Làng tôi, bao đời nay như thế!

  • 06:50 | Thứ Tư, 23/08/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Mũi Viết-doi đất đầu làng, nơi thờ linh vị của các bậc tiền nhân khai sinh ra làng Mỹ Lộc Thượng (xã An Thủy, Lệ Thủy) cả tháng nay lung linh sáng, hắt ánh vàng xuống dòng Kiến Giang thơ mộng.
 
Người Mỹ Lộc Thượng rộn ràng, náo nức chuẩn bị cho lễ hội đua thuyền truyền thống với những khát vọng cháy bỏng, tạo khí thế, động lực xây dựng làng quê kiểu mẫu. Đó là giá trị tinh thần và vật chất có thể thấy ngay được. Từ ông già, bà lão hay các cháu thiếu nhi, từ những người ở quê hay những người xa quê đều hứng khởi. Tôi sực nhớ câu hò khoan bà con truyền nhau trong thời gian qua: “Lộc Thượng quê ta từ nay đổi mới/Bơi đua khí thiêng có hội có phường/Đoàn kết toàn dân chung tay góp sức/Lộc Thượng quê mình hương rạng đèn chong”.
 
Thú thực, với người dân quê tôi, lễ hội mừng Tết Độc lập 2/9 diễn ra gần một tháng. Niềm vui khởi thủy và kéo dài hơn 30 ngày. Thời gian đó ấp ủ bao dự định, khát vọng... Cùng với chính quyền địa phương, ban vận động đua bơi của làng được thành lập với mục đích phát huy sức mạnh của con em làng ở quê và xa quê. Mọi người thành một khối thống nhất. Người ở làng giữ điệu hồn, người ở xa ôm hồn quê mà đau đáu, trăn trở...
 
Trong lịch sử làng ghi lại trải mấy trăng năm qua, làng có nhiều đại quan là võ sư danh tiếng, có nhiều quan văn trở thành niềm tự hào của miền Trung dưới các triều đại phong kiến. Hơn 35 đại quan chúng tôi thống kê ra từ “Ô Châu cận lục” của tiến sĩ Dương Văn An, sách “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn, sách “Quốc Triều hương khoa lục” của Cao Xuân Dục đã nói lên điều đó. Người có phẩm hàm cao nhất là ngài Võ Trọng Bình-sinh năm 1808 (năm Gia Long thứ VII) đậu cử nhân khoa Giáp Ngọ (năm Minh Mạng thứ XV 1834). Năm 1853, ông được thưởng một kim khánh hạng lớn khắc 4 chữ (Liêm, Bình, Cẩn, Cán).
 
Năm 1863, ông được thăng chức Thượng thư Bộ Lại kiêm Bộ Công sung cơ mật đại thần. Ông mất năm 1899, thọ 91 tuổi đời vua Thành Thái thứ X được tặng Hiệp biên đại học sĩ, nhất phẩm triều đình. Tài năng của ông làm chánh chủ khảo 4 khoa thi hội, chấm thi chọn trạng nguyên, thám hoa, bảng nhãn, không một sai sót để lại tiếng đời "Văn võ Bình bất trị", "Thanh liêm có Võ Trọng Bình". Còn văn thì phải kể đến tiến sĩ cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam, cụ Võ Khắc Triển đậu tiến sĩ khoa Kỷ Mùi (1919), giữ chức Tri huyện thăng Tri phủ Bổ lang trung Bộ binh kiêm Bộ hình Bổ án sát.
 
Khi tôi đang viết bài viết này, anh em trong ban vận động và một số bà con có nhắn tin: “Thầy răng chưa có động tĩnh với làng hè…”. Tôi vui lắm vì chí ít bà con nhớ đến mình. Ở làng, tôi không tham gia trọn vẹn tất cả mọi việc nhưng tôi vẫn dõi theo, vẫn động viên, cổ vũ và hạnh phúc vì sự đi lên từng ngày của làng...
 
Nhà thơ Đỗ Trung Quân từng viết “Quê hương mỗi người chỉ một”. Trong tâm thức mỗi người dân làng Mỹ Lộc Thượng, dẫu vất vả hay giàu sang, dẫu ở xa hayở quê, nhưng làng là của mỗi người... Bởi thế, dẫu ai đi khắp năm châu bốn biển, dẫu ai đi đến tận cùng của sự sung sướng nhưng lòng vẫn trăn trở nếu không được về quê trong tháng tám và dự lễ hội bơi, đua thuyền truyền thống trên dòng Kiến Giang sắp tới.
 
Có thể, trong mỗi người làng Mỹ Lộc Thượng kể từ ngày bước chân ra đi, vì nghĩa vụ, vì sinh kế, vì một nghìn lẻ một lý do... Cũng có người như tôi, chật vật bươn chải ở làng vẫn gom góp “một chút” để dành cho làng. Người có tiền ủng hộ tiền. Người có lòng thì ủng hộ bằng khí thế, tinh thần hăng say… Người làng Mỹ Lộc Thượng luôn nhớ doi đất đầu làng như hình Mũi Viết rẽ sóng lên phía mặt trời, gọi bình minh lên... Tôi tin rằng hết lứa tre này già sẽ có những búp măng lại mọc. Làng tôi bao đời nay, như thế!
Ngô Mậu Tình

tin liên quan