Gỡ "thẻ vàng" của EC: Giám sát chặt hành trình tàu cá

  • 07:58 | Chủ Nhật, 10/09/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Cùng với cả nước, Quảng Bình đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp ngăn chặn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, sớm tháo gỡ "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu (EC). Một trong những biện pháp hiệu quả nhất chính là lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) tàu cá. Tuy nhiên, công tác quản lý, vận hành hệ thống này vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức...
 
Giúp ngư dân tự tin vươn khơi, bám biển
 
Theo Nghị định số 26/2019/NĐ-CP, ngày 8/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản thì tàu cá có chiều dài lớn nhất trên 15m phải lắp đặt thiết bị VMS. Hiện, toàn tỉnh đã có 1.123/1.167 tàu cá đã lắp đặt thiết bị VMS, đạt 96,7%.
 
Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Lê Minh Phú cho biết: Khi tàu được lắp đặt VMS, hoạt động đánh bắt thủy hải sản trên biển sẽ được kiểm soát, đặc biệt khi tàu đánh cá ra khỏi vùng biển Việt Nam sẽ có tín hiệu báo động, giúp cơ quan chức năng nắm bắt được thông tin tàu vi phạm để kịp thời nhắc nhở, xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, thiết bị VMS giúp chủ tàu quản lý chủ động hơn khi vươn khơi, cụ thể là giúp ngư dân theo dõi được hải trình của tàu, lưu vết những địa điểm đã thả lưới đánh bắt, nắm bắt và ghi chép lại sản lượng tại những nơi tàu đi qua. Quan trọng hơn khi lắp đặt thiết bị VMS, lực lượng chức năng sẽ kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi nhận được tín hiệu sự cố xảy ra do tàu gửi về.
 
Anh Hoàng Nhi, chủ tàu cá vùng khơi xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới) cho biết: Lắp đặt thiết bị VMS có rất nhiều tiện ích, qua đó tôi có thể liên lạc với người nhà để kiểm tra tin báo bão, hoặc nhờ lực lượng chức năng hỗ trợ nếu có việc cần thiết. Với thiết bị VMS, tôi luôn tự tin vươn khơi, bám biển; đồng thời thường xuyên kiểm tra, giữ nguồn điện, máy móc ổn định để thiết bị hoạt động thường xuyên, hạn chế mất kết nối trên biển. 
Thiết bị VMS giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.
Thiết bị VMS giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.
Hiện nay, hệ thống VMS được Chi cục Thủy sản quản lý, vận hành, tổ chức ứng trực 24 giờ/7. Từ trung tâm giám sát, cán bộ vận hành sẽ nhận biết tất cả tín hiệu tàu cá, gồm cả số đang di chuyển và neo đậu. Muốn kiểm tra bất cứ tàu cá nào, dù đang cách nhau hàng trăm hải lý, nhưng chỉ cần một cú nhấp chuột, mọi thông số như ký hiệu, tải trọng, tên thuyền trưởng, chủ phương tiện, địa chỉ, số điện thoại, kinh độ, vĩ độ... đều hiện rõ trên màn hình. Vì vậy, việc lắp đặt thiết bị VMS đã giúp cơ quan chức năng và chủ tàu kiểm soát được hành trình của tàu cá trên biển.
 
Đến nay, Chi cục Thủy sản cũng đã cấp tài khoản truy cập, sử dụng cho 15 đơn vị, địa phương, gồm: Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh; các đồn BP; UBND huyện, thị xã, thành phố ven biển, UBND các xã nghề cá trọng điểm và Ban Quản lý cảng cá Quảng Bình. Qua đó, các đơn vị và địa phương đã vào cuộc tăng cường giám sát hoạt động tàu cá, sớm phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
 
Nhờ thiết bị VMS, từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã xử lý được 65 trường hợp vi phạm, xử phạt 784,5 triệu đồng. Trong đó, Chi cục Thủy sản xử lý 41 tàu cá vi phạm, xử phạt 605,5 triệu đồng, tịch thu 2 bộ kích điện; Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh xử phạt 24 tàu cá với số tiền 179 triệu đồng, bắt giữ 1 tàu cá tàng trữ trái phép chất nổ để bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý.
 
Chồng chất khó khăn
 
Bên cạnh những lợi ích thiết thực thì việc quản lý, giám sát, vận hành hệ thống VMS vẫn còn khó khăn và nảy sinh khá nhiều bất cập. Cụ thể, nhiều chủ tàu, thuyền mặc dù đã nắm được quy định nhưng không thực hiện lắp đặt thiết bị VMS, không báo cáo khi thiết bị mất kết nối hoặc bị hỏng trên biển, đặc biệt một số các chủ tàu/thuyền cố tình ngắt kết nối, không duy trì hoạt động của thiết bị VMS để trốn tránh sự giám sát của các đơn vị chức năng.
 
Khi được hỏi về tầm quan trọng của VMS, nhiều ngư dân khẳng định rằng: Cùng với sự hỗ trợ từ các lực lượng chức năng, thiết bị VMS đã trở thành điểm tựa để ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển, vừa phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Theo Chi cục Thủy sản thì hiện nay hầu hết các nhà cung cấp, lắp đặt thiết bị VMS trên tàu cá của địa phương chưa báo cáo, cung cấp đầy đủ thông tin cho cơ quan quản lý về lắp đặt, thay thế, sửa chữa, bảo dưỡng, quy trình nội bộ về lắp đặt của đơn vị… Công tác xác minh mất kết nối trên biển còn gặp nhiều khó khăn, các đơn vị cung cấp thiết bị xác minh còn chung chung, chưa thể hiện rõ mất kết nối là do phía chủ tàu hay là do lỗi từ thiết bị.

Ngoài ra, một số chủ tàu cá còn chưa “mặn mà” với việc lắp đặt thiết bị VMS vì cho rằng giá thành thiết bị và giá cước hàng tháng quá cao. Khảo sát từ các đơn vị cung cấp thiết bị VMS cho tàu cá của tỉnh bao gồm: VNPT, VISHIPEL, Bình An, Viettel, ngoài chi phí mua sắm thiết bị VMS với giá từ 22,5-28 triệu đồng/thiết bị, thì chủ tàu phải chi trả cước thuê bao dịch vụ VMS từ 3-6 triệu đồng/năm đã phần nào tạo thêm sức ép đối với kinh phí vươn khơi, bám biển của phần lớn ngư dân tỉnh nhà.
 
Thông tin từ Chi cục Thủy sản, đến nay có 75 tàu cá mất kết nối dài ngày do không đóng cước thuê bao dịch vụ VMS cho các đơn vị cung cấp thiết bị và dự kiến những tháng cuối năm 2023 (mùa biển động), số lượng chủ tàu cá không đóng cước phí để duy trì thiết bị VMS sẽ tăng lên nhiều hơn. Hiện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã gửi kiến nghị cấp có thẩm quyền để ban hành chính sách hỗ trợ cước thuê bao dịch vụ VMS cho bà con ngư dân nhằm giảm bớt chi phí khi đánh bắt xa bờ.
Cán bộ Chi cục Thủy sản quản lý, vận hành hệ thống giám sát hành trình tàu cá trên địa bàn tỉnh.
Cán bộ Chi cục Thủy sản quản lý, vận hành hệ thống giám sát hành trình tàu cá trên địa bàn tỉnh.
Phó Giám đốc Sở NN- PTNT Lê Văn Lợi cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh về việc tăng cường quản lý, vận hành hệ thống giám sát tàu cá, thiết bị VMS lắp đặt trên tàu cá, thời gian tới, sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh vận động, hướng dẫn tất cả các chủ tàu cá, thuyền trưởng và ngư dân tuân thủ nghiêm các quy định liên quan đến giám sát hành trình, nhất là phải lắp đặt và duy trì, báo cáo về kết nối thiết bị VMS. Tăng cường điều tra, xác minh, xử lý các tàu cá vi phạm mất kết nối trên biển, sử dụng thiết bị VMS không đúng quy định; tăng cường thực thi pháp luật, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm khai thác IUU theo Nghị định số 42/2019/NĐ-CP, ngày 16/5/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.
 
Cùng với đó, sở sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị thực hiện tốt công tác quản lý, kiểm tra, giám sát tàu cá xuất bến, cập cảng thông qua thiết bị VMS lắp trên tàu cá làm cơ sở cho việc giám sát sản lượng bốc dỡ thủy sản qua cảng, thực hiện xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác xuất khẩu EU đúng quy định; rà soát cập nhật tất cả danh sách tàu lắp thiết bị VMS, danh sách tàu duy trì kết nối VMS, danh sách tàu chưa lắp, danh sách tàu ngừng dịch vụ với nhà cung cấp; tăng cường trực, vận hành, xử lý dữ liệu trên hệ thống giám sát tàu cá bảo đảm đúng quy định của Bộ NN-PTNT.
Thanh Hoa

tin liên quan

Huy động tiền gửi tiết kiệm gần 570 tỷ đồng

(QBĐT) - Cùng với nhiệm vụ nâng cao chất lượng tín dụng, Ngân hàng Chính sách xã hội-Chi nhánh Quảng Bình còn làm tốt công tác huy động tiền gửi tiết kiệm.

Chuyện của Rào Nan - Bài 3: Rào Nan ngày mới

(QBĐT) - Đang cao điểm của mùa hạn, nhưng những cánh đồng hạ lưu sông Gianh vẫn xanh mát mắt, hứa hẹn vụ mùa bội thu. Đi qua những thời khắc khó khăn, người dân càng thấu hiểu giá trị to lớn của công trình và tâm huyết của những người có trách nhiệm với quê hương...

Cơ bản hoàn thành thu hoạch lúa hè-thu

(QBĐT) - Những ngày này, tranh thủ thời tiết thuận lợi, bà con nông dân huyện Quảng Ninh đẩy nhanh thu hoạch lúa hè-thu. Thời điểm hiện tại, nhiều địa phương đã thu hoạch xong lúa hè-thu, năng suất đạt cao.