Danh nhân Nguyễn Thế Trực là tác giả của "Sứ trình thi tập"

  • 07:21 | Thứ Sáu, 11/08/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Học giả Đài Loan GS.TS. Trần Ích Nguyên đã tìm thấy tác giả thực sự của “Sứ trình thi tập” triều Tây Sơn, đó chính là danh nhân người Quảng Bình Nguyễn Thế Trực. Vừa qua, ông cùng các cộng sự và tộc trưởng Nguyễn Thế Hoàn của gia tộc Nguyễn Thế đã đến thăm khu mộ danh nhân Nguyễn Thế Trực và trao lại bản sao tác phẩm “Sứ trình thi tập” cùng nghiên cứu của ông cho gia tộc Nguyễn Thế lưu giữ.
 
Được biết, “Sứ trình thi tập” gồm 150 bài thơ chữ Hán, còn có học giả Trung Quốc suy đoán rằng thi tập này có khả năng không phải của chỉ một người hoàn thành, mà một vị tác giả trong đó là “từng cùng đi sứ với Nguyễn Đề”, hoặc “rất có thể là thành viên trong đoàn đi sứ nhà Thanh với Nguyễn Đề”. Nguyễn Đề từng đi sứ nhà Thanh hai lần vào các năm 1789 và 1795, cùng lúc để lại tiền tập và hậu tập của “Hoa trình tiêu khiển tập”.
 
GS.TS. Trần Ích Nguyên sau khi đã đối chiếu kỹ tác phẩm của Phan Thanh Giản và Nguyễn Đề, xác định rõ ràng tác giả khuyết danh triều Tây Sơn của “Sứ trình thi tập” tuyệt đối không phải là Phan Thanh Giản, cũng không phải là người đi sứ cùng Nguyễn Đề. Theo nghiên cứu của ông, người đi sứ cùng với tác giả của “Sứ trình thi tập” rất có khả năng là Ngô Thì Nhậm (1746-1803) từng phụng mệnh đi sứ nhà Thanh để cầu phong vào năm Cảnh Thịnh nguyên niên (1793) triều Tây Sơn.
 
Một chứng cứ xác thực khác là “Ngụy Tây liệt truyện” trong “Đại Nam chính biên liệt truyện sơ tập” quyển 30 có đoạn ghi chép quan trọng như sau:
 
“(Quang Trung ngũ niên, 1792) cửu nguyệt nhị thập cửu nhật, Huệ tử, tiếm vị ngũ niên, niên tài tứ thập, Thái tử Quang Toản tự ngụy vị. Thập nguyệt, táng vu Hương giang chi nam, ngụy thụy Thái tổ vũ hoàng đế. (Cảnh Thịnh nguyên niên, 1793) khiển Thị trung Đại học sĩ Ngô Nhâm, Hộ Bộ Tả đồng nghị Nguyễn Viết Trực, Hộ Bộ Tả thị lang Nguyễn Văn Thái như Thanh cáo ai...”.
 
(Tạm dịch nghĩa: “(Năm thứ 5 đời vua Quang Trung, 1792) ngày 29 tháng 9, vua chết, ở ngôi 5 năm, khi chết mới có 40 tuổi, Thái tử Quang Toản lên kế vị. Tháng 10, táng ở phía nam sông Hương, tên thụy Thái tổ Vũ hoàng đế. (Năm Cảnh Thịnh thứ nhất, 1793) phái quan Thị trung Đại học sĩ Ngô Nhâm, Tả đồng nghị bộ Hộ Nguyễn Viết Trực, Tả thị lang bộ Hộ Nguyễn Văn Thái đi sứ nhà Thanh báo tang...”.
GS.TS. Trần Ích Nguyên cùng đoàn chuyên gia và hậu duệ của cụ Nguyễn Thế Trực tại mộ cụ.
GS.TS. Trần Ích Nguyên cùng đoàn chuyên gia và hậu duệ của cụ Nguyễn Thế Trực tại mộ cụ.
Chỗ trên chép “Ngô Nhâm” tức cách viết kị húy của “Ngô Thì Nhậm”. Vậy thì, Giáp phó sứ Nguyễn Viết Trực và Ất phó sứ Nguyễn Văn Thái cùng đi với Ngô Thì Nhậm thì vị nào mới có khả năng là tác giả của “Sứ trình thi tập”? Do bởi ngoài đoạn ghi chép ngắn như trên ra thì tên họ của hai người Nguyễn Viết Trực và Nguyễn Văn Thái cũng không thấy xuất hiện nữa. Trước tình hình khuyết thiếu về tư liệu, hai vị này đều có khả năng là tác giả của “Sứ trình thi tập”.
 
Để giải quyết câu đố này một cách triệt để, GS.TS. Trần Ích Nguyên đã tốn rất nhiều thời gian truy tìm dấu vết tư liệu và tiến hành điều tra thực tế, cuối cùng gần đây đã có được phát hiện mới nhất.
 
Theo TS. Nguyễn Thị Tâm Hạnh trong bài viết “Quốc Tử Giám Đốc học Nguyễn Thế Trực-Người làm quan trải ba triều đại (Chúa Nguyễn-Tây Sơn-Nguyễn)”, Nguyễn Viết Trực chính là Nguyễn Thế Trực (1745-1807), đây là đầu mối quan trọng trong việc xác nhận tác giả thực sự của “Sứ trình thi tập”.
 
Trước năm 2006, TS. Nguyễn Thị Tâm Hạnh tiến hành điền dã tại thôn Lộc An, xã An Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình (trước là xã Lộc An, huyện Quang Lộc, phủ Quảng Thuận) và tiếp xúc với “Nguyễn Thế gia phả” của dòng họ Nguyễn Thế. Gần đây, với sự giúp đỡ của tộc trưởng Nguyễn Thế Hoàn, con cháu đời thứ 14 dòng họ Nguyễn Thế ở thôn Lộc An, xã An Thủy, GS.TS. Trần Ích Nguyên đã nắm được tài liệu nguyên cấp về bản chép tay của thánh chỉ và sắc phong, được biết tổ tiên đời thứ 8 là Nguyễn Thế Trực (tức Nguyễn Viết Trực) của dòng họ Nguyễn Thế tại xã Lộc An, huyện Lệ Thủy đã từng làm quan đảm nhận nhiều vị trí quan trọng trải ba triều đại Chúa Nguyễn, triều Tây Sơn và triều Nguyễn.
 
Chứng cứ quan trọng nhất chính là Nguyễn Thế Trực (tức Nguyễn Viết Trực) ngày 19 tháng 10 đời vua Quang Trung năm thứ 2 (1789) đến ngày 15 tháng 10 đời vua Quang Trung năm thứ 5 (1792) triều Tây Sơn từng làm quan đến chức Hiệp trấn tại “Sơn Nam thượng xứ” và bài thơ thứ 3 trong “Sứ trình thi tập” là “Quá Sơn Nam thượng trấn hữu hoài”, phía dưới có chú rằng “Tiền lưu nhậm tại thử” (Trước từng nhậm chức tại đây), thơ viết:
 
“Đông mạnh trung tuần phương viễn bộ, xuân sơ hạ viện sấn hành tinh.
Cửu thiên hạnh mộc tân vinh sủng, nhất cảnh do tri cựu tính danh.
Liêu hữu tiếu đàm bi hỉ tứ, lại dân nghênh tống thủy chung tình.
Khẳng vi nhi nữ tương lưu luyến, thiết hiệu vi lao đáp thánh minh.”
 
Theo khảo cứu, “Sơn Nam thượng trấn” nay là tỉnh Hà Nam, Hưng Yên và (một phần) Hà Tây của miền Bắc Việt Nam, từ nội dung của bài thơ này có thể thấy, một năm trước (1792) nhà thơ “đông mạnh trung tuần” (vào giữa tháng 10) mới rời khỏi vị trí “Sơn Nam thượng xứ hiệp trấn”, không ngờ rằng đầu mùa xuân năm sau đó (1793) ông lại phụng mệnh đi sứ qua nơi này. Quan viên địa phương và dân chúng đương nhiên vẫn còn nhớ ông, phần vì chia sẻ ông thân vinh dự là đặc sứ của quận vương, phần cũng vì cảm thấy đau lòng thay ông vì sự mệt mỏi vất vả trên đường đi sứ. Vậy thì, vị thi nhân sứ giả “Trước từng nhậm chức tại đây” này là ai? Đáp án cuối cùng đã rõ ràng: Hộ Bộ Tả đồng nghị Nguyễn Viết Trực (tức Nguyễn Thế Trực), ông đúng là tác giả thực sự của “Sứ trình thi tập”!
 
GS.TS. Trần Ích Nguyên cho biết, Cảnh Thịnh nguyên niên (1793) triều Tây Sơn, Chánh sứ đi sứ nhà Thanh Ngô Thì Nhậm có sáng tác “Hoàng hoa đồ phả”, Giáp phó sứ Nguyễn Viết Trực (tức Nguyễn Thế Trực) cũng viết “Sứ trình thi tập”, lưu lại những ghi chép đáng quý về hoạt động ngoại giao và giao lưu văn học giữa Việt Nam và Trung Quốc. Nay việc khảo biện tác giả khuyết danh triều Tây Sơn của “Sứ trình thi tập” đã hoàn thành và xác định thân phận thực sự của tác giả thi tập này, đồng thời cũng giúp dòng họ Nguyễn Thế ở huyện Lệ Thủy tìm thấy hơn 200 di tác của tổ tiên đời thứ 8 là Nguyễn Thế Trực, có thể coi là phát hiện mới quan trọng về danh nhân lịch sử và di sản văn hóa tỉnh Quảng Bình. Được biết, “Sứ trình thi tập” sẽ được biên dịch và xuất bản bằng tiếng Việt trong thời gian tới, nhằm giới thiệu cho độc giả toàn Việt Nam biết đến một vị danh nhân quan trọng của tỉnh Quảng Bình và của Việt Nam.
Thùy Trang-Nguyên Ninh

tin liên quan

Nhiếp ảnh và du lịch-Lương duyên tương tác

(QBĐT) - Chúng ta ắt hẳn vẫn còn nhớ bức ảnh "Nụ cười Việt Nam" do nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Quốc Khánh chụp chân dung nghệ sĩ múa Phan Thị Như Quỳnh của Đoàn Nghệ thuật truyền thống Quảng Bình cách đây gần 30 năm. 

Tuổi trẻ Đồng Hới: Số hóa di tích lịch sử, quảng bá văn hóa, du lịch

(QBĐT) - Thời gian qua, các cấp bộ đoàn thành phố đã có nhiều công trình, phần việc thiết thực, ý nghĩa trong số hóa các thông tin về du lịch, di tích lịch sử trên địa bàn.

Bồi dưỡng "Kỹ năng viết tin bài đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch"

(QBĐT) - Sáng 9/8, Báo Quảng Bình phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí Hội Nhà báo Việt Nam khai giảng lớp bồi dưỡng "Kỹ năng viết tin, bài đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch".