Hồn thơ Lâm Thị Mỹ Dạ "trẻ mãi không già"

  • 07:12 | Thứ Ba, 11/07/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ sinh ngày 18/9/1949, quê xã Lộc Thủy, Lệ Thủy. Chị từng công tác tại Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình, Hội Văn học Nghệ thuật Bình Trị Thiên, Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế. Những tác phẩm chính của chị: Trái tim sinh nở (thơ, 1974, in chung với nhà thơ Ý Nhi), Bài thơ không năm tháng (thơ, 1983), Hái tuổi em đầy tay (thơ, 1989), Đề tặng một giấc mơ (thơ, 1998), Hồn đầy hoa cúc dại (thơ, 2007), Thơ tình Lâm Thị Mỹ Dạ (thơ chọn lọc, 2009). Chị đoạt giải nhất cuộc thi thơ báo Văn nghệ 1973, giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam (1981-1983) cho tập thơ Bài thơ không năm tháng, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (2007).
 
Mỹ Dạ cho rằng: "Người ta chỉ đạt đến thơ như khi một quả trứng nóng bức tới mức tự nó phải tách vỏ nở ra đời sống-một đời sống sinh động, có hình hài. Nếu vội vã bóc lớp vỏ đi khi chưa đến độ thì sẽ chẳng bao giờ đạt đến thơ mà chỉ có những ngôn từ chết. Vì vậy, có được bài thơ hay vô cùng khó. Yếu tố để có thơ hay theo tôi là phải sống thực với chính mình".
 
Nét riêng trong phong cách thơ Lâm Thị Mỹ Dạ định hình từ rất sớm. Đời người và thời cuộc luôn biến động, thơ cũng biến đổi theo, nhưng chị luôn giữ nét riêng của mình. Lâm Thị Mỹ Dạ từng chia sẻ với các bạn nữ làm thơ: Đàn bà làm thơ trăm cái khổ (Thân phận tơ trời). Cái thân phận tơ trời mong manh ấy đang hàng ngày phải đối mặt với “chuyện đời thường”. Kể từ khi nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường (chồng Mỹ Dạ) không may bị bạo bệnh, chị âm thầm chịu đựng: Nước mắt lặn vào trong cho anh thấy nụ cười... (Cho anh tựa vào em).
 
Điều kỳ lạ là sau bao nhiêu thăng trầm, vận hạn, tâm hồn của Lâm Thị Mỹ Dạ vẫn luôn tươi trẻ và chứa đầy “hoa cúc dại”. Chị hỏi con gái: Có nghe trong cơn gió/ Hương của mùa xuân nào, không phải bất cứ ai cũng nghe được như chị. Tại sao một người “tóc điểm bạc mà hồn còn trẻ nít” như vậy? Phải chăng vì Mỹ Dạ có một tuổi thơ hết sức hồn nhiên, trong sáng? Chị sinh ra và lớn lên bên bờ sông Kiến Giang thơ mộng, lại được tắm mình trong giọng hò khoan Lệ Thủy ngọt ngào.
Các nhà thơ cùng học cấp 3 Lệ Thủy (cũ), từ trái sang: Lê Đình Ty, Lâm Thị Mỹ Dạ, Ngô Minh, Hải Kỳ. Ảnh: Tư liệu
Các nhà thơ cùng học cấp 3 Lệ Thủy (cũ), từ trái sang: Lê Đình Ty, Lâm Thị Mỹ Dạ, Ngô Minh, Hải Kỳ. Ảnh: Tư liệu

Có ai như chị đi chợ Tết lại tìm mua cho mình (chứ không phải cho con) chú gà đất và sung sương reo lên: Chợt thấy cầu vồng sà trước mặt/Trăm loài hoa đẹp nói lời mơ/Sáng nay thời tiết như mười bảy/Tở mở lá cành ngơ ngác hương. Hình ảnh phiên chợ quê cứ hiện rõ mồn một trước mắt Mỹ Dạ: Bây chừ xa lắc chợ tuổi thơ/Mùi quả, mùi rau thơm đến giờ/Cá tôm còn nhảy long tong nước/Tôi còn bé nhỏ mỗi lần mơ...

Cái tính hay thương người của chị đã bộc lộ từ lúc còn bé nhỏ ấy. Thấy ông lão bán quạt đi đi lại lại mấy vòng, chợ thì đã quá trưa mà vẫn không có ai mua, thế là cô bé Mỹ Dạ động lòng trắc ẩn, dồn tất cả tiền mẹ cho mua hết quạt của ông lão. Lâm Thị Mỹ Dạ cứ tiếc mãi cái tuổi hồn nhiên, trong trẻo ấy: Biết bao giờ trở lại/Màu trong vắt của trời/Khép làn mi trinh nữ/Tháng giêng tràn lên môi... Dạ bồi hồi nhớ: Bông lay ơn ai tặng/Tháng giêng giấu nơi nào/Để màu hoa lửa cháy/Chập chờn trong chiêm bao... Rồi chị đứng ngẩn ngơ: Tuổi vèo bay cùng gió/Ta sắp qua tháng mười/Ngoảnh lại nhìn xa lắc/Một tháng giêng nhoẻn cười! (Tháng giêng).

Một lý do nữa giúp cho Dạ mặc dù “gập lưng lặng lẽ giữa đời thường”, “tóc điểm bạc mà hồn còn trẻ nít” như thế chính là tình yêu thương các con. Mỗi lần các con ở xa về thăm là “lòng mẹ tươi nắng mới”. Chị nói với con gái: Này con con thơ ngây/Hồn đầy hoa cúc dại/Mẹ ước chi mỗi ngày/Được gần bên con mãi (Hồn đầy hoa cúc dại). “Hồn đầy hoa cúc dại” của con đã lan tỏa sang cả mẹ. Lâm Thị Mỹ Dạ như: Những bông hồng nhung lặng lẽ/Thăm thẳm tuổi mình lắng sâu. Còn các con là những bông hoa cúc: Dịu thơm, chúm chím, nở đầy/Cúc trắng, cúc vàng, cúc tím/Vui như bầy trẻ thơ ngây. Và khi nghiêng đầu bên cúc: Hồng nhung nghe hồn trẻ lại/Tin mùa xuân mãi vẫn còn (Hồng nhung và hoa cúc). Cũng chính các con đã làm sống lại “Ngày tình yêu của mẹ”: Con tặng mẹ hoa hồng/Cháy bừng bao ngọn lửa/Lắng trong làn hương thoảng/Mẹ bỗng thành... ngày xưa!
 
Một lý do nữa-và theo tôi đó là lý do hết sức quan trọng giúp cho Lâm Thị Mỹ Dạ dù “gập lưng lặng lẽ giữa đời thường”, “tóc điểm bạc mà hồn còn trẻ nít” chính là nhờ chị học được ở thiên nhiên. Thiên nhiên đã dạy cho chị rất nhiều điều. Đầu tiên là tấm lòng hào sảng: Mùa đông bán cho mùa xuân/Những búp đèn màu xanh biếc/Dòng sông bán cho biển cả/Bao nhiêu ngọn sóng trong ngời/Mặt trời bán cho quả đất/Triệu chùm ánh sáng tinh khôi...
 
Thiên nhiên “bán” một cách vô tư, không cần tính toán thiệt hơn, không cần bạc tiền lời lãi. Nhờ tấm lòng hào sảng ấy mà thiên nhiên đẹp mãi, trẻ mãi không già. Lâm Thị Mỹ Dạ “Ngước nhìn trời cao” và suy ngẫm: Vũ trụ bao nhiêu tuổi/Mà ngây thơ lạ lùng/Xin biết ơn mây trắng/Cho tôi lòng bao dung. Nhờ tấm lòng bao dung học được từ thiên nhiên mà chị có cái nhìn hết sức nhân ái đối với những người lính Mỹ chết trận ở Việt Nam: Rồi có lúc cuối đường tôi gục ngã/Viên đạn ai găm khuôn ngực máu đầy/Xin hãy giở dưới lần da chó sói/Trái tim nai thắm đỏ, thơ ngây (Khuôn mặt ẩn kín). Thiên nhiên còn “gây men” cho chị hồi xuân: Nói chi, sao thiết tha/Nói chi, sao êm ái/Hoa cho tôi thắm lại/Tuổi xuân mình đã phai! (Hoa Hà Nội). Sự hồn nhiên, trong sáng, đa cảm là một nét trong phong cách thơ Lâm Thị Mỹ Dạ.     
 
Mỹ Dạ đã từng “Nguyện cầu”: Vì cái đẹp/Vì thơ/Ta sống/Tâm hồn ơi/Đừng hóa thạch/Xin đừng... Cái tâm hồn luôn tươi trẻ, chứa đầy “hoa cúc dại” của chị sẽ sống mãi với thời gian, cho dù chị như một “thiên thần vừa lãng du vào miền mây trắng” (Nguyễn Quang Thiều).
 Mai Văn Hoan

tin liên quan