Thơ Quảng Bình đương đại, truyền thống và đổi mới

  • 07:13 | Thứ Hai, 19/06/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hiện nay, Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Quảng Bình có gần 100 hội viên chuyên ngành văn học thì đã có hơn 2/3 trong số đó sáng tác thơ. Có kế thừa và phát triển, có truyền thống và đổi mới, có năng lượng nội sinh và nguồn lực khách quan, thơ Quảng Bình đã đạt được những thành tựu đáng kể.
 
Yếu tố đầu tiên cần nói đến là lực lượng tác giả với quá trình xây dựng và kế thừa liên tục. Thế hệ các tác giả trưởng thành trong chiến tranh bằng kinh nghiệm, bản lĩnh và tinh thần trách nhiệm đã sáng tác hàng trăm tác phẩm có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao, nổi bật có: Nhà thơ Văn Lợi, nhà thơ Hoàng Vũ Thuật, nhà thơ Lý Hoài Xuân, nhà thơ Thái Hải... Họ đã tạo dựng được cá tính sáng tạo và để lại nhiều ấn tượng trong độc giả.
 
Những năm sau ngày tỉnh nhà trở về địa giới cũ, văn học Quảng Bình nói chung, thơ nói riêng có dấu hiệu chững lại trong xây dựng phong trào, chuyển giao thế hệ. Nếu lớp tác giả sinh ra trong những năm 50 thế kỷ XX trở về trước có chiều sâu về hoạt động sáng tác và bề dày thành tích thì thế hệ 6X lại mỏng về số lượng và hạn chế về chất lượng. Chỉ có thể kể đến một vài cái tên ít ỏi, như: Đỗ Thành Đồng, Nguyễn Thế Nhân, Nguyễn Thiên Sơn, Phan Đình Tiến...
 
Vượt qua thời kỳ có tính gạch nối trên, thơ Quảng Bình hồi phục mạnh mẽ với sự xuất hiện nhiều cây bút trẻ giàu năng lượng sáng tạo. Đó là: Hoàng Đăng Khoa, Hoàng Thụy Anh, Trần Thị Huê, Hoàng Thúy, Thùy Ngân, Nhung Nhung... Hội tụ nhiều thế hệ, nhiều giọng điệu và phong cách, thơ Quảng Bình được ví như dàn hợp xướng đa sắc, đa thanh. Mỗi người một giọng điệu đã tạo cho thơ Quảng Bình đương đại sức sống mãnh liệt và nhiều khuynh hướng. Bên cạnh thể thơ, thanh, vần, điệu truyền thống là thể thơ tự do tùy biến. Bên cạnh hình thức duy cảm liền mạch là hình thức tầng nấc đứt gãy… Thơ không bó hẹp trong âm hưởng ngợi ca chung chung một chiều hay sự bộc bạch nội tâm cái tôi êm xuôi đơn điệu mà đã hướng đến cái nhìn thế sự với độ mở trong mối giao cảm giữa cá nhân và xã hội.
 
Lúc sinh thời nhà văn Hoàng Bình Trọng luôn tôn vinh vẻ đẹp chỉn chu, mô phạm của thơ truyền thống. Theo ông, thơ là phải vần điệu trữ tình bay bổng và tác động trực tiếp đến cảm xúc người đọc. Thơ vẫn ắp đầy mọi cảm xúc cuộc sống với hạnh phúc và khổ đau, yêu thương và hờn giận, trăn trở dằn vặt và khắc khoải đợi mong nhưng dù ở sắc thái tình cảm nào thơ vẫn bảo đảm tính vần điệu, câu chữ chứ không kiểu giật cục bởi sầu bi hay lê thê bởi nỗi niềm.
 
Ở khuynh hướng thơ truyền thống Quảng Bình còn có nhà thơ Văn Lợi, Đặng Thị Kim Liên… Nhìn chung, thơ truyền thống dễ hiểu, dễ cảm nên có tính đại chúng. Bởi vậy, dù thời gian qua thơ Việt chuyển động khá nhiều chiều, người làm thơ tự do sáng tác theo cách của mình miễn sao thể hiện được tiếng nói nội tâm của bản thân thì dòng thơ truyền thống vẫn bền bỉ chảy với lượng độc giả ổn định.  
 
Không nằm ngoài xu hướng phát triển chung, thơ Quảng Bình đương đại rất nhanh chóng bắt nhịp với những khuynh hướng mới về cả thi pháp lẫn cách truyền tải thông điệp. Thực ra, nhiều năm trước đã có một số tác giả mới từ khi bắt đầu làm thơ. Như nhà thơ Hà Nhật, làm thơ cách nay hơn 60 năm khi ông mới 16 tuổi và đã có những bài thơ hiện đại về cả thi pháp lẫn tư tưởng. Hay nhà điêu khắc Phan Đình Tiến cách nay hơn 30 năm cũng đã có những bài thơ gây sốc bởi sự mới lạ trong cách thể hiện lẫn ngôn ngữ.
 
Tuy nhiên, vào thời điểm đó họ là hiện tượng đơn lẻ. Đến những năm 2000, nhà thơ Hoàng Vũ Thuật bắt đầu thay đổi thi pháp sáng tác, chuyển từ thơ truyền thống sang thơ cách tân hiện đại. Và ông đã thành công. Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật được xem người đi tiên phong trên con đường làm mới thi ca ở Quảng Bình bởi ông đã tạo ra được một trào lưu cách tân thơ về cả nội dung lẫn hình thức khá mạnh mẽ. 
 
Cùng đi trên con đường này có các tác giả, như: Đỗ Thành Đồng, Nguyễn Bình An, Thái Hải, Trần Thị Huê, Phan Văn Chương, Lê Minh Thắng, Nguyễn Thế Nhân, Hoàng Đăng Khoa, Hoàng Thụy Anh, Hoàng Thúy… Mỗi người trong số họ đã có ít nhiều thành công, bởi làm thơ cách tân tưởng dễ mà không dễ, không cứ chữ tự do, câu đứt gãy là nên thơ mà đòi hỏi người viết phải có trí tuệ và kỹ năng thì mới chạm đến ngưỡng của sự cách tân. Nếu không sẽ rơi vào sự đánh đố con chữ rắc rối, tối nghĩa. 
 
Thời gian qua, sự xuất hiện của các tác giả trẻ với phong cách thơ khác biệt đã tạo ra những dư chấn nhiều chiều trong dư luận. Có cả ủng hộ lẫn bất bình. Có cả đón nhận lẫn tẩy chay. Tuy nhiên, họ trẻ, họ dám đương đầu với mọi lực cản để tự do sáng tạo và sự thật họ là động lực để khơi thông không gian trầm lắng buồn bã của thơ, phá vỡ mô típ khuôn sáo lối mòn của thơ, làm linh hoạt gương mặt thơ Quảng Bình, góp phần đưa thơ Quảng Bình thoát khỏi khuôn khổ cứng nhắc, hướng đến sự phóng khoáng và tươi mới.
 
Thơ Quảng Bình đương đại đổi mới, cách tân không chỉ ở thi pháp mà còn trong nội dung thể hiện. Cũng như các thể loại văn học khác, thơ Quảng Bình vẫn viết về đề tài chiến tranh cách mạng nhưng nhà thơ đã có cái nhìn khác trong tâm thế khác, không còn những lời thơ hô hào cổ động mà trực diện hơn, thật hơn. Hình ảnh vùng đất và con người Quảng Bình không còn dừng lại ở những câu thơ chung chung sáo rỗng mà đã được thể hiện bằng hình ảnh cụ thể, cận nét nhất.
 
Cùng với dòng thơ truyền thống và thơ cách tân hiện đại, thơ Quảng Bình còn có một khuynh hướng khác đang được các tác giả chuộng các thể thơ truyền thống vận dụng khá nhuần nhuyễn, đó là dạng thơ cách tân trên cơ sở kế thừa và phát huy những ưu thế của thơ trữ tình truyền thống. Những bài thơ sáng tác theo khuynh hướng này không khó đọc như thơ cách tân, cũng không mô phạm, lối mòn như thơ truyền thống mà nó đạt đến ngưỡng của sự thân thuộc mà mới mẻ, thuần khiết mà ấn tượng.
 
Ở Quảng Bình, hầu hết các nhà thơ thích thể truyền thống và cả một số tác giả hưởng ứng lối cách tân đang có xu hướng sáng tác theo khuynh hướng này. Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật là một thi nhân thừa năng lực để chuyển động thơ theo bối cảnh và cảm xúc. Ông không cứng nhắc một khuôn phép nào mà luôn làm mới thơ thông qua hình thức và nội dung của mỗi tác phẩm. Sau một loạt tác phẩm rất kén người đọc bởi trường liên tưởng trong thơ ông đi khá xa trong lúc người đọc thơ chỉ chú tâm vào cảm chứ ít nghĩ thì gần đây ông đã có sự chuyển hướng khá mềm mại trong thi pháp. Thơ của ông gần gũi hơn, dễ cảm dễ nghĩ hơn.
 
Nhà thơ Đỗ Thành Đồng, một người khởi sự sáng tác thơ theo khuynh hướng cách tân hiện đại gần đây cũng đã cách tân thơ truyền thống với thể thơ lục bát khá thành công. Nhiều tác giả, như: Trương Vĩnh Hạnh, Trương Văn Quê, Trần Hải Sâm, Hoàng Hải Vương, Trần Khởi, Trần Đồng, Nguyễn Thiên Sơn… cũng đang sáng tác theo khuynh hướng này. Và trong thực tế những bài thơ cách tân trên nền truyền thống đã được độc giả đón nhận bởi mới mà không xa lạ, cũ mà không lạc hậu của nó.
 
Vừa qua, tại lớp tập huấn “Các khuynh hướng VHNT đương đại” do NSND Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam trình giảng, tôi có đưa vấn đề sự xung đột giữa hai dòng thơ truyền thống và hiện đại ở Quảng Bình ra bàn luận. NSND Vương Duy Biên nói rằng: “Xét cho cùng, dù người sáng tác bằng hình thức nào thì cũng phải đạt đến mục đích cuối là độc giả có tiếp nhận hay không. Muốn thành công thì thơ phải hay. Hay hay không hay không phải ở chỗ cũ hay mới. Cũ mà hay, mới mà dở thì sao?!
 
Vậy nên, chúng ta tôn trọng cá tính và quan điểm sáng tạo của nhau cũng là chấp nhận sự tồn tại của nhiều khuynh hướng sáng tạo. Cái cốt yếu vẫn là chất lượng tác phẩm và thái độ của công chúng. Môi trường nghệ thuật cũng như cuộc sống, luôn luôn có sự đào thải. Thơ Quảng Bình đang sở hữu nhiều khuynh hướng sáng tác thì đó là một thành công. Chúng ta nên tôn trọng tất cả”.  
 
Tôi đồng tình với ý kiến của NSND Vương Duy Biên, tôn trọng tất cả: Truyền thống, cách tân và cách tân truyền thống để thơ Quảng Bình thật sự là không gian đa dạng, phong phú và luôn chuyển động.  
 Trương Thu Hiền

tin liên quan

Mùa hoa vông nem

(QBĐT) - Mỗi lần xe bus dừng lại ngay con dốc để tôi rẽ vào xóm nhỏ, bao giờ cũng vậy, tôi thường đi bộ thật chậm, bởi trong mỗi bước đi chứa đựng cả một vùng trời ký ức.

Vắng bóng văn học thiếu nhi

(QBĐT) - Suốt mấy mùa giải thưởng văn học nghệ thuật (VHNT) Lưu Trọng Lư vắng bóng tác phẩm văn học thiếu nhi.

Biển

(QBĐT) - Cha không sinh ra từ biển
nhưng rất thích hát về biển khơi
những bụm cát trong lư hương thờ tổ
cha đãi từ biển mang về