Mất mẹ rồi con hết ngây thơ...

  • 07:02 | Chủ Nhật, 27/08/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Mẹ ơi! Lại một mùa Vu lan nữa con vắng mẹ! Hôm nay con sẽ kể cho mẹ nghe câu chuyện từ tháng 8/1985, ngày con lên đường nhập ngũ. Lúc bấy giờ, dù đã tuổi hai mươi, nhưng đây là lần đầu tiên con xa nhà, xa mẹ. Con biết, mẹ thương con lắm! Lúc nào mẹ cũng sợ con gầy gò, ốm yếu, chỉ biết đam mê “thơ thẩn”, không làm nổi việc gì lớn lao. Nhưng lúc con lên xe, mẹ lại chỉ dặn mỗi câu: “Nếu nhớ mẹ, nhớ quê thì làm thơ, đừng trốn về mà mang tiếng đào ngũ”.
 
Vào một đêm cuối tháng tám, cũng là đêm rằm tháng bảy âm lịch, con một mình ngồi ngắm trăng trước cửa trại, thoảng nghe mùi hương khói theo chiều gió từ nhà dân bay đến. Con biết giờ này, mẹ cũng đang tất bật lo lễ lạt cúng rằm tháng bảy. Quê mình gọi đó là những ngày “Xá tội vong nhân”. Mẹ thường giải thích, mỗi năm đến rằm tháng bảy, Diêm Vương mở cửa ngục, nếu ông bà ta không may có tội bị giam cầm, thì đây là cơ hội để về với con cháu. Cho nên, dù kinh tế hết sức khó khăn, mẹ cũng lo sắm đủ mọi thứ để vẹn tròn báo hiếu.
 
Đang miên man suy nghĩ và nhớ mẹ vô cùng, con bỗng vẳng nghe từ lán trại trung đội bên kia, tiếng hát, cùng tiếng ghi-ta buồn buồn của một đồng đội: "...Bấy giờ mùa thu vàng lá bay bay nhiều/Khung trời từ ly mẹ đã một lần đi/Bao nhiêu đau xót nát lòng con thơ/Mẹ ơi! Yêu mến vô bờ/Trần gian sương khói bơ thờ/Mất mẹ rồi đời hết ngây thơ…”. Tiếng hát vừa hay, vừa xót xa lay động lòng người, theo ánh trăng mờ mờ, bay trên vùng đồi đầy sương, gió. Con lắng nghe mà bàn tay như nắm chặt từng ca từ: “…Mẹ hiền ơi! mùa Vu lan đã về rồi/Người ta đang say cùng đời/Hoa hồng đỏ thắm trên môi/Còn mình con, lang thang nhặt cành hoa trắng/Nghe cay đắng tìm về trong hồn/Đời mất vui khi mẹ chẳng còn...".
 
Không thể kiềm chế được nữa, con bất giác đứng dậy rồi bước về phía có tiếng hát. Đồng đội con cũng ngồi một mình với trăng trời sương gió. Tiếng hát trôi vào mê đắm của thế giới tâm linh mà con không thể tưởng tượng được: “…Tháng bảy ngày trăng mùa hiếu Vu lan về/Hoa hồng người ta cài áo sắc hồng tươi/Riêng con hoa trắng, trắng mầu xót thương/Mẹ ơi! Thương mến khôn lường/Nhìn ai mang đóa hoa hồng/Tủi phận mình mầu trắng đơn côi...”.
Minh họa: Minh Quý
                                                  Minh họa: Minh Quý
Con cứ đứng như vậy mà nghe điệp khúc mấy lần, miên man suy nghĩ mãi cũng không hiểu "Mùa hiếu Vu lan" là gì. Nhưng nghe lời hát và giọng ca đau xót, con không cầm được nước mắt. Hát xong, đồng đội con gục mặt lên cây đàn nức nở. Con ngồi xuống bên cạnh, đặt tay lên vai đồng đội an ủi. Như tìm được tri âm, bạn ấy đã kể hết sự tình. Bạn mồ côi mẹ từ nhỏ, nên hàng năm đến rằm tháng bảy lại phải cài hoa trắng. Bạn nói rằng, con quá hạnh phúc vì con còn mẹ. Con nhìn vào ngực bạn, thấy một bông hoa trắng được gấp bằng giấy. Bất ngờ, bạn rút từ túi áo ra một bông hoa đỏ, cài lên ngực con rồi nói, cậu còn mẹ, vui lắm!
 
Bạn là người Huế theo đạo Phật và đã giải thích sơ qua cho con rằng, rằm tháng bảy là mùa Vu lan báo hiếu của phật tử. Nghi lễ cài hoa báo hiếu được thực hiện ở chùa. Nếu ai còn mẹ sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo với ý nghĩa tự hào vì đang còn mẹ, các con sẽ cố gắng để mẹ luôn được an vui... Ai không còn mẹ sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng với ý nghĩa tưởng nhớ khôn nguôi về công ơn sinh thành, dưỡng dục của mẹ, dù mẹ đã khuất.
 
Ngày nay, tìm hiểu giáo lý của đạo Phật, con đã hiểu lắm rồi “Mùa hiếu Vu lan” mẹ ạ! Lễ Vu lan bắt nguồn từ câu chuyện cứu mẹ khỏi kiếp ngạ quỷ của Đại đức Mục Kiền Liên-một trong hai đại đệ tử đáng kính của Phật Thích Ca. Theo lời Đức Phật chỉ dạy, vào ngày rằm tháng bảy, ông đã nhờ sự hợp lực của các vị chư tăng mười phương, hồi hướng công đức để tiêu trừ nghiệp ác, giải thoát cho mẹ. Đức Phật cũng dạy rằng: “Chúng sinh muốn báo hiếu đối với cha mẹ cũng nên tuân theo cách làm này”. Từ đó, ngày lễ Vu lan đã ra đời và tồn tại đến ngày nay.
 
Ngoài ý nghĩa tôn giáo, lễ Vu Lan còn mang nhiều ý nghĩa sâu sắc, trở thành dịp để ghi nhớ công ơn và thể hiện lòng hiếu thảo đối với cha mẹ. Nhắc nhở mỗi người về cội nguồn dân tộc, truyền thống hiếu đạo, tôn kính tổ tiên. Ngày lễ vì thế càng trở nên nhân văn khi thể hiện được lòng hiếu kính và tinh thần đền ơn đáp nghĩa của dân tộc mẹ ạ!
 
Từ đó, không cứ là ngày rằm tháng bảy, mà mỗi sáng mai thức dậy, con đều nhẩm đọc “Kinh báo hiếu phụ mẫu trọng ân” của Đức Phật. Con còn thấm thía thêm lời Phật dạy “Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc. Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không…”.
 
Nhưng mẹ ơi! Chẳng ai cưỡng được tuổi đời. “Mẹ già như chuối chín cây/Gió lay mẹ rụng con phải mồ côi..”. Cũng đến lúc Vu lan con phải cài hoa trắng. Mẹ ra đi khi con đã quá tuổi “Tri thiên mệnh”, nhưng chỉ khi không còn mẹ trên đời con mới hiểu dòng ca từ “Mất mẹ rồi đời hết ngây thơ” trong bài hát “Tâm sự người cài hoa trắng” của Trường Khánh mà bạn con đã hát. Con dù tóc đã pha sương, nhưng khi được về gục đầu vào lòng mẹ, con vẫn là đứa trẻ thơ ngây thơ trong mắt mẹ.
 
Giờ thì mẹ yên nghỉ mẹ nhé! Xin hãy nghe con hát ru mẹ trong lễ Vu lan này: “Con ru mẹ ngủ đêm nay/tre cong nhạc lẩy trăng gầy võng đưa/mẹ nằm dưới bóng sao thưa/và đôi mắt lửa con vừa nhóm lên/ru bài con chẳng nhớ tên/mà nghe muôn thuở vọng miền đất nâu/mà nghe lửa cháy rừng sâu/mà nghe mây gió bắc cầu biển Đông…” À ơ…!
 Đỗ Thành Đồng

tin liên quan