Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ-Khoảng trời, hố bom

  • 07:10 | Thứ Bảy, 15/07/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Theo lời tự bạch, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đã trải qua tuổi thơ đầy trắc ẩn. Chính vì vậy, mới lên 10 tuổi, đã làm bài thơ “Dòng sông đen”. Một bài thơ mang nỗi buồn da diết. Mỹ Dạ tâm sự: “Tôi đã nhìn dòng sông xuyên qua tâm hồn đau đớn tối thẫm của tôi lúc đó”. Nhưng giờ đây, sau 25 năm trở lại dòng sông ấy, dòng sông quê hương từng tắm tưới suốt tuổi thơ của mình, Lâm Thị Mỹ Dạ đã: “Nhận ra một điều-dòng sông không có đen mà nó rất trong xanh. Phải chăng tâm linh của con người là cội nguồn-là thứ gương soi kỳ lạ đặc biệt phản chiếu màu sắc ánh sáng thơ, ánh sáng đời sống. Và tấm gương soi đó không có thời gian, không có tuổi”.
 
Lâm Thị Mỹ Dạ được tặng giải nhất cuộc thi thơ của tuần Báo Văn Nghệ với bài Khoảng trời, hố bom năm 1973 và được giải thưởng văn học của Hội Nhà văn Việt Nam (1981-1983). Năm 2007, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật với ba tập thơ: Trái tim sinh nở, Bài thơ không năm tháng và Đề tặng một giấc mơ...
 
Ngoài thơ, Lâm Thị Mỹ Dạ đã dành một phần khá lớn trang văn cho các cháu thiếu nhi. có lẽ trước hết Mỹ Dạ là một người chị, sau nữa là một người mẹ, nên đã dành sự ưu ái cho các cháu.
 
Lâm Thị Mỹ Dạ viết bài thơ Khoảng trời, hố bom, từ sự ám ảnh về số phận những thanh niên xung phong mở đường Trường Sơn trong kháng chiến chống Mỹ. Năm 1970, trong một chuyến đi thâm nhập thực tế ở đường 10, nhà thơ gặp một đội thanh niên xung phong đang làm đường, trong đó có một cô gái lớn tuổi. Sau đó cô được giải ngũ, về quê, thì cả gia đình đều bị chết bởi bom Mỹ. Ngôi nhà chỉ còn là một hố bom sâu hoắm. Cô lại khoác ba lô trở lại chiến trường.
 
Hai năm sau, Lâm Thị Mỹ Dạ trở lại con đường đó hỏi thăm đơn vị về cô gái kia, thì không còn một ai biết. Sau chuyến đi trở về, nhà thơ ra sông giặt quần áo, bỗng sững sờ trước khoảng trời in đáy nước dòng sông. Ám ảnh về hố bom trỗi dậy, Lâm Thị Mỹ Dạ, bỏ giặt chạy về nhà viết ngay bài thơ Khoảng trời, hố bom.
Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ. (Ảnh: Tư liệu)
Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ. (Ảnh: Tư liệu)
PGS.TS. Hồ Thế Hà nhận định: Trong những năm gần đây, thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ ít xuất hiện “nhưng để lại dấu ấn quan trọng. Nhu cầu quay về trò chuyện với chính mình đã đem lại cho thơ chị những phẩm chất mới mẻ: Chân thật trong tình cảm, suy nghĩ mới lạ, táo bạo trong hình thức cấu tứ. Khát vọng đan xen những đau buồn, hoài niệm đồng hiện với thực tại, giấc mơ sụp đổ bên cạnh niềm tin…luôn luôn xuất hiện trong thơ, tạo thành những nhịp tình cảm mãnh liệt, day dứt kéo dài, làm hiện lên quãng thời gian, không gian xanh biếc vô tư, nhưng đồng thời chứa chất biết bao âu lo, tiếc nuối, hoài nghi về dòng thời gian trôi chảy vô định… Những nhịp thơ như vậy cứ lặp đi lặp lại như những giai điệu chưa kết thúc. Đó là nét riêng hấp dẫn của Lâm Thị Mỹ Dạ trong nền thơ đương đại”.
 
Còn cố nhà thơ Ngô Minh, người cùng quê Quảng Bình nắng gió thì cho rằng: “Thơ Dạ càng về sau càng hướng mạnh vào nội tâm, tìm về sự tự hỏi, sự cật vấn, sự đối thoại đầy trách nhiệm với chính mình trước cuộc sống đầy lo âu, khắc khoải… Từ một cô học trò nhỏ xinh đẹp bên bờ sông Kiến Giang, Lâm Thị Mỹ Dạ đã trở thành một nhà thơ nổi tiếng của cả nước. Thế giới thơ của chị là một thế giới lung linh mầu sắc, biến ảo và luôn bất ngờ, mới mẻ …”.
 
Là người cùng quê Lệ Thủy, nhưng tôi xa quê lúc 11 tuổi, nên không biết nhiều về nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ. Nhưng rất may, năm 2000, tôi bắt đầu viết tập sách Các tác giả văn chương Việt Nam, trong đó có viết về nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, tôi có dịp gặp chị và nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường-chồng chị.
 
"Là người đồng hương, xa quê lâu ngày, lại không phải là nhà văn, nên công việc viết lách gặp nhiều khó khăn", tôi chia sẻ với chị. Thông cảm với tôi, Lâm Thị Mỹ Dạ mở lòng, tâm sự, chị kể cho tôi nghe những ký ức buồn đau hằn sâu trong trái tim chị những vết sẹo. Những lúc rỗi rãi đọc sách, làm thơ để giải bày nỗi niềm của một cô bé!...
 
Lâm Thị Mỹ Dạ đã đi lên từ những đau khổ đó, đấu tranh vượt qua mọi mặc cảm, để trưởng thành, để trở thành một nhà thơ "có hạng" trong làng thơ Việt hiện đại.
 
Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ nhìn nhận: “…Thơ là cái mới mẻ trong cái bình thường. Nhìn thấy nó đã khó, mà diễn tả được nó càng khó vô cùng. Người ta chỉ đạt đến thơ như khi một quả trứng nóng bức tới mức tự nó tách vỏ nổ ra đời sống-một đời sống động, có hình hài. Nếu vội vã bóc lớp vỏ đi khi chưa đến độ thì sẽ chẳng bao giờ đạt đến thơ, mà chỉ có những ngôn từ chết…”.
NSNA Trần Mạnh Thường

tin liên quan