Viết để lưu lại cho thế hệ mai sau

  • 07:31 | Thứ Ba, 13/06/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Năm 1970, ông Đinh Thanh Dự (SN 1938, ở xã Xuân Hóa, Minh Hóa) bắt đầu viết các công trình nghiên cứu về lịch sử, văn hóa dân gian. Đến nay, ông đã có hàng chục cuốn sách viết về lĩnh vực này lưu lại cho thế hệ mai sau. Để hiểu sâu hơn những công trình nghiên cứu đó, phóng viên (P.V) Báo Quảng Bình đã có cuộc gặp gỡ, trò chuyện với “pho sử sống” của núi rừng huyện Minh Hóa Đinh Thanh Dự.
 
* P.V: Trước tiên, xin ông cho biết cơ duyên đến với công tác nghiên cứu, viết sách về lịch sử, văn hóa?
 
- Ông Đinh Thanh Dự: Huyện Minh Hóa không chỉ là vùng đất giàu truyền thống cách mạng mà còn ghi dấu nhiều giá trị văn hóa, lịch sử. So với các địa phương khác trong tỉnh, người dân huyện Minh Hóa có nhiều ngôn ngữ khác nhau, như: Tiếng Kinh, tiếng Nguồn, tiếng Bru-Vân Kiều… Ở đây, còn có các làn điệu dân ca, như: Hò thuốc cá, hát đúm, ví, hát nhà trò, hát ru, sắc bùa…
 
Từ những kho tàng văn hóa riêng, độc lạ đó, tôi muốn nghiên cứu, tìm hiểu. Đến nay, tôi đã viết được 36 cuốn sách các loại. Trong đó có 2 cuốn xuất bản do tôi đứng tên, 14 cuốn xuất bản đứng tên chung với tác giả khác và hơn 20 cuốn chưa xuất bản.
 
* P.V: Năm 2021, hò thuốc cá của huyện Minh Hóa được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, xin ông có thể chia sẻ thêm về vinh dự này?
 
- Ông Đinh Thanh Dự: Tôi cũng đã có nhiều công trình nghiên cứu, bài viết về hò thuốc cá xuất bản trên sách, tạp chí. Trong các hội thảo, tôi cũng đã cung cấp tài liệu, đưa ra nhiều ý kiến chứng minh những giá trị độc đáo của điệu hò này. Theo tôi, hò thuốc cá là làn điệu dân ca đặc trưng của người dân huyện Minh Hóa mà không có nơi nào có được.
 
Hò thuốc cá ra đời bắt nguồn từ nghề thuốc cá tập thể khi đập rễ cây tèng ở đầu nguồn nước khe, suối để bắt cá. Hò có nhịp điệu linh hoạt, khẩn trương theo nhịp chày giã thuốc. Sau này, hò thuốc cá được sáng tác thêm lời trong nhiều lĩnh vực để tạo niềm vui, giảm mệt nhọc trong lao động sản xuất. Hò thuốc cá được diễn trong hội hè, đám cưới, lao động và cả khi ru con... Với những giá trị đặc sắc, năm 2021, hò thuốc cá đã được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch có quyết định công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Mặc dù tuổi cao, sức yếu nhưng ông Đinh Thanh Dự vẫn cố gắng nghiên cứu, viết sách.
Mặc dù tuổi cao, sức yếu nhưng ông Đinh Thanh Dự vẫn cố gắng nghiên cứu, viết sách.
* P.V: Ngoài hò thuốc cá, trên địa bàn huyện Minh Hóa còn có những hình thức nghệ thuật đặc biệt nào, thưa ông?
 
- Ông Đinh Thanh Dự: Hiện nay, trên địa bàn huyện vẫn gìn giữ và truyền tụng nhiều thể loại dân ca, như: Hò thuốc cá, hát đúm, ví, hát nhà trò, hát ru và hát sắc bùa. Hát sắc bùa có từ thời nhà Lê. Khi mới ra đời, sắc bùa thường được hát trong cung đình để phục vụ cho vua chúa. Sau đó, được nhiều người dân biết và truyền đi các địa phương trong cả nước. Đến mỗi nơi, sắc bùa lại có một dị bản riêng phù hợp với vùng miền, con người, phong tục tập quán. Một nét riêng biệt của hát sắc bùa ở huyện Minh Hóa là chỉ có các cụ ông chứ không có cụ bà hát.
 
Các bài hát sắc bùa ở huyện Minh Hóa không có giới hạn về độ dài ngắn, không quy định số chữ trong một câu. Người dân huyện Minh Hóa thường hát sắc bùa trong dịp Tết, mừng nhà mới, hát mua vui, hát chúc cho những con vật nuôi trong nhà, hát trồng bông… Đặc biệt là hát kể tháng nhằm đúc rút về những vấn đề thời tiết, kinh nghiệm trong lao động sản xuất. Nếu được sưu tầm, lưu giữ, phát triển, hát sắc bùa hoàn toàn có cơ hội được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
 
* P.V: Hiện, Hội rằm tháng ba huyện Minh Hóa đang là lễ hội cấp tỉnh, theo ông, để nâng tầm lễ hội lên cấp quốc gia, cần có những giải pháp dài hơi nào?
 
- Ông Đinh Thanh Dự: Theo tôi, Hội rằm tháng ba huyện Minh Hóa hoàn toàn xứng đáng là lễ hội cấp quốc gia. Đây là lễ hội tâm linh của người dân huyện Minh Hóa, là dịp để bà con cầu an, cầu phúc, cầu may, sum họp gia đình, tìm duyên.... Nếu được đầu tư, tổ chức tốt, hội rằm có thể được nâng tầm lên cấp quốc gia. Để làm được điều này, các cấp chính quyền địa phương cần phải đầu tư, phát triển cơ sở vật chất, giao thông, khôi phục các làn điệu dân ca, lễ cúng truyền thống cũng như tuyên truyền, quảng bá rộng rãi lễ hội.
 
* P.V: Huyện Minh Hóa hiện đang đẩy mạnh công tác truyền dạy những tri thức văn hóa, lịch sử của địa phương cho các thế hệ sau, ông có thể chia sẻ về nỗ lực này?
 
“Những nghiên cứu, đầu sách của ông Đinh Thanh Dự đã cung cấp cho huyện nhiều thông tin hữu ích trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương. Về việc xuất bản các đầu sách của ông, huyện sẽ xem xét hỗ trợ kinh phí. Huyện cũng đang triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó sẽ tập trung bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc trên địa bàn, đặc biệt là việc truyền dạy các làn điệu ca dao, dân ca vào trường học”, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa Đinh Tiến Dũng cho biết.
- Ông Đinh Thanh Dự: Những năm gần gây, các trường học trên địa bàn huyện đã đưa các làn điệu dân ca truyền thống của địa phương vào giảng dạy, biểu diễn. Tôi thấy đó là việc rất tốt, cần được đầu tư, nhân rộng. Nói về việc truyền dạy, thực ra tôi cũng đã lồng ghép để truyền dạy văn hóa, dân gian cho học sinh trước đây và nói chuyện với nhiều đoàn cán bộ, sinh viên các nơi đến. Nếu được mời truyền dạy, nói chuyện với các em học sinh, tôi sẽ sẵn sàng nhận lời nếu sức khỏe cho phép.
 
Hiện, tôi cũng đã sửa chữa ngôi nhà gỗ truyền thống của mình và dặn con cháu lưu giữ cẩn thận các công trình nghiên cứu, quyển sách, hiện vật và những tài liệu quý về văn hóa, dân gian như một thư viện nhỏ để cho những ai có nhu cầu nghiên cứu tìm đến.
 
* P.V: Ông có thể chia sẻ một vài kỷ niệm trong quá trình nghiên cứu, viết sách?
 
- Ông Đinh Thanh Dự: Trên chiếc xe đạp cà tàng, với chiếc ba lô, tôi đã từng đặt chân đến những vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới để nghiên cứu, sưu tầm. Trên đường đi, nhiều người biết tôi thì họ gọi là nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu, còn những người không biết thì gọi là "ông buôn bò"...
 
Có lần, Huyện ủy Minh Hóa giao cho tôi làm báo cáo liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Thực hiện nhiệm vụ, tôi phải cơm đùm gạo bới lên các xã: Dân Hóa, Trọng Hóa, Hóa Sơn, Thượng Hóa ăn ở lại nhiều ngày để tìm hiểu. Trong chuyến đi này, tôi đã dành hơn cả ngày trời leo lên tới cột mốc biên giới N11 thuộc xã Trọng Hóa. Ngày đó, đường đi lại vô cùng khó khăn nên chủ yếu phải cuốc bộ, băng rừng, vượt suối. Đổi lại sự vất vả đó là những kiến thức, thông tin, hình ảnh quý giá tôi thu thập được để viết báo cáo, sách sau này.
 
* P.V: Điều ông trăn trở nhất hiện nay là gì?
 
- Ông Đinh Thanh Dự: Hiện, tôi vẫn còn hơn 20 cuốn sách thiếu kinh phí để in ấn, xuất bản. Trong đó có cuốn “Địa chí huyện Minh Hóa” tôi viết về điều kiện tự nhiên, lịch sử địa giới hành chính, lịch sử các dân tộc, văn hóa… trên địa bàn huyện từ thời nguyên thủy đến nay. Với những tư liệu quý giá trong cuốn sách này, nếu không được xuất bản thì rất đáng tiếc…
 
- P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Xuân Vương (thực hiện)

tin liên quan

Phát động Giải thưởng Văn học Kim Đồng

Ngày 30/5, tại trụ sở 55 Quang Trung, Hà Nội, Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức Lễ công bố thành lập Giải thưởng văn học Kim Đồng và phát động Cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi 2023-2025.

Thênh thang những mảng màu trên biển quê hương

(QBĐT) - "Nguyễn Văn Tùng đã tìm thấy mình", đó là câu nói của họa sĩ trẻ Trương Thế Linh nhận định và được nhiều người trong giới chuyên môn đồng tình khi Nguyễn Văn Tùng công bố se-ri tranh về biển sau khi anh quyết định trở về quê hương sinh sống, sáng tác.

Bế mạc Trại sáng Văn học-Nghệ thuật Nhật Lệ năm 2023

(QBĐT) - Sáng 29/5, Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình tổ chức buổi bế mạc, công bố tác phẩm Trại sáng tác VHNT Nhật Lệ năm 2023.