Người "thổi hồn" cho vỏ trứng

  • 08:12 | Thứ Bảy, 05/08/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Bằng sự khéo léo, sáng tạo và niềm đam mê đặc biệt, họa sĩ Nguyễn Quốc Vượng (SN 1979, ở thôn Văn La, xã Lương Ninh, Quảng Ninh) đã “thổi hồn” vào những chiếc vỏ trứng tưởng chừng như bỏ đi thành các tác phẩm nghệ thuật sống động, đặc sắc. Tranh vỏ trứng của anh là sự kết hợp tinh tế của lối tư duy nghệ thuật độc đáo, đôi bàn tay tài hoa và những xúc cảm thẩm mỹ của một người nghệ sĩ đa tài, cá tính luôn tìm kiếm những điều mới mẻ. Đó cũng chính là “chất liệu kết tinh” để anh ấp ủ sáng tạo nên tác phẩm “Vị tướng vì hòa bình”, nhân dịp kỷ niệm 112 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
 
Chọn lối đi riêng
 
Phòng tranh của họa sĩ Nguyễn Quốc Vượng nằm trên đường Phó Đức Chính, phường Phú Hải (TP. Đồng Hới). Đó là thế giới riêng để anh mặc sức thỏa mãn đam mê với nghệ thuật. Ban đầu, chúng tôi tìm đến anh để tìm hiểu về nghệ thuật viết thư pháp, nhưng khi bước vào đây, những bức tranh được làm từ vỏ trứng ngay lập tức thu hút chúng tôi.
 
Anh Nguyễn Quốc Vượng kể, năm 2020, trong một lần đi ăn sáng, tình cờ thấy những chiếc vỏ trứng nằm lăn lóc trong giỏ rác, anh chợt nghĩ: “Sao mình không biến những chiếc vỏ trứng vô dụng này thành thứ hữu ích?”. Và thế là ý tưởng làm tranh từ vỏ trứng lóe lên trong đầu anh. Không để ý tưởng “yểu mệnh”, ngay lập tức, anh gom vỏ trứng gà, vịt của gia đình, hàng xóm, bạn bè để nghiên cứu, tìm tòi và hiện thực hóa ý tưởng.
Họa sĩ Nguyễn Quốc Vượng bên tác phẩm “Vị tướng vì hòa bình”.
Họa sĩ Nguyễn Quốc Vượng bên tác phẩm “Vị tướng vì hòa bình”.

“Nhiều người bảo tôi: “Sao chọn kiểu nghệ thuật gì cực vậy”, “dễ không thích cứ thích chọn cái khó”, tôi chỉ biết cười trừ… vì đó là đam mê. Mà đã là đam mê thì không thể cắt nghĩa được. Một bức tranh hoàn thiện, người ngoài nhìn vào tưởng như đơn giản nhưng kỳ thực đó là cả một quá trình cần mẫn, kiên trì. Với một bức tranh làm từ vỏ trứng, người nghệ sĩ phải bỏ công sức, tâm huyết gấp năm, gấp mười lần một bức tranh bình thường”, anh Vượng chia sẻ.

Để minh chứng lời nói của mình, anh Vượng dẫn chúng tôi ra hành lang phòng tranh, nơi cất giữ hàng nghìn chiếc vỏ trứng, chất liệu làm nên những bức tranh độc đáo của anh. “Vỏ trứng sau khi thu gom được, phải rửa sạch, khử tanh, khi rửa phải hết sức cẩn thận, tránh bị vỡ, sau đó sấy thật khô. Vỏ trứng vốn dĩ có nhiều màu sắc khác nhau, chẳng hạn vỏ trứng vịt màu trắng, trứng gà ta màu vàng nhạt, trứng gà công nghiệp lại có màu nâu nhạt, nên trong quá trình sử dụng cho tác phẩm nghệ thuật của mình, tôi sử dụng màu vỏ trứng nguyên bản, chứ không dùng màu vẽ. Đối với những gam màu tối thì tôi sẽ dùng vỏ trứng nướng. Quá trình nướng trứng cũng mất khá nhiều thời gian và cần sự tỉ mỉ. Chung quy lại, để hoàn thành một bức tranh từ vỏ trứng mất khá nhiều thời gian và tâm sức, không thể vội vàng, qua loa. Mà cũng chính vì tốn nhiều thời gian nên từ năm 2020 đến nay, tôi cũng chỉ hoàn thành được hơn chục bức tranh trứng”, họa sĩ Nguyễn Quốc Vượng cho biết.

Tác phẩm tranh vỏ trứng đầu tay của họa sĩ Nguyễn Quốc Vượng có tên “Sông ngầm” được giới chuyên môn đánh giá cao, được trưng bày tại triển lãm mỹ thuật khu vực Bắc miền Trung lần thứ XXV năm 2020 tại Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh Quảng Bình. Sau tác phẩm đầu tay ấy, anh liên tục cho ra đời nhiều tác phẩm độc đáo, ấn tượng khác. Ngắm nhìn những “đứa con tinh thần” của người họa sĩ đa tài ấy mới cảm nhận được niềm đam mê, sự tâm huyết của anh. Và với lối đi riêng mang đậm cá tính nghệ thuật, anh Nguyễn Quốc Vượng đã cho ra đời những tác phẩm vừa giàu giá trị nghệ thuật vừa in đậm phong cách cá nhân.

Hơn 2 năm và 1.000 vỏ trứng
 
Đó chính là thời gian và chất liệu mà họa sĩ Nguyễn Quốc Vượng sử dụng để ấp ủ thực hiện tác phẩm nghệ thuật nhân dịp kỷ niệm 112 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tác phẩm mang tên “Vị tướng vì hòa bình”, thuộc thể loại tranh chân dung. Để thực hiện tác phẩm này, anh đã phải nghiên cứu, đọc kỹ nhiều sách, báo viết về Đại tướng. Ngay từ khâu phác thảo, để thể hiện được tầm vóc, bắt đúng thần thái của Đại tướng, chọn nền, bối cảnh sao cho phù hợp, anh đã phải vẽ đi vẽ lại nhiều lần.
Với họa sĩ Nguyễn Quốc Vượng, người làm nghệ thuật phải có cá tính và lối đi riêng.
Với họa sĩ Nguyễn Quốc Vượng, người làm nghệ thuật phải có cá tính và lối đi riêng.

“Vẽ chân dung khó hơn rất nhiều so với vẽ phong cảnh, con vật, bởi họa sĩ phải bắt đúng thần thái nhân vật. Vẽ cái cây, con vật có thể không giống hoàn toàn cũng không sao, nhưng đã vẽ chân dung là phải giống, không những giống mà phải có hồn. Hơn nữa, Đại tướng là người quá nổi tiếng rồi nên vẽ không cẩn thận, không bắt được thần thái, cốt cách của Đại tướng  thì coi như tác phẩm không thành công. Bởi vậy mà khi bắt tay thực hiện “Vị tướng vì hòa bình”, tôi đã xác định ngay từ đầu rằng đây là tác phẩm sẽ lấy đi của mình rất nhiều thời gian, tâm sức”, anh Vượng tâm sự.

Suốt hơn hai năm mày mò, nghiên cứu và bắt tay thực hiện, họa sĩ Nguyễn Quốc Vượng dành khá nhiều thời gian để nghiên cứu về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Càng tìm hiểu anh càng thấy ngưỡng mộ, tự hào và càng quyết tâm ra mắt tác phẩm đúng dịp sinh nhật Đại tướng.

Hiện tại, “Vị tướng vì hòa bình” đã hoàn thành hơn 95%. Thời gian này, họa sĩ Nguyễn Quốc Vượng đang tập trung thực hiện phần còn lại của bức tranh. Dự kiến “trình làng” vào dịp kỷ niệm sinh nhật Đại tướng, anh kỳ vọng tác phẩm sẽ góp phần làm dày thêm “kho tàng” các sáng tác nghệ thuật về vị tướng tài danh của đất nước, giúp người xem cảm nhận sâu sắc hơn về công lao, tầm vóc của Đại tướng, qua đó, giáo dục cho mọi người nhất là thế hệ trẻ về niềm tự hào dân tộc…

Họa sĩ Nguyễn Quốc Vượng là hội viên Hội Văn học-Nghệ thuật Quảng Bình, hiện đang công tác tại Nhà Thiếu nhi tỉnh và là Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Thuật Beautiful Space (phường Phú Hải, TP. Đồng Hới). Ngoài vẽ tranh, anh còn viết thư pháp, đắp phù điêu. Anh chính là người tiên phong đưa nghệ thuật phù điêu vào kiến trúc đời sống tại Quảng Bình với nhiều công trình được đánh giá cao.
Tâm An

tin liên quan

Đình Xuân Lai-"Chứng nhân" lịch sử bên sông

(QBĐT) - Nằm phía tả ngạn sông Kiến Giang, làng Xuân Lai (xã Xuân Thủy, Lệ Thủy) luôn tự hào bởi những mạch nguồn văn hóa truyền thống vẫn thao thiết chảy giữa những xô bồ của cuộc sống hiện đại. 

Nhiếp ảnh và du lịch-Lương duyên tương tác

(QBĐT) - Chúng ta ắt hẳn vẫn còn nhớ bức ảnh "Nụ cười Việt Nam" do nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Quốc Khánh chụp chân dung nghệ sĩ múa Phan Thị Như Quỳnh của Đoàn Nghệ thuật truyền thống Quảng Bình cách đây gần 30 năm. 

Sông ơi!

(QBĐT) - Chẳng nhẽ lội xuống sông để gánh mây về
bằng đôi vai ký ức
sông ơi, ta mang trong ngực
ngổn ngang thương nhớ đôi bờ