Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Gặp lại người tìm ra hang động lớn nhất thế giới

  • 15:18 | Thứ Bảy, 01/07/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Bây giờ thì Sơn Đoòng-hang động lớn nhất thế giới đã nổi tiếng khắp năm châu. Nhưng xung quanh hang Sơn Đoòng, cũng như cuộc đời của ông Hồ Khanh (SN 1969)-người đầu tiên tìm ra nó vẫn còn rất nhiều câu chuyện thú vị!
 
Nhiều năm gặp lại Hồ Khanh, chúng tôi thấy tuổi tác dường như không làm ông già đi chút nào, nhưng sự từng trải thì hiện rõ. Dáng vẻ e dè và khắc khổ của một người thợ sơn tràng ngày nào nay đã phai đi khá nhiều, Hồ Khanh bây giờ đã là một người đàn ông lịch thiệp, ông chủ của một cơ sở du lịch khang trang bên bờ sông Son ở trung tâm du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng (PN-KB).
 
Sơn Đoòng được tìm thấy như thế nào?
 
Tháng 4/2009, lần đầu tiên hang Sơn Đoòng được ông Howard Limbert (Trưởng đoàn thám hiểm Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh) công bố trước báo giới tại Quảng Bình. Hôm đó, ông Howard Limbert đã khẳng định, không nghi ngờ gì nữa, Sơn Đoòng là hang động lớn nhất thế giới, với chiều rộng lên đến 250m, chiều cao có nơi hơn 150m. Trên thực tế, Sơn Đoòng được ông Hồ Khanh phát hiện từ năm 1991 trong một chuyến ông đi rừng tìm trầm nhưng sau đó thì không thể tìm đường quay lại được.
 
Hồ Khanh kể, những năm 1990-1991, vì mưu sinh, cũng như nhiều thanh niên khác trong làng, ông phải luồn rừng khai thác lâm sản. Một lần, khi đang đạp rừng đi tìm trầm hương thì ông gặp một cơn mưa đột ngột nên tìm chỗ để trú và tình cờ phát hiện ra một vòm hang đá. Định bụng sẽ vào trú mưa, nhưng khi đến cửa hang thì ông bắt gặp một luồng gió mạnh thổi liên tục từ trong cửa hang ra.
 
Không biết đó là một hiện tượng tự nhiên, ông nghĩ ngay đến truyền thuyết về những con thuồng luồng sống trong hang đá đang phun gió ra ngoài. Sợ “sởn tóc gáy”, ông không dám vào hang nữa mà nép bên vách đá, chờ mưa tạnh rồi đi tiếp. “Đó là lần đầu tiên tôi đặt chân đến cửa hang “bí ẩn”, nhưng rồi cuộc sống mưu sinh đầy vất vả nên tôi đã quên hẳn nó ngay sau đó”, ông Hồ Khanh nhớ lại.
 Ông Hồ Khanh.
Ông Hồ Khanh.
Khi PN-KB trở thành Khu bảo tồn thiên nhiên và sau đó là Di sản thiên nhiên thế giới, nhờ sự tuyên truyền vận động của Nhà nước, nhiều người dân Sơn Trạch (nay là thị trấn Phong Nha, Bố Trạch), trong đó có Hồ Khanh đã dần dần từ bỏ nghề đi rừng.
 
Cũng nhờ những năm tháng “luồn rừng” trước đó nên hơn ai hết, những người như Hồ Khanh rất thông thuộc và biết nhiều điều bí ẩn từ núi rừng PN-KB. Chính vì vậy, khi các nhà khoa học đến đây thám hiểm, nghiên cứu thì những người như ông là người mà họ nghĩ đến đầu tiên. Riêng với đoàn thám hiểm của Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh đã nhiều lần sang Việt Nam và thực hiện hàng chục chuyến thám hiểm ở PN-KB thì lần nào họ cũng nhờ ông dẫn đường cả.
 
Với sự giúp đỡ vô tư, tận tình của những người dân địa phương như Hồ Khanh nên đoàn đã gặt hái được rất nhiều thành công, tìm ra và khám phá được nhiều hang động mới. Thế nhưng, có một điều luôn canh cánh trong lòng Hồ Khanh, đó là không thể nhớ lại được vị trí của hang “bí ẩn” mà ông đã tình cờ gặp trong lần trú mưa năm 1991.
 
Năm 2007, khi đoàn thám hiểm Hoàng gia Anh tiến hành đợt tìm kiếm hang động mới tại PN-KB, ông cũng đã đưa đoàn đi tìm hang “bí ẩn” hết 2 ngày nhưng không thấy. Trong chuyến đi ấy, chính ông Howard Limbert khi quan sát hiện tượng tự nhiên khu vực xung quanh đã khẳng định với Hồ Khanh rằng, khu vực xung quanh đây nhất định phải có một cái hang lớn… Tuy nhiên, thời gian không cho phép và đoàn thám hiểm phải trở về.
 
Trước khi trở về nước Anh, ông Howard Limbert đã kịp nhờ Hồ Khanh cố gắng tìm bằng được hang “bí ẩn” đó. Chỉ một lời nhắn nhủ như vậy, thế mà giữa năm 2008, một mình Hồ Khanh khăn gói vào rừng. Đi bộ hơn một ngày rừng, ông đến khu vực bản Đoòng với mong muốn gặp lại hang “bí ẩn”. Hơn một ngày, một đêm lầm lũi trong rừng, đến sáng ngày thứ 2 thì Hồ Khanh đã tìm lại được hang mà trước đó-năm 1991 ông đã từng trú mưa.
 
“Mừng quá, tôi men theo cửa hang để vô. Gió vẫn thổi mạnh nhưng tôi không còn sợ “thuồng luồng” như lần trước nữa vì sau nhiều lần đi cùng đoàn thám hiểm tôi biết đó chỉ là hiện tượng thiên nhiên. Tôi đã quan sát, đánh dấu rất kỹ càng trước lúc quay về. Tìm lại được cửa hang từ năm 2008 nhưng tôi vẫn không nói với ai cả. Đầu năm 2009, khi đoàn thám hiểm Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh trở lại Việt Nam, tôi đã dẫn đoàn cùng ông Howard Limbert đến khảo sát và hang này được đặt tên là Sơn Đoòng, cũng như được đánh giá để khẳng định là lớn nhất thế giới…”, ông Hồ Khanh kể lại.
 
Những bước ngoặt cuộc đời của Hồ Khanh
 
Bây giờ, cái tên Hồ Khanh đã trở nên nổi tiếng cùng sự nổi tiếng của hang Sơn Đoòng nhưng ít ai biết được rằng hơn 10 năm về trước, gia đình ông cũng đầy khó khăn trong cảnh cơm áo gạo tiền.
Mỗi năm, ông Hồ Khanh (thứ hai từ trái qua) dành thời gian 1-2 lần cùng đoàn thám hiểm của Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh khám phá, tìm kiếm hang động mới. Ảnh: Tư liệu
Mỗi năm, ông Hồ Khanh (thứ hai từ trái qua) dành thời gian 1-2 lần cùng đoàn thám hiểm của Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh khám phá, tìm kiếm hang động mới. Ảnh: Tư liệu
Hồ Khanh mồ côi cha từ khi 13 tuổi. Gia đình ông nghèo khó như bao nhiêu gia đình nghèo khác ở vùng Phong Nha. Nhà đông anh em nên Hồ Khanh chỉ học hết lớp 6. Năm 18 tuổi, ông bắt đầu đi rừng tìm kiếm trầm hương. Từ đấy, bàn chân ông đạp khắp các vùng của PN-KB và sang tận cả Lào.
 
Trong những chuyến đi xuyên rừng dài ngày, hang động như là mái nhà và nơi nuôi dưỡng ông khi cung cấp nguồn nước dùng trong lành. Đó cũng là lý do ông biết nhiều hang động đến vậy.
 
Sau nhiều năm đạp rừng tìm trầm, đến năm 2005, Hồ Khanh bỏ hẳn và chuyển sang làm người dẫn đường cho các nhà thám hiểm hang động, công việc thầm lặng đã giúp các nhà thám hiểm tìm ra hàng trăm hang động lớn nhỏ ở PN-KB.
 
Năm 2013, khi tour mạo hiểm Sơn Đoòng được Công ty TNHH MTV Chua Me Đất  (Oxalis) đưa vào khai thác, Hồ Khanh trở thành porter (người khuân vác), đưa các đoàn khách, đoàn làm phim, hãng thông tấn nước ngoài thám hiểm hang động lớn nhất thế giới. Hiện tại, ông là đội trưởng quản lý một đội porter của Oxalis, gồm 125 người, toàn bộ là dân địa phương. Mỗi năm, ông cũng dành thời gian 1-2 lần cùng đoàn thám hiểm của Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh tiến hành khám phá, tìm kiếm hang động mới.
 
Được ông, bà Howard Limbert gợi ý, Hồ Khanh xây dựng một homestay lấy tên Ho Khanh homestay. Đó là một khu homestay rộng hơn 2.000m2, gồm 2 dãy nhà xinh xắn cách nhau bởi khoảng sân rộng rợp bóng cây xanh và hoa lá. Bên trong homestay có 8 phòng nghỉ, được trang bị nội thất hiện đại, thân thiện, là nơi dừng chân lý tưởng của các vị khách du lịch trong và ngoài nước mỗi lần đến đây.
 
Công việc tại Oxalis và khu homestay đang đem về cho gia đình ông nguồn thu nhập ổn định. Vậy mà, năm 2020, “cơn bão Covid” quét qua, cũng như các doanh nghiệp lưu trú khác trên địa bàn, gia đình ông đã có 2 năm đầy khó khăn.
 
“Đến hiện tại, lượt khách đến nghỉ ở homestay cũng như khu vực PN-KB vẫn chưa thể phục hồi như trước. Số tiền gia đình vay ngân hàng để đầu tư xây dựng homestay gần 3 tỷ đồng vẫn chưa thể trả xong. Vậy nhưng, điều khiến gia đình rất vui là nhiều khách sau khi lưu trú ở đây đã nhiều lần quay lại. Và với tiềm năng du lịch ở PN-KB, chúng tôi vẫn luôn kỳ vọng lượng khách du lịch sẽ sớm trở lại như trước”, Hồ Khanh tâm sự.
 
Với những cống hiến và đóng góp của Hồ Khanh cho thám hiểm hang động, cho Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia PN-KB, ông đã 2 lần được UBND tỉnh tặng bằng khen. Đặc biệt, Hồ Khanh cùng với nhà thám hiểm hang động Howard Limbert đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

Phan Phương

tin liên quan

Xứng tầm thị trấn du lịch

(QBĐT) - Thị trấn Phong Nha nằm ở phía tây bắc huyện Bố Trạch, nơi đây có Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng 2 lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. 

Dòng họ khoa bảng Nguyễn Duy

(QBĐT) - Hiếm có dòng họ nào trên vùng đất Quảng Bình có truyền thống khoa bảng rạng danh như dòng họ Nguyễn Duy ở làng Lý Hòa xưa, nay là xã Hải Phú (Bố Trạch).

Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 420 năm hình thành tỉnh Quảng Bình

(QBĐT) - Ngày 23/6, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1246/KH-UBND tổ chức các hoạt động kỷ niệm 420 năm hình thành tỉnh Quảng Bình (1604-2024); 75 năm Ngày Quảng Bình quật khởi (15/7/1949-15/7/2024) và 35 năm Ngày tái lập tỉnh (1/7/1989-1/7/2024).