Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Người gắn với những bước ngoặt đổi mới kinh tế của đất nước

  • 12:43 | Thứ Bảy, 18/11/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhìn lại cuộc đời mình, ông Trần Đức Nguyên (sinh ngày 29/10/1930, quê làng Thọ Linh, xã Quảng Sơn, TX. Ba Đồn), nguyên Trưởng ban Nghiên cứu của Thủ tướng không khỏi tự hào về những đóng góp trong việc tạo nên các điểm mốc quan trọng gắn liền với công cuộc “Đổi mới” về kinh tế của đất nước. Niềm vui lớn của ông chính là đã tích cực góp phần đưa Việt Nam từ nền kinh tế kế hoạch hóa sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
 
Thay đổi tư duy để “cỗ xe lăn bánh”
 
Vào những năm 1970-1980, hầu hết nông dân ở miền Bắc và đại bộ phận nông dân ở miền Nam đều được vào làm ăn tập thể dưới sự quản lý của hợp tác xã và tập đoàn sản xuất. Chính điều này đã triệt tiêu động lực của người sản xuất. Nông dân không hăng hái lao động; năng suất, sản lượng đồng ruộng giảm sút. Trong khi đó, dân số tăng đều nên đời sống thiếu thốn đủ thứ kể từ cái ăn, cái mặc.
 
Là một nước từng xuất khẩu lương thực từ trước chiến tranh thế giới thứ hai, nay trong điều kiện hòa bình và thống nhất mà cả nước thiếu ăn triền miên, phải nhập khẩu lương thực mỗi năm vài chục vạn tấn (quy gạo), năm cao nhất tới cả triệu tấn là không thể chấp nhận. Trước tình hình đó, năm 1980, Ban Bí thư giao cho đồng chí Lê Thanh Nghị, Thường trực Ban Bí thư, trực tiếp phụ trách Văn phòng Trung ương Đảng-chủ trì nghiên cứu mô hình “khoán sản phẩm” trong nông nghiệp.
 
Là trợ lý của đồng chí Lê Thanh Nghị, ông Trần Đức Nguyên đã tham gia nghiên cứu, chuẩn bị các tài liệu cả căn cứ thực tế và lý luận để trình Bộ Chính trị và Ban Bí thư nhằm thuyết phục áp dụng mô hình này. Ngày 13/1/1981, Chỉ thị số 100-CT/TW của Ban Bí thư về “khoán sản phẩm” trong nông nghiệp đã được ban hành (thường được biết dưới tên Chỉ thị khoán 100).
 
Ông Trần Đức Nguyên chia sẻ, đây thực sự là bước khởi đầu đổi mới trong tổ chức sản xuất và phân phối của hợp tác xã nông nghiệp vì nó phá vỡ lý luận kinh tế chỉ huy vẫn áp dụng xưa nay. Từ khi cơ chế này được Tỉnh ủy Vĩnh Phúc ra nghị quyết áp dụng (năm 1966) cho đến khi nó được công nhận trong Chỉ thị số 100 năm 1981 là một quá trình đấu tranh rất gay go, phức tạp, trước hết là trong các cấp lãnh đạo của Đảng và kéo dài tới 15 năm, với không ít những sự quy kết, thi hành kỷ luật oan sai.
Ông Trần Đức Nguyên (bên phải) trò chuyện với Thủ tướng Võ Văn Kiệt (ảnh NVCC).
Ông Trần Đức Nguyên (bên phải) trò chuyện với Thủ tướng Võ Văn Kiệt (ảnh NVCC).
Vì là khởi đầu nên mức độ đổi mới còn hạn chế, về cơ bản vẫn duy trì những nguyên tắc của chế độ tập thể về tư liệu sản xuất, về điều hành sản xuất và về phân phối, nhưng sự khởi đầu của tiến trình đổi mới này có ý nghĩa rất lớn, tạo chuyển động đầu tiên về tư duy như một cỗ xe nằm ỳ bắt đầu lăn bánh.
 
Tìm quyết sách đổi mới kinh tế
 
Theo ông Trần Đức Nguyên, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật, Đại hội VI của Đảng đã đánh giá đúng mức những thành tựu đạt được sau 10 năm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời cũng đi sâu phân tích những tồn tại và nghiêm khắc tự phê bình những sai lầm, khuyết điểm trong lãnh đạo và chỉ đạo của Đảng trong 10 năm (1976-1986).
 
Đặc biệt, sai lầm về kinh tế là bệnh chủ quan duy ý chí, lối suy nghĩ về hành động đơn giản, nóng vội chạy theo nguyện vọng chủ quan, là khuynh hướng buông lỏng trong quản lý kinh tế-xã hội (KT-XH), không chấp hành nghiêm chỉnh đường lối và nguyên tắc của Đảng, đó là tư tưởng vừa tả khuynh vừa hữu khuynh.
 
Ông Trần Đức Nguyên cho biết, khi Việt Nam chuẩn bị cho Đại hội VI, Liên Xô và các nước XHCN đang suy thoái về kinh tế và đứng trước nguy cơ tan rã. Đảng ta nhận thức rõ yêu cầu bắt buộc phải đổi mới, tìm hướng đi riêng để đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng. Thời gian này, ông được đồng chí Trường Chinh (đang giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Nhà nước) mời vào nhóm chuyên gia tư vấn về lĩnh vực kinh tế.
 
Từ thực tiễn ở một số địa phương và cơ sở kinh tế, Hội nghị Trung ương 8 (6/1985) đã ra nghị quyết về xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, chuyển sang cơ chế hạch toán kinh doanh XHCN, mà khâu đột phá là giải quyết các vấn đề cấp bách về giá, lương, tiền (gọi là Nghị quyết 8 về giá-lương-tiền).
 
Ngay sau khi nghị quyết được ban hành, ông đã viết bài báo “Bù giá vào lương là thế nào” với bút danh Trần Đinh, đăng trên đặc san tháng 6/1985 báo Nhân Dân. Bài báo đã thực sự giúp các địa phương nhìn nhận rõ hơn về lý luận cũng như cách thức áp dụng của việc “bù giá vào lương” nên phong trào nhanh chóng được lan truyền từ Long An đến một số tỉnh miền Nam, sang Quảng Nam-Đà Nẵng rồi Hải Phòng, Hải Hưng vào quý II/1985 và đến tháng 7 thì được áp dụng ở Hà Nội. 
 
Giữa năm 1986, ông Trần Đức Nguyên được đồng chí Trường Chinh (vừa được cử làm Tổng Bí thư thay đồng chí Lê Duẩn vừa mất) giới thiệu làm thành viên Tổ biên tập Báo cáo chính trị của Đại hội Đảng lần thứ VI (Tổ biên tập, do đồng chí Hoàng Tùng, Bí thư Trung ương Đảng, làm Tổ trưởng, đồng chí Đào Duy Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, làm Tổ phó).
 
Ông Trần Đức Nguyên được giao chuẩn bị nội dung “đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, chuyển sang cơ chế hạch toán kinh doanh XHCN theo nguyên tắc tập trung dân chủ”. Đại hội VI của Đảng là sự khởi đầu của phong trào “Đổi mới” trên toàn lãnh thổ Việt Nam, mà đi trước chính là đổi mới về kinh tế.
 
Theo ông Trần Đức Nguyên, việc xác định quá trình đổi mới tư duy phát triển kinh tế theo cơ chế thị trường sau nhiều năm vận hành nền kinh tế theo mô hình XHCN không phải là việc đơn giản, dễ dàng, nếu nóng vội sẽ dễ gây ra khủng hoảng cho nền kinh tế. Nghị quyết Đại hội VI của Đảng với những bước đi thận trọng, chắc chắn đã giúp Việt Nam vượt qua khủng hoảng.
 
Bước phát triển mới về tư duy kinh tế
 
Năm 1988, Trung ương Đảng quyết định soạn thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH và Chiến lược KT-XH 10 năm (1991-2000).
 
Lần đầu tiên xây dựng Chiến lược KT-XH, Tiểu ban của Trung ương Đảng được thành lập, do đồng chí Đỗ Mười, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng làm Trưởng tiểu ban (lúc đầu do đồng chí Phạm Văn Đồng) với 14 thành viên là các chuyên gia, chủ yếu là những người đã trực tiếp nghiên cứu, xây dựng các bản đề xuất về chiến lược. Tổ biên tập Chiến lược do đồng chí Phan Văn Khải, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Phó trưởng Tiểu ban xây dựng chiến lược làm Tổ trưởng; ông Trần Đức Nguyên được cử làm Tổ phó.
 
Theo ông Trần Đức Nguyên, những bài học từ bên ngoài cùng với thực trạng khủng hoảng KT-XH ở trong nước và những chuyển biến tích cực trong bước đầu đổi mới đều được ông sử dụng như những chất liệu quý trong quá trình tham gia soạn thảo chiến lược. Do vậy, Chiến lược 1991 được nhiều chuyên gia nghiên cứu đánh giá là một chiến lược hết sức tiến bộ, với những định hướng rất sắc nét, rõ ràng về một xã hội dân chủ và nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN.
 
Ban nghiên cứu của Thủ tướng tiền thân là Tổ chuyên gia tư vấn về cải cách kinh tế và cải cách hành chính, được thành lập năm 1993; đến năm 1996, được tổ chức lại thành Tổ nghiên cứu đổi mới KT-XH và hành chính (lúc này ông Trần Đức Nguyên được bổ nhiệm làm Tổ trưởng). Đến năm 1998, tổ được nâng cấp thành Ban nghiên cứu của Thủ tướng, ông Trần Đức Nguyên được bổ nhiệm làm Trưởng ban và giữ cương vị này cho đến khi nghỉ hưu đầu năm 2003. Với những công lao đóng góp cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang và công cuộc đổi mới của đất nước, ông Trần Đức Nguyên đã vinh dự được Chủ tịch nước quyết định tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất vào ngày 15/4/2002 và Huân chương Độc lập hạng Hai vào ngày 18/4/2008.

Về xã hội, chiến lược nêu nguyên tắc: “Quyền công dân, quyền con người và tự do cá nhân được bảo đảm bằng pháp luật, được thực hiện trong khuôn khổ pháp luật và chỉ bị ràng buộc bởi pháp luật”. Nguyên tắc đó đòi hỏi phải xây dựng hệ thống thể chế và nâng cao hiệu lực thực hiện, tạo thành nền nếp thượng tôn pháp luật trong xã hội, trước hết là trong bộ máy quản lý nhà nước; đồng thời đề ra “Tăng trưởng kinh tế phải gắn với tiến bộ và công bằng xã hội, phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường”, thể hiện quan điểm phát triển bền vững.

Về tăng trưởng kinh tế, chiến lược chủ trương “tạo môi trường và điều kiện cho sự cạnh tranh hợp pháp đi liền với sự hợp tác, liên doanh tự nguyện, bình đẳng giữa các đơn vị thuộc mọi thành phần kinh tế ở trong nước và với nước ngoài”.
 
Như vậy mối quan hệ giữa tốc độ và chất lượng tăng trưởng kinh tế trong môi trường cạnh tranh bình đẳng đã được đặt ra ngay từ khi đó. Về chế độ sở hữu và thành phần kinh tế tuy vẫn phải coi trọng vai trò của kinh tế công hữu, song chiến lược đã có cách nhìn sát với thực tế hơn: “Nền kinh tế có nhiều thành phần với nhiều dạng sở hữu và hình thức tổ chức kinh doanh phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển có hiệu quả nền sản xuất xã hội. Mọi đơn vị kinh tế, không phân biệt quan hệ sở hữu đều hoạt động theo cơ chế tự chủ kinh doanh, hợp tác và cạnh tranh với nhau bình đẳng trước pháp luật”.
 
Quan điểm ấy đưa tới chính sách thông thoáng hơn đối với kinh tế tư bản tư nhân và Đại hội VII (tháng 6/1991) đã xác định rõ: “Kinh tế tư bản tư nhân được phát triển không hạn chế về quy mô và địa bàn hoạt động trong những ngành nghề mà luật pháp không cấm”. Điều này cũng được ghi vào Hiến pháp sửa đổi năm 1992.
 
Có thể nói, Chiến lược 1991 không chỉ kế thừa quan điểm đổi mới của Đại hội VI năm 1986 mà còn có bước phát triển mới về tư duy kinh tế, tuy chưa triệt để nhưng đã góp phần thúc đẩy tiến trình đổi mới và phát triển ở Việt Nam trong thập kỷ cuối thế kỷ 20, tạo thuận lợi cho bước phát triển tiếp theo...
Đinh Xuân Trường

tin liên quan

"Tiếng mõ đò bơi"

(QBĐT) - Những ngày cuối tháng tám, khi dòng Kiến Giang tưng bừng với những nhịp chậm chắc nịch, tiếng gõ mõ đều đặn thúc giục và tiếng hò reo, cổ vũ sục sôi hai bên sông, thì lòng người Lệ Thủy dù ở nơi đâu cũng mong ngóng về quê hương để hòa mình vào không khí đón Tết Độc lập.

Đình Xuân Lai được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh

(QBĐT) - Sáng 30/8, Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Mai Xuân Thành cho biết, UBND tỉnh đã có Quyết định số 2425/QĐ-UBND về việc xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh đối với đình Xuân Lai, xã Xuân Thủy (Lệ Thủy).

Đình Xuân Lai-"Chứng nhân" lịch sử bên sông

(QBĐT) - Nằm phía tả ngạn sông Kiến Giang, làng Xuân Lai (xã Xuân Thủy, Lệ Thủy) luôn tự hào bởi những mạch nguồn văn hóa truyền thống vẫn thao thiết chảy giữa những xô bồ của cuộc sống hiện đại.