Mấy chuyện nhỏ với Lâm Thị Mỹ Dạ

  • 07:48 | Thứ Sáu, 07/07/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Mùa hè 1965, cuộc chiến trên bầu trời miền Bắc đã bước sang năm thứ hai. Trường cấp 3 Lệ Thủy đã chuyển đến giấu mình sau những lùm tre của thôn Đông Liễu, xã Liên Thủy. Đầu năm học, các lớp 8 mới tập trung lo lao động sửa sang trường lớp. Có mấy em làm việc sát ngay ngôi nhà của ông bà nông dân mà tôi đang ở nhờ. Được vào học cấp ba, em nào cũng hơn hớn. 
Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ. (Ảnh: Tư liệu)
Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ. (Ảnh: Tư liệu)

       Tôi hỏi một em:

      - Em tên gì?

      - Dạ… dạ!

      - Thầy hỏi: Em tên gì?
 
      - … Dạ…
 
Lâm Thị Mỹ Dạ xuất hiện lần đầu với tôi là thế. Dạ sống ở Tuy Lộc, mỗi ngày đi bộ khá xa đến trường. Mẹ Dạ nghèo, đơn thân.
 
Tôi chỉ dạy Dạ có một năm ấy. Thật bất ngờ sau này cái lớp học nhỏ bé dưới lùm tre ấy lại có những năm thi sĩ: Mỹ Dạ, Ngô Minh, Hải Kỳ, Lê Đình Ty, Đỗ Hoàng.
 
Tôi cũng khá bất ngờ khi Dạ trở thành phu nhân một người bạn tôi: Hoàng Phủ Ngọc Tường.
 
 Mùa hè 1974, được sự giúp đỡ của Tường, tôi lang thang khắp cả một huyện Triệu Phong đã được giải phóng của tỉnh Quảng Trị, gọi là đi thực tế.
 
 Rồi Huế được giải phóng, tôi ghé thăm Huế. Tại nhà Hải Bằng, ngồi uống bia, có nhà thơ Hải Bằng, vợ chồng Tường Dạ, nhà giáo Phan Ngọc Thu, hai nhà thơ Ngô Minh, Nguyễn Trọng Tạo.
 
 Chính từ buổi lai rai này mà sau đó có bài viết của Nguyễn Trọng Tạo trên tờ Văn Nghệ Trẻ: Một lớp hai thầy năm thi sĩ.
 
 Ấy mà thật không ngờ một lần từ TP. Hồ Chí Minh ra thăm Huế thì Tường đã ngồi xe lăn. Đau quá, tôi lấy chai rượu rót hai ly, tôi uống một ly, ly kia thì đặt trước mặt Tường.
 
Đó chính là nguồn cơn của bài thơ này:
 
Uống rượu với Tường
 
Cạn ly đi Tường ơi
Không uống được vào môi thì nhấp bằng mắt vậy
 
Để ta nhớ một thời sôi nổi 
Ngang dọc hai ta một dải đất gió Lào
 
Cả cuộc đời thuở ấy đẹp tươi sao
Gian khó hiểm nghèo say ta như rượu mạnh 
 
Ta chưa một lần trở lại mảnh đất thiêng 
Chưa kịp về với Quảng Trị bình yên 
Tóc vội bạc rượu nồng chưa kịp uống 
 
Một thời trẻ trai 
Một thời mộng tưởng 
Cạn ly đi Tường ơi
 
Thế rồi, một lần tôi đến thăm vợ chồng Tường Dạ ở TP. Hồ Chí Minh tại một căn hộ. Tường vẫn vậy, vẫn ngồi xe lăn, nghe không rõ, nói không rõ. Nhưng đến chuyện này thì buồn hơn. Lúc đó Mỹ Dạ vừa được in một tập sách khá dày và đẹp. Không biết đây là toàn hay tuyển. Dạ giao quyển sách cho tôi nhưng không nói gì. Tôi hơi lạ, bảo:
 
       - Em viết gì đi chứ?
 
       - Phải viết à thầy?
 
       - Ừ, viết tặng thầy đi chứ!
 
       - Viết răng thầy?
 
       - Thì em viết Kính tặng thầy Hà Nhật 
 
        Rồi tôi đưa cây bút cho Dạ:
 
       - Em viết: Ca hờ i…
 
       - Ca là răng thầy?
 
     Lúc này tôi suýt phát khóc. Bi kịch của đời là đây rồi sao! 
 
     Tôi đành tự mình viết lên trang giấy: Kính tặng thầy Hà Nhật. 
 
      May mà Dạ vẫn ký được loằng ngoằng.
 
      Hôm ấy tôi trở về trong một nỗi nao lòng.
 
       Cuối cùng thì chuyện đã đến. Sáng nay đang ngồi ăn cơm với mấy người bạn ở Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình thì Phan Đình Tiến, Chủ tịch hội, báo tin: Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đã từ trần!
 
       Vậy là từ con số “một lớp năm thi sĩ” ấy đã có đến bốn thi sĩ bay lên trời: Hải Kỳ, Lê Đình Ty, Ngô Minh, Lâm Thị Mỹ Dạ.
 
       Chợt nhớ một câu của Lev Tolstoy: Hạnh phúc thì giống nhau, đau khổ thì mỗi người một cách.
Hà Nhật

tin liên quan

20 năm thực hiện Công ước bảo vệ di sản

(QBĐT) - Theo Công ước về việc bảo vệ di sản văn hóa và di sản thiên nhiên thế giới của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) thông qua vào tháng 11/1972, việc bảo vệ di sản có ý nghĩa rất quan trọng.

Hơn 500 hội viên phụ nữ diễu hành "Áo dài trên quê hương di sản"

(QBĐT) - Chiều 30/6, tại thị trấn Phong Nha (Bố Trạch), Hội LHPN huyện Bố Trạch tổ chức chương trình diễu hành "Áo dài trên quê hương di sản". 

Nhớ

(QBĐT) - Trắng trời mây núi giăng mành
Để bao thương nhớ trở thành ca dao