Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường tự bạch

  • 07:27 | Thứ Tư, 02/08/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường sinh ngày 9/9/1937, quê quán xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, Quảng Trị, vừa qua đời tại TP. Hồ Chí Minh ngày 24/7/2023.
 
Ông từng dạy học, tham gia phong trào học sinh, sinh viên chống Mỹ và chính quyền Sài Gòn, đòi độc lập, thống nhất Tổ quốc. Ông từng hoạt động ở chiến khu Trị Thiên; từng là Tổng Thư ký, Chủ tịch Hội Văn học-Nghệ thuật Bình Trị Thiên (cũ), Tổng Biên tập Tạp chí Cửa Việt (Quảng Trị).
 
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường là tác giả: Ngôi sao trên đỉnh Phu Văn Lâu (bút ký, 1971), Những dấu chân qua thành phố (thơ, 1976), Rất nhiều ánh lửa (ký, 1979), Ai đã đặt tên cho dòng sông (bút ký, 1984), Bản di chúc cỏ lau (truyện ký, 1984), Người hái phù dung (thơ, 1992), Hoa trái quanh tôi (bút ký, 1995), Miền gái đẹp (nhàn đàm, 2001), Trịnh Công Sơn và cây đàn lya của hoàng tử bé (bút ký, 2005)… Ông đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (1980-1981) với tác phẩm Rất nhiều ánh lửa, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007...
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.

 

Trong một buổi trò chuyện thân tình với tôi khi nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường chưa bị tai biến, ông tâm sự: “Cho đến khi trở thành nhà văn, tôi có lợi thế là một nhà báo trực tiếp tham gia kháng chiến. Suốt trong thời gian tham gia kháng chiến, với nghề làm báo, tôi đã được đi đây đi đó trên địa bàn hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị, được tiếp xúc nhiều với những con người đã sống trong lòng địch hoặc đã làm nên những chiến công. Suốt trong thời gian ấy, đế quốc Mỹ đã tung ra một sức mạnh bạo liệt nhất, quyết đè bẹp dân tộc ta; và ta cũng đối chọi lại bằng sức mạnh kiên quyết nhất để tồn tại. Tôi đã được nghe, được thấy những sự việc, những thông tin đáng giá nhất về cuộc  chiến tranh Việt Nam. Như vậy, trong tôi đã hình thành được một thể loại văn học gọi là bút ký. Bút ký là thể loại văn học đòi được tường thuật lại thực tế đã xảy ra và rất gần với hiện thực cuộc sống.
 
Khi tôi quyết định chọn thể ký để viết văn thì cũng là lúc thể loại văn học này đang bị “thất sủng”. Một số nhà phê bình có tên tuổi viết bài công kích thể loại văn học này. Họ bảo rằng ký không “phục vụ kịp thời” so với những mẩu tin báo chí hoặc những bài phóng sự; cũng không giàu tính truyền cảm và tính điển hình so với truyện ngắn, tiểu thuyết. Nói tóm lại, theo họ ký chỉ là một loại “văn chương thứ cấp”.
 
Giữa lúc ấy bỗng xuất hiện tác phẩm Một trận đánh của tác giả Nguyễn Sinh-Vũ Kỳ Lân làm xôn xao dư luận. Tác giả đã mạnh dạn thuật lại một một trận đánh thất bại của quân ta-điều mà trước đây không ai nói đến. Nhưng chính từ thất bại mà họ đúc rút được kinh nghiệm và cuối cùng họ đã chiến thắng. Tác phẩm này đã phần nào giải tỏa cho tôi: Phải viết theo cảm xúc chân thực của mình, không nên viết theo “mệnh lệnh”. Từ đó tôi lựa chọn  một cách viết bút ký riêng. Sau một vài phác thảo, có thể xem bút ký Như con sông từ nguồn ra biển là thành công bước đầu của tôi và gắn chặt tôi với thể loại văn học này”.
 
Khi được hỏi về thiên bút ký Ai đã đặt tên cho dòng sông, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường cho biết: “Trong việc đi lại hàng ngày, tôi có dịp tiếp xúc với sông Hương và thấy tận mắt những biến ảo trên từng đoạn của nó. Tất cả có thể vẽ thành một dòng sông nguyên vẹn nếu như chắp nối từng đoạn ấy với nhau. Trước năm 1975, có một lần tôi đứng nhìn sông Hương trên cầu Trường Tiền. Mặt sông Hương bằng phẳng, tỏa rộng ra và trôi vào bóng tối; có đôi chỗ phập phồng trong làn gió nhẹ như một tà áo lụa và cứ trùng trình như tâm trạng đi không đành trong tình yêu của con sông đối với kinh thành. Tất cả vẻ đẹp ấy cứ vang lên trong tâm hồn tôi thành một nốt nhạc của tình khúc... Tôi chợt nảy ra một ý định tái hiện lại cái khoảnh khắc kỳ ảo ấy của sông Hương. Đó là một lời hứa với dòng sông mà chừng nào chưa thực hiện được thì lòng tôi vẫn băn khoăn, day dứt khôn nguôi.
 
Tôi có một chị bạn (Việt kiều ở Thụy Sĩ) mua một ngôi nhà ở gần Văn Thánh để chuẩn bị về quê. Chị có tổ chức một đêm nhạc Cung Trầm Tưởng. Người đến dự phần lớn là những trí thức Huế. Chị C.H. có giọng hát véo von, lanh lảnh, cuốn hút người nghe. Giọng hát của chị ngân vang trên nền đá cẩm thạch của sự im lặng... Ngoài vườn, ánh trăng lọt qua những cành lá, khiến cho bóng đêm có vẻ như chia thành nhiều tầng, nhiều mảng... Con đường nhỏ, những cây dừa cao dọc bờ nước, cồn đất hoang xa xa... tất cả đã khiến cho con sông Hương dường như mang nhiều ý tứ khác nhau. Bỗng nhiên từ đâu vang lại một tiếng động khẽ nhưng rất rõ ràng như một tiếng thở dài. Tôi cảm thấy như có một vị khách không mời, đang nép mình trong bóng tối, dưới mái hiên sau. Người khách ấy tôi nghĩ chẳng phải là ai khác mà chính là sông Hương.
 
Vâng, sông Hương đã trải qua cả ngàn đêm âm nhạc từ những du thuyền trên sông của giới quý tộc xưa đến những đêm nhạc thính phòng như ở căn nhà mới của chị C.H. hiện tại... Sông Hương đã nghe thấy, đã lưu giữ những cảnh ấy, những tình ấy... Sông Hương mang trong dòng chảy lững lờ một nét tâm sự của nghìn năm. Sáng ngủ dậy, qua cửa kính phòng khách, tôi thấy sông Hương là một dòng bình yên, thanh thản và vô tận như một nét vĩnh hằng. Nhớ lại những điều đã xảy ra trong đêm hôm qua, tôi thầm nghĩ: Xin cảm ơn người đã đem cuộc đời mình dệt thành tâm hồn của tôi. Cảm ơn sông Hương!
 
Tôi sẽ vẽ chân dung người trong một nét ký hoạ. Thiên bút ký Ai đã đặt tên cho dòng sông như là món quà nhỏ thay cho một chút lòng thành. Đây là bút ký dài nhất và tâm huyết nhất của tôi về Huế. Tôi đã mang cả tâm huyết vẽ nên một dòng sông y như nó vốn có. Dòng sông của văn hóa, lịch sử, huyền thoại... Đó là một thứ tài sản tôi muốn gửi lại cho thế hệ mai sau với lời nhắn gửi: Sông Hương như một viên ngọc quý mà thiên nhiên đã ban tặng cho Huế. Hãy bảo vệ vẻ đẹp ấy để nó trường tồn mãi mãi, đừng tham vọng tác động làm thay đổi nó dù điều này không phải dễ...”.
                                                                   Mai Văn Hoan (ghi chép)

tin liên quan

Đình Xuân Lai-"Chứng nhân" lịch sử bên sông

(QBĐT) - Nằm phía tả ngạn sông Kiến Giang, làng Xuân Lai (xã Xuân Thủy, Lệ Thủy) luôn tự hào bởi những mạch nguồn văn hóa truyền thống vẫn thao thiết chảy giữa những xô bồ của cuộc sống hiện đại. 

Nhiếp ảnh và du lịch-Lương duyên tương tác

(QBĐT) - Chúng ta ắt hẳn vẫn còn nhớ bức ảnh "Nụ cười Việt Nam" do nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Quốc Khánh chụp chân dung nghệ sĩ múa Phan Thị Như Quỳnh của Đoàn Nghệ thuật truyền thống Quảng Bình cách đây gần 30 năm. 

Sông ơi!

(QBĐT) - Chẳng nhẽ lội xuống sông để gánh mây về
bằng đôi vai ký ức
sông ơi, ta mang trong ngực
ngổn ngang thương nhớ đôi bờ