Tuổi trẻ Đồng Hới: Số hóa di tích lịch sử, quảng bá văn hóa, du lịch

  • 07:45 | Thứ Năm, 10/08/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thực hiện chủ đề năm 2023 “Tuổi trẻ Đồng Hới tiên phong, sáng tạo trong chuyển đổi số”, thời gian qua, các cấp bộ đoàn thành phố đã có nhiều công trình, phần việc thiết thực, ý nghĩa trong số hóa các thông tin về du lịch, di tích lịch sử trên địa bàn. Đây là cẩm nang giúp cho những người yêu du lịch ở trong và ngoài địa phương, du khách tìm hiểu thêm thông tin về các điểm tham quan du lịch, di tích lịch sử ngay tại TP. Đồng Hới một cách dễ dàng và nhanh nhất.
 
Thời gian qua, du khách đến TP Đồng Hới mong muốn tìm hiểu về những địa điểm du lịch, các di tích lịch sử và điểm tham quan, nghỉ dưỡng, ẩm thực đều phải thông qua nhiều kênh chứ chưa có một cẩm nang chung. Trước thực tế đó và xuất phát từ vai trò, trách nhiệm của tuổi trẻ trong việc chung tay phát triển du lịch thành phố, vào cuối tháng 6/2023, tuổi trẻ Đồng Hới đã cho ra đời phần 1 cuốn “Sổ tay online du lịch Đồng Hới”.
 
Bí thư Thành đoàn Đồng Hới Hà Quốc Vương Anh cho biết: “Sổ tay online du lịch Đồng Hới" dự kiến sẽ gồm 3 phần, đó là: Bản đồ du lịch lịch sử; bản đồ "check-in" và Đồng Hới ăn gì? Hiện nay, Thành đoàn đã hoàn thành và ra mắt bản đồ du lịch phần 1. Chỉ qua một lần quét mã QR, du khách sẽ được cập nhật thông tin về lịch sử và các công trình văn hóa lịch sử. “Sổ tay online du lịch Đồng Hới” được thiết kế ngắn gọn, súc tích về hình ảnh và nội dung để thu hút giới trẻ cũng như các du khách, giúp dễ dàng nắm bắt thông tin. Tại các địa danh du lịch lịch sử, Thành đoàn bố trí các bản minh họa chi tiết với các vị trí "check-in" đẹp nhất.
 
Thành đoàn Đồng Hới hiện đang tiếp tục liên kết với các doanh nghiệp cập nhật thông tin, xây dựng nội dung cho phần 2, phần 3 nhằm cung cấp thông tin về các địa điểm du lịch, khách sạn, ẩm thực, "check-in", mong muốn sẽ đưa đến cho người dân, du khách, những người yêu Đồng Hới một cuốn cẩm nang du lịch, ấn phẩm riêng có của tuổi trẻ thành phố. Qua đó, góp phần chung tay cùng các cấp chính quyền địa phương xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố.
Đoàn viên, thanh niên hướng dẫn cách thức quét mã QR tại di tích
Đoàn viên, thanh niên hướng dẫn cách thức quét mã QR tại di tích "Bến đò mẹ Suốt".
Cùng với Thành đoàn Đồng Hới, các cơ sở đoàn xã, phường cũng đã có nhiều công trình, phần việc chuyển đổi số phù hợp với từng địa phương. Vào đầu tháng 8/2023, tuổi trẻ xã Bảo Ninh đã cho ra đời công trình “Số hóa thông tin di tích Bến đò mẹ Suốt”. Đây là công trình sáng tạo của tuổi trẻ xã Bảo Ninh góp phần tuyên truyền, quảng bá du lịch địa phương và giáo dục truyền thống theo hướng số hóa, hiện đại. 
 
Không cần sự có mặt của thuyết minh viên, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh được kết nối internet trên tay và thực hiện quét mã QR, chỉ trong vài giây, những thông tin về "địa chỉ đỏ" di tích lịch sử cấp quốc gia “Bến đò mẹ Suốt” ở xã Bảo Ninh sẽ được cung cấp đến mọi người dân và du khách.
 
Công trình ra đời với mục đích xây dựng "cầu nối" đưa các di tích lịch sử-văn hóa ở địa phương đến gần hơn với cộng đồng, trở thành sản phẩm du lịch, góp phần phát triển kinh tế-xã hội và quảng bá hình ảnh xã Bảo Ninh đến với du khách thập phương. Chị Hoàng Thị Nhân Ái, Bí thư Đoàn xã Bảo Ninh chính là người đưa ra ý tưởng và đóng góp tích cực trong việc làm này. Chị cho biết: “Quá trình thực hiện công trình gặp nhiều khó khăn trong việc thu thập thông tin nội dung và phần thiết kế. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, chúng tôi luôn tìm tòi, học hỏi để hoàn thành tốt mục tiêu đặt ra”.
 
Anh Nguyễn Đức Anh Trung, du khách đến từ TP. Đà Nẵng chia sẻ: “Mặc dù chúng tôi đi du lịch trong thời gian ngắn nên không có hướng dẫn viên du lịch, nhưng khi đến tham quan tại di tích “Bến đò Mẹ Suốt”, được các bạn đoàn viên hướng dẫn quét mã QR, tôi đã nhanh chóng cập nhật được thông tin về địa điểm một cách khái quát nhất. Những thông tin này rất cần thiết và bổ ích cho những người khách phương xa như chúng tôi. Tôi nghĩ đây là một cách làm hay, sáng tạo của các bạn trẻ ở địa phương, rất cần nhân rộng”.
 
Ngoài việc quét mã QR trực tiếp để tìm hiểu thông tin về di tích thì những người chưa có điều kiện đến tham quan di tích đều có thể tìm hiểu thông tin qua mã QR mà bạn bè chia sẻ.
 
“Việc ra đời “Sổ tay online du lịch Đồng Hới” và tích hợp mã QR tại các di tích, "địa chỉ đỏ" là những ứng dụng hữu ích, cách làm phù hợp với xu thế công nghệ số, giúp người dân và du khách nắm thông tin một cách đầy đủ, tiện lợi nhất và bảo đảm tính chính xác về giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc và có thể lưu giữ những thông tin cần thiết. Các công trình thanh niên này góp phần lan tỏa những giá trị lịch sử ý nghĩa đến với các bạn đoàn viên, thanh niên, người dân và du khách. Tin tưởng rằng tiếp sau các công trình số hóa này, tuổi trẻ Đồng Hới sẽ có nhiều công trình hơn nữa để góp phần phát triển tiềm năng du lịch trên địa bàn thành phố. Qua đó, thể hiện vai trò xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ thành phố trong chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số vào thực tiễn cuộc sống.", Bí thư Thành đoàn Đồng Hới Hà Quốc Vương Anh cho hay.
                                                                   Cái Huệ

tin liên quan

Nhiếp ảnh và du lịch-Lương duyên tương tác

(QBĐT) - Chúng ta ắt hẳn vẫn còn nhớ bức ảnh "Nụ cười Việt Nam" do nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Quốc Khánh chụp chân dung nghệ sĩ múa Phan Thị Như Quỳnh của Đoàn Nghệ thuật truyền thống Quảng Bình cách đây gần 30 năm. 

Quảng Bình muôn vẻ

(QBĐT) - Được ví như dòng sông Mạ (mẹ), Linh giang (sông Gianh) bao dung, hào sảng dưỡng nuôi một bộ phận cư dân sống bằng nghề chài lưới.

Thơ chọn-Lời bình: Sang thu

(QBĐT) - Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về