Hai liệt sỹ bên bờ sông Gianh

  • 12:24 | Thứ Tư, 02/08/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - “Tôi và Hoài là hai anh em trong gia đình sáu người con. Năm 1969, em tôi thi đỗ vào Khoa Vật lý, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội. Gia đình mừng lắm nhưng mẹ lại buồn vì con phải xa nhà. Từ Hòa Ninh ra Hà Nội xa xôi, lo không kiếm đủ mười đồng cho con trai nhập học, mua giấy bút, chăn màn ra Thủ đô dùi mài kinh sử... Em tôi là lính xe tăng. Sau sáu tháng huấn luyện ở Vĩnh Yên, đoàn xe tăng vào Nam theo đường Hồ Chí Minh. Nửa đêm, cả nhà đang yên giấc thì nghe tiếng gõ cửa. Mẹ tôi run run thắp ngọn đèn dầu. Hoài bước vào kéo theo cả hơi lạnh đêm đông. Cả nhà mừng lắm. Ai cũng tranh thủ hỏi đủ thứ chuyện. Riêng mẹ tôi thì khóc, cứ loay hoay sờ nắn tay chân, vuốt lên mái tóc đẫm sương, nắm chặt bàn tay em như sợ em ra đi mãi mãi... Năm 1991, mẹ tôi ốm nặng, tâm nguyện cuối cùng dặn lại là anh em tôi cố tìm đưa di hài em về. Chúng tôi lần theo giấy báo tử nhưng tìm mãi chưa ra. Vì hương hồn liệt sỹ, mong rằng, qua bài viết này nhờ những đồng đội góp sức tìm kiếm hài cốt em tôi. Em chết còn trẻ quá, chưa vợ con, chưa một lần được ăn ngon (Nguyễn Trọng Hoài D22KB hy sinh 16/5/1974 tại Bình Dương cũ)”-Trích bài viết của anh Nguyễn Xuân Cúc đăng trên Báo Quân đội nhân dân và Báo Quảng Bình.
 
Cuốn lịch sử binh chủng Tăng thiết giáp ghi lại trận đánh ấy: “Từ ngày 15 đến 17/5/1974, Đại đội tăng 5 của Tiểu đoàn 22 (Đoàn Thiết giáp 26)-trang bị 8 xe tăng T54 và 2 xe thiết giáp K63 được lệnh phối thuộc với Sư đoàn Bộ binh 8 tiêu diệt địch ở Ri Net-Kiên Điền. Bước vào chiến đấu, nhờ bộ binh dẫn đường đã xung phong đúng hướng vừa tiến vừa phát huy sức mạnh hỏa lực đánh chiếm các mục tiêu cùng bộ binh làm chủ trận địa...”. Trong trận này, khi xe của Phan Trung Khoa (bạn đồng hương đồng ngũ) bị trúng đạn bốc cháy. Chính trị viên phó Nguyễn Trọng Hoài lao ra cứu bạn và hy sinh.
 
Khoa bị thương, trải qua một vài trận đánh, gần một năm sau hy sinh tại Xuân Lộc, “tấm cửa thép” của Sài Gòn. “Sáng ngày 9/4/1975, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 hạ lệnh nổ súng tấn công Xuân Lộc. Tiểu đoàn tăng 21 có 12 xe tăng T54 và T59 chia hai hướng chi viện cho Sư đoàn Bộ binh 7 chiến đấu. Ngay từ phút đầu, trận đấu đã diễn ra hết sức gay go ác liệt...”.
* * *
Con sông Gianh khởi nguồn từ dãy Trường Sơn hùng vỹ, xuôi về biển, trong các thế kỷ trước là biên giới Trịnh-Nguyễn phân tranh. Làng Lệ Sơn (xã Văn Hóa, Tuyên Hóa) và xã Quảng Hòa (TX. Ba Đồn) nằm bên bờ sông Gianh là những địa phương có truyền thống hiếu học đặc biệt, rất nhiều người đỗ đạt, thành tài. Năm 1969, tình cờ hay tất yếu mà hai làng này có hai học sinh tốt nghiệp phổ thông đều giỏi môn Vật lý. Giỏi, nghĩa là trong ba năm cấp ba môn này đều có điểm tổng kết tuyệt đối (5 điểm theo thang điểm 5) hoặc chí ít cũng phải 4+ (tương đương 9 điểm).
 
Dựa theo kết quả này, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội (là trường đại học quốc gia hồi bấy giờ chuyên đào tạo khoa học cơ bản, cho ra lò những cán bộ nghiên cứu các ngành) đặc tuyển hai tú tài này vào học Khoa Vật lý của trường. Và mặc nhiên sau khi tốt nghiệp dù ở mức độ nào họ cũng sẽ trở thành những “nhà nghiên cứu Vật lý”.
 
Khỏi phải kể lể sầu khổ khó khăn của các trường đại học những năm chiến tranh ấy. Nhưng, họ đã vượt qua và hoàn thành xuất sắc hai năm học đầu, đi được gần nửa chặng đường trong ước mơ trở thành những “nhà Vật lý”.
 
Sáng 6/9/1971, ngay tại khoảng sân mà mỗi chiều tha thẩn học bài hay chơi bóng đá bóng chuyền, họ cùng xếp hàng ngay ngắn với gần bốn trăm sinh viên cả trường để nghe thầy Hiệu trưởng, GS. Vật lý Ngụy Như Kon Tum phát biểu lời tiễn chân lên đường nhập ngũ. Trong khi thầy đang nói thì bất ngờ “lá cờ súy” đang phấp phới bay bỗng... bị đổ. Vang lên những tiếng kêu thảng thốt của khá đông phụ huynh và sinh viên đến tiễn. Có phải điềm báo trước không mà đợt nhập ngũ ấy hầu như tất cả lính sinh viên đều lâm trận ở chiến trường Quảng Trị và tổn thất rất lớn. Hai người bạn quê Quảng Bình trên đây được chuyển sang huấn luyện chính quy ở Trường Hạ sĩ quan Tăng Thiết giáp. Cả hai cùng đi B tham chiến và lần lượt hy sinh. Hai nhân vật chúng tôi nhắc đến là Nguyễn Trọng Hoài và Phan Trung Khoa...
 
Khi chúng tôi, sau mấy mươi năm bươn chải mưu sinh rồi tìm lại được nhau thì các bậc phụ mẫu đã qua đời. Trang viết này chỉ ghi lại được tâm sự của những người anh trai coi như “quyền huynh thế phụ”.
 
...Nay tôi làm giấy này kính trình các quý cấp xin phép đi tìm mộ em trai duy nhất của tôi hy sinh trong thời kỳ chống Mỹ là liệt sỹ Phan Trung Khoa. Đồng đội hiện nay còn sống cho biết năm 1974 là chính trị viên Đại đội 6, Tiểu đoàn 22, Đoàn M26 Tăng thiết giáp miền Đông Nam bộ, có khả năng hy sinh ở Xuân Lộc (Đồng Nai). Gia đình tôi cha mẹ mất sớm, chỉ có tôi là anh trai duy nhất, nên phải đi tìm mộ chí của em tôi...” (Phan Trung Khuê).
 
Một ngày đầu tháng bảy, đại tá PGS.TS. Nguyễn Trọng Dân cùng các bạn đồng môn lớp Vật lý và đồng ngũ xe tăng đã đến Quảng Bình thắp hương cho liệt sỹ Phan Trung Khoa và liệt sỹ Nguyễn Trọng Hoài. Anh Cúc và anh Khuê đã yếu lắm. Xem ra cái công cuộc tìm kiếm phần mộ em trai là vô vọng. Trong bài báo, anh Cúc có một lời than khiến người đọc ứa lệ “Em tôi chết trẻ quá, chưa vợ con, chưa một lần được ăn ngon...”.
 
Thương em nên nghĩ vậy thôi, anh Cúc ơi! Lính xe tăng chúng tôi được Nhà nước nuôi dưỡng không đến nỗi nào đâu. Nếu không, làm sao đủ sức lái chiếc xe 36 tấn từ chân núi Tam Đảo vào tận Bình Phước? Và, anh quên sao? Năm 1973, khi Hoài đang chiến đấu ở tận miền Đông Nam bộ, thì ở quê Quảng Bình, có một nữ sinh Hà Nội đã tìm về ở lại nhà ta mấy ngày, gọi mẹ, gọi ba, gọi anh...Vâng! Vậy thôi cũng coi như bạn chúng tôi đã được an ủi dẫu rằng tình yêu hồi ấy chắc chưa tiến xa hơn một cái... cầm tay…
                           
  Nguyễn Thế Tường

tin liên quan

Đình Xuân Lai-"Chứng nhân" lịch sử bên sông

(QBĐT) - Nằm phía tả ngạn sông Kiến Giang, làng Xuân Lai (xã Xuân Thủy, Lệ Thủy) luôn tự hào bởi những mạch nguồn văn hóa truyền thống vẫn thao thiết chảy giữa những xô bồ của cuộc sống hiện đại. 

Nhiếp ảnh và du lịch-Lương duyên tương tác

(QBĐT) - Chúng ta ắt hẳn vẫn còn nhớ bức ảnh "Nụ cười Việt Nam" do nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Quốc Khánh chụp chân dung nghệ sĩ múa Phan Thị Như Quỳnh của Đoàn Nghệ thuật truyền thống Quảng Bình cách đây gần 30 năm. 

Quảng Bình muôn vẻ

(QBĐT) - Được ví như dòng sông Mạ (mẹ), Linh giang (sông Gianh) bao dung, hào sảng dưỡng nuôi một bộ phận cư dân sống bằng nghề chài lưới.