Ổi chát

  • 16:09 | Thứ Bảy, 15/07/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sau trận mưa tối qua, sáng ra, ổi chín trắng cây, tỏa mùi thơm ngào ngạt. Giống ổi mỡ quả ngọt thanh, cây cao vừa phải, tán xòa rộng, thân cây bóng nhẵn vì hôm nào cũng có dấu chân Lam trèo lên tụt xuống vài ba bận.
 
Thằng Lam ngồi vắt vẻo nơi chạc ba cây ổi, một tay cầm quả ổi tay kia nắm đúm muối được gói bằng đọt lá chuối tươi, vừa chấm muối ăn vừa đưa mắt dáo dác nhìn quanh tìm quả khác. Bất kể ngày nắng hay mưa, hễ rảnh nó lại trèo lên cây ổi, có khi không vặt quả chỉ là lên ngồi chơi, chơi chán thì tụt xuống. Những ngày mưa nó kiếm cái áo mưa hỏng, cột bốn gốc vào bốn cành ổi làm như cái lều để mà ngồi cho đỡ ướt. Có hôm đang chơi, lỡ bữa đói bụng nó chạy về xúc tô cơm nguội chan nước cá kho rồi bưng lên đó vắt vẻo ngồi ăn. Thi thoảng nó kêu mấy đứa bạn trong xóm leo lên cây vừa vặt quả ăn vừa nói đủ chuyện trên đời. Cây ổi là ngôi nhà thứ hai của nó, là không gian riêng mà nó thích nhất.
 
Cũng có đôi lần ngồi trên ấy một mình Lam lại nghĩ về ba mẹ, băn khoăn không biết ba mẹ có khi nào nhớ tới nó không. Ba ở xa chẳng bao giờ thấy về. Mẹ ở thành phố cách nhà có mấy chục cây số thôi, mà số lần về thăm nó cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đã thế, lần nào về cũng vội vội vàng vàng như chạy bão. Suốt những năm qua, chẳng lần nào Lam có ba mẹ đồng hành trong những dịp quan trọng. Những buổi họp phụ huynh, những cuộc thi, hay như gần đây là buổi lễ tổng kết năm học, đứng trên bục nhận giấy khen mà mắt Lam cứ ngong ngóng nhìn xuống dưới tìm nụ cười của mẹ.
 
Lam cũng muốn thấy ánh mắt hạnh phúc, tự hào của mẹ khi nhìn nó được nhà trường tuyên dương và khen tặng học sinh xuất sắc, như mẹ của các bạn đang đứng cùng lúc đó. Mà cũng chỉ một vài lần vì chạnh lòng, vì tủi thân mà Lam nghĩ, Lam mong vậy thôi. Chứ Lam cũng đã quen với sự thiếu vắng ấy, chỗ trống của ba mẹ tự bao giờ đã được ông bà nội lấp đầy. Kỷ niệm về ba mẹ chẳng có nhiều nên với Lam, người yêu thương nó nhất và người nó yêu thương nhất là ông bà nội. Ngoại trừ thời gian học hành bài vở, Lam như chú mèo con lạc mẹ, bám lấy ông bà như sợ ông bà sẽ vuột mất.
 
Theo ông ra đồng thăm lúa, lên rẫy trồng khoai, quanh quẩn chân bà chăm lo đàn gà và bầy vịt dưới ao, hồn nhiên vui chơi với bọn trẻ xóm này. Nhiều lúc Lam cũng quên luôn là nó còn có ba mẹ. Đêm qua, nghe ông nội nói sáng nay mẹ về. Cả đêm Lam trằn trọc mãi, chẳng mấy khi nhà có đầy đủ cả ba và mẹ, những ý nghĩ về bữa cơm đoàn tụ gia đình làm Lam bồi hồi không ngủ được.
 
Nhác thấy bóng bà nội xách nón đi về từ đầu ngõ, Lam tụt xuống, cái dáng nó nhanh thoăn thoắt như một con sóc đã thuộc đường, chỉ hai ba cái chạm chân đã thấy nó đứng dưới đất. Lam háo hức muốn hỏi bà xem mẹ nó đã về chưa. Bà nội lắc đầu không biết, bà cũng không có tâm trạng để ngóng chờ mẹ nó. Trận mưa giông kèm theo lốc xoáy tối hôm qua đã làm tất cả ruộng lúa đổ rạp, cả cánh đồng lúa nằm bẹp như tấm chiếu ướt. Sáng ra người ta kéo nhau ra thăm đồng, ai cũng khóc đứng khóc ngồi, lúa sắp đến ngày thu hoạch mà gặp giông lốc thì coi như mất trắng.
 
“Ông trời cho nhìn mà chẳng cho ăn” tiếng người ta xuýt xoa than vãn làm bà thêm xa xót. Mấy người trong xóm vẫn hay nói rằng ông bà nội cần gì phải vất vả làm nhiều, tiền ba Lam ở nước ngoài gửi về tiêu bao giờ mới hết. Là người ta nói thế nhưng với cái tính tằn tiện lại hay lo xa, bà chẳng bao giờ đụng đến. Ông bà muốn để dành số tiền đó để sau này ba về nước còn có vốn liếng làm ăn. Đồng trên ruộng dưới, nương rẫy hay vườn nhà bà đều làm hết, ông bà dựa vào đó để nuôi Lam ăn học, cũng chẳng bao giờ để Lam phải chịu cảnh thiếu thốn. Năm sào ruộng, lúa đổ rạp chắc phải tính chuyện gặt sớm chứ để ngâm nước thêm một hai hôm nữa không khéo lúa mọc mầm ngay. Bà tính thế nên tất tả chạy về bàn với ông, nhưng vừa đến đầu ngõ gặp ông thì đã bị ông gạt đi. Chuyện lúa má cứ để sang một bên, hôm nay phải làm cho xong việc của thằng Lam đã.
Minh họa: Minh Quý
Minh họa: Minh Quý

Lúa rạp chứ trời có sập đi nữa thì ông cũng mặc kệ, đổi họ cho Lam được thì ông mới yên lòng. Mỗi lần nhà có đám giỗ hay có việc họ việc làng, người lớn lại lôi chuyện họ tên của Lam ra để mà bàn bạc. Ai đời thằng cháu đích tôn lại không mang họ của ông nội. Mỗi người mỗi tiếng mà ai nói nghe cũng có lý làm ông thêm sốt sắng. Cứ mỗi lần như vậy Lam lại thấy ông nội buồn xo, sốt sắng gọi ba về.

Ba Lam mới ba mươi lăm, làn da trắng bạc thường thấy của người sống ở xứ lạnh, đôi mắt phảng phất một nét buồn xa xăm khó tả. Ba chưa muốn về nước, nói đúng hơn là muốn trốn tránh điều gì đó. Cuộc hôn nhân chưa kịp mặn nồng thì đã vội đổ vỡ khiến lòng người cũng lắm lúc chênh vênh. Bởi thế năm lần bảy lượt ông nội giục ba đều bảo bận không sắp xếp được. Đợt này ông làm căng, mà nghĩ thương ông tuổi già rồi vẫn còn đau đáu chuyện con cháu nên ba về nửa tháng, ông như mở cờ trong bụng. Đây cũng là lần đầu tiên trong đời Lam được gặp ba.

Vốn dĩ tên nó là Trần Anh Lam, thậm chí giấy khai sinh còn chẳng có tên ba. Nhưng Lam chẳng quan tâm, giấy khai sinh ông nội cất có bao giờ Lam thấy đâu. Lam cũng chẳng bao giờ thắc mắc vì sao mình họ Trần mà ông nội với ba thì họ Võ. Có lần Lam nghe bà kể, ba mẹ nó quen biết và yêu nhau khi đi lao động tại Nga. Chưa kịp cưới hỏi, mẹ có bầu nên về nước trước để sinh nó. Ba vẫn ở bên đó để làm việc. Hai nhà đã coi nhau như thông gia, ông bà nội cũng thường xuyên qua lại thăm nom hai mẹ con. Bà cũng chẳng biết vì lý do gì mà năm Lam tròn hai tuổi, mẹ đưa Lam về gửi hẳn cho ông bà nội để xuống thành phố tìm việc, thỉnh thoảng về thăm Lam.
 
Sau đó ít lâu mẹ lấy chồng luôn dưới đó, rồi những lần về thăm cũng thưa dần. Chuyện riêng của ba mẹ, bà nội không biết, Lam cũng chẳng biết hỏi ai. Thời gian đầu có lẽ vì buồn nên ba bặt tin mất mấy tháng, sau này khi đã nguôi ngoai, ba mới gọi điện về cho ông bà nhiều hơn. Nhưng chẳng bao giờ thấy ba về nhà. Lam hơn mười tuổi mà nay mới được gặp ba. Bà nội thương ba lắm, con mình hôn nhân không hạnh phúc, đôi lứa chia lìa có mẹ nào vui được. Càng thương ba thì bà càng thương Lam, bà dành hết tình cảm để yêu thương bù đắp cho nó.
 
Mọi loại giấy tờ thủ tục, lâu nay ông nội đã lên UBND xã hỏi han trước và chuẩn bị kỹ càng, chỉ chờ có mặt đầy đủ cả bố và mẹ Lam. Mẹ còn bận sắp xếp chuyện bán buôn, chuyện gia đình con nhỏ nên chưa thấy về làm ông thêm sốt sắng. Sáng nay, ông dậy sớm, mặc áo quần chỉnh tề, đi tới đi lui đợi mẹ Lam về. Lòng ông cũng phân vân không biết nó hứa với mình thế chứ nó có về không nữa. Nóng lòng, ông đi ra tận đầu ngõ để ngóng. Lam cũng mong mẹ nhưng khác lắm, nỗi mong chờ kéo dài từ hồi nó lên hai đến bây giờ đã nguội dần, chẳng còn thao thiết.
 
Chỉ là có chút bồi hồi vì lần này Lam có cả ba và mẹ. Mặt trời lên bằng ngọn sào, bóng ông đứng trước sân cũng đã ngắn lại thì mẹ về, tay mang theo mấy gói quà to nhỏ cho Lam và cho ông bà nội. Ba mẹ gặp lại nhau sau bao nhiêu năm nhưng dường như có gì đó ngăn cách nên ánh nhìn chẳng thể chạm nhau, tiếng chào cũng trở nên gượng gạo. Gương mặt mẹ đẹp và hồng hào, vẻ đẹp sắc sảo thường thấy của những phụ nữ thương trường buôn bán. Lam có cảm giác như cuộc sống của mẹ cũng không quá vất vả, bố mới thương mẹ và các em chắc cũng ngoan lắm. Những ý nghĩ vội vàng lướt qua trong đầu làm Lam thoáng buồn, đôi mắt nó có đôi hàng mi dài khẽ cụp xuống hồi lâu, suy tư buồn bã. Mẹ ôm Lam vào lòng, vòng tay mẹ ôm mềm và thơm nhưng sao Lam thấy xa cách, lạ lẫm. Lam đã quen với vòng tay gầy gò xương xẩu của bà nội, quen với mùi nồng nồng của lúa khoai rơm rạ nơi người bà mỗi lần ôm bà ngủ.
 
Lam đi theo ông và ba mẹ lên ủy ban xã để làm thủ tục. Sau khi ba viết tờ khai, mục ý kiến của người mẹ, mẹ đặt bút ký ngay. Ừ thì mẹ cũng có lý do gì đâu mà không đồng ý, những gì còn có thể làm được thì mẹ sẽ làm để sau này nó không phải tủi thân. Như lần này là đồng ý để giấy khai sinh của Lam có thêm tên ba và đổi họ theo ba. Mục ý kiến của Lam, lúc cô cán bộ Tư pháp hỏi nó có đồng ý không, nó khẽ khàng cầm bút nắn nót viết tên mình mà đầu mông lung bao suy nghĩ. Đồng ý hay không đồng ý thì cũng có thay đổi được hoàn cảnh hiện tại của Lam đâu mà. Cũng chẳng ai để ý đến việc cái tên được đổi từ Trần Anh Lam thành Võ Anh Lam thì nó có vui không, không ai hỏi xem bây giờ cảm giác của nó thế nào…
 
Xong việc, ba chạy xe thẳng về tỉnh để hoàn tất các loại giấy tờ chuẩn bị ít hôm nữa xuất cảnh. Mẹ nán lại nói chuyện với nó và ông thêm đôi ba câu rồi cũng tất tả đón xe về thành phố. Ba vội, mẹ càng vội. Lam nhìn theo bóng xe của mẹ nó mất hút đến khi chỉ còn một chấm trắng bé tẹo cuối đường. Nó đứng đó ngỡ ngàng, ngơ ngác. Bữa cơm có đủ bố và mẹ tưởng như giản đơn, vậy mà đối với Lam mãi mãi chỉ là điều ước ao chẳng bao giờ thành hiện thực.
 
Ông nội vui mừng nên nói cười rộn rảng, việc mà ông đau đáu bấy lâu nay đã hoàn thành. Còn Lam chẳng vui cũng chẳng thấy buồn, những chênh chao, hụt hẫng cứ dâng lên ngồn ngộn để lòng thêm đắng đót. Về đến nhà, Lam nhảy tót lên cây ổi, với tay vặt đại một quả ổi đưa lên miệng cắn ngấu nghiến rồi nhắm mắt nhắm mũi mà nuốt. Chẳng biết quả ổi hái vội đó còn xanh hay chính lòng nó đang cảm thấy chua chát mà nó nghe trong miệng chát chúa đến rợn người, nó vứt quả ổi đánh tõm xuống bờ ao rồi nhìn mông lung theo gợn nước trên mặt hồ. Lam phóng tầm mắt ra xa nhìn ra cánh đồng làng, cánh đồng nhấp nhô nón trắng. Lam chạy vào nhà tìm bà nội, hình như bà cũng đã ra đồng. Lam thay vội bộ quần áo rồi cũng chạy thẳng ra đồng tìm bà, sau trận mưa giông tối qua, nay gió về mát rượi. Lam cất tiếng gọi bà ơi!
     Đoàn Thị Thu Hương

tin liên quan