Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Hào kiệt Lê Chí Tuân

  • 05:53 | Thứ Hai, 24/07/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong những năm tháng làm quan, Tiến sĩ Lê Chí Tuân, làng Lâm Xuân, nay là xã Quảng Thủy (TX. Ba Đồn) đã thể hiện được tài năng, chí khí, cốt cách và đạo làm quan nên được quan, dân yêu mến, kính phục tặng cho mỹ tự “Hào kiệt danh châu”.
 
Lâm Xuân là làng quê bán sơn địa, nghèo khó, người dân nơi đây quanh năm chí thú làm ăn, chăm chỉ ruộng vườn. Ban đầu có các dòng họ, như: Nguyễn, Hoàng, Trần…, trong đó, có dòng họ Lê gốc gác từ Hà Tĩnh vào khai canh, lập làng. Ông tổ họ Lê là Lê Nhất Thệ, đến Tiến sĩ Lê Chí Tuân là đời thứ 4.
 
Cha ông là Lê Chí Thức, thi Hương đậu Cử nhân khoa Canh Ngọ niên hiệu Tự Đức thứ 23 (1870), do Tuần phủ Nam Nghĩa là Lê Dụ làm chủ khảo, Bố chính sứ Quảng Ngãi Nguyễn Thông làm Phó chủ khảo. Ông làm quan giữ chức Viên ngoại lang, thăng Thị giảng học sĩ, rồi giữ chức đến Án sát Bình Thuận.
 
Lê Chí Tuân sinh năm Tân Mùi (1871), xuất thân trong một gia đình có truyền thống khoa cử. Là con quan lại triều Nguyễn, ông được cha mẹ cho ăn học mong đỗ đạt thành tài, cứu nước, giúp đời. Nối nghiệp cha, ông đã thi đỗ tú tài khoa Tân Mão (1891) niên hiệu Thành Thái do Cao Xuân Dục và Hoàng Côn đọc quyển, Bùi Xuân Hoàn và Tạ Hàm duyệt quyển. Tiếp đến khoa Đinh Dậu niên hiệu Thành Thái năm thứ 9 (1897), ông lại đỗ tú tài. Đến 10 năm sau, tại khoa thi Đình năm Đinh Mùi, Thành Thái thứ 19 (1907) ông đỗ tam giáp đồng Tiến sĩ.
 
Mộc bản triều Nguyễn (Hồ sơ số H62c, Đinh Mùi khoa Đình thí, mặt khắc 1) chép về khoa thi này như sau: “Sắc ban đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân tam danh, Đinh Mùi khoa Đình thi: Ấm sinh, tú tài Lê Chí Tuân, Quảng Bình, Quảng Trạch, Lâm Xuân xã, niên canh tam thập thất tuế, nguyên trúng cách đệ tứ danh”[1], nghĩa là: Sắc ban đệ Tam giáp (đồng Tiến sĩ xuất thân), ấm sinh, tú tài Lê Chí Tuân, quê quán xã Lâm Xuân, Quảng Trạch, Quảng Bình đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân năm 37 tuổi. Nguyên đỗ trúng cách xếp vào hạng đệ tứ danh.
 
Còn Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa Đinh Mùi, niên hiệu Thành Thái năm thứ 19 (1907) khắc: “Ban đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân 3 người: Lê Chí Tuân ấm sinh loại ưu ở tỉnh, Tú tài khoa Tân Mão, niên hiệu Thành Thái năm thứ 3 và khoa Đinh Dậu niên hiệu Thành Thái năm thứ 9 (1897), sinh năm Tân Mùi, thi đỗ năm 37 tuổi, người xã Lâm Xuân, tổng Thuận Thị, huyện Tuyên Chính, phủ Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình”[2]. Trong các kỳ thi Đình ở triều Nguyễn, tỉnh Quảng Bình chỉ có hai người đỗ và điều đặc biệt là cả hai đều đỗ cùng một khoa thi. Đó là khoa thi Đình năm Đinh Mùi, niên hiệu Thành Thái thứ 19 (1907) cả Nguyễn Duy Phiên sinh năm Ất Dậu (1885), quê ở thôn Lý Hòa (Bố Trạch) đỗ Đệ nhị giáp (Tiến sĩ xuất thân), còn Tiến sĩ Lê Chí Tuân đỗ Đệ tam giáp. Đây không chỉ là niềm tự hào về truyền thống khoa bảng của hai làng Lý Hòa, Lâm Xuân nói riêng mà còn là niềm tự hào chung của tỉnh Quảng Bình.
Nhà thờ Tiến sĩ Lê Chí Tuân mới được xây dựng lại năm 1999.
Nhà thờ Tiến sĩ Lê Chí Tuân mới được xây dựng lại năm 1999.

Sau khi đỗ đạt, ông ra làm quan đến chức Tri phủ, rồi giữ chức Thị lang bộ Binh, Bố chính Nghệ An, sau được bổ làm Thượng thư. Năm 1922, ông qua đời, được con cháu chôn cất ở đồng Cửa Nghè, thuộc địa phận thôn Lâm Xuân. Thực hiện chủ trương dồn điền, quy hoạch ruộng sản xuất của xã, năm 1972, gia đình cất bốc, đưa mộ ông lên chôn cất với nghĩa trang của dòng họ tại nghĩa địa cố Bà, thôn Xuân Thủy, xã Quảng Thủy cho đến nay.

Mộ ông nằm theo hướng tây bắc, đầu tựa lèn Tiên Lệ, chân đạp rú Quảng Minh (TX. Ba Đồn). Ông kết nghĩa vợ chồng với bà Ma Thị Gái, người Huế, sinh hạ được một con gái và hai con trai. Con cái của ông cũng được học hành đến nơi đến chốn. Cháu chắt, nay lập nghiệp ở Thừa Thiên Huế, TP. Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh...

Do cả cha và con đều có công lao trong triều Nguyễn nên gia đình ông được cấp đất làm nhà thờ ngay trong thôn. Trước đây, khuôn viên nhà thờ khá rộng, có cả gian thờ, lầu chuông và nhà nghỉ ngơi, bếp núc riêng. Về sau do không được quan tâm, tu bổ nên các công trình đã xuống cấp, hư hỏng. Nay chỉ còn bức tường của ngôi nhà bếp. Ngoài ra, trong quá trình làm quan, ông có thời gian dài sinh sống tại cố đô Huế nên cũng có phủ riêng tại số 59 Hàn Thuyên, phường Thuận Thành, TP. Huế.
 
Ông Lê Chí Hiền (52 tuổi) gọi Tiến sĩ Lê Chí Tuân bằng cố, người được giao trông coi nhà thờ cho biết: “Năm 1999, con cháu của cố đóng góp tiền của xây dựng lại nhà thờ. Nhà thờ mô phỏng kiểu kiến trúc giống như nhà thờ ở số 59 Hàn Thuyên. Việc phôi phục lại nhà thờ trên nền đất cũ là để hương hồn cố được mãn nguyện, con cháu có điều kiện thờ tự, tế lễ mỗi khi Tết đến xuân về và ngày giỗ 14/4 âm lịch hàng năm”.
 
Sau khi khánh thành nhà thờ, con cháu đưa bức hoành phi từ trong TP. Huế về và treo trang trọng giữa gian thờ chính để thờ tự. Bức hoành phi được sơn son thếp vàng có nội dung “Khải Định Kỷ Tỵ, Hào kiệt danh châu, Thừa Thiên lục huyện huyện huấn đồng bái”. Nghĩa là: Khải Định năm Kỷ Tỵ (1917), người có tài năng và chí khí nổi tiếng khắp châu. 6 huyện tỉnh Thừa Thiên đồng thuận cúng bái. Đây có lẽ là kỷ vật vô giá gắn liền với những năm tháng làm quan của Tiến sĩ Lê Chí Tuân.
 
Hiện nay, qua tra cứu, có rất ít sử liệu phản ánh về thân thế, sự nghiệp cũng như đóng góp của Tiến sĩ Lê Chí Tuân đối với lịch sử dân tộc. Nhưng mỹ từ “Hào kiệt danh châu” mà 6 huyện của tỉnh Thừa Thiên, nay là tỉnh Thừa Thiên Huế thành kính dâng tặng bức hoành phi là minh chứng về tài năng, đạo đức và nhân cách của ông. Bởi trong những năm tháng làm quan, ông đã thể hiện được tài năng, trí tuệ, giữ được phẩm hạnh của đạo làm quan, có tấm lòng giản dị, thanh cao, khoan dung, độ lượng, luôn nỗ lực phấn đấu mang lại hạnh phúc cho nhân dân. Chính vì thế, ông được quan, quân trong vùng tôn thờ, ngưỡng vọng.
 
Theo chân ông Lê Chí Hiền, tôi ra nghĩa địa cố Bà, thành kính thắp nén hương thơm lên mộ ông. Gió chiều trên cánh đồng mơn man thổi, xa xa núi Động Mùi vẫn xanh ngắt một màu, sừng sững với thời gian. Nhìn phong cảnh làng quê yên bình, mới thấy đây là mảnh đất địa linh đã sinh ra bậc anh kiệt đóng góp tài năng, trí tuệ làm rạng danh cho quê hương, đất nước.
                                                                          Nhật Linh
 
[1] Trung tâm lưu trữ quốc gia IV, Khoa bảng Nghệ An Hà Tĩnh, Quảng Bình qua tài liệu mộc bản triều Nguyễn, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr.425.
[2] Sở KH-CN, Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Bình, Quảng Bình khoa lục, NXB Thuận Hóa, Huế, 2016, tr.250-251.

tin liên quan

Xứng tầm thị trấn du lịch

(QBĐT) - Thị trấn Phong Nha nằm ở phía tây bắc huyện Bố Trạch, nơi đây có Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng 2 lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. 

Dòng họ khoa bảng Nguyễn Duy

(QBĐT) - Hiếm có dòng họ nào trên vùng đất Quảng Bình có truyền thống khoa bảng rạng danh như dòng họ Nguyễn Duy ở làng Lý Hòa xưa, nay là xã Hải Phú (Bố Trạch).

Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 420 năm hình thành tỉnh Quảng Bình

(QBĐT) - Ngày 23/6, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1246/KH-UBND tổ chức các hoạt động kỷ niệm 420 năm hình thành tỉnh Quảng Bình (1604-2024); 75 năm Ngày Quảng Bình quật khởi (15/7/1949-15/7/2024) và 35 năm Ngày tái lập tỉnh (1/7/1989-1/7/2024).