Thơ chọn-Lời bình: Tự biết

  • 22:23 | Thứ Bảy, 15/07/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Mắt không thấy rõ nữa rồi
Mờ mờ nhân ảnh dòng đời trôi qua
Sắp tàn một kiếp tài hoa
Nắng thu xanh, ánh trăng xa có buồn?
Được, thua, suy, vượng... lẽ thường
Cầm như một áng mây vương cuối trời
 
Mắt không thấy rõ nữa rồi
Thì thu con mắt nhìn đời vào trong
Bởi đời là cõi hư không
Thì thôi, xin khỏi bận vòng trầm luân
Thì thôi, khỏi vướng bụi trần
Càng long lanh sáng chữ “tâm” với đời
 
Mắt không thấy rõ nữa rồi,
Buồn vui đem gởi xa vời bóng mây
Bâng quơ mấy khúc vơi đầy
Gửi mai sau. Đợi cái ngày ra đi
Thảnh thơi ngày tháng vô vi,
Nhẹ nhàng một cuộc chia ly cuối cùng!
Xuân Hoàng
Minh họa: Minh Quý
Minh họa: Minh Quý
Sinh thời, nhà thơ Xuân Hoàng (1925-2004) gắn bó máu thịt với quê hương Quảng Bình. Ông là tác giả của những bài thơ được nhiều người yêu thích, như: Đồng Hới, Khi nào thấy, Biển và bờ… trong đó phải kể đến bài thơ Tự biết. Khi ông vừa mới vượt ngưỡng 70, từ TP. Hồ Chí Minh, ông gửi thư ra Huế, báo cho tôi biết: “Mắt mình đã xuống cấp trầm trọng, vô phương cứu chữa, Hoan ạ!”, kèm theo bài thơ ông vừa mới viết. Bài thơ Tự biết đã giúp tôi hiểu được phần nào tâm trạng hụt hẫng của ông. Đó cũng là tâm trạng của không ít người vừa bước qua cái ngưỡng “xưa nay hiếm” mà:
 
Mắt không thấy rõ nữa rồi
Mờ mờ nhân ảnh dòng đời trôi qua…
 
Dẫu cố bình tâm, nhưng âm điệu chung của toàn bài thơ vẫn không giấu được nỗi buồn của một người yêu đời, yêu cuộc sống lại phải đối mặt với một sự thật phũ phàng: Không thể nào cưỡng được quy luật thời gian! Điệp khúc “mắt không thấy rõ nữa rồi” láy đi, láy lại trong toàn bài thơ thể hiện sự tiếc nuối, day dứt của tác giả. Người ta vẫn nói “đôi mắt là cửa sổ tâm hồn”. Đôi mắt ấy đã từng giúp thi sĩ chiêm ngưỡng bao vẻ đẹp của con người, của non sông, đất nước. Đôi mắt ấy đã từng giúp thi sĩ thấy rõ: Trắng-đen, thật-giả, trung-nịnh, chính-tà...
 
Tuổi già và bệnh tật đã làm cho đôi mắt ấy mờ dần, mờ dần... sao không buồn, không tiếc được! Xuân Hoàng vốn thành thật nên nhà thơ không hề giấu tâm trạng thật của mình. Càng buồn, càng nuối tiếc hơn khi thi sĩ biết: “Sắp tàn một kiếp tài hoa”. Xuân Hoàng đã từng chứng kiến không ít những người bạn tài hoa của ông đã lần lượt ra đi. Và rồi tất yếu sẽ đến lượt mình. Biết vậy, nhưng là người từng trải, thấu hiểu quy luật của sự sinh-tử, nên ông không hoảng sợ, không hoang mang, không suy sụp tinh thần.
 
Đến cái tuổi “xưa nay hiếm”, thi sĩ nghiệm ra rằng: “Được, thua, suy, vượng... lẽ thường”. Việc đôi mắt ngày một mờ dần cũng chẳng qua như: “áng mây vương cuối trời” mà thôi. Và cả khi “mắt không thấy rõ nữa rồi”, Xuân Hoàng vẫn tìm cho mình một cách nhìn đời theo kiểu riêng: “Thì thu con mắt nhìn đời vào trong”. Nghĩa là tác giả không dễ dàng cam chịu, không dễ dàng đầu hàng số phận. Cái cách “thu con mắt nhìn vào đời trong” chắc là ông học được ở cụ Đồ Chiểu. Nhà thơ mù Nguyễn Đình Chiểu từng viết: “Dù đui mà giữ đạo nhà/ Còn hơn có mắt ông cha không thờ...”. “Thu con mắt nhìn đời vào trong” chính là cách nhìn bằng tâm linh. Nhờ nhìn bằng tâm linh mà thi sĩ nghiệm ra rằng:
 
Bởi đời là cõi hư không
Thì thôi, xin khỏi bận vòng trầm luân
Thì thôi, khỏi vướng bụi trần
Càng long lanh sáng chữ “tâm” với đời.
 
Đó không chỉ là cách tự an ủi mà còn là tự khẳng định nhân cách.
 
Nhà thơ Xuân Hoàng vốn là bạn vong niên của tôi, nên tôi hiểu khá tường về ông. Tính ông xởi lởi, vui vẻ, hóm hỉnh, hào hoa và đa tình. Xuân Hoàng rất ghét những kẻ mánh lới, thủ đoạn, bon chen… Bao nhiêu năm bám trụ trên mảnh đất Quảng Bình khói lửa, chịu đựng bao nhiêu gian khổ, hy sinh, đóng góp hết mình cho lĩnh vực văn học nghệ thuật tỉnh nhà, chỉ riêng điều đó thôi, ôngcó quyền tự hào: “Càng long lanh sáng chữ tâm với đời”. Vì thế, mặc dù biết “sắp tàn một kiếp tài hoa”, ông vẫn:
 
Thảnh thơi ngày tháng vô vi,
Nhẹ nhàng một cuộc chia ly cuối cùng!
                                                                                                  Mai Văn Hoan

tin liên quan

Ổi chát

(QBĐT) - Sau trận mưa tối qua, sáng ra, ổi chín trắng cây, tỏa mùi thơm ngào ngạt. Giống ổi mỡ quả ngọt thanh, cây cao vừa phải, tán xòa rộng, thân cây bóng nhẵn vì hôm nào cũng có dấu chân Lam trèo lên tụt xuống vài ba bận.

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ-Khoảng trời, hố bom

(QBĐT) - Theo lời tự bạch, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đã trải qua tuổi thơ đầy trắc ẩn. Chính vì vậy, mới lên 10 tuổi, đã làm bài thơ "Dòng sông đen". 

Mặt trời thỏ con

(QBĐT) - Tôi dậy lúc bốn giờ
chích chòe líu lo giọng điệu đầu tiên của ngày