Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục
Cảo thơm lần giở

Thượng thư Huỳnh Côn còn mãi với thiên thu

  • 10:40 | Chủ Nhật, 07/01/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Giữa tiết trời đông chí, trong gió chiều nhạt nắng, ngay tại cổng trường Trung cấp Nghề Bình Minh ở đường Hồ Chí Minh nhánh Đông, thuộc địa phận thôn Lệ Kỳ 1, Vĩnh Ninh (Quảng Ninh), bách bộ gần 50m, tôi ghé thăm nơi an nghỉ của một nho sĩ uyên bác, quê ở thôn Trung Bính, Bảo Ninh (TP. Đồng Hới), đó là danh sĩ Huỳnh Côn (Hoàng Côn).
 
Huỳnh Côn sinh ngày 2/4/1850 (Canh Tuất) trong một gia đình nhà nho nghèo. Thân phụ ông tuy thi đỗ tú tài nhưng không thi thêm và cũng không ra làm quan, chỉ ở nhà bốc thuốc chữa bệnh giúp dân làng. Thuở nhỏ, Huỳnh Côn ở nhà học với cha, đến năm ông 11 tuổi, thân phụ mời thầy về nhà dạy riêng. Năm 1867, ông thi Hương đỗ tú tài. Một năm sau đó, có ân khoa ông thi tiếp đỗ cử nhân.
 
Đến năm Đinh Sửu (1877), Tự Đức thứ 30, khoa thi Hội, ông đỗ phó bảng. Mộc bản triều Nguyễn, hồ sơ số H62A/3, Quốc triều đăng khoa lục, quyển 3, mặt khắc 7 chép “Huỳnh Côn, quê quán Trung Bính, Phong Lộc, Quảng Bình, sinh năm Canh Tuất (1850), đỗ cử nhân khoa thi năm Mậu Thìn (1868), đỗ phó bảng năm 28 tuổi, làm quan tới chức Hiệp tá, Hòa Mỹ tử, về hưu, ông là cha của cử nhân Hoàng Chu Tích(1).
Bìa hồi ký bằng tiếng Pháp của Thượng thư Huỳnh Côn.
Bìa hồi ký bằng tiếng Pháp của Thượng thư Huỳnh Côn.

Sau khi thi cử đỗ đạt, ông được triều đình nhà Nguyễn bổ dụng nhiều chức vụ như Tri huyện, Khoa đạo, Án sát. Năm Tự Đức thứ 36 (1883), khi đang giữ chức Phó lãnh binh tỉnh Quảng Yên, ông đã lãnh đạo quan quân lập công lớn, được triều đình trọng thưởng. “Phó lãnh binh tỉnh Quảng Yên là Huỳnh Côn đánh bắt giặc thắng trận (bắn chìm thuyền giặc, chém bắt được và thu tang vật không kể xiết). Vua thưởng phẩm hàm, kỷ lục, kim tiền có cấp bậc, binh dõng đi đánh trận ấy, thưởng chung 300 quan tiền(2).

Là người tài hoa, thông minh, tham gia chốn quan trường trong bối cảnh lịch sử đất nước có nhiều biến động, ông luôn giữ tấm lòng thanh bạch, tận tâm, mẫn cán với công việc nên được trọng dụng, bổ nhiệm nhiều chức vụ cao. Từ thời Tự Đức đến đời vua Khải Định, ông đã quản nhiệm nhiều vị trí khác nhau, như: Phó lãnh binh, Khoa đạo, Phủ thừa, Án sát, Bố chánh, Phủ doãn, Tuần phủ, Tổng đốc, đến Thượng thư bộ Hộ, Thượng thư bộ Lễ. Tham gia Phụ chánh đại thần, được giao chức Thái phó, dạy vua Duy Tân học chữ Hán.
 
Ghi nhận tài năng, công lao, đóng góp của ông, các vua Nguyễn phong cho ông nhiều tước vị rất vinh hiển: Năm Bính Thân (1896), ông được thăng thụ Hồng lô tự khanh, năm Giáp Thìn (1904), được sung Cơ mật viện đại thần. Năm Đinh Mùi (1907), sau khi lên ngôi chưa được bao lâu, vua Duy Tân đã ban dụ phong cho ông tham gia Phụ chính đại thần cùng 4 vị đại quan khác. Năm Mậu Thân (1908), ông được thăng Thự Hiệp biện đại học sĩ. Tháng giêng năm Tân Hợi (1911), khi đang giữ chức Hiệp biện đại học sĩ lãnh Thượng thư bộ Lễ, vua Duy Tân đã gia phong cho ông mỹ tự Mỹ Hòa tử.
 
Là người học thông, hiểu rộng, ông vừa được tín nhiệm giao trong trách quan trọng trong bộ máy triều đình vừa được giao nhiệm vụ chấm thi các kỳ thi để lựa chọn hiền tài cho đất nước. Sau khi hoàn thành kỳ thi Hội, bước qua kỳ thi Điện các năm Giáp Thìn (1906), Đinh Mùi (1907), Canh Tuất (1910), Quý Sửu (1913), Bính Thìn (1916), ông được giao trọng trách chức Độc quyển (Quan chấm thi). Năm Đinh Mùi (1907), ông cùng với Hiệp biệp đại học sĩ lãnh Thượng thư bộ Học Cao Xuân Dục làm hội viên Hội đồng chỉnh lý văn học An Nam, tức Hội đồng Hoàn thiện giáo dục bản xứ (Conseil de Perfectionnement de l’Enseignement Indigène).
 
Ngoài ra, năm Ất Mão (1915), ông còn được giao trọng trách lĩnh vực y dược, khi được giao trông coi việc biên soạn tập sách “Trung Việt dược tính”: “Lúc đầu là Khâm sứ đại thần Charles gởi thư nói các loại dược phẩm và tên gọi mà Trung Quốc và Việt Nam sử dụng, vị nào chữa chứng nào, phân lượng thế nào nên do Thái y viện kê cứu ra biên tập đệ lên, đây là việc mà đại thần Thượng thư bộ Thuộc địa tư qua sai làm, rất có lợi ích… Bèn xem xét lấy Ngự y Thái y viện đã về hưu là Phan Thái (thông hiểu lão luyện), Thị độc Nội các Lê Trinh (hơi biết y học) và Tú tài Cống sinh Đinh Nho Chấn (nổi tiếng về nghề y) phái sung vào Hội đồng khảo cứu biên soạn, lại do Phụ chính đại thần Hiệp biện đại học sĩ lãnh Thượng thư bộ Lễ Huỳnh Côn (Mỹ Hòa tử) thường xuyên kiểm tra đôn đốc để chăm chỉ làm việc(3). Chỉ một năm sau, năm Bính Thìn (1916), bộ sách hoàn thành, các thành viên tham gia biên soạn được khen thưởng theo từng thứ bậc khác nhau.
Lăng mộ Thượng thư Huỳnh Côn.
Lăng mộ Thượng thư Huỳnh Côn.
Về nghỉ hưu, là thời gian để an dưỡng tuổi già thì ông vẫn mệt mài với việc nghiên cứu lịch sử, văn hóa. Để đến ngày hôm nay, những công trình khoa học của ông để lại vẫn phát huy giá trị như công trình Chiêm Thành khảo, biên khảo về Chiêm Thành, lời tựa cho tập sách Quảng Bình địa dư tiện đọc của An đình Trần Kinh. Về sáng tác, ông có tập thơ Hà Nguyên thi cảo và nhiều sáng tác thơ ca đăng trên báo Nam Phong thời bấy giờ, sáng tác hoành phi, câu đối cho bà con dân làng treo ở nhà riêng, nhà thờ dòng họ. Chính vì vậy, ông luôn được dân làng kính trọng, nể phục bởi tài năng, nhân cách và tấm gương lao động khoa học cần mẫn, say mê hiếm có.
 
Trong bài viết “Tiểu truyện người đã mất”, tác giả J.Lan viết “Ngài là một người thợ lành nghề của ngôi đền Tiến Bộ, và lời khen tốt đẹp nhất mà người ta có thể dành cho ngài là nói rằng ngài đã mất đi trong sự thanh bần(4). Trái ngược với hình ảnh uy nghiêm của vị Thượng thư bộ Lễ năm nào, thì qua ngòi bút của J.Lan, ông mang hình bóng của một danh sĩ có thân hình mảnh khảnh, hết sức dân dã, mộc mạc, chân chất “Trong một chốc lát thôi, và bàn tay hiền từ của ông quan già, có móng tay dài, theo tục ngày xưa, đã dịu dàng vuốt ve đầu đứa trẻ(5)hay “Tôi đã ngắm rất lâu ông già mảnh khảnh ấy, năng lực không hề giảm sút, và tôi kinh ngạc khám phá ra rằng cái thân thể đã bị tuổi tác làm giảm sút này vẫn có thể làm tròn nghĩa vụ được(6). Ông qua đời ngày 7 tháng giêng năm Ất Sửu (1925), thọ 76 tuổi, mộ phần an táng tại thôn Lệ Kỳ 1 cho đến nay.
 
Sau khi mất, ông được truy phong chức Thái tử Thiếu phó thuộc Tòng nhất phẩm, chỉ sau chức Chánh nhất phẩm trong hệ thống quan lại thời phong kiến. “Thái tử thiếu bảo Hiệp tá Đại học sĩ Mỹ Hòa tử trí sĩ Huỳnh Côn chết. Bề tôi cơ mật viện tâu lên, nói viên cố thần ấy tuyên lao với nước 40 năm, nay có nên truy tưởng hay không xin chờ vua định đoạt. Vua phê giao cho bề tôi trong viện bàn, bề tôi trong viện xin truy thụ Thái tử Thiếu phó. Vua cho như lời xin, lại chuẩn ban tế cấp tuất như lệ(7). Một tấm lòng thanh cao, cuộc sống thanh bạch, đến cuối đời, ông đã chết trong cảnh nghèo khó.“Côn thi đỗ phó bảng, người Trung Bính, Quảng Bình, tính linh mẫn, làm văn chương vẫy bút là xong, vả lại ngày thường cư xử giản dị. Làm quan từ sảnh phủ trải qua chức Tuần phủ, Tổng đốc rồi tới Phụ chính trải 40 năm, lúc về hưu không có chút tiền bạc nào(8).
 
Tài năng và những công lao to lớn của danh sĩ Huỳnh Côn trong lịch sử xứng đáng được suy tôn. Các cơ quan chức năng của tỉnh sớm quan tâm nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích lịch sử đối với mộ phần của ông. Đó chính là nén tâm hương thành kính dâng lên anh linh ông khi chỉ còn một thời gian ngắn nữa thôi là tròn 100 năm ông lìa xa nhân thế.
                                                                             Nhật Linh
 
1. Trung tâm lưu trữ quốc gia IV, Khoa bảng Nghệ An Hà Tĩnh Quảng Bình qua tài liệu mộc bản triều Nguyễn, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr.402.
2. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 8, NXB Hà Nội, HN, 2022, tr.572.
3. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên đệ lục kỷ phụ biên, NXB Văn hóa-Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, HCM, 2012, tr.701.
4, 5, 6. BAVH, Những người bạn cố đô Huế, số XII (năm 1925), NXB Thuận Hóa, Huế, 2020, tr.333-335.
7, 8. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên đệ thất kỷ, NXB Văn hóa-văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, HCM, 2012, tr.494.

tin liên quan

Đình Xuân Lai được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh

(QBĐT) - Sáng 30/8, Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Mai Xuân Thành cho biết, UBND tỉnh đã có Quyết định số 2425/QĐ-UBND về việc xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh đối với đình Xuân Lai, xã Xuân Thủy (Lệ Thủy).

Vẹn tấm lòng son

(QBĐT) - Là võ tiến sĩ duy nhất quê ở Quảng Bình được khắc ghi trên văn bia Võ Miếu, kinh đô Huế, Đề đốc Lê Trực quê ở xã Thanh Thủy, nay là xã Tiến Hóa (Tuyên Hóa) luôn giữ vẹn lòng trung nghĩa bảo vệ vua Hàm Nghi và phong trào Cần Vương.

TS. Nguyễn Bá Trinh: Từ cậu bé nhà nghèo đến viện sĩ triết học quốc tế

(QBĐT) - Sinh ra và lớn lên bên dòng sông Gianh "địa linh nhân kiệt" thuộc thôn Hợp Hòa, xã Quảng Hòa, TX. Ba Đồn, TS. Viện sĩ triết học quốc tế Nguyễn Bá Trinh được biết đến là tấm gương sáng vượt lên hoàn cảnh khó khăn để trở thành người có tài, có ích cho xã hội.