Chiến tranh-"trò đùa cuộc đời"

  • 09:07 | Chủ Nhật, 09/07/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Cầm trên tay cuốn tiểu thuyết Trăng mọc nơi bến phà xưa (NXB Văn học, 2023) của cố nhà văn Hữu Phương, tôi không giấu nổi sự xúc động. Vậy là nguyện vọng trước khi mất của ông đã được gia đình thực hiện trong vòng gần 4 tháng. Lần tôi cùng gia đình lên mộ thắp hương gửi cuốn sách về với ông, tin rằng có sách ông sẽ không cô độc nữa. Hỏa thư sắp xong, bỗng nhiên lửa reo liên tục, mọi người đều phấn khởi, ấm áp như đã cảm nhận được sự hài lòng của ông nơi miền mây trắng.
 
Nhớ về cố nhà văn Hữu Phương, bạn đọc không thể không nghĩ đến những tiểu thuyết viết về chiến tranh và những vấn đề hậu chiến như Chân trời mùa hạ, Quay đầu lại là bờ và nhiều tập truyện ngắn đặc sắc khác. Trên dòng mạch ấy, Trăng mọc nơi bến phà xưa vẫn là hồi ức chiến tranh với những góc nhìn mới lạ, kịch tính.
 
Trăng mọc nơi bến phà xưa được nhà văn Hữu Phương hoàn thiện vào năm 2020 với nhan đề Trái tim quỷ. Số phận của nó lận đận, thăng trầm, mãi đến khi nhà văn từ giã cõi đời, mới được ra mắt bạn đọc. Chính điều này, khiến ai đọc tác phẩm của nhà văn đều không thể quên được ngòi bút tinh tế, sắc bén khi đào sâu vào thế giới nội tâm của nhân vật, sự luận bàn cởi mở, đa chiều, bộc lộ những suy ngẫm về bản chất, nhân tính của con người từ góc nhìn hậu chiến.
 
Tổng Thủy, đã có vợ và hai cô con gái, trong lần đi thăm và kiểm tra tiến độ thi công của công ty, ký ức những năm tháng chiến tranh hiện về trong ông rõ mồn một, từ chuyện Trái tim quỷ, chuyện khoan trúng xương cốt của đồng đội, chuyện Thu Cúc, Phan Vững đến chuyện gặp và yêu chính con gái của mình. Đặc biệt, cuộc gặp gỡ giữa Thủy và ông Chất, đồng đội của ông, sau ba mươi năm, đã bày ra số phận trái khoáy, oan nghiệt. Cứ tưởng Thủy vĩnh viễn giấu chặt đêm ái tình với Thu Cúc-mà chính Thủy đã ăn cắp hạnh phúc cuối cùng của Phan Vững, nhưng cuộc đời đâu dễ dàng thế, kẻ ăn cắp hạnh phúc của người đang cận kề cái chết phải bị trừng phạt, trả giá bằng chính sự dày vò, phỉ báng, đớn đau tột cùng.
 
Thủy “thuộc loại muốn tròn vai, tròn danh. Luôn ướp danh thơm” (tr.196) nên Thủy mãi mãi “như cây cột gỗ, loại gỗ không có lõi roòng, bao năm sơn phết hào nhoáng” (tr.289). Thủy che giấu được cái đen tối, xấu xa bên trong của mình gần 30 năm qua, để mãi trong cái mác là bậc đáng kính, nghiêm chỉnh, lịch lãm. Bản thành tích Thủy viết lần này lần khác cùng với thanh âm trầm bổng đã lấy đi nước mắt của nhiều người và cũng là bàn đạp để Thủy đào tẩu một cách danh dự và vững vàng.
Ảnh bìa cuốn tiểu thuyết Trăng mọc nơi bến phà xưa của cố nhà văn Hữu Phương.
Ảnh bìa cuốn tiểu thuyết Trăng mọc nơi bến phà xưa của cố nhà văn Hữu Phương.
Trước sự dẫn dắt của những người chuyên đi “xây dựng anh hùng”, Thủy diễn hết sức tinh vi, càng ngày càng dày dặn kinh nghiệm, từ cuộc sống hàng ngày trong chiến tranh, tình cảm cá nhân đến danh vọng, chức quyền, rốt cuối Thủy phi chuẩn xác: Từ bến phà Long Sọ, thẳng sang Mạc Tư Khoa, rồi về Hà Nội rong ruổi với các công trình, trở thành Tổng giám đốc Tổng công ty Ánh Dương. Nhưng trăng mọc nơi bến phà xưa cứ lung linh, huyền ảo, trêu ngươi, soi rọi, lật tẩy cuộc đời Thủy.
 
Thủy trốn tránh nhiệm vụ quét sạch bom từ trường trên dòng Nhật Lệ, thông tuyến cho sà lan chở tăng đi bằng cái tờ quyết định cử đi Liên Xô học. Người cho Thủy sự sống bằng cái chết của chính mình ấy là Phan Vững và Toàn. Cả hai đã mãi mãi nằm lại lòng sông. 2 lần Phan Vững được truy điệu sống, 2 lần xung phong lái ca nô cảm tử nhưng may mắn không đến với anh lần thứ 2. Nếu phù sa Nhật Lệ “đắp cho Phan Vững ngôi mộ bùn” thì cuộc đời trả cho Vững nỗi oan Thị Mầu qua thước phim “tội ác và trừng phạt” của Thủy.
 
Hữu Phương rất khéo léo khi đặt ra tình huống oái ăm, tréo ngoe. Thu Cúc xin về trung đội thanh niên xung phong bờ bắc phà Long Sọ, toàn nam, là phà Long Sơn bom dội đêm ngày, để gột rửa vết đen lý lịch con địa chủ. Nàng về đơn vị sống động, thay đổi hẳn, trái tim nàng chỉ dành cho Phan Vững, người đàn ông hiền lành, tốt bụng. Nhưng sự ngẫu nhiên của cuộc đời lại cho Thủy quá nhiều cơ hội, kể cả cơ hội được 2 lần ở với Thu Cúc, mà chính Thu Cúc cũng không hề hay biết. Và tất nhiên, cái gì đến nó sẽ đến. Chiến tranh mở ra trò đùa của cuộc đời. Nhưng cuộc đời lại mở ra trò đùa của cái chết tâm hồn. Sống mà như đã chết. Chết khi đang còn sống.
 
Nhưng cái kim trong bọc có bao giờ yên? Năm xưa, nếu quả bom từ trường của Mỹ đã lấy đi xác của Toàn, của Vững để Thủy nhanh chóng thực hiện con đường đi của mình thì dẫu quả bom từ trường của Thu Cúc không thể giết chết Thủy lúc ấy, nhưng gần 30 năm sau, sự trở lại của quả bom từ trường Thu Cúc bằng hình hài của đứa con Lệ Thu, đã đẩy Thủy vào tột cùng bi kịch, đớn đau, thảm hại hơn ngàn vạn lần. Lệ Thu trở thành chất xúc tác trình hiện những mặc cảm tội lỗi, hành hạ và trừng phạt Thủy. Sự xuất hiện của Lệ Thu khiến Thủy bị ám ảnh bởi đôi mắt Trái tim quỷ-Thu Cúc nhiều hơn. Đôi mắt ấy vừa khơi dậy Trái tim quỷ cách đây gần 30 năm đã từng khiến Thủy sống trong nỗi sợ hãi, lo lắng, vừa mê hoặc, dẫn dắt Thủy thêm lần nữa bước vào Trái tim quỷ.
 
Mặc cảm tội lỗi chiến thắng thể xác Thu Cúc luôn ám ảnh, quấy rối Thủy, đến độ ông cảm tưởng như Trái tim quỷ-Thu Cúc luôn thấy tất cả việc ông làm, nhận ra con người giả, anh hùng giả của ông. Trái tim quỷ còn trêu ngươi ông, đặt ông trong những tình huống oái ăm: Sự trùng hợp ngẫu nhiên khi Thu ôm một bó hoa dại đứng trước hang Hàm Rồng lúc ông chuẩn bị làm lễ thi công cầu Long Sơn của Công ty Bình Minh y như hình ảnh Trái tim quỷ đã từng ôm bó hoa rừng dõi theo con đường Mười Lăm; cái hoang cỏ ngày xưa nơi ông cởi áo ngực Thu Cúc cũng giống cái hoang cỏ mà ông gặp Lệ Thu.
 
Chiến tranh gây nên nỗi mất mát, đớn đau nhưng chính nó đã gọi tên được nỗi mất mát, đớn đau của con người. Trong tiểu thuyết, có hai gia đình, một gia đình ảo và một gia đình thật. Phan Vững, Thu Cúc và Lệ Thu là một gia đình ảo nhưng lại chịu nhiều oan khuất, đớn đau. Thủy, Thu Cúc và Lệ Thu là một gia đình thật nhưng không ai biết. Sự đánh tráo đầy nghịch lý này một mặt vừa tố cáo tính khốc liệt, bi thương của chiến tranh, mặt khác bày ra những bi kịch của người phụ nữ bị cuộc chiến dày xéo, bị cuộc đời “giỡn mặt”.
 
Trái tim quỷ đã đưa đường dẫn lối để Thủy phải trả giá, một cái giá quá kinh khủng, nghiệt ngã. Thủy ghê tởm chính mình. Ông tự xỉ vả mình. Nhưng ai đã chơi khăm ông? Ai đã gây ra tai họa, đẩy ông vào ngõ cụt, phải trả giá? Cuộc đời? Số phận? Ma quỷ? Hay chính con người hám danh của ông? Thủy muốn đập nát Trái tim quỷ nơi hang Hàm Rồng mà bấy lâu nay trong mắt mọi người cứ ám người này đến người khác, song thực ra, Trái tim quỷ không đâu xa, nó ở ngay trong con người ông, cái con người chỉ sắm vai đẹp mã, còn bên trong giả dối, rỗng tuếch. Cuộc đấu tranh nội tâm dữ dội, quặn quại trong vết thương, cùng những lời tự thú trước hang Hàm Rồng như là quy luật nhân quả tất yếu mà ông phải chịu trách nhiệm, phải mang vác.
 
Từ một bến phà Long Sọ xưa, ký ức chiến tranh chống Mỹ cứu nước ác liệt hiện lên rõ mồn một. Nhất là hình thức lễ truy điệu sống tại bờ sông với chiếc quan tài cùng hương hoa vải liệm gây ấn tượng mạnh đối với người đọc. Ở nơi được xem là túi bom này, chỉ có nước mắt, máu và cái chết hiện hữu. Nhưng Hữu Phương mượn chiến tranh làm nền để nhân vật của mình đối diện với cuộc chiến kinh hoàng khác nữa, cuộc chiến nội tâm. Cảm thức tội lỗi trong những năm tháng chiến tranh dày vò, đè nặng lên cuộc đời Thủy, đặt Thủy trước những mâu thuẫn tự thú hay không tự thú, nhưng bản thân ông vẫn không vượt qua được cám dỗ của danh vọng, vẫn bị cái vòng kim cô anh hùng thít chặt, ghìm lại, vì thế, sống trong hiện tại mà lúc nào bóng ma của ký ức, phức cảm tội lỗi cứ mải miết bủa vây, chất vấn ông.
 
Chiến tranh không can dự về mặt đạo đức, nhân tính, nó chỉ góp phần bóc trần đạo đức, nhân tính của con người. Thủy, Thu Cúc, Phan Vững,… đều là nạn nhân của chiến tranh. Nhưng Thu Cúc và Phan Vững không bị chiến tranh hủy hoại nhân tính, Thủy ngược lại. Hữu Phương đã gọi tên được vùng tối nội tâm Thủy: Đó là sự thoái hóa nhân tính. Vẫn là kiểu kết cấu chuỗi nhân quả như một số tác phẩm trước đây nhưng Hữu Phương đã tinh tế truy tìm, lắng nghe được tiếng nói nỗi đau vang lên từ con người đang đi giữa hai lằn ranh phi luân và đạo đức, thực tế và danh vọng… Đó là thành công của tiểu thuyết Trăng mọc nơi bến phà xưa của nhà văn Hữu Phương.
Hoàng Thụy Anh

tin liên quan

Hơn 500 hội viên phụ nữ diễu hành "Áo dài trên quê hương di sản"

(QBĐT) - Chiều 30/6, tại thị trấn Phong Nha (Bố Trạch), Hội LHPN huyện Bố Trạch tổ chức chương trình diễu hành "Áo dài trên quê hương di sản". 

20 năm thực hiện Công ước bảo vệ di sản

(QBĐT) - Theo Công ước về việc bảo vệ di sản văn hóa và di sản thiên nhiên thế giới của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) thông qua vào tháng 11/1972, việc bảo vệ di sản có ý nghĩa rất quan trọng.

Bản chất

(QBĐT) - giọt nước
chảy trong vườn mẹ
nở thành bông hoa trẻ thơ