Nghĩ về "những ngày giỗ chung"

  • 07:07 | Thứ Sáu, 21/07/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tháng bảy sang, dẫu ban ngày đất trời chưa ngưng dội lửa nhưng khi đêm về, những làn gió, hạt sương đã bắt đầu mơn man, ve vuốt, dỗ dành từng ngọn cỏ, nhành cây…gần như đã kiệt sức sau những ngày hè bỏng rát. Lòng người chẳng khác thiên nhiên là mấy, tháng bảy là dịp tưởng nhớ những người đã không tiếc thân mình, vì độc lập, tự do của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân. Cùng với đó, nhiều làng quê ở Quảng Bình nói chung, TX. Ba Đồn và huyện Quảng Trạch nói riêng lại bùi ngùi nghĩ về những trận thảm sát của đế quốc, thực dân, đã giết hại bao người dân vô tội. Bà con thường gọi đó là “những ngày giỗ chung”.
 
Làng Thuận Bài xưa, nay là tổ dân phố (TDP) Thuận Bài, thuộc phường Quảng Thuận (TX. Ba Đồn). Khi vua Hàm Nghi ra chiếu Cần Vương, nhiều trai làng Thuận Bài đã tham gia phong trào, theo nhà vua chống Pháp. Năm 1888, nhà vua bị giặc Pháp bắt đưa về giam giữ ở đình làng Thuận Bài, trước khi đưa ông đi đày biệt xứ tại An-giê-ri. Nhân dân Thuận Bài đã đứng lên đấu tranh, đòi gặp mặt nhà vua, thực dân Pháp phải nhượng bộ. Đình làng Thuận Bài trở thành nơi diễn ra “buổi thiết triều” cuối cùng của vua Hàm Nghi ở Việt Nam.
 
Theo ông Trần Văn Thịnh, tổ trưởng TDP, Trưởng làng Thuận Bài, sau sự việc trên, Pháp bắt 32 người dân Thuận Bài đi làm cu-li tại đèo Ngang. Khi đến cầu Roòn, chúng hèn hạ cho họ vào bao tải, dìm xuống sông Roòn thủ tiêu tất cả nhưng may mắn có một người còn sống. Người này thường ăn trầu nên trong túi có con dao bổ cau, ông rạch bao tải rồi lặn về phía hạ lưu, nhờ vậy mà sống sót trở về, kể lại đầu đuôi cho dân làng. Đó là ngày 28 tháng giêng âm lịch. Kể từ đó, ngày này được coi là “ngày giỗ cu-li”, nhân dân trong làng tổ chức cúng tập thể cho 31 người xấu số.
 
Ngay sau khi đánh chiếm Đồng Hới (27/3/1947), ngày 28/3, Pháp tiếp tục lấn chiếm các khu vực ở Quảng Ninh, Lệ Thủy, Bố Trạch. Để thăm dò lực lượng kháng chiến ở Quảng Trạch, ngày 7/4/1947, địch dùng ca nô từ Thanh Khê ngược sông Gianh đánh vào xã Thuận Thổ (tên gọi phường Quảng Thuận lúc đó). Đại đội 5 Chi đội Lê Trực, lực lượng biệt động của huyện, du kích Thuận Thổ và dân quân Thổ Ngọa đã dũng cảm chiến đấu, diệt 16 lính Pháp, 2 tên lính ngụy, làm bị thương một số tên khác, buộc chúng phải rút lui. Tuy vậy, do thế và lực của địch mạnh, trong quá trình chiến đấu, 31 chiến sĩ ta đã hy sinh, 47 người dân vô tội bị chúng sát hại. Sau trận đánh, không khí làng xóm hết sức tang thương. Ngày 4/7/1947 được coi là “ngày giỗ chung” của hàng trăm gia đình ở xã Thuận Thổ, nhất là ở làng Thổ Ngọa.
 
Ngày 6/5/1948, Pháp huy động 4 canô và nhiều ôtô chở 300 quân bao vây làng Cảnh D­ương. Gần một ngày, các lực lượng của ta đã anh dũng chiến đấu, kìm chân chúng bên ngoài hàng rào và ven bờ biển. Một tên quan hai Pháp bị tiêu diệt, hai lính ngụy bị thương. Ý đồ của địch là triệt hạ nhiều làng quê ở vùng Roòn và xóa sổ Cảnh Dương, “cái gai” trong mắt chúng. Sáng 12/7/1948, địch điều 1.000 quân, có máy bay, tàu chiến yểm trợ, đánh vào Cảnh Dương. Với lối đánh linh hoạt và vũ khí chủ yếu là bom mìn, lựu đạn, súng trường, mã tấu; quân dân Cảnh Dương càng đánh, địch càng lộ rõ lúng túng.
 
Đến 16 giờ cùng ngày, 11 tên lính Pháp phải đền tội. Cay cú vì thất bại, sáng 13/7, phía bờ bắc sông Roòn, bọn lính dù sục vào làng, gom hơn 100 người dân vô tội tại vườn phi lao, nơi địa phương thường gọi là “Lùm Liễu” rồi xả súng tàn sát, không ai sống sót. Từ đó, ngày 13/7 được lấy làm “ngày giỗ chung trận Lùm Liễu” để khắc ghi tội ác của giặc Pháp.
Đường về TDP Thuận Bài, phường Quảng Thuận (TX. Ba Đồn).
Đường về TDP Thuận Bài, phường Quảng Thuận (TX. Ba Đồn).
Sau thất bại trên, địch ngày càng co cụm. Nhưng vào chiều 8/8/1950, trong khi người dân vùng Roòn đang mua bán tại chợ Dừa (ngôi chợ nằm giữa vườn dừa tại thôn Di Luân, xã Hòa Trạch, nay là thôn Di Luân, xã Quảng Tùng). Giặc Pháp cho máy bay ném bom vào chợ của bà con, làm chết trên 100 người, đa số là phụ nữ. Nhiều thi thể không còn nguyên vẹn, bay biến vào đất đá, ngọn cây; đau xót cảnh người thân hoảng loạn bới đào, tìm kiếm. Đau đớn hơn, có những bà mẹ mang thai cũng bị chết cả mẹ lẫn con. Ngôi chợ tan hoang thành khu tử địa. Ngày 8/8/1950 trở thành “ngày giỗ chung” của hơn 100 gia đình ở vùng Roòn.
 
Ngày 8/6/1953 diễn ra trận càn Cảnh Dương là một ngày oanh liệt, khó có thể quên trong ký ức người dân và các chiến sĩ du kích Cảnh Dương cùng thời. Vào lúc nửa đêm, địch cho ôtô đổ quân xuống các làng lân cận, bí mật bao vây làng Cảnh Dương. Bốn giờ sáng, tàu chiến địch xuất hiện, canô áp sát bờ. Lúc này, du kích phát hiện, báo động có địch, thì từ bốn phía chúng ồ ạt nổ súng tiến vào. Sau phút bất ngờ, quân dân Cảnh Dương lấy lại tư thế, triển khai đội hình theo phương án chiến đấu. Địch đã vượt qua một vài đoạn hàng rào, có toán vào đến trụ sở thôn.
 
Nhưng do không nắm hiểu địa hình và cách bố trí tác chiến của ta, nên chúng bị đánh bật trở ra, nhiều tên bị thương. Tên quan ba Pháp bị bắn chết từ trên nóc nhà một người dân, khi đang quát tháo chỉ huy quân lính. Địch vội vàng tha nhau tháo chạy, kết bỏ giấc mộng xóa sổ làng Cảnh Dương mà chúng ấp ủ từ lâu. Cuộc chiến đấu quyết tử giữ làng thắng lợi nhưng đây là trận chống càn cam go nhất, máu của quân dân Cảnh Dương thắm đỏ từng nẻo đường thôn xóm. 37 du kích anh dũng hy sinh, trong đó có đồng chí Trương Niểu-Chủ tịch xã Hòa Trạch. Không chỉ thiệt hại về người, hàng chục thuyền vận tải, thuyền đánh cá của nhân dân bị địch cài mìn phá hủy. Ngày 8/6/1953 trở thành “ngày giỗ chung” của nhiều gia đình ở làng biển này.
 
Sau ngày 5/8/1964, nhất là từ đầu tháng 4/1965, đế quốc Mỹ tập trung bắn phá các trục đường giao thông, cầu cống, bến phà, kho tàng, bến bãi của ta, nhằm ngăn chặn sự chi viện từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam và nước bạn Lào. Ngày 7/9/1965, phân đội trực chiến Cảnh D­ương bắn rơi một máy bay F.105 của giặc Mỹ. Nhưng sau đó, vào lúc 15 giờ ngày 10/9/1965 (đúng ngày 15/7 âm lịch), hai máy bay F.4H của Mỹ xuất hiện, ném xuống địa bàn xã Cảnh Dương, khu vực từ cửa sông Roòn đến miếu Bà hai thùng bom bi, giết chết 38 người dân đang cào ruốc ven biển. Bãi biển Cảnh Dương sau trận oanh tạc là cảnh tang tóc, hết sức đau lòng. Ngày 10/9/1965 trở thành “ngày giỗ bom bi” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Cảnh Dương.
 
Mặc dù vừa thua đau trên bầu trời Hà Nội, Mỹ vẫn phải thỏa thuận ngừng bắn dịp Tết Dương lịch. Tuy vậy, vào lúc 17 giờ 15 phút ngày 2/1/1973 (tức ngày 28/11 năm Nhâm Tý), 3 máy bay B52 của Mỹ xuất hiện trên bầu trời xã Quảng Sơn. Chỉ trong giây lát, hàng loạt bom “rải thảm” được trút xuống, từng chuỗi tiếng nổ đuổi nhau chát chúa, khói bom phủ kín từ xóm Đình Sơn, xóm Chùa đến xóm Bắc Sơn. Hàng trăm hố bom toang hoác, nhà cửa bị san phẳng, xác người tung tóe, lẫn trong bùn đất. Một cảnh tượng tan hoang xảy ra trong phút chốc, 102 người dân vô tội bị sát hại, nhiều thi thể không nguyên vẹn, thịt xương vương vãi khắp nơi, có những gia đình không còn ai sống sót, thậm chí có thai nhi mãi mãi không được chào đời. Trong số các nạn nhân, có nhà báo Nguyễn Thị Thanh Xuân, phóng viên Báo Quảng Bình đang công tác tại địa phương. Từ đó, ngày 28/11 âm lịch hàng năm trở thành “ngày giỗ chung” của bà con xã Quảng Sơn.
 
Vĩ thanh: Bản chất của kẻ thù bao giờ cũng thâm độc và hung ác, càng thua đau thì chúng càng tàn nhẫn. Với nhân dân ta, mặc dù gánh chịu nhiều đau thương, mất mát song bà con các làng quê vẫn một lòng vững tin vào thắng lợi của cách mạng, tinh thần yêu nước càng dâng cao. Hàng chục nghìn người con Ba Đồn, Quảng Trạch đã hăng hái lên đường chiến đấu, phục vụ chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc. Họ không tiếc máu xương, cùng đồng bào, chiến sĩ cả nước cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đi lên từ nỗi đau của chiến tranh, nhân dân các địa phương trên đã đoàn kết, thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng quê hương ngày càng phát triển giàu đẹp, văn minh.
 
Thời gian trôi qua, nhưng người dân các làng quê không bao giờ quên “những ngày giỗ chung” ấy. Trước những nỗi đau do thực dân, đế quốc gây nên, bà con càng đoàn kết, quyết tâm xây dựng và giữ gìn cuộc sống bình yên; giữ vững nền độc lập tự do mà toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta phải đổi bao xương máu mới giành được.  
Nguyễn Tiến Nên

tin liên quan

Đưa em về Lệ Thủy

(QBĐT) - núi gối đầu chạy dọc
sông rẽ mạch đâm ngang
bát ngát cánh đồng bao la cát trắng
lưng Trường Sơn bốn mùa mây phủ
mặt ngắm sóng Biển Đông.

Tóc bà

(QBĐT) - Tóc mẹ còn xanh
Tóc bà bạc trắng
Tóc mẹ sợi mưa
Tóc bà sợi nắng

Để gia đình thực sự là tổ ấm

(QBĐT) - Trong đời sống văn hóa của người Việt Nam, gia đình giữ vị trí hết sức quan trọng, là môi trường hình thành, nuôi dưỡng, giáo dục, rèn luyện nhân cách con người.