Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Dòng họ khoa bảng Nguyễn Duy

  • 07:31 | Thứ Ba, 27/06/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hiếm có dòng họ nào trên vùng đất Quảng Bình có truyền thống khoa bảng rạng danh như dòng họ Nguyễn Duy ở làng Lý Hòa xưa, nay là xã Hải Phú (Bố Trạch).
 
Lần giở cuốn Quảng Bình Thắng-Tích-Lục của An đình Trần Kinh, tình cờ phát hiện câu thơ “Hòa Luật thích lý làm vua/ Lý Hòa khoa giáp một nhà xưa nay” đã thôi thúc tôi tìm hiểu truyền thống khoa cử của dòng họ Nguyễn Duy được lưu truyền danh tiếng xưa nay ở làng quê văn vật Lý Hòa.
 
Tiếp chúng tôi tại tư gia bên dòng Lý Hòa trong xanh gió lộng, ông Nguyễn Duy Đức, 69 tuổi, đời thứ 11 hiện đang là trưởng tộc dòng họ Nguyễn Duy cho biết: Thủy tổ dòng họ Nguyễn Duy là ông Nguyễn Văn Nại vào lập nghiệp, đời vua Thành Thái có sắc phong tiền hiền khai khẩn. Trước đây, nhà thờ dòng họ Nguyễn Duy xây cất ở gần đình làng Lý Hòa. Trong chiến tranh, bom Mỹ đánh trúng nhà thờ, nhà bị cháy, tài sản hư hỏng cả. Con cháu lao vào giữa làn lửa đạn, lấy được hộp tráp đựng 2 sắc phong chạy ra thoát ra ngoài và may mắn giữ lại cho đến nay. Vừa nói chuyện, ông Nguyễn Duy Đức mở cho tôi xem 2 sắc phong còn lại của dòng họ.
 
Sắc phong thứ nhất có nội dung: “Sắc, Quảng Bình tỉnh, Bố Trạch huyện, Lý Hòa thôn, tòng tiền phụng sự khai khẩn Nguyễn Văn Nại tôn thần, nguyên tặng Linh phù Dực bảo trung hưng tôn thần, hộ quốc tí dân, nhẫm trước linh ứng, tiết mông ban cấp sắc phong chuẩn hứa phụng sự. Tứ kim chính trực trẫm tứ tuần đại khánh tiết kinh ban bảo chiếu đàm ân lễ long đăng trật trước gia tặng: Đoan Túc tôn thần, đặc chuẩn phụng sự dụng chí quốc khánh nhi thân tự điển. Khâm tai. Khải Định cửu niên, thất nguyệt, nhị thập ngũ nhật”.
 
Dịch nghĩa: "Sắc phong: Trước nay, làng Lý Hòa, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình đã thờ vị thần khai khẩn tên là Nguyễn Văn Nại, vốn được phong làm Linh phù dực bảo trung hưng tôn thần, vì đã có công bảo vệ đất nước, giúp đỡ nhân dân rất là linh ứng. Các triều đều ban sắc cho phép thờ phụng. Nay đúng dịp lễ mừng thọ thứ bốn mươi của mình, trẫm ban chiếu báu, tỏ rõ ân sâu, lễ nghi long trọng, gia phong cho ngài là Đoan Túc tôn thần. Đặc biệt, cho phép việc thờ phụng tế lễ theo nghi lễ quốc gia. Hãy kính theo. Ngày 27 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (1924)".
 
Còn sắc phong thứ 2 cũng được vua Khải Định ban cùng ngày cho Duyệt hòa hầu Nguyễn Quý Công, tức Nguyễn Văn Duyệt, con trai ông Nguyễn Văn Nại, tiền hiền khai khẩn, với tước hiệu Đoan Túc tôn thần.
Sắc phong Khải Định thứ 9 (1924) gia phong tước Đoan túc tôn thần cho tiền hiền khai khẩn Nguyễn Văn Nại, dòng họ Nguyễn Duy, làng Lý Hòa.
Sắc phong Khải Định thứ 9 (1924) gia phong tước Đoan Túc tôn thần cho tiền hiền khai khẩn Nguyễn Văn Nại, dòng họ Nguyễn Duy, làng Lý Hòa.

Dù có công lập làng nhưng mãi đến đời thứ 5, con cháu dòng họ Nguyễn Văn mới phát tài, thi cử đỗ đạt, làm rạng danh dòng họ khi có 5 người đỗ đại khoa. Ông Nguyễn Văn Thuyên, đời thứ tư dòng họ Nguyễn Văn kết hôn với bà Hoàng Thị Vịnh, sinh được hai người con trai là Nguyễn Duy Đức và Nguyễn Duy Cần.

Trong đó, người con thứ là Nguyễn Duy Cần chính là người khai khoa, mở đầu cho việc thi cử đỗ đạt của dòng họ. Nguyễn Duy Cần (sau đổi thành Nguyễn Duy Huân) sinh năm Đinh Sửu (1817). Năm Tân Sửu (1841), niên hiệu Thiệu Trị thứ nhất, thi hương đỗ cử nhân. Trong kỳ thi Hội ân khoa năm Nhâm Dần niên hiệu Thiệu Trị thứ 2 (1842), ông đỗ tiến sĩ xuất thân năm 26 tuổi, làm quan tới chức Thị giảng học sĩ, sung chức Giáo tập học đường phủ Tôn Nhân, sau được tặng Thái Phác tự khanh. Ông là cha của nhiều cử nhân và là ông của 4 vị đại khoa sau này.

Ông Nguyễn Duy Miễn (SN 1844) là con thứ hai của ông Nguyễn Duy Cần. Năm 1878, niên hiệu Tự Đức thứ 31, thi hương đậu cử nhân. Ông làm quan đến chức Thái thường tự khanh, lãnh tế tửu Quốc tử giám về Trí sĩ, thụ Tham tri.
 
Ông Nguyễn Duy Miễn sinh hạ được 6 người con trai. Người con cả là Nguyễn Duy Thắng (SN 1872). Khoa thi Hội năm Mậu Tuất, niên hiệu Thành Thái thứ 10 (1898), ông đỗ phó bảng năm 27 tuổi, làm quan đến chức Đốc học Quảng Ngãi.  
 
Người con trai thứ hai là Nguyễn Duy Đồng (SN 1875), khoa thi hương Đinh Dậu niên hiệu Thành Thái thứ 9 (1897), ông đỗ cử nhân, được giao giữ chức Hàn lâm viện điền tích, sau ông xin từ quan, về quê chăm lo, phụng dưỡng cha mẹ.
 
Người con thứ ba là Nguyễn Duy Tích (SN 1879). Khoa thi hương năm Canh Tý, niên hiệu Thành Thái thứ 12 (1900), ông thi đậu cử nhân. Khoa thi Hội năm Tân Sửu niên hiệu Thành Thái thứ 13 (1901), ông thi đỗ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân năm 23 tuổi, làm quan đến chức Tri phủ, Tham tri bộ Binh.
 
Nhưng có lẽ thành tích khoa bảng vinh hiển nhất thuộc về người con thứ tư, đó chính là Nguyễn Duy Phiên. Mộc bản triều Nguyễn (Hồ sơ số 62c, Đinh Mùi khoa Đình thí, mặt khắc 1) chép về khoa thi Đình năm Đinh Mùi, niên hiệu Thành Thái thứ 19 (1907) như sau: “Sắc ban đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân: Nguyễn Duy Phiên, Quảng Bình, Quảng Trạch, Bố Trạch, Lý Hòa thôn, Quý Mão cử nhân niên canh nhị thập tam tuế nguyên trúng cách đệ tam danh”[1]. Dịch nghĩa: Nguyễn Duy Phiên sinh năm Ất Dậu (1885), đỗ cử nhân khoa thi năm Quý Mão (1903). Đỗ tiến sĩ xuất thân năm 23 tuổi. Nguyên đỗ trúng cách (khoa thi Hội), xếp vào hạng Đệ tam danh, được sắc ban Đệ nhị giáp (tiến sĩ xuất thân). Sau này, ông làm quan đến chức Tả lý bộ Học.
 
Người con trai út là Nguyễn Duy Thiệu (SN 1886) lúc trước lấy tên là Nguyễn Duy Khuông. Khoa thi Hội năm Canh Tuất niên hiệu Duy Tân thứ 4 (1910), ông thi đậu phó bảng năm 25 tuổi, làm quan đến chức Binh bộ.
 
Trong điều kiện vất vả, khổ cực, cha ông làm nghề đánh bắt hải sản, gia sản không có gì nhưng con cháu dòng họ Nguyễn Duy làng Lý Hòa đã kiên trì bền gan, luyện trí, cố gắng, chăm lo nghiệp đèn sách để ứng thí nơi cửa Khổng, sân Trình. Ba đời dòng họ Nguyễn Duy từ đời ông, đời cha cho đến đời cháu liên tiếp đăng khoa khi tuổi đời rất trẻ, đã làm hiển vinh cho dòng họ.
 
Khi được triều đình nhà Nguyễn trọng dụng nhân tài, bổ dụng các chức tước trở thành những quan lại, những người con của dòng họ Nguyễn Duy vẫn giữ nguyên khí phách, tấm lòng chân chất, mộc mạc của cư dân miền biển, phấn đấu trở thành những vị quan thanh liêm, hết lòng yêu thương dân tình, khiến cho người đời luôn kính trọng, nể phục. Chính truyền thống hiếu học, thi cử đỗ dạt, thành danh của con cháu Nguyễn Duy đã làm rạng danh cho quê hương Lý Hòa, xứng đáng được vinh danh là dòng họ khoa bảng của Quảng Bình.
 
Dù chiến tranh thiêu cháy nhiều sắc phong và biết bao tư liệu quý báu nhưng những gì còn sót lại hôm nay và qua các thư tịch triều Nguyễn, như: Mộc bản, Quốc triều hương khoa lục, Quảng Bình khoa lục của Cao Xuân Dục… là minh chứng huy hoàng về truyền thống khoa bảng của dòng họ Nguyễn Duy mà hiếm dòng họ nào trên vùng đất Quảng Bình có được niềm vinh dự và tự hào ấy.
                                                                         Kỳ Sơn
 
[1] Trung tâm lưu trữ quốc gia IV, Khoa bảng triều Nguyễn qua tài liệu mộc bản triều Nguyễn, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.417.

tin liên quan

Bài 2: Để các di tích phát huy giá trị

(QBĐT) - Những năm qua, huyện Quảng Ninh đã có nhiều chính sách, tập trung nguồn lực để làm tốt việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn.

Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 420 năm hình thành tỉnh Quảng Bình

(QBĐT) - Ngày 23/6, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1246/KH-UBND tổ chức các hoạt động kỷ niệm 420 năm hình thành tỉnh Quảng Bình (1604-2024); 75 năm Ngày Quảng Bình quật khởi (15/7/1949-15/7/2024) và 35 năm Ngày tái lập tỉnh (1/7/1989-1/7/2024).

Quảng Bình đồng hành cùng nhà đầu tư

(QBĐT) - Là một địa phương nằm ở khu vực Bắc Trung bộ của Việt Nam, những năm gần đây, Quảng Bình trở thành điểm đến nhiều tiềm năng đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, bởi nơi đây hội tụ nhiều yếu tố để các nhà đầu tư có thể biến ý tưởng thành hiện thực.