Chín mươi tuổi vẫn miệt mài sáng tác

  • 06:58 | Thứ Ba, 20/06/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hiếm có một người cao tuổi nào, khi nghỉ hưu, an nhàn với tuổi già, vui vẻ với cháu con, lại vẫn trăn trở lao động sáng tạo văn học nghệ thuật… Tác giả Thanh Sơn (ông Nguyễn Đình Song, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, nguyên Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, Trưởng ban Kiểm tra Tỉnh ủy) là một tấm gương như thế.
 
Về hưu, như "lò xo" dồn nén tích lũy trong quá trình công tác, đến tuổi 70, ông bắt đầu "chắt lọc" từ tình yêu của mình để viết nên những vần thơ tâm huyết, cháy bỏng tình thơ, tình người… Cần mẫn lao động trí tuệ, tuy không phải nhà thơ, nhà văn, không phải hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, nhưng ông đã miệt mài sáng tạo và cho ra mắt 6 cuốn sách: Trái tim bên phải (thơ, NXB Thuận Hóa, 2011), Nỗi quê (thơ, NXB Thuận Hóa, 2013), Miền nhớ thương (thơ, NXB Thuận Hóa, 2014), tuyển tập thơ: Gặt hái muộn mùa (NXB Thuận Hóa, 2016.)…
 
Sau thơ, ông tiếp tục viết văn xuôi và dư địa chí. Ông trăn trở ra mắt bạn đọc cuốn: “Những mảnh ký ức sót lại” (NXB Nghệ An, 2018).  Yêu mến quê hương, ông đã cần mẫn sưu tầm biên soạn cuốn: "Lược chí làng Tô Xá" (NXB Nghệ An, 2019).
 
Bây giờ, tác giả Thanh Sơn bước sang tuổi 90, “trời” vẫn cho ông thêm chút sức khỏe và đầu óc còn tỉnh táo, minh mẫn để "chạy đua" với thời gian viết  tiếp những mẩu ký ức “sót lại” hoàn thành tác phẩm thứ 7 với thể loại ký: “Cuối đường về”. Cuốn sách nhằm lưu lại cho cuộc đời và gửi bao nỗi niềm cho bạn bè đồng chí, cho những người cao tuổi, cho các con, cháu chắt “bài học cuộc đời” mà ông đã đi qua…
Bìa cuốn sách
Bìa cuốn sách "Cuối đường về" của tác giả Thanh Sơn.

 

Tập “Cuối đường về” như muốn nhắn nhủ với người đọc trên con đường gập ghềnh ông đi, có lý tưởng cách mạng, có Đảng, có Bác soi đường chỉ lối, có nhân dân, có bạn bè đồng chí anh em đùm bọc để đi qua bao chặng đường đời gian nan vất vả… Ông có vợ, có các con, cháu chắt và người thân, luôn thủy chung, chia sẻ mọi vui buồn, ngọt bùi, cay đắng… Bây giờ đến đến “mút cuối đường về”, ông tự hào, ngoảnh mặt nhìn lại, con đường dằng dặc, đầy chông gai, khúc khuỷu, đầy mưa gió bão bùng… 90 năm ông đã đi qua, bây giờ gói ghém, xốc lại hành trang để phấn đấu “bước tiếp “Cuối đường về”, ngót nghét tròn một thế kỷ, viết tiếp bài ca “Ơn Đảng, ơn cuộc đời…”.

Hơn 30 mẩu “ký” ghi lại những gì ông được nghe, được thấy, được chứng kiến, để tìm lại “Dấu chân người đi trước…”. Qua đó, nhắc lại cho đời sau và con cháu về một phần của chặng đường lịch sử ông cha, lịch sử của Đảng bộ huyện nhà, về "dấu chân” của những lão thành cách mạng, của các bậc tiền bối đã vì hạnh phúc của con cháu hôm nay “vào sinh ra tử” dưới “gông cùm tù tội”, phải chịu cảnh “gươm kề cổ, súng kề vai”, tìm ra con đường giải phóng dân tộc, giải phóng quê hương…
 
Tất cả những tư liệu lịch sử trước và sau năm 1930, khi Đảng Cộng sản Việt Nam đang ở giai đoạn đầu thành lập, ông như là nhân chứng sống để kể cho thế hệ sau hiểu thêm về lịch sử của cách mạng Việt Nam và lịch sử quê hương, những ngày đầu gian nan, vất vả… Có thể kể đến: “Sự hình thành những chi bộ đầu tiên ở phủ Quảng Trạch”, “Thành lập Phủ ủy Quảng Trạch lâm thời…”, “Những cuộc khủng bố, bắt bớ, giam cầm của thực dân Pháp đối với phong trào cách mạng ở Phủ Quảng Trạch…”, “Thực hiện chủ trương tạm thời đưa một số đảng viên ra hoạt động ngoài vùng Quảng Trạch”... Tất cả những tư liệu lịch sử trước và sau năm 1930, khi Đảng Cộng sản Việt Nam đang ở giai đoạn đầu thành lập, ông như là nhân chứng sống kể cho thế hệ sau hiểu thêm về lịch sử của cách mạng Việt Nam, lịch sử quê hương và những ngày đầu gian nan, vất vả.
 
Là người con của quê hương làng Tô Xá, xã Quảng Phương (Quảng Trạch), ông muốn bằng sự hiểu biết và tìm hiểu của mình, phải ghi lại gốc tích làng quê, phải biết cội nguồn ông cha để cho con cháu mai sau thêm tự hào và có trách nhiệm với quê hương. Bởi vậy, ông đã dày công tìm hiểu về “Sự hình thành tên làng và dân cư làng Tô Xá…”. Làng Tô Xá vô cũng tự hào về ông, một người con vô cùng tâm huyết và nặng lòng với quê hương xứ sở.
 
Có được tình yêu đó, cũng bắt nguồn từ mảnh đất giàu truyền thống anh hùng, người dân chịu thương chịu khó. Bởi hoàn cảnh đói khổ của gia đình, nên thuở nhỏ, ông không được đến trường, 13 tuổi ông đã tham gia hoạt động cách mạng. Tiếp đó là cả một quá trình dài tự học, tự vươn lên trang bị cho mình kiến thức văn hóa và hành trình này đã được ông chia sẻ, gửi gắm trong các mảnh “ký ức”của cuốn "Cuối đường về".
 
Và cuối cùng, ông tâm sự “ Chuyện tôi làm thơ” như một lời tự bạch, tâm sự với bạn bè bằng những lời “tâm huyết”, nhắn nhủ với các con cùng cháu chắt nội ngoại về “nỗi niềm gửi lại Cuối đường về”...
 
“…Bây giờ kỷ niệm tuổi 90 tôi trăn trở, hồi ức lại những ký ức còn sót lại trên đường đời để viết tiếp tập ký “Cuối đường về”. Như con tằm “rút ruột vẫn còn tơ”, như con ong chăm chỉ“ dâng mật ngọt cho đời”, một chút tình yêu cuộc sống, tình yêu Đảng, tình yêu Tổ quốc, tình yêu đồng bào, đồng chí…, đã cưu mang mình trong suốt 90 năm của cuộc đời, xuyên qua 2 thế kỷ, mới biết mình vẫn còn may mắn để cảm ơn “cuộc đời này… Cảm ơn bạn bè, con cháu, người thân, đồng nghiệp, cảm ơn những nhà thơ, nhà văn đã chắp cánh hồn thơ tôi đến với cuộc đời này, cảm ơn tất cả, kể cả những người còn “oán, ân, hờn trách…” nhờ vậy mà tôi biết hơn, yêu hơn về “cuộc đời” mà tôi đã sống và đã đi qua đến “Cuối đường về”.
                                           Cảnh Giang

tin liên quan

Hoa chạc chìu

(QBĐT) - Quê hương tôi có cây chạc chìu
hoa chạc chìu
Những trưa hè vào rừng hái củi
Hương chạc chìu thầm thơm bên vai
 

Thơ Quảng Bình đương đại, truyền thống và đổi mới

(QBĐT) - Hiện nay, Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Quảng Bình có gần 100 hội viên chuyên ngành văn học thì đã có hơn 2/3 trong số đó sáng tác thơ.

Mùa hoa vông nem

(QBĐT) - Mỗi lần xe bus dừng lại ngay con dốc để tôi rẽ vào xóm nhỏ, bao giờ cũng vậy, tôi thường đi bộ thật chậm, bởi trong mỗi bước đi chứa đựng cả một vùng trời ký ức.