Vắng bóng văn học thiếu nhi

  • 07:51 | Thứ Bảy, 17/06/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Suốt mấy mùa giải thưởng văn học nghệ thuật (VHNT) Lưu Trọng Lư vắng bóng tác phẩm văn học thiếu nhi; danh sách hỗ trợ xuất bản tác phẩm của Hội VHNT tỉnh mấy năm qua cũng hầu như rất ít tác phẩm viết về thiếu nhi nào; các tác giả văn học trẻ thì ngày càng thưa thớt… Phải chăng văn học thiếu nhi của Quảng Bình chỉ còn “vang bóng một thời” và giờ đây chìm lấp trong vô vàn những phương tiện truyền thông giải trí khác?
 
Đưa câu hỏi này đến chia sẻ với nhà điêu khắc Phan Đình Tiến, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh thì thật buồn khi câu trả lời cũng không khác hơn là bao. Vì sao văn học thiếu nhi của tỉnh nhà lại ảm đạm đến vậy trong suốt thời gian dài? Đó là bởi thiếu hẳn đi một lớp các nhà văn, nhà thơ kế cận về mảng đề tài quan trọng này? Vì chưa có những cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết thực cho văn học nói chung và văn học thiếu nhi nói riêng? Hay bởi lớp độc giả trẻ mới không còn mặn mà với văn học thiếu nhi địa phương trước những hấp dẫn của cuộc cách mạng 4.0?
 
Tác giả Trần Thị Huê (SN 1970, xã Hiền Ninh, Quảng Ninh) vốn là một cô giáo mầm non, chính vì thế, chị gắn bó và dành nhiều tình cảm cho lớp trẻ ở độ tuổi này. Năm 2018, tập thơ “Mặt trời đến lớp” gồm những bài thơ viết riêng cho lứa nhà trẻ, mẫu giáo chính là “món quà” tâm huyết chị mong muốn gửi gắm cho các em. Xuyên suốt tập thơ là thế giới động vật, thực vật, phương tiện giao thông… kỳ diệu, ngộ nghĩnh, đầy chất thơ với thế giới quan trẻ thơ sinh động, ngôn ngữ giản dị, gần gũi như chính hơi thở cuộc sống của các em.
 
Những vần thơ trong trẻo góp phần nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ, hướng các em đến chân-thiện-mỹ mà không hề giáo điều, sáo rỗng. Tác giả Trần Thị Huê cho biết, mong muốn của chị là tập thơ có được sức sống lâu bền với thời gian và có cơ hội được tiếp cận gần hơn với các độc giả nhí; đặc biệt những bài thơ sẽ theo chân các cháu đến trường...
Đối với học sinh vùng sâu vùng xa, sách vẫn luôn là
Đối với học sinh vùng sâu vùng xa, sách vẫn luôn là "món quà" quý giá.
Dẫu vậy, đã 5 năm trôi qua kể từ khi tập thơ “Mặt trời đến lớp” của tác giả Trần Thị Huê ra mắt công chúng. Đây là cuốn sách hiếm hoi dành cho thiếu nhi của văn học Quảng Bình trong suốt quãng thời gian dài. Từ đó đến nay, ngoài những bài thơ hay truyện ngắn viết về thiếu nhi xuất hiện lẻ tẻ trên mặt báo, tạp chí, chưa có một cuốn sách nào hướng về thiếu nhi thật đúng nghĩa hiện diện trên văn đàn tỉnh nhà. Đó thật sự là một sự trống vắng rất lớn, như chính chia sẻ của nhà điêu khắc Phan Đình Tiến, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh.
 
Ông Kim Cương, Phân hội trưởng Phân hội Văn học, Hội VHNT tỉnh nhận định, mảng văn học thiếu nhi là khoảng trống trong quá trình sáng tạo của các nhà văn, nhà thơ, tác giả Quảng Bình. Đã có một thời, “thần đồng thơ” Quảng Bình Hoàng Hiếu Nhân vang danh trên văn đàn với những sáng tác nổi bật, sánh ngang với các tên tuổi như Trần Đăng Khoa… và phải kể đến các tác phẩm ngụ ngôn dành cho thiếu nhi của nhà thơ Văn Lợi, từng là sách gối đầu giường của nhiều thế hệ măng non. Giờ đây, tìm kiếm tác phẩm viết về thiếu nhi hay các tác giả tâm huyết với mảng đề tài này ở Quảng Bình, thật sự là “rất khó”. Đó cũng là thực trạng xảy ra một thời gian dài trong đội ngũ những người viết văn Quảng Bình, chứ không phải chỉ “một sớm, một chiều”.
 
Theo nhà điêu khắc Phan Đình Tiến, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, “khoảng trống” khó lấp đầy này trước hết là bởi các tác giả viết cho thiếu nhi đều đã lớn tuổi, trong khi lớp kế cận hầu như không có. Bên cạnh đó, sự quan tâm, chăm chút dành cho mảng văn học thiếu nhi để có sự “ươm mầm” ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường của các cơ sở giáo dục cũng ngày càng phai nhạt. Chính vì thế, những “mầm non” về VHNT không có nhiều cơ hội để được trau dồi, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng.
 
Thêm một “nốt lặng” nữa chính là nhiều tác giả chưa thực sự coi trọng mảng văn học quan trọng này, chưa dành sự quan tâm và đầu tư tâm huyết. Một số tác giả vốn dĩ xem đây chỉ như cuộc dạo chơi trong khi văn học thiếu nhi luôn cần sự phong phú về đề tài, góc nhìn, tâm lý của trẻ thơ và ngôn ngữ trong sáng, giàu sức tưởng tượng. Ngoài ra, “cơn lốc” công nghệ thông tin với thế giới mạng đa sắc màu cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự quan tâm của lứa độc giả trẻ dành cho văn học.
 
Nhà điêu khắc Phan Đình Tiến, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh cho biết, sắp tới, với nỗ lực “lấp đầy” khoảng trống vốn dĩ đã tồn tại từ lâu này, Hội VHNT tỉnh sẽ triển khai một số giải pháp dài hơi, như: Tổ chức hội nghị những cây viết trẻ, triển khai các trại sáng tác, chú trọng hơn đến mảng văn học thiếu nhi… Tuy nhiên, trên thực tế, đồng hành cùng những nỗ lực đó, rất cần sự chung tay của các ban, ngành liên quan, nhất là Sở Giáo dục và Đào tạo trong việc ươm mầm, chắt chiu từng "mầm non" về VHNT. Các nhà trường rất cần quan tâm hơn đến những hoạt động “nhỏ” nhưng thiết thực, từ duy trì báo tường, động viên học sinh tham gia các cuộc thi viết, thành lập các đội tuyên truyền măng non… cho đến tạo điều kiện để các em tham gia các sân chơi lớn, thể hiện mình trong dòng chảy VHNT.
 
Bên cạnh đó, rất cần những chiến lược đầu tư đồng bộ, có chính sách khuyến khích các tác giả bằng những giải thưởng và đãi ngộ tương xứng. Và quan trọng hơn, tính lan tỏa của những tác phẩm văn học thiếu nhi chất lượng cũng rất cần được quan tâm, tạo cơ hội và điều kiện.
 
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam từng chia sẻ, phát triển văn học thiếu nhi là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, là trọng trách của những người sáng tác văn học và văn học thiếu nhi đang là mảnh đất bị lãng quên, chúng ta cần đánh thức lại nó. Chính vì thế, chúng ta không thể bỏ bê thêm nữa đối với mảng sáng tác đóng vai trò quan trọng trong hành trình hoàn thiện nhân cách của mỗi đời người và mạnh dạn có những đổi mới, cách tân.
Mai Nhân

tin liên quan

Biển

(QBĐT) - Cha không sinh ra từ biển
nhưng rất thích hát về biển khơi
những bụm cát trong lư hương thờ tổ
cha đãi từ biển mang về

Quảng Bình muôn vẻ

(QBĐT) - Các bức ảnh đẹp phản ánh chân thực hình ảnh "Bộ đội Cụ Hồ-người chiến sĩ Hải quân" đã được Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đức Thành thực hiện tại quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. 

Đảo Yến chiều nay

(QBĐT) - Mình về đảo Yến chiều nay
Sóng xanh thay mắt, mắt cay thay lời