Xuân Diệu-"Ông hoàng thơ tình" tuổi Thìn

  • 07:11 | Thứ Năm, 15/02/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Xuân Diệu (tuổi Bính Thìn, 1916), là nhà thơ lãng mạn trữ tình. Ông có tên khai sinh là Ngô Xuân Diệu, sinh ngày 2/2/1916, tại Bình Định, quê gốc ở Hà Tĩnh. Ông từng “tự bạch”: “Quê cha Hà Tĩnh đất hẹp khô rang/Đói bao thuở cơm chia phần từng bát/Quê mẹ nam nồm thổi lên tươi mát/Bình Định lúa xanh ôm bóng tháp Chàm”, (Cha đàng ngoài mẹ ở đàng trong).
 
Xuân Diệu mất năm 1985, thọ 69 tuổi, được an táng tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội. Năm 1996, ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (đợt I). Giáp Thìn 2024 vừa đúng 108 năm Xuân Diệu ra đời.
 
Thơ tình Xuân Diệu
 
Thi đàn đang có nhiều thay đổi về xu hướng, ngôn ngữ... tìm tòi những yếu tố mới, lạ; ngay cả thơ tình... Thành công hay không, tác giả nào trở thành tác gia và hình thành nên một “thương hiệu” về phong cách, còn phải chờ đợi thời gian.
 
Với thơ tình Xuân Diệu, xin nhắc lại đánh giá của nhà thơ Trần Đăng Khoa về thơ Xuân Diệu: “Thơ ông tài hoa, tinh tế và sang trọng” (Trần Đăng Khoa: Chân dung và đối thoại).
 
“Cung bậc tình yêu trong cõi Thơ Thơ/ông mới nhất trong những người rất mới([1])/bao nhiêu năm sau ngày ông mất/những áng văn chương người chưa ngớt luận bàn” (Xuân Diệu, thơ Ngô Đức Hành). Đó là một thực tế.
 
Tình yêu vốn không có tuổi. Đó là một trong những “mật mã” con người luôn tìm cách luận giải. Thơ tình hay lại càng không tính tuổi được bao giờ. Thơ tình Xuân Diệu thật là thơ tình.
 
Cái rạo rực, thiết tha, nồng cháy trong Thơ Thơ, ai mà không trải, ít nhất dăm ba lần thời trẻ? Cái da diết, đằm thắm xen lẫn đắng cay trong Gửi hương cho gió có phải riêng gì trái tim tác giả?
 
Cho đến những năm cuối đời, Xuân Diệu vẫn: “Tôi ước một bàn tay/Trong vạn trùng yêu nhớ/Bóc cho tôi bâng khuâng/Một trái cam xanh vỏ” (Trái cam xanh vỏ). Thơ tình giai đoạn này của ông vẫn say, vẫn đắm nhưng đã "chan" suy tư, lắng lơn. Dẫu vẫn rạo rực như lửa ngún, như than hồng nhưng đã phủ ít tro: “Vai anh để khi đầu em tựa/Cân cả buồn vui của cuộc đời” (Ngậm ngùi).
Nhà thơ Xuân Diệu. Nguồn: Internet
Nhà thơ Xuân Diệu. Nguồn: Internet

Thơ tình Xuân Diệu trước hết “nói” về tình, nhưng thông qua tình yêu “nói” lên cảm xúc sâu thẳm về cuộc sống, về đời người. Bên cạnh những bài, những câu thơ say mê, rạo rực, băn khoăn... trong tình yêu được “Ông già thời gian” chọn lọc gửi vào lòng người yêu thơ cho đến bây giờ, chúng ta còn bồi hồi nhớ những câu thơ cuộn xoáy như những đợt sóng lừng:

Với bàn tay ấy ở trong tay
Tôi đã nguôi quên hận tháng ngày
(Với bàn tay ấy)
 
Lòng kỹ nữ cũng sầu như biển lớn
Chớ để riêng em phải gặp lòng em
(Lời kỹ nữ)
 
Và nữa, thơ tình ông còn chạm đến biết bao điều nhân thế: “Trái đất-ba phần tư nước mắt/Đi như giọt lệ giữa không trung” (Lệ). Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa đánh giá, đây là hai câu thơ kiệt xuất của nhà thơ Xuân Diệu.
 
Có thể nói, bất cứ một bài thơ tình nào của Xuân Diệu cũng mang âm hưởng cuộc đời con người. Cho nên ta không ngạc nhiên tại sao khi đọc xong một bài thơ tình của Xuân Diệu, ta thấy yêu người yêu của ta đến thế, khát khao tình yêu đến thế, yêu cuộc đời đến thế. Thơ tình Xuân Diệu, suy cho cùng, ngẫm cho tới là bài ca sự sống, hiện hữu, phồn sinh, tiếp nối.
 
Sinh thời, nhà thơ Huy Cận kể rằng, sau khi đọc Thơ Thơ, nhà thơ Hàn Mặc Tử đã gửi tặng Xuân Diệu tập Gái quê với lời đề tặng: “Tôi gửi anh tập thơ của tôi, vì đọc thơ anh, nỗi đau khổ của tôi được xoa dịu nhiều lắm”. Một người đau khổ tột cùng như Hàn Mặc Tử mà thốt lên được một câu như thế, âu cũng là một minh chứng về tính nhân bản sâu sắc của thơ tình Xuân Diệu.
 
Xuân Diệu còn là một nhà phê bình tinh tế, một nhà lý luận văn học độc đáo. Câu nói của ông: “Thơ là hiện thực, thơ là cuộc đời, thơ còn là thơ nữa”, chắc chắn giới phê bình văn học và các nhà thơ đương đại suy nghĩ, luận giải.
 
Tình người Xuân Diệu
 
Tôi nhớ, dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Xuân Diệu (1916-2016), tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh khi đó là Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học-Nghệ thuật Việt Nam kiêm Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam có nói: “Xuân Diệu mất khi mới 69 tuổi nhưng ông để lại ba sự nghiệp: Thơ, phê bình văn học và nhân cách văn hóa”.
 
Sau này, bạn bè, học trò của ông còn nhắc lại mãi câu chuyện, nhà thơ Xuân Diệu đặc biệt tinh nhạy trong việc phát hiện tài năng, bồi dưỡng, nâng đỡ tài năng, trong đó có nhà thơ “thần đồng” Trần Đăng Khoa... Dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông tại Hà Tĩnh, trong phim tư liệu về Xuân Diệu, thước phim quý giá nhất, chính là thước phim ông về Nam Sách, Hải Dương gặp Trần Đăng Khoa. Cữ ấy là năm 1968, Trần Đăng Khoa mới là cậu bé 8 hoặc 9 tuổi.
 
Đời thường ông sống căn cơ, tiết kiệm nhưng với bạn bè, Xuân Diệu có thể móc ví cho bạn, em út đến đồng xu cuối cùng. Xuân Diệu sống để sẻ chia, dâng hiến. Thơ Xuân Diệu ngay trong thơ tình, đẫm mùi nhân thế. Ông từng viết: “Giọt nước mắt ta/Chan chứa tình người” (Lệ).
 
Để yêu người, yêu đời, hẳn nhiên trước hết phải biết yêu mình, yêu ruột thịt. Yêu mình ở đây không phải là ích kỷ, mà yêu cảm xúc, hì hục làm việc..., sợ lãng phí thời gian như Xuân Diệu. Như trên đã nói, “Quê mẹ nam nồm thổi lên tươi mát”, Xuân Diệu sinh ra ở Gò Bồi, Tuy Phước, Bình Định. Năm 1954, sau khi từ ATK về Hà Nội, việc đầu tiên ông tìm hiểu là chuyện tập kết gia đình cán bộ ở Khu Năm ra Bắc. Ông lo cho mẹ, bà Nguyễn Thị Hiệp, lúc đó đang sống ở Gò Bồi.
...
Vũ trụ của má ngày càng thu hẹp
Đêm má dài ra, ngày má ngắn dần
Nhưng má có một khối hồng da diết
Là tấm lòng mẹ vẫn thương con
(Thơ tặng má)
 
Rồi được sự giúp đỡ của tổ chức, trong đó có Bình Định, bà Nguyễn Thị Hiệp cũng được ra Hà Nội, sống cùng Xuân Diệu, Huy Cận tại ngôi nhà 24 Cột Cờ (nay là đường Điện Biên, Hà Nội). Nỗi khổ, thiệt thòi của hai má con Xuân Diệu cứ đeo đẳng mãi. Xuân Diệu loay hoay tìm cách làm vui lòng, bù đắp cho mẹ mình. Ông chăm sóc má cẩn thận, lo từng miếng ăn, miếng trầu... Thế nhưng, vì nhớ quê hương, bà trở lại miền Nam, sống cho đến lúc mất.
 
Xuân Diệu có một người em ruột là Tịnh Hà (tên khai sinh là Ngô Xuân Sanh). Tịnh Hà phải bỏ học từ sớm, bị bố đánh, tủi thân mà đi hoang. Từ lúc đi hoang, Tịnh Hà sống cầu bơ cầu bất, có lúc gần như đi ăn xin dọc đường. Sau này Tịnh Hà có viết nên hồi ký Đi hoang, lúc đầu tên tác phẩm là Gió bụi cuộc đời, kể về những năm tháng ấy. Truyện ngắn Thằng ăn mày trong tập truyện Phấn thông vàng của Xuân Diệu chính là nhân vật Tịnh Hà được chọn làm nguyên mẫu.
 
Xuân Diệu thương má, thương em, suốt đời day dứt. Trong một trang nhật ký của Di cảo ông để lại, còn hai chữ thảng thốt: “Đàn ơi” bên lề. “Đàn” là tên hồi bé ở nhà của Tịnh Hà. Có thể nói, số phận thương tâm của em trai và cay cực của má là hai day dứt lớn trong tâm hồn Xuân Diệu.
 
Trong các tác phẩm của Xuân Diệu để lại, ngoài “Cha đàng ngoài mẹ ở đàng trong”, “Viết tặng má”; ông còn có “Bà má Năm Căn”, hình ảnh người mẹ xuất hiện trong nhiều bài thơ khác, tiêu biểu là “Tôi muốn đi khắp cả miền Nam”. Rất nhiều bài thơ của ông viết về thân phận con người: “Lời kỹ nữ”, “Chào thầy giáo Phụng”, “Các cháu đi sơ tán”, “Hiểu em Nhơn”, “Vợ chuẩn bị hành trang cho chồng”, “Em làm bếp”, “Anh địa chất và những triệu năm”... Có nhà phê bình nhận xét: Xuân Diệu là nhà thơ của thân phận con người.
 
Trái tim tôi: một cái túi tràn trề/Hột lúa hột mè hột bông hột cải/Lòng tôi chứa, mà hồn tôi thì vãi/Gió bay hột cải rơi lại trong vườn”, (Tôi muốn đi khắp cả miền Nam). Và ông ao ước: “Tôi thích làm cây cải bến sông Ba”. Sông Ba là con sông lớn nhất miền Trung, phần hạ lưu còn gọi là sông Đà Rằng.
 
Lớn lên Xuân Diệu phiêu bạt. Có thời ông làm Tham tá nhà Đoan ở Mỹ Tho, rồi tham gia cách mạng. Cũng do hoàn cảnh lúc đó, nên ông ít có thời gian về quê cha Hà Tĩnh. Tuy nhiên, trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước, hơn 10 lần Xuân Diệu xung phong vào khu IV, đọc thơ, giao lưu với bộ đội, thanh niên xung phong. Mỗi lần như thế, ông đều ghé về thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc nói chuyện thơ và gặp gỡ bà con bên nội. “Ông cầm đèn măng xông lên ngang vai và hỏi/Bà con nhìn Xuân Diệu rõ không?” (Xuân Diệu, thơ Ngô Đức Hành).
 
O Thu, O Loan (hiện còn sống ở quê) vẫn thường nhắc đến ông, nhớ cậu Diệu, với tất cả tấm lòng: “Thương nhớ cậu Diệu!”.
Ngô Đức Hành
 
[1] Hoài Thanh – Hoài Chân: “Xuân Diệu mới nhất trong các nhà thơ mới”, (Thi nhân Việt Nam)

tin liên quan

Liên kết di sản, nâng tầm lễ hội

(QBĐT) - Trải qua bao thăng trầm, biến thiên, đã có lúc tưởng chừng bị mai một, lễ hội mừng cơm mới của đồng bào Bru-Vân Kiều xã Ngân Thủy (Lệ Thủy) không chỉ được phục dựng thành công mà còn được bảo tồn, phát huy và công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. 

Quảng Ninh: Lễ hội chùa núi Thần Đinh xuân Giáp Thìn 2024

(QBĐT) - Sáng 14/2, huyện Quảng Ninh phối hợp với chùa Thần Đinh tổ chức lễ hội chùa núi Thần Đinh xuân Giáp Thìn 2024. 

Huyền ảo Phong Nha

(QBĐT) - Ta thành người siêu thoát
Theo thuyền chơi động tiên
Phong Nha tòa thiên nhiên
Bao nhiêu là huyền diệu