Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Vẹn tấm lòng son

  • 06:57 | Thứ Năm, 26/10/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Là võ tiến sĩ duy nhất quê ở Quảng Bình được khắc ghi trên văn bia Võ Miếu, kinh đô Huế, Đề đốc Lê Trực quê ở xã Thanh Thủy, nay là xã Tiến Hóa (Tuyên Hóa) luôn giữ vẹn lòng trung nghĩa bảo vệ vua Hàm Nghi và phong trào Cần Vương.
 
Lê Trực sinh năm 1841, thuở nhỏ có tên là Lê Vợn. Lên 5 tuổi, mồ côi cha, mẹ ông đành phải cho Lê Vợn đi ở với người chị ruột là bà Nguyễn Thị Hân. Ông Lê Sức, chồng bà Hân làm thủ ngự trấn ải cửa Gianh. Lê Vợn được ông Lê Sức cho học võ cùng với các con mình. Nhờ có năng khiếu, sức khỏe, Lê Vợn học rất giỏi, một mình đánh được ba người con của Lê Sức. Năm 13 tuổi, Lê Vợn được ông Lê Sức đổi tên là Lê Trực và nhận làm con nuôi. Năm 18 tuổi ông đã nổi tiếng khắp vùng.
 
Ông đã quyết định ra Thanh Hóa tìm gốc gác của mình và tìm thầy học võ. Tự Đức năm thứ 21 (1868) ông thi đỗ võ cử, tại kỳ thi hội năm Kỷ Tỵ Tự Đức năm thứ 22 (1869) đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân võ, sau được phong Phó lãnh binh thành Hà Nội. Năm 1882, khi thành Hà Nội thất thủ, ông bị triệu về kinh đô Huế, tước hết chức tước. Ông trở về với cuộc sống bình dị tại làng Thanh Thủy.
 
Ngày 13/7/1885, tức ngày mồng 2 tháng 6 năm Ất Dậu, tại căn cứ Tân Sở, Cam Lộ (Quảng Trị), vua Hàm Nghi đã ra chiếu Cần vương, kêu gọi những người yêu nước tham gia kháng chiến chống Pháp. Lê Trực đã đứng lên chiêu mộ người dân yêu nước, thành lập đạo quân Cần Vương trong vùng và được vua Hàm Nghi phong làm Đề đốc, còn người dân thường gọi ông với cái tên thân mật Đề Lê. Lúc bấy giờ, dọc lưu vực sông Gianh có 2 lực lượng quân sự của tán lý Nguyễn Phạm Tuân được vua Hàm Nghi phong chức Thượng thư và lực lượng của Đề đốc Lê Trực. Lê Trực lấy làng Thanh Thủy, quê hương ông làm căn cứ đóng quân.
 
Cuối năm 1886, Pháp cử đại úy Mouteaux đến Quảng Khê nhận nhiệm vụ tổ chức lại hệ thống đồn bốt, cầm đầu các cuộc hành quân chống lại đội quân của Lê Trực và Nguyễn Phạm Tuân.
 
Khi đạt được mục tiêu, Mouteaux bắt đầu phản công. Một mặt viên đại úy này huy động lực lượng tấn công đội quân của Nguyễn Phạm Tuân, mặt khác lại sử dụng chiêu bài vừa đánh, vừa đàm với ý đồ chiêu hàng Lê Trực. So với Nguyễn Phạm Tuân, đại úy Mouteaux hiểu được thế mạnh và sự nguy hiểm khôn lường của Lê Trực. Bởi, với tài năng, chí khí của Lê Trực đã tạo được uy tín, tầm ảnh hưởng trong vùng. Ngày 18/11/1886, Mouteaux cho công bố ngay một bản tuyên cáo đề ra 8 điều khoản kêu gọi nghĩa quân, dân chúng hai huyện Bố Trạch, Minh Hóa thuộc phủ Quảng Trạch ra hàng và phục tùng mệnh lệnh quân Pháp.
Đền thờ Đề đốc Lê Trực.
Đền thờ Đề đốc Lê Trực.
Ngày 31/12/1886, Mouteaux gửi cho đề đốc Lê Trực bức thư chiêu hàng với những lời lẽ nhẹ nhàng nhưng lại ẩn sâu trong đó lời đe dọa hết sức thâm thúy: “…Tôi cũng lấy làm tiếc báo cho ông biết, chậm nhất trong vòng 8 ngày nếu ông không ra hàng, thì tôi sẽ tiếp tục cuộc chiến. Đến Quảng Khê, ông và người của ông sẽ được đón tiếp thân mật. Tôi đã bắt tay đón chào thủ lĩnh phiến loạn tại Lèn Bạc, nay tôi được phép nói là tôi có lòng mến mộ đối với ông nhiều hơn so với thủ lĩnh kia. Ông hãy suy nghĩ thêm(1).
 
Ngày 8/1/1887, Lê Trực có thư trả lời cho Mouteaux với lời lẽ cứng rắn, khảng khái mà không kém phần lịch thiệp: “…Tôi vừa mới nhận thư của ông là một Đại úy cao quý, rộng lòng, muốn hòa bình, vui vẻ cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, vì thương cảm đối với vua của tôi, nên có lúc tôi phải lẩn tránh và có lúc tôi phải xuất hiện. Đối với tôi, tôi không ra mặt với người Pháp, cũng không ra mặt với các ông quan của vua Đồng Khánh. Khi ở Hà Nội, tôi có quân đội trong tay, tôi không đánh với người Pháp, huống hồ hiện nay(2).
 
Hay trong lá thư đề ngày 5/3/1887 gửi đại úy Mouteaux, ông viết: “Riêng tôi được các vua tiền triều ban cấp nhiều bổng lộc, lẽ nào tôi chấp nhận một sự thay đổi đối với cái trật tự để được ấn định. Nếu tôi quay mặt đi chỗ khác, hay thay đổi lời nói thì không những trên đời này tôi không xứng đáng sống trong rừng, trong núi mà sau khi tôi chết, tôi cũng phải lấy làm xấu hổ khi đứng trước các vua xưa. Bởi vậy không thể đặt vấn đề chối bỏ vua Hàm Nghi đối với tôi” (3).  
 
Nghĩa quân của Lê Trực ngày càng phát triển, địa bàn dần được mở rộng xuống chiến khu Trung Thuần, án ngự cả phủ Quảng Trạch. Áp dụng lối đánh du kích, dựa vào địa thế hiểm trở của rừng núi, nghĩa quân Lê Trực đã gây cho quân Pháp thất điên bát đảo với nhiều trận đánh, tiêu biểu như trận tập kích quân Pháp ngày 25/5/1886 tại vùng Roòn hay trận phản kích trên sông Gianh ngày 6/6/1886 ở cuối làng Thanh Thủy…
 
Nhờ thể hiện tài năng, bản lĩnh và danh tiếng của mình mà Lê Trực đã quy tụ được nhiều văn thân, hào mục trong vùng, như: Lê Mô Khởi, Mai Lượng…, hay trợ thủ Cao Thượng Chí sau này trở thành thông gia với ông, góp phần mở rộng căn cứ, bảo vệ vua Hàm Nghi từ xa. Tuy nhiên, trước sự tấn công dồn dập của quân Pháp và sự chênh lệch về vũ khí, nghĩa quân liên tiếp gặp thất bại. Cộng với bệnh tật, lương thực thiếu thốn, khiến nghĩa quân không chịu nổi cảnh đói khổ, quân số ra hàng ngày càng nhiều. Lê Trực lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, nhưng vẫn một lòng trung nghĩa với vua Hàm Nghi. Ông vừa rút sâu vào rừng núi bảo toàn lực lượng để hoạt động, tìm cách bảo vệ nhà vua, vừa tìm cách chiêu mộ thêm nghĩa quân nhằm củng cố lực lượng.
 
Đầu tháng 11/1888, Trương Quang Ngọc, một thủ hạ thân cận đã phản bội, bắt vua Hàm Nghi giao cho thực dân Pháp. Vua Hàm Nghi, linh hồn của phong trào Cần Vương bị đưa đi an trí ở Algérie khiến cho ý chí, tinh thần chiến đấu của nghĩa quân giảm sút, phong trào nhanh chóng rơi vào thoái trào. Nghĩa quân từ chỗ hơn 2.000 người, phần bị quân Pháp giết chết, phần do đói khổ, bệnh tật, không qua khỏi, chỉ còn hơn trăm người. Nhằm tránh đổ máu và sự trả thù tàn bạo của quân Pháp, ngày 17/11/1888, Lê Trực dẫn nghĩa quân ra hàng.
 
Sách Đại Nam thực lục đã chép lại sự kiện này: “Tháng 11, người đứng đầu giặc là Lê Trực đem hơn 100 người trong bọn và súng ống, khí giới, đến đồn Thuận Bài đầu thú (có đủ giấy tờ). Viện thần cho Trực đường cùng ra thú, vẫn tự không biết, xem lời lẽ trong giấy tờ có ý ngạo xược (Trực viết hàm của ngụy, không viết niên hiệu-ý là vua Hàm Nghi), bàn với viên toàn quyền, có xử trí riêng…” (4).
 
Theo ông Lê Duy Từ (87 tuổi), hậu duệ đời thứ 5 của Lê Trực cho biết, những năm cuối đời, ông ăn uống rất đạm bạc, không gì ngoài chuối và nước lã. Mỗi lần tâm sự nhắc lại chuyện cũ với con cháu, nước mắt ông tuôn rơi, rất thương nhớ nghĩa quân. Vì theo ông đánh Pháp, bảo vệ nhà vua phải nếm mật nằm gai, đói khổ, áo quần rách rưới, tả tơi mà vẫn chưa làm nên nghiệp lớn.
 
Trước sự rủ rê, mua chuộc, đe dọa của quân Pháp, ông tìm cách khước từ, giữ vẹn tấm lòng son sắt, trung nghĩa bảo vệ vua Hàm Nghi. Dẫu phong trào Cần Vương thất bại, ông vẫn luôn giữ vững khí tiết, bản lĩnh của mình khiến cho kẻ thù hết sức khâm phục, kính trọng. Lê Trực xứng đáng là võ tướng xuất sắc của phong trào yêu nước trong những năm đầu chống thực dân Pháp xâm lược
Nhật Linh
 
(1), (2), (3). B.A.V.H, Những người bạn cố đô Huế, NXB Thuận Hóa, tập XXXI (năm 1944), tr.132; tr.87-88, tr.133. 
(4). Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 9, NXB Hà Nội, Hà Nội, năm 2022, tr.442.

tin liên quan

"Tiếng mõ đò bơi"

(QBĐT) - Những ngày cuối tháng tám, khi dòng Kiến Giang tưng bừng với những nhịp chậm chắc nịch, tiếng gõ mõ đều đặn thúc giục và tiếng hò reo, cổ vũ sục sôi hai bên sông, thì lòng người Lệ Thủy dù ở nơi đâu cũng mong ngóng về quê hương để hòa mình vào không khí đón Tết Độc lập.

Đình Xuân Lai được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh

(QBĐT) - Sáng 30/8, Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Mai Xuân Thành cho biết, UBND tỉnh đã có Quyết định số 2425/QĐ-UBND về việc xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh đối với đình Xuân Lai, xã Xuân Thủy (Lệ Thủy).

GS.TS. Đặng Đình Đào: Nhà khoa học trọn đời cống hiến

(QBĐT) - Quảng Bình đầy nắng và gió, nhưng cũng là một vùng đất địa linh nhân kiệt, đã sản sinh ra nhiều người con tài giỏi cho đất nước. Có nhiều người trở thành nhà khoa học, tấm gương sáng với những đóng góp to lớn cho nước nhà. GS.TS.NGƯT Đặng Đình Đào là một trong những người con ưu tú đó. Ông đã gần như dành trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp trồng người và nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển đất nước.