Nhiếp ảnh và du lịch-Lương duyên tương tác

  • 08:04 | Thứ Bảy, 29/07/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Chúng ta ắt hẳn vẫn còn nhớ bức ảnh “Nụ cười Việt Nam” do nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Vũ Quốc Khánh chụp chân dung nghệ sĩ múa Phan Thị Như Quỳnh của Đoàn Nghệ thuật truyền thống Quảng Bình cách đây gần 30 năm. Với chiếc nón lá hiền lành và nụ cười cởi mở, bức ảnh được chọn làm biểu tượng quảng bá cho Chương trình hành động quốc gia về du lịch năm 2000 kèm slogan “Việt Nam-Điểm đến của thiên niên kỷ mới”. Bức ảnh ấy được dựng khắp nơi trên đất nước và đã tạo hiệu ứng hết sức tích cực trong công chúng.
 
Theo Tổng cục Du lịch, ngay sau sự kiện phát động chương trình hành động quốc gia về du lịch với bức ảnh biểu tượng “Nụ cười Việt Nam”, lượng khách quốc tế đến du lịch Việt Nam tăng dần. Điều đó chứng tỏ, công tác quảng bá bằng hình ảnh đã góp phần quan trọng trong kích cầu du lịch. Động Phong Nha cũng vậy, khoảng hơn 30 năm trở về trước, Phong Nha chỉ biết đến qua lời kể của nhân dân trong vùng, đó là một cái hang có nhiều nhũ đá đẹp. Đẹp như thế nào thì chưa ai tả được. Chỉ đến khi các NSNA, phóng viên của báo, đài truyền hình, thắp đuốc, chèo thuyền vào bên trong để chụp ảnh, quay phim thì “ nội thất” của Phong Nha mới được công chúng biết đến rộng rãi hơn và du khách đến với Phong Nha-Kẻ Bàng (PN-KB) ngày càng đông.
 
Trong một số trường hợp khác, nhiếp ảnh còn có tính phát hiện và giới thiệu, ví như bức ảnh chụp cảnh bến nước bên bờ sông Kiến Giang với cây hoa bún đang kỳ nở rộ của tác giả Bùi Cường. Chỉ là bến nước thân quen các bà, các chị thường ra giặt chiếu hay các bác, các anh khỏa chân sau buổi làm đồng nhưng khi vào tác phẩm nghệ thuật và được quảng bá thì nơi đó lập tức trở thành điểm đến của nhiều người.
 
Một tấm ảnh có thể làm cho hàng ngàn người quan tâm đến nơi vốn trước đó ít ai biết đến, vì tác phẩm ấy đã kích thích tính khám phá, tính chinh phục, tính tin cậy trong mỗi con người. Xem bức ảnh đẹp hang động PN-KB, rừng Động Châu-khe Nước Trong, hang Tiên, sông Chày, hang Tối… sẽ làm dấy lên trong mỗi người khát vọng khám phá và chinh phục. Đó gọi là quảng bá du lịch thành công. Nhắc lại vài điều nho nhỏ như vậy chỉ để nói rằng, nhiếp ảnh và du lịch tự nhiên có mối lương duyên tương tác với nhau hết sức hiệu quả.
 
Nghệ thuật nhiếp ảnh ra đời muộn hơn so với các loại hình nghệ thuật khác nhưng lại là hình thức hoạt động mang tính quần chúng rộng rãi nhất. Chính vì vậy, trong mỗi tấm ảnh nghệ thuật, hình ảnh nhưng không chỉ là hình ảnh mà người xem còn đọc được cả chiều sâu văn hóa, đặc trưng tâm lý, mức độ tình cảm và triết lý nhân sinh. Ảnh là nguồn tư liệu cuộc sống trung thực, chính xác, nguồn thông tin có độ tin cậy cao. Nhiếp ảnh có thể mang cả thế giới tươi đẹp đặt trước mặt bạn. Có nhiều bức ảnh được chụp bởi nhãn quan, tâm hồn và cảm xúc của người nghệ sĩ trước khi bức ảnh đó là một sản phẩm quảng bá. Điển hình như các bộ ảnh về hang động của NSNA Nguyễn Hải, bộ ảnh đồi cát Quang Phú của NSNA Hoàng An…
Đồi cát Quang Phú. Nguyễn Văn Hải
                  Đồi cát Quang Phú.                          Ảnh: Nguyễn Hải

Thông qua tác phẩm của mình, các NSNA đã góp phần quan trọng thu hút sự quan tâm của công chúng đến những danh lam thắng cảnh, nét đẹp văn hóa của quê hương theo cách riêng, cụ thể, thiết thực và hiệu quả. Họ đã mang đến nguồn năng lượng tích cực cho du lịch Quảng Bình. Nhiếp ảnh có năng lực định hướng du lịch bởi sự phát hiện của nó và không có sự quảng bá nào thiết thực bằng sự tiếp cận đối tượng bằng hình ảnh cụ thể. 

Ở trên góc nhìn văn hóa, nhiếp ảnh có ý nghĩa lớn trong giữ gìn, phát huy và giới thiệu các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của quê hương, đất nước. Trong thời đại mọi mặt kinh tế, văn hóa, xã hội chuyển động không ngừng, sự biến mất và ra đời của các giá trị văn hóa diễn ra liên tục thì đây thực sự là một hình thức lưu giữ tư liệu văn hóa, lịch sử đáng tin cậy, là cầu nối bền vững giữa quá khứ với hiện tại và tương lai.

Thông qua đó sẽ hun đúc tình yêu và niềm tự hào đối với truyền thống quê hương của nhiều thế hệ, đồng thời lan tỏa nó như một sản phẩm du lịch đặc trưng ở mỗi vùng đất. Nếu như không có ảnh, dù có mô tả thế nào chúng ta cũng không hình dung ra được những nét đặc sắc của từng vùng đất, từng lễ hội. Phát triển du lịch ở một địa phương nào cũng cần phải có hơi thở cuộc sống, bề dày văn hóa và chủ nhân của vùng đất đó thì mới đạt đến sự bền vững. Cái riêng biệt, không trộn lẫn, không lặp lại mới là sự hấp dẫn của du lịch. Nhiếp ảnh sẽ mang thông điệp đó đến với du khách và kéo họ tới Quảng Bình.

Hàng năm, bên cạnh việc tự đăng tải tác phẩm của mình trên các báo, tạp chí trong tỉnh và cả nước, các NSNA Quảng Bình thường xuyên tham gia triển lãm ảnh quốc gia, liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực, liên hoan ảnh nghệ thuật quốc tế và các cuộc thi do một số bộ, ban, ngành, địa phương tổ chức. Phần lớn tác phẩm của họ đều quảng bá hình ảnh quê hương Quảng Bình tươi đẹp, con người Quảng Bình hồn hậu mến khách. Ngành Du lịch Quảng Bình cũng đã tổ chức cuộc thi “Ảnh đẹp du lịch Quảng Bình” lần thứ I với chủ đề “Quảng Bình, thiên đường khám phá và trải nghiệm” hay lồng ghép giới thiệu hình ảnh Quảng Bình trong các hội nghị, chương trình xúc tiến quảng bá hay hội chợ du lịch.
 
Đặc biệt, các công ty du lịch đã phối hợp khá chặt chẽ với các NSNA trong kích cầu du lịch. Họ thường xuyên mời NSNA tham gia nhiều chuyến khảo sát tour, tuyến mới hay chụp ảnh quảng bá cho các sản phẩm du lịch của mình. Rừng Động Châu-khe Nước Trong là một dẫn chứng cụ thể. Bộ ảnh của NSNA Nguyễn Hải lần đầu tiên chụp lại hành trình vượt thác và trải nghiệm cuộc sống trong rừng đã mang lại sự hưởng ứng tích cực trong công chúng. Tiếp theo là sự lan tỏa từ mạng xã hội... Hình ảnh tốt có tính hấp lực cực mạnh đã kích thích mọi người “hãy xách ba lô lên và đi”. Với những hoạt động thầm lặng của mình, mỗi NSNA Quảng Bình thực sự là một đại sứ du lịch.
 
Nhìn chung thời gian qua, hoạt động quảng bá du lịch bằng hình ảnh ở Quảng Bình đã thu được những kết quả khá khả quan. Tuy nhiên, ngành Du lịch vẫn chưa khai thác hết thế mạnh của nhiếp ảnh và đặt nhiếp ảnh đúng vị trí của mình trong chuỗi hoạt động này, người nghệ sĩ hoạt động chủ yếu bằng tinh thần đam mê của mình, thích đề tài gì thì chụp đề tài đó. Cả hai bên, ngành Du lịch và người sáng tác chưa có sự phối hợp thường xuyên.
 
Hy vọng sắp tới, nhiếp ảnh và du lịch Quảng Bình sẽ có sự gắn kết chặt chẽ hơn, NSNA và tác phẩm nhiếp ảnh được đặt đúng vị trí và vai trò trong tổng quan du lịch để cùng góp phần thúc đẩy “ngành công nghiệp không khói” của tỉnh nhà phát triển mạnh mẽ hơn. 
Trương Thu Hiền

tin liên quan

Quảng Bình muôn vẻ

(QBĐT) - Được ví như dòng sông Mạ (mẹ), Linh giang (sông Gianh) bao dung, hào sảng dưỡng nuôi một bộ phận cư dân sống bằng nghề chài lưới.

Sông ơi!

(QBĐT) - Chẳng nhẽ lội xuống sông để gánh mây về
bằng đôi vai ký ức
sông ơi, ta mang trong ngực
ngổn ngang thương nhớ đôi bờ

Minh Hóa: Nâng cao nhận thức về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số

(QBĐT) - Tối 26/7, Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với UBND huyện Minh Hóa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ, báo cáo kết quả xây dựng câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian tại các thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi xã Thượng Hóa (Minh Hóa).