Chuyện của Rào Nan - Bài 3: Rào Nan ngày mới

  • 07:30 | Thứ Năm, 31/08/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đang cao điểm của mùa hạn, nhưng những cánh đồng hạ lưu sông Gianh vẫn xanh mát mắt, hứa hẹn vụ mùa bội thu. Đi qua những thời khắc khó khăn, người dân càng thấu hiểu giá trị to lớn của công trình và tâm huyết của những người có trách nhiệm với quê hương. Để hệ thống đập thủy lợi Rào Nan hoàn thiện, tiếp tục phát huy hiệu quả là những kế hoạch đang được xây dựng và quyết tâm biến thành hiện thực, hoàn thành khát vọng của các thế hệ cha anh.
 
Khi lòng dân đồng thuận
 
Về thôn Linh Cận Sơn những ngày này, vào bất cứ ngôi nhà nào và hỏi về đời sống, sản xuất, về công trình thủy lợi Rào Nan, người dân đều hồ hởi “khoe” rằng công trình thật sự rất tốt, hơn cả mong đợi.
 
Không chỉ xóa bỏ nỗi nhọc nhằn vất vả của những người vận hành công trình trước đây với hệ thống bơm, sự tốn kém về thời gian, kinh phí nhưng hiệu quả vẫn thấp, công trình đã góp phần làm thay đổi diện mạo thôn Linh Cận Sơn. Con đường bê tông chạy song song dòng sông được che chắn, bảo vệ bằng kè chống xói lở giờ rực rỡ sắc hoa, khung cảnh vô cùng trữ tình và bình yên.
 
Khi được hỏi về dự định nâng cấp hệ thống kênh mương chính của công trình, bảo đảm nước về tận hạ lưu mà không bị lãng phí hoặc gây ngập úng, ông Trần Đình Trường, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Linh Cận Sơn bày tỏ niềm vui và mong muốn tỉnh quan tâm đầu tư vì hệ thống kênh mương cũ đã quá xuống cấp nhằm bảo đảm phát huy tối đa hiệu quả của công trình.
Nước Rào Nan tự chảy về hệ thống kênh mương cấp I, cung cấp nước tưới cho 1.800ha lúa.
Nước Rào Nan tự chảy về hệ thống kênh mương cấp I, cung cấp nước tưới cho 1.800ha lúa.
Dẫn chúng tôi ra thăm hệ thống kênh chảy qua trung tâm xã, Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn Trần Văn Huyễn rất đồng tình với kế hoạch nâng cấp. Ông cũng bày tỏ những suy nghĩ của mình về một số giải pháp nâng cấp và mong muốn tỉnh sẽ quan tâm nghiên cứu bảo đảm phù hợp. “Với những lợi ích mà hệ thống thủy lợi Rào Nan đã mang lại trong hơn hai năm qua, đặc biệt công trình không hề gây ngập lũ như bà con lo lắng nên nhân dân rất tin tưởng. Do đó, tôi tin tưởng việc triển khai các hạng mục liên quan đến Rào Nan sẽ thuận lợi”, ông Huyễn nhấn mạnh.
 
Là một trong những địa phương nằm cuối nguồn, hưởng lợi rất lớn từ Rào Nan, bên cạnh niềm vui bởi những vụ mùa bội thu và không còn cảnh thiếu nước sinh hoạt nhờ dòng nước ngọt mát, cán bộ và nhân dân xã Quảng Hòa còn có một mong ước lớn hơn là nâng cấp hệ thống kênh mương, nạo vét, khơi thông dòng chảy Hói Trường.
 
Ông Đặng Văn Luận, Chủ tịch UBND xã Quảng Hòa cho biết, việc nâng cấp hệ thống kênh mương chảy qua địa bàn xã sẽ giải quyết được nhiều bài toán khó như bảo đảm nước tưới, không gây ngập úng, thông thủy cho Hói Trường, tạo hành trình thông suốt cho giao thông đường thủy trên địa bàn của các xã Quảng Tân, Quảng Hòa, Quảng Lộc… xuôi về Thanh Khê. “Hói Trường được “thông thủy” cũng sẽ góp phần chấm dứt tình trạng ô nhiễm môi trường khá nghiêm trọng do dòng chảy bị ách tắc như hiện nay tại xã Quảng Hòa chúng tôi, đây là điều mà ai cũng mong ước”, ông Luận chia sẻ thêm.
 
Viết tiếp ước mơ!
 
Trao đổi về kế hoạch nâng cấp hệ thống đê cấp I thuộc công trình thủy lợi Rào Nan, ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho biết, đây là một trong những hạng mục quan trọng và rất cần thiết nhằm phát huy tối đa hiệu quả của hệ thống thủy lợi Rào Nan.
Diện mạo thôn Linh Cận Sơn (xã Quảng Sơn) đổi thay mạnh mẽ nhờ hệ thống thủy lợi Rào Nan và hệ thống kè chống xói lở.
Diện mạo thôn Linh Cận Sơn (xã Quảng Sơn) đổi thay mạnh mẽ nhờ hệ thống thủy lợi Rào Nan và hệ thống kè chống xói lở.
“Trước yêu cầu thực tế và mong muốn chính đáng, cấp bách của các địa phương và người dân, hiện chúng tôi đã hoàn thành báo cáo kinh tế kỹ thuật và nỗ lực đề xuất nguồn ngân sách đầu tư của Bộ NN-PTNT và của tỉnh để nâng cấp hệ thống kênh cấp I và đê Hói Trường. Cũng như hệ thống thủy lợi Rào Nan, với quy trình thiết kế, thẩm định, phê duyệt chặt chẽ, đúng quy định của các cơ quan chức năng, những nỗi băn khoăn, lo lắng của bà con về nguy cơ ngập lụt sẽ được bảo đảm. Không chỉ có thế, một trong những mục tiêu lớn của hệ thống thủy lợi Rào Nan là cải tạo tiểu khí hậu vùng, điều hòa môi trường sinh thái sẽ thành hiện thực”, Giám đốc Sở NN-PTNT Mai Văn Minh nhấn mạnh.
 
Hơn nửa thế kỷ trước, khi cố Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Nguyễn Tư Thoan đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền và nhân dân xây dựng đập thủy lợi Rào Nan, công trình đã hoàn thành những sứ mệnh cốt lõi của mình. Trải qua bao thăng trầm, hệ thống thủy lợi Rào Nan tiếp tục được đầu tư, phát triển bằng sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh, sự nỗ lực, quyết tâm trong hành trình nhiều gian khó để tìm tiếng nói chung của cả hệ thống chính trị tỉnh nhà.
 
Nhiều ý kiến của các chuyên gia và người dân đều khẳng định, dù số vốn đầu tư không lớn, nhưng hiệu quả mà hệ thống thủy lợi Rào Nan mang lại vô cùng ý nghĩa. Là điểm nhấn trong hệ thống kết cấu hạ tầng thủy lợi của tỉnh, Rào Nan đã tạo tiền đề để sản xuất nông nghiệp khu vực phía Bắc tỉnh phát triển bền vững.
Trạm bơm nước thô của nhà máy nước cung cấp nước sinh hoạt cho 22 xã thuộc huyện Quảng Trạch và TX. Ba Đồn.
Trạm bơm nước thô của nhà máy nước cung cấp nước sinh hoạt cho 22 xã thuộc huyện Quảng Trạch và TX. Ba Đồn.
Hành trình về đích nông thôn mới (NTM) và hướng đến mục tiêu NTM kiểu mẫu, nâng cao của các địa phương trong khu vực thuận lợi hơn cả; sự đổi thay nhanh chóng của diện mạo và sự chuyển mình mạnh mẽ của nền kinh tế với những cơ hội mới mở ra cho nghề nuôi trồng thủy sản và trong tương lai là giao thông đường thủy, dịch vụ… Đó chính là mong ước của nhiều thế hệ người dân huyện Quảng Trạch và TX. Ba Đồn.
 
Nếu công trình được tiếp nối bằng dự án nâng cấp hệ thống kênh mương cấp I và Hói Trường, niềm vui sẽ nhân lên nhiều lần, hành trình về đích NTM kiểu mẫu, nâng cao, xây dựng TX. Ba Đồn đạt tiêu chí đô thị loại III, huyện Quảng Trạch là đô thị loại V sẽ nhanh chóng thành hiện thực, chung sức cùng toàn tỉnh hoàn thành khát vọng đưa Quảng Bình trở thành nền kinh tế năng động của miền Trung.
Ngọc Mai

tin liên quan

Vượt khó làm giàu

(QBĐT) - Sau nhiều năm loay hoay tìm hướng phát triển kinh tế gia đình, chị Nguyễn Thị Phương, thôn Bắc Ngũ, xã Gia Ninh (Quảng Ninh) "bén duyên" với nghề nuôi chim bồ câu. Từ sự cần cù, ham học hỏi, chị đã thành công với mô hình này, đem lại nguồn thu nhập ổn định.

Hơn 5.200 khách hàng sử dụng dịch vụ Mobile banking

(QBĐT) - Thông tin từ Ngân hàng Chính sách xã hội-Chi nhánh Quảng Bình, đến nay đã có 5.233 khách hàng của đơn vị đăng ký sử dụng dịch vụ Mobile banking của NHCSXH.

Du lịch Quảng Bình tham gia triển lãm "Di sản văn hóa biển, đảo Việt Nam" năm 2023

(QBĐT) - Từ ngày 27/8-3/9, tại TP. Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) diễn ra triển lãm "Di sản văn hóa biển, đảo Việt Nam".