Về Minh Hóa nghe hát sắc bùa chúc xuân

  • 07:14 | Thứ Sáu, 16/02/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những ngày đầu xuân Giáp Thìn, đội hát sắc bùa làng Ba Nương (thôn Ba Nương, xã Xuân Hóa, Minh Hóa) tươm tất áo dài, khăn đóng, mang theo đạo cụ đến chúc Tết tại các gia đình trong làng với những bài hát sắc bùa độc đáo. Những gia đình được đội đến xông đất chúc xuân đầu năm thêm niềm tin vào một năm mới tốt lành, may mắn, hạnh phúc.
 
Tối mồng 1 Tết, đội hát sắc bùa đến chúc Tết ở các gia đình trong làng, tiếng trống, tiếng xiểng cùng những ca từ hòa vào điệu sắc bùa,  không khí xuân rộn ràng cả một góc làng, người già cho đến trẻ em, ai ai cũng háo hức đến xem.
 
Đội hát sắc bùa làng Ba Nương hiện nay có 5 người, do ông Đinh Quang Dâng, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Xuân Hóa làm đội trưởng. Trong đội còn có em Hoàng Việt Anh năm nay 23 tuổi, chàng trai trẻ nhất đội, có niềm đam mê với các làn điệu dân ca Minh Hóa từ nhỏ, em là người chịu trách nhiệm hát xướng, những người còn lại hát theo.
 
Gia đình anh Đinh Thanh Ngà là một trong số những hộ mà đội hát sắc bùa ghé thăm, khi đến cổng, em Việt Anh hát xướng điệu dạo ngõ, đây là khúc dạo đầu để báo cho chủ nhà có đội đến chúc Tết, lời hát điệu dạo ngõ như sau: Ngõ này là ngõ kén khách vãng lai/Đằng trong lớp ngoài, then cài đóng chốt/Xin ông mở ngõ cho chúng tôi vào/Trước mừng mặt ông bà, sau xin hầu tiên tổ"...
 
Sau khúc dạo ngõ là đến khúc dạo cổng để chủ nhà ra mở cổng, mời đội hát sắc bùa vào sân. Thơ thơ dạ dạ, năm cũ đã hết năm mới bước qua, tới nhà ông bà tôi xin dạo cổng… Khúc dạo cổng vừa dứt, chủ nhà thành tâm mở cửa và mời đội vào nhà, trong nhà đã trải sẵn chiếu hoa ở phòng khách, trước điện thờ ông bà tổ tiên, lúc này con cháu đã tập trung đông đủ trong nhà.
 Hát chúc Tết trong nhà của gia chủ.
Hát chúc Tết trong nhà của gia chủ.
Trong nhà của gia chủ, đội hát các bài, như: Chúc trò, Táo quân, tổ tiên, gia chủ, con trai, con gái, con dâu, con rể. Sau đó cả đội nghỉ ngơi, dùng chút trà rượu ngày Tết, nhận chút tiền lì xì của gia chủ. Theo suốt buổi hát sắc bùa chúc xuân, với mỗi gia đình có hoàn cảnh khác nhau thì các bài hát Tết khác nhau, ứng với công việc của từng gia đình. Những gia đình làm nông, đội sẽ hát bài có nội dung chúc năm nay được mùa, đầy ắp lúa; người làm nhà mới thì gia đình hạnh phúc, phát tài, phát đạt; người kinh doanh buôn bán thì đắt hàng, tiền bạc rủng rỉnh; người ốm đau thì mau khỏi bệnh…
 
Anh Đinh Thanh Ngà cho biết: "Gia đình tôi có 3 thế hệ cùng sinh sống, năm nào gia đình cũng mời đội hát sắc bùa của làng đến hát, có năm thì vào đêm 30 Tết, năm nay mời đội đến vào mồng 1 Tết, nghe các câu chúc Tết thấy rất ý nghĩa và rất hay, tôi luôn muốn cho người già và trẻ con trong nhà tận hưởng không khí Tết cổ truyền của ngày xưa, ngoài bánh chưng xanh, câu đối đỏ, còn có những điệu hát sắc bùa chúc Tết. Qua đây, cũng mong muốn một năm mới mưa thuận gió hòa, cuộc sống của gia đình luôn bình an và hạnh phúc".
 
Em Hoàng Việt Anh chia sẻ: Hát sắc bùa là loại hình dân gian vô cùng độc đáo của huyện Minh Hóa, mỗi dịp Tết đến, xuân về, đội lại đi hát, gia đình nào mời thì đội hát sẽ đến. Thứ tự của hát sắc bùa chúc Tết gồm có: Dạo cổng để chờ gia chủ ra mời đội hát sắc bùa vào, sau đó đội hát tiếp bài sắc ngoài sân, rồi đến bài xưng danh, bài chúc Tết. Từ nhỏ, em đã chứng kiến các cụ ông đi hát sắc bùa và em rất thích, đến nay, em đã được theo các cụ hát được 3 năm và rất thông thạo làn điệu hát sắc bùa.
 
Theo ông Đinh Quang Dâng, hát sắc bùa trong dịp Tết là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người dân địa phương. Việc giữ gìn hát sắc bùa nhằm bảo tồn phong tục truyền thống của quê hương, của cha ông, giữ hương vị ngày Tết để không bị mai một.
 
Như "món ăn" tinh thần không thể thiếu mỗi dịp Tết đến, xuân về, đối với mỗi một người dân Ba Nương, Tết sẽ trọn vẹn nếu như được đội hát sắc bùa đến xông đất. Nhà ai không có điều kiện mời đội đến hát thì đi nghe ở nhà hàng xóm. Bởi trong quan niệm của bà con, nhờ hàng năm, đội đến chúc Tết nên gia đình làm ăn khấm khá, sức khỏe dồi dào, con cháu hiếu thảo, chăm ngoan học giỏi, tình cảm gia đình, hàng xóm, láng giềng ngày càng gắn bó, keo sơn. Và phải chăng cũng nhờ đó mà người dân Ba Nương nói riêng, xã Xuân Hóa nói chung đều hăng hái thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cùng nhau đoàn kết xây dựng thôn Ba Nương có nếp sống văn hóa, văn minh, góp phần giúp cho xã Xuân Hóa đạt chuẩn nông thôn mới.
 
“Nội dung làn điệu sắc bùa lời cổ là chúc cho gia đình một năm mới an khang, thịnh vượng. Có thời điểm hát sắc bùa chúc Tết bị "lắng xuống", do các nghệ nhân đã cao tuổi, già yếu. Từ khi thành lập Hội Di sản Văn hóa Việt Nam huyện, chúng tôi đã quyết tâm khôi phục. Hội đã mời các cụ cao niên tham gia những lớp tập huấn truyền dạy cho thế hệ trẻ, rồi từ lớp tập huấn chọn học viên giỏi để làm trợ giảng, nhờ đó mà hiện nay làn điệu sắc bùa đã được "sống lại" ở các địa phương, như: Xuân Hóa, Hồng Hóa, Quy Đạt, Minh Hóa, Tân Hóa, Yên Hóa”, ông Đinh Xuân Đình, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam huyện Minh Hóa chia sẻ.
Thùy Linh
(Trung tâm VH-TT-TT Minh Hóa)

tin liên quan

Xuân Diệu-"Ông hoàng thơ tình" tuổi Thìn

(QBĐT) - Xuân Diệu (tuổi Bính Thìn, 1916), là nhà thơ lãng mạn trữ tình. Ông có tên khai sinh là Ngô Xuân Diệu, sinh ngày 2/2/1916, tại Bình Định, quê gốc ở Hà Tĩnh.

Nắng tháng giêng

(QBĐT) - tháng giêng dâng mật ngọt
vàng tươi nồng nàn hoa cỏ

Liên kết di sản, nâng tầm lễ hội

(QBĐT) - Trải qua bao thăng trầm, biến thiên, đã có lúc tưởng chừng bị mai một, lễ hội mừng cơm mới của đồng bào Bru-Vân Kiều xã Ngân Thủy (Lệ Thủy) không chỉ được phục dựng thành công mà còn được bảo tồn, phát huy và công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.