"Ra đường nói khoét nói khoang"

  • 09:04 | Chủ Nhật, 09/07/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đó là câu lục trong hai câu ca dao lục bát mà bà nội tôi thường hay ru cháu:
Ra đường nói khoét nói khoang
Về nhà ăn rạm cắn ngang đã thèm.
 
Bà tôi nhất khoát phản ứng và cấm chúng tôi đọc hai câu ca dao dị bản có tính thô tục, tuy không tiện nói ra đây, nhưng nhiều nông dân xứ đồng chua nước lợ đều biết. Bà giải thích: Câu ca dao không có chủ định, hàm ý đả kích kẻ ba hoa khoác lác như dị bản. Nó chủ ý mượn hình ảnh kẻ khoác lác để nói về cái ngon của con rạm và cách ăn rạm thích thú nhất. Dù anh ra đường có khoác lác kiểu gì, thì về nhà cũng không thể bỏ qua món rạm khi đến mùa vì nó ngon.
 
Lại nữa, cách ăn rạm ngon nhất là cắn ngang mình con rạm một phát. Cái mùi vị rạm rang muối thơm lựng, cái chất béo từ gạch, cùng âm thanh “rấu” phát ra từ miệng thật là… đã thèm! Bà nói vậy, thì anh em chúng tôi tin vậy. Dù sau này có nhiều ý kiến tranh cãi, tôi cũng không muốn tin khác đi, vì tôi yêu và kính trọng bà.
 
Mùa rạm mà bà tôi nói là từ tháng tư đến tháng năm âm lịch. Mùa này, rạm ở các đồng lầy, nước lợ trôi theo lũ tiểu mãn, tràn về các nhánh phụ ven cửa sông Gianh để sinh nở. Rạm kết với nhau đi thành từng “bè”, phát ra âm thanh rì rào, lấn át cả tiếng sóng nước. Bởi vậy, dân gian thường có câu “chuyện như rạm bè” để chỉ những đám đông ồn ào nói chẳng đâu đến đâu.
 
Con rạm là loài vật thuộc họ nhà cua, chúng có kích thước tương đương với con cua đồng (đam, dam) nhưng thân hình của chúng dẹt hơn. Chúng là loài giáp xác thường sống ở các vùng cận sông, cửa biển và có rất phổ biến ở Bắc Trung bộ.
Minh họa: Minh Quý
                                                                     Minh họa: Minh Quý
Xét về tổng thể thì con rạm rất giống với con cua, mai của rạm khá cứng và có màu xanh xám, viền của mai chúng không có gai như cua đồng và dưới mai của chúng có nhiều gạch màu vàng đậm. Chúng có hai cái càng, tám cái chân lớn. Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ chúng ta sẽ thấy chân của con rạm dài và dẹp hơn so với cua đồng và mỗi chân sẽ có ba đốt, đốt cuối cùng ngắn và nhiều lông.
 
Phần bụng của con rạm thường có màu trắng hoặc ngà vàng. Bộ phận sinh sản của chúng, dân gian hay gọi là yếm, và đây cũng chính là chỗ để chúng ta có thể dựa vào phân biệt con đực với con cái. Đối với những con cái thường có yếm to và chiếm gần hết phần bụng, con đực có yếm nhỏ hơn thường nằm chính giữa bụng.
 
Môi trường sống của rạm khá giống với cua đồng, thích đào hang và sống ven bờ ruộng nơi có đất mềm, hang của chúng nông tầm từ 3-5cm mà thôi. Khi nước ngập thì con rạm sẽ bò ra ngoài. Tính cách của con rạm hiền hơn nhiều so với cua đồng, chúng không hung hăng, ít khi tấn công người bắt.
 
Thời bà tôi còn sống là thời kỳ bao cấp đói kém. Ba mẹ tôi con đông nên thiếu ăn thường xuyên. Bởi vậy anh em chúng tôi đứa nào cũng còi cọc. Mùa no đủ và sung sướng nhất chính là mùa…có rạm. Lúc này, lúa đã gặt xong nhưng thường mất mùa nên không nhiều. Món ăn chủ yếu của anh em tôi là khoai lang và rạm. Bà tôi nói, rạm có nhiều chất bổ lắm. Rạm còn được các thầy thuốc Đông y sử dụng chữa bệnh, xương khớp, chống còi xương, thông khí huyết, bồi dưỡng sức khỏe. Nên bà luôn nhắc nhở mẹ tôi, phải cố gắng tranh thủ mùa rạm rẻ, mua về “bồi bổ” cho các cháu. Đến bữa, bà và mẹ cứ nhặt rạm cái đưa cho mấy đứa nhỏ, còn mình chỉ ăn rạm đực.
 
Tôi còn nhớ, buổi trưa tôi và anh cả đi học, mẹ dành phần cho mỗi đứa ba củ khoai to và một tô rạm rang muối. Tôi thường về trước, nên cứ cầm tô lắc lắc xem phần nào nhiều rạm cái hơn, vì nó nhiều gạch và béo. Chọn phần xong, ngồi xuống chiếu, cầm con rạm lên, bẻ chân càng một bên cắn mút, xong bóc cái yếm con rạm cái ra, tay cầm chân càng bên kia, đưa vào miệng, cắn ngang cái “rấu” thật là đã.
 
Một kỷ niệm nữa với rạm mà tôi không bao giờ quên. Đó là tháng 5/1979, bà tôi bệnh nặng. Nhà nghèo và đói lắm, không có chi bồi bổ cho bà. Mẹ tôi cứ theo lời bà dặn xưa nay, rạm bổ và chữa nhiều bệnh, mẹ mua rạm về, bỏ vào cối giã nhuyễn, lọc lấy nước, nấu cháo cho bà ăn. Nhờ dinh dưỡng từ con rạm, mà bà tôi cầm cự được một thời gian. Mùa rạm trôi qua, bà cũng yếu dần…
 
Ngày nay, rạm không còn dành riêng cho người nghèo nữa, rạm đã trở thành đặc sản. Người ta cũng có nhiều cách chế biến rạm khác nhau cho hấp dẫn hơn, như: Rang lá lốt, nấu bún riêu, canh riêu… Ở TX. Ba Đồn cũng đã có cơ sở chuyên thu mua rạm, cua đồng về làm chả riêu rồi ship tận nơi cho người có nhu cầu mà không có thời gian.
 
Rạm quê tôi hiện nay cũng dần trở nên khan hiếm. Đầm lầy, đồng ruộng đã thành mặt bằng gần hết. Bao năm nay, mùa tiểu mãn nước dềnh lên, tôi cứ ra đứng trên bờ Hói Cụt-con kênh đào chảy ra sông Gianh đề mong thấy rạm bè. Ngóng mãi, trông mãi rồi im lặng ra về, chẳng thể “nói khoét nói khoang” gì được.
                                                                                       Đỗ Thành Đồng 

tin liên quan

20 năm thực hiện Công ước bảo vệ di sản

(QBĐT) - Theo Công ước về việc bảo vệ di sản văn hóa và di sản thiên nhiên thế giới của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) thông qua vào tháng 11/1972, việc bảo vệ di sản có ý nghĩa rất quan trọng.

Hơn 500 hội viên phụ nữ diễu hành "Áo dài trên quê hương di sản"

(QBĐT) - Chiều 30/6, tại thị trấn Phong Nha (Bố Trạch), Hội LHPN huyện Bố Trạch tổ chức chương trình diễu hành "Áo dài trên quê hương di sản". 

Nhớ

(QBĐT) - Trắng trời mây núi giăng mành
Để bao thương nhớ trở thành ca dao