Ca khúc "Về chợ tình Minh Hóa"

  • 08:02 | Thứ Hai, 10/07/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Một tác giả thơ vốn quê ở làng chiến đấu Cự Nẫm anh hùng (Bố Trạch), một nhạc sĩ là người con của đất lúa Lệ Thủy, chưa từng đặt chân đến miền đất Minh Hóa, ấy vậy mà họ đã gặp nhau ở một tâm hồn đồng điệu và tình yêu sâu nặng dành cho quê hương Quảng Bình. Để rồi từ đó ca khúc “Về chợ tình Minh Hóa” ra đời, như minh chứng cho mối nhân duyên giữa người với người, giữa người và mảnh đất Minh Hóa yêu thương, được đông đảo công chúng yêu thích.
 
GS.TS, Thầy thuốc nhân dân, Anh hùng lao động, đại biểu Quốc hội, nhạc sĩ Nguyễn Anh Trí cho biết về cơ duyên đặc biệt đến với ca khúc “Về chợ tình Minh Hóa”: Trong một lần về Quảng Bình thăm quê gần đây, gặp gỡ bạn bè, NSƯT Thùy Linh nói với ông: “Nhờ anh sáng tác cho một ca khúc về chợ tình Minh Hóa nhé. Lâu lắm chưa có một ca khúc nào viết về Hội rằm tháng ba Minh Hóa, mỗi lần biểu diễn, các anh chị em nghệ sĩ lại phải sử dụng bài hát cũ”.
 
Là một người con Quảng Bình, ông cảm thấy lời NSƯT Thùy Linh đó không chỉ là “đặt hàng” mà còn là “giao nhiệm vụ”, thôi thúc mạnh mẽ phải sáng tác một ca khúc về chợ tình Minh Hóa. Vì vẫn chưa từng có cơ hội đặt chân đến mảnh đất “chè xanh mật ngọt” này, nên ông đã ngỏ lời với tác giả Kim Cương và “đặt hàng” một bài thơ về Hội rằm tháng ba Minh Hóa. Để “chắc ăn” ông còn nói: “Nếu không có bài thơ, thì có thể cung cấp các dữ liệu, thông tin về hội rằm, về chợ tình để lấy thông tin, hình ảnh cũng được!”.
 
Được lời như cởi tấm lòng, chỉ trong vòng chưa đến 10 ngày, vào những ngày cuối tháng 5, tác giả Kim Cương đã gửi cho GS.TS, nhạc sĩ Nguyễn Anh Trí bài thơ về chợ tình Minh Hóa, với đầu đề “Về chợ rỡ tình”. Nhạc sĩ gần như lập tức bắt tay vào nghiên cứu để viết ca khúc ngay.
 
Hơn hai tuần liền, ông chỉ tập trung mọi tình cảm và sức lực vào việc tìm hiểu thông tin, tư liệu về Minh Hóa và Hội rằm tháng ba. Những thông tin hữu ích, nhất là trên Báo Quảng Bình đã giúp ông có được góc nhìn đa chiều về mảnh đất, con người Minh Hóa, về những bề sâu văn hóa, về Hội rằm tháng ba và hò thuốc cá, tiếp thêm sức mạnh để ông hoàn thành ca khúc “Về chợ tình Minh Hóa”. Để mở rộng hiểu biết và thẩm định lại những hiểu biết của mình về ngôn ngữ, hình ảnh, tâm tư, cách thể hiện của đồng bào Minh Hóa, nhiều lần GS.TS, nhạc sĩ Nguyễn Anh Trí còn gọi điện, nhắn tin hỏi lại tác giả Kim Cương, các ca sĩ, nhạc sĩ, người quen biết đã từng sống ở đó về Minh Hóa, về chợ tình…
: Ca khúc:
Ca khúc "Về chợ tình Minh Hóa".
Sau khi đã hoàn chỉnh phần lời ca khúc-bằng cách sử dụng bài thơ của tác giả Kim Cương, cộng thêm những ý, những tứ, những lời hay qua tìm kiếm thu thập được, GS.TS, nhạc sĩ Nguyễn Anh Trí bắt tay vào sáng tác nhạc. Phần này thì không khó, chỉ khoảng 1 tiếng là ca khúc “Về chợ tình Minh Hóa” đã hoàn chỉnh.
 
Vậy là từ một ca khúc không hề có dự định trước, qua bao cơ duyên kết nối, bài hát đã ra đời, minh chứng cho một tình yêu quê hương sâu nặng, thường trực trong GS.TS, nhạc sĩ Nguyễn Anh Trí.
 
Nét nổi bật đầu tiên trong ca khúc “Về chợ tình Minh Hóa” là GS.TS, nhạc sĩ Nguyễn Anh Trí đã giữ trọn vẹn những nét văn hóa đặc sắc của đất và người Minh Hóa, đồng thời ông có nhiều sáng tạo, đột phá để ca khúc mang màu sắc đương đại, đến gần hơn với công chúng. Mở đầu ca khúc là điệu hò thuốc cá quen thuộc: “Hôi lên là hôi lên/Hôi lên là hôi lên…”, ông tiếp tục biến tấu: “là hôi lên, (ớ) hôi lên…”. Đây là điểm nhấn làm nên thành công của ca khúc bởi sự biến tấu này giúp ngay từ đầu bài hát đã ghi được dấu ấn mạnh mẽ, vừa giới thiệu đến công chúng điệu hò thuốc cá truyền thống, vừa khiến ca khúc mang âm hưởng dân gian này có màu sắc tươi mới, giàu sức sống.
 
Sự biến tấu sáng tạo với các hư từ (như: Ớ, hơ hờ,…) còn giúp cho làn điệu hò thuốc cá vẫn giữ được trọn vẹn hồn cốt, nhịp nhàng, hài hòa… Xuyên suốt ca khúc, điệu hò thuốc cá cứ dìu dặt vang lên ân tình, say đắm, như mời gọi người nghe về với hội rằm, về với Minh Hóa. Và phải kể đến sự tiếp biến ở câu hát : “Điệu hò thuốc vang rền/ "Chứ anh không lấy vợ, ai đâm bồi cho anh ăn”…”. Nhiều địa danh của Minh Hóa cũng được ông truyền tải khéo léo đến khán giả, như: Dốc Lớ, đèo Đá Đẽo, Thác Bụt…
 
Điều đặc biệt, ông còn mạnh dạn giữ những lời thơ bằng tiếng đồng bào Nguồn của tác giả Kim Cương cung cấp và khéo léo, tinh tế đưa vào ca khúc rất nhẹ nhàng, duyên dáng kèm theo phần dịch nghĩa: “Dậu có món tho khôông?”/Rằng “Em có yêu anh không”; hoặc: “Ti viền sống may tho/Ti cùng trời may tho!”/ “Về chung sống với anh/Mà đi cùng trời với anh”. Nhờ đó, lời ca khúc trở nên gần gũi, quen thuộc mà rất dễ hiểu, dễ nhớ.
 
Dựa trên tứ thơ của tác giả Kim Cương, GS.TS, nhạc sĩ Nguyễn Anh Trí biến tấu thêm phần lời với những khám phá đắt giá. Từ ý thơ “bồi ngô”, nhạc sĩ làm dày thêm ý nghĩa với: “Bồi ngô, bồi ngô chấm với mật ong/Thắm tình chồng nghĩa vợ đến trăm năm”. Hay như phần kết của ca khúc mang đến những âm hưởng da diết, yêu thương, thúc giục người nghe một lần đến với mảnh đất Minh Hóa: “Lên đây thương đón thương đưa./Đi mô, dù đi mô vẫn nhớ-chợ tình Minh Hóa, chợ tình mùa xuân”
 
GS.TS, nhạc sĩ Nguyễn Anh Trí chia sẻ: “Ca khúc này chính là minh chứng cho tình yêu quê hương Quảng Bình luôn hiển hiện, sâu nặng trong tôi và chỉ chờ cơ hội là hình thành nên sản phẩm.
 
Ra mắt trên trang chia sẻ video trực tuyến Youtube ngày 14/6/2023, ca khúc “Về chợ tình Minh Hóa” hiện đang thu hút hàng nghìn lượt xem.
Những người làm nghệ thuật là các nhạc sĩ, ca sĩ đã rất ấn tượng với ca khúc “Về chợ tình Minh Hóa” bởi ca khúc vẫn giữ được những nét văn hóa đặc trưng vốn có của người dân Minh Hóa, bảo tồn được nét đặc sắc về ca từ, giai điệu âm hưởng và đã được nâng tầm bằng những sáng tạo, cách tân độc đáo, mới mẻ cùng những chắt lọc hình ảnh, ngôn ngữ rất đẹp. Ca khúc đã được hai ca sĩ “đang lên” quê Quảng Bình là Viết Danh và Mỹ Ly vui vẻ nhận lời hát để thu âm. Được biết cả 2 ca sĩ đã rất tích cực tìm kiếm cách thể hiện hay và hiệu quả nhất để “xứng đáng với một ca khúc gửi tặng bà con Quảng Bình”.
 
Tác phẩm cũng là “trái ngọt” của quá trình lao động nghệ thuật sáng tạo, nghiêm túc, tạo được một thành quả thiết thực với quê hương Quảng Bình, nhất là trong quảng bá du lịch văn hóa. Kỳ vọng rồi đây, mỗi dịp Hội rằm tháng ba Minh Hóa, ca khúc sẽ được vang lên và được nhiều người yêu mến”.
 
Theo tác giả Kim Cương, dù ông là người Cự Nẫm, nhưng từ lâu mối duyên giữa Cự Nẫm và Minh Hóa rất lớn, trong những năm tháng chiến tranh, Minh Hóa đã bao bọc, yêu thương người dân Cự Nẫm. Chính vì vậy, khi được GS.TS, nhạc sĩ Nguyễn Anh Trí “đặt hàng”, ông đã bắt tay viết ngay bằng chính những cảm xúc chân thành nhất. Với ông, Hội rằm tháng ba Minh Hóa không chỉ là nơi giao lưu hàng hóa, mà là nơi giao lưu tình cảm con người với con người, có tình yêu nam nữ gặp nhau, có bà con các làng và vùng miền gặp nhau như một phiên chợ tình thân thiết và văn hóa, có thế mới trở thành lễ hội. Sau khi GS.TS, nhạc sĩ Nguyễn Anh Trí hoàn thành ca khúc, được nghe qua phần thể hiện của ca sĩ Viết Danh và Mỹ Ly, ông rất yêu thích và ấn tượng.
Mai Nhân

tin liên quan