tiến sĩ (TS) Đỗ Văn Ngoan (quê xã Mỹ Thủy, Lệ Thủy), nguyên Phó trưởng Khoa Lý luận, Trường Sĩ quan Lục quân 2 (Đại học Nguyễn Huệ) cũng thu xếp để trở về quê ăn Tết Độc lập cùng gia đình. Về quê, với ông là để xem bơi, đua thuyền trên dòng sông tuổi thơ; đồng thời cảm nhận hết tình đất, tình người mộc mạc thủy chung. Hay đơn giản, về để được “úp mặt vào sông quê”…

TS. Đỗ Văn Ngoan cũng khẳng định, dù ông đã đi nhiều nơi, tiếp xúc, nghiên cứu nhiều vùng miền văn hóa nhưng không có nơi đâu trên đất nước này, người dân lại đón mừng Tết Độc lập với khí thế "sục sôi" như ở Lệ Thủy. Điều đó thể hiện bởi, nguồn gốc của lễ hội bắt nguồn từ xa xưa và đã được ông cha truyền lại cho con cháu. Và đặc biệt hơn là cách mà người Lệ Thủy mừng Tết Độc lập xuất phát từ lòng tự hào, tự tôn dân tộc…
Bơi, đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang-nét đẹp văn hóa trong Quốc khánh 2/9.
Đua,  bơi thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang-nét đẹp văn hóa mừng Quốc khánh 2/9.
Trong một lần trò chuyện, TS. Nguyễn Khắc Thái (TP. Đồng Hới) người có nhiều năm nghiên cứu lịch sử, văn hóa về lễ hội đua, bơi thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang giải thích, lễ hội có gốc gác từ văn hóa tâm linh gắn với cư dân nông nghiệp. Sơ khai là lễ “cầu đảo” với mục đích cầu cho mưa thuận, gió hòa, vụ mùa bội thu…Sau Cách mạng tháng Tám thành công, lễ hội đua, bơi thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang được tổ chức để mừng Tết Độc lập của dân tộc. 
 
TS. Nguyễn Khắc Thái cho biết, lễ hội đua, bơi thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang là một trong những di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được bảo tồn nguyên trạng, bền vững nhất so với các di sản khác. Và, lễ hội mang tính cộng đồng cao, thể hiện sự bình đẳng, gắn với văn hóa làng…
Người dân Lệ Thủy tự hào về nét văn hóa đón Tết Độc lập và lễ hội bơi, đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang.
Người dân Lệ Thủy tự hào về nét văn hóa đón Tết Độc lập và lễ hội đua, bơi thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang.
Lễ hội đua, bơi thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang-nét đẹp văn hóa trong ngày Quốc khánh đã thấm sâu vào tiềm thức, máu thịt của người dân Lệ Thủy. Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy Đặng Đại Tình cho biết: Lễ hội đã thu hút sự tham gia của hàng vạn người dân địa phương và một lượng lớn khách du lịch trong và ngoài tỉnh; đồng thời đây cũng là cơ hội để địa phương định hướng, quảng bá hình ảnh về mảnh đất, con người Lệ Thủy-quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp…
Ngọc Hải

tin liên quan

Cầu dài

(QBĐT) - Chiếc cầu ấy rất dài
Những bước chân tôi tuổi thơ 

Đá Nhảy

(QBĐT) - Vắt vào biển lặng một vai
Thì thào sóng thở ngỡ ai tự tình

"Tiếng mõ đò bơi"

(QBĐT) - Những ngày cuối tháng tám, khi dòng Kiến Giang tưng bừng với những nhịp chậm chắc nịch, tiếng gõ mõ đều đặn thúc giục và tiếng hò reo, cổ vũ sục sôi hai bên sông, thì lòng người Lệ Thủy dù ở nơi đâu cũng mong ngóng về quê hương để hòa mình vào không khí đón Tết Độc lập.