Nhạc sĩ Hoàng Sông Hương và những bài ca đi cùng năm tháng

  • 07:55 | Thứ Bảy, 08/07/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Mang tên một dòng sông nên thơ nổi tiếng, với năng khiếu âm nhạc bẩm sinh, được nuôi dưỡng tâm hồn bằng tiếng đàn bầu, đàn nhị của người cha, năm 24 tuổi, nhạc sĩ Hoàng Sông Hương đã cho ra đời ca khúc Tiếng hát đò đưa được đông đảo công chúng đón nhận. Đây là bài hát đầu tiên, kịp thời cổ vũ quân dân ta đánh Mỹ, là “lá phiếu” quan trọng bầu nhạc sĩ Hoàng Sông Hương vào Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
 
Tiếp đến là ca khúc Tình ta biển bạc đồng xanh đã "nâng" ông ngang tầm các nhạc sĩ đàn anh. Bài hát này cùng Phố biển tình anh, Tiếng dạ tiếng thương, Giọng hò quê hương, Thành Huế chúng mình thương và Lời Người vọng mãi hợp thành cụm bài để ông nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật. Tính đến nay, ông có trên 150 ca khúc chọn lọc tham gia hội diễn và in ấn, xuất bản nhiều album âm nhạc.
 
Có thể kể tên các bài hát ông tâm đắc, được dư luận đánh giá cao (ngoài những bài hát được Giải thưởng Nhà nước) là: Tình Người hương lúa, Huyền thoại trăng Nhật Lệ, Nhớ Ngự Bình, Tâm tình với sông Gianh, Tình ca rừng và biển, Chuyện tình Phong Nha... Ông đã tổ chức 2 đêm âm nhạc Hoàng Sông Hương tại Quảng Bình.
 
Nhạc Hoàng Sông Hương giàu âm hưởng dân ca miền Trung, dân ca Bình Trị Thiên. Nhiều ca khúc của ông thấm đẫm chất tình ca, thiết tha tình quê hương, đất nước. Mỗi tác phẩm hình như đều có một câu chuyện ẩn đằng sau! Ông không trùng lặp giai điệu, tiết tấu giữa các bài hát. Ở đâu đó, khi nghe hát bài của ông, người nghe dễ nhận ra chất nhạc đặc trưng Hoàng Sông Hương.
Nhạc sĩ Hoàng Sông Hương trong buổi ra mắt tuyển tập ca khúc.
Nhạc sĩ Hoàng Sông Hương trong buổi ra mắt tuyển tập ca khúc.
Khác với một số nhạc sĩ chỉ thiên về một phong cách âm nhạc, nhạc Hoàng Sông Hương biến hóa linh hoạt, từ tiết tấu đến giai điệu khúc thức âm nhạc mạch lạc rõ ràng, tạo cho người nghe ngọt ngào, thỏa mãn.
 
Nhạc của Hoàng Sông Hương vừa mang âm sắc truyền thống âm nhạc dân tộc, vừa có tính hiện đại nhờ sự cách tân phù hợp. Bài Tình ta biển bạc đồng xanh là bài tiêu biểu cho vấn đề vừa nêu. Khi ông ở đâu thì tình cảm của ông sâu nặng với vùng đất đó. Chất dân ca ở đó thấm vào nhạc ông rất tự nhiên. Nếu ở các bài: Thành Huế chúng mình thương, Ngọt ngào Hương Giang, Nhớ Ngự Bình, Tiếng dạ tiếng thương... đượm chất ca Huế, thì ở các bài: Chuyện tình Phong Nha, Phố biển tình anh, Tâm tình với sông Gianh, Một thoáng Đồng Lê... lại đượm chất dân ca Quảng Bình.
 
Nhiều bài hát của ông đã giúp người nghe thêm yêu Tổ quốc, quê hương. Có bài ông viết về Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp khá thành công. Nhạc của ông như tính tình của ông vậy! Chất trữ tình trong các bài hát dễ hòa điệu tâm hồn ca sĩ và người nghe. Ông là nhạc sĩ không của riêng Quảng Bình!
 
Ca từ trong ca khúc của ông có sự chọn lọc, giàu chất thơ. Ngoài việc tự sáng tác lời là chủ yếu, ông còn có khả năng phổ thơ thành bài hát hay, như: Phố biển tình anh (thơ Văn Lợi), Huyền thoại trăng Nhật Lệ (thơ Lý Hoài Xuân), Tình ca rừng và biển (thơ Hoàng Vũ Thuật), Một thoáng Đồng Lê (thơ Hải Kỳ)...
 
Suốt cuộc đời hoạt động văn hóa-nghệ thuật, nhạc sĩ Hoàng Sông Hương 15 lần nhận giải thưởng cao về âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, bộ, ngành Trung ương và UBND tỉnh Quảng Bình. Đề tài sáng tác của ông tỏa rộng khắp các miền quê, các tỉnh, trên nhiều lĩnh vực. Bằng sự trải nghiệm bản thân, ông nhận ra âm nhạc là từ giọng nói ngân lên. Mỗi vùng đất có giọng nói riêng. Nhạc sĩ, ca sĩ ở vùng nào thì tạo được dấu ấn, giai điệu ở vùng đó. Nhiều ca sĩ nổi tiếng qua các thời kỳ đã thể hiện thành công bài hát của ông, như: NSND Thu Hiền, NSND Trung Đức, NSND Thanh Hoa, Anh Thơ, Trọng Tấn...
 
Hoàng Sông Hương là nhạc sĩ tài hoa, hiếm có của Quảng Bình. Bên cạnh việc sáng tác ông còn biểu diễn thuần thục các nhạc cụ, như: Violon, đàn bầu, đàn nhị, đàn nguyệt, đàn tranh... Không chỉ có tài năng âm nhạc, ông còn là “họa sĩ” thiết kế mỹ thuật sân khấu với một số vở kịch, như: Thoại Khanh-Châu Tuấn, Tín hiệu trái tim, Điếu văn của rừng... Bên cạnh việc sáng tác ca khúc, ông còn sáng tác nhiều tác phẩm khí nhạc cho các vở kịch sân khấu và tác phẩm đọc tấu nhạc cụ, như: Bến nước quê hương (đọc tấu đàn tranh), Sóng sông Hương (đọc tấu đàn bầu), Nhị cầm vọng nguyệt (đọc tấu đàn nhị) do nghệ sĩ Thao Giang biểu diễn. Đây là bài thi tốt nghiệp của nhạc sĩ ở Nhạc viện Hà Nội (cũ) năm 1970.
 
Với nhạc sĩ Hoàng Sông Hương, nhạc sĩ Dương Viết Chiến đã viết: "Âm nhạc của Hoàng Sông Hương đã hòa nhập được theo trào lưu của âm nhạc đương đại, kết tinh thành những bản tình ca, đặc biệt là đối với tuổi trẻ... Những năm gần đây, nhạc sĩ Hoàng Sông Hương vẫn luôn gắn bó với sáng tác âm nhạc. Những ca khúc mới của anh vẫn ra đời đạt chất lượng cao. Có thể nói nhạc sĩ Hoàng Sông Hương với 50 năm hoạt động và sáng tác âm nhạc là cả một quá trình miệt mài sáng tạo nghệ thuật đáng trân trọng và khâm phục”.
 
Mới đây, ông đã cho ra mắt Tuyển tập ca khúc Hoàng Sông Hương. Đây là món quà tinh thần vô giá tặng bạn bè tâm đắc của ông và công chúng yêu âm nhạc cả nước, nhân dịp ông tám mươi ba tuổi. Ông sẽ sống mãi cùng quê hương, đất nước với những giai điệu tự hào và những bài ca đi cùng năm tháng!
 Lý Hoài Xuân

tin liên quan

20 năm thực hiện Công ước bảo vệ di sản

(QBĐT) - Theo Công ước về việc bảo vệ di sản văn hóa và di sản thiên nhiên thế giới của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) thông qua vào tháng 11/1972, việc bảo vệ di sản có ý nghĩa rất quan trọng.

Hơn 500 hội viên phụ nữ diễu hành "Áo dài trên quê hương di sản"

(QBĐT) - Chiều 30/6, tại thị trấn Phong Nha (Bố Trạch), Hội LHPN huyện Bố Trạch tổ chức chương trình diễu hành "Áo dài trên quê hương di sản". 

Nhớ

(QBĐT) - Trắng trời mây núi giăng mành
Để bao thương nhớ trở thành ca dao