Tạo động lực phát triển bền vững

  • 11:12 | Thứ Hai, 04/09/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhiều công trình giao thông, thủy lợi, đô thị, thương mại, hạ tầng văn hóa, xã hội, giáo dục… được huyện Quảng Ninh đầu tư xây dựng. Qua đó, góp phần tạo diện mạo mới khang trang, thúc đẩy kinh tế-xã hội (KT-XH) bứt phá đi lên, nâng cao đời sống nhân dân.
 
Hạ tầng nông thôn từng bước đồng bộ
 
Về thăm xã Hàm Ninh (Quảng Ninh) chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước sự thay đổi ấn tượng, rõ nét trong phát triển KT-XH, xây dựng nông thôn mới (NTM) ở địa phương. Hàm Ninh hôm nay đã khoác lên mình diện mạo mới với hệ thống đường giao thông nông thôn (GTNT) rộng mở, cứng hóa nối dài tới khắp các đường làng, ngõ xóm.
Tuyến đường giao thông “Nhà nước và nhân dân cùng làm” ở thôn Trường Niên, xã Hàm Ninh.
Tuyến đường giao thông “Nhà nước và nhân dân cùng làm” ở thôn Trường Niên, xã Hàm Ninh.

Chủ tịch UBND xã Hàm Ninh Hà Xuân Hưng cho biết, những năm qua, bằng sự đồng sức, đồng lòng, đóng góp của người dân, các tuyến đường GTNT trên địa bàn xã được mở rộng, bê tông hóa, tạo điều kiện phát triển KT-XH. Từ năm 2021 đến nay, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, xã Hàm Ninh đã làm mới 22km đường GTNT, với tổng kinh phí 26,4 tỷ đồng; trong đó, nhân dân đóng góp 15,4 tỷ đồng, Nhà nước hỗ trợ 11 tỷ đồng.

Tất cả các tuyến đường đều được mở rộng theo chuẩn NTM, mặt đường từ 4-6m. Không chỉ đóng góp kinh phí, rất nhiều hộ dân trên địa bàn xã Hàm Ninh đã tự nguyện hiến đất, tài sản với tổng giá trị hơn 1,2 tỷ đồng để làm đường GTNT...

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Hàm Ninh trở thành địa phương dẫn đầu trong phong trào xây dựng GTNT ở Quảng Ninh. Kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, KT-XH phát triển là tiền đề để Hàm Ninh cán đích NTM nâng cao trong năm 2024 và thôn Trường Niên trở thành khu dân cư NTM kiểu mẫu vào cuối năm 2023.

Xác định phát triển kết cấu hạ tầng có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là tiền đề thúc đẩy KT-XH địa phương phát triển, huyện Quảng Ninh đã chú trọng tập trung nguồn lực đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường giao thông, hệ thống điện, hạ tầng du lịch, dịch vụ...

Hạ tầng giao thông của huyện Quảng Ninh được đầu tư chỉnh trang.
Hạ tầng giao thông của huyện Quảng Ninh được đầu tư chỉnh trang.

Theo Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh Phạm Trung Đông, việc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại, kết nối giao thương mà còn đóng vai trò quan trọng đối với việc thúc đẩy phát triển KT-XH. Chính vì vậy, huyện đã huy động mọi nguồn lực để xây dựng mạng lưới giao thông ngày một hoàn thiện. Tỷ lệ các tuyến đường giao thông nông thôn được nhựa hóa, bê tông hóa ngày càng cao. Chỉ riêng từ năm 2021 đến nay, huyện đã triển khai xây dựng, bê tông hóa hơn 186km đường giao thông.

Các công trình thủy lợi, kênh mương nội đồng được ưu tiên đầu tư; hạ tầng đô thị, công nghệ thông tin, cơ sở vật chất giáo dục, y tế, văn hóa ngày càng hoàn thiện. Tổng nguồn vốn đầu từ toàn xã hội trên địa bàn từ năm 2021 đến tháng 6 năm 2023 đạt 6.220 tỷ đồng, tăng bình quân tăng 12,77%/năm.

Nâng tầm đô thị, thu hút đầu tư
 
Thực hiện mục tiêu phát triển đô thị Quán Hàu và vùng phụ cận, huyện Quảng Ninh đã huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, đặc biệt chú trọng hạ tầng giao thông, cấp điện, cấp thoát nước, vệ sinh môi trường, công viên cây xanh. Giao thông đô thị đã cơ bản hình thành mạng lưới, nhiều công trình, hạng mục phát triển KT-XH và phục vụ dân sinh đã được xây dựng hoàn thành, tạo điểm nhấn về cảnh quan đô thị và thuận lợi trong sinh hoạt, sản xuất cho người dân. Đến nay, kết cấu hạ tầng đô thị Quán Hàu đã có chuyển biến tích cực theo hướng ngày càng văn minh, hiện đại.
 
Mục tiêu đến năm 2025, vùng quy hoạch đô thị Dinh Mười và vùng phụ cận đạt được các tiêu chí của đô thị loại V, xã Võ Ninh đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, xã Gia Ninh và Hải Ninh đạt chuẩn NTM nâng cao; đến năm 2030, vùng quy hoạch đô thị Dinh Mười và vùng phụ cận cơ bản đạt 3/5 tiêu chí của đô thị loại IV.
Bên cạnh đó, với mục tiêu phát triển khu đô thị Dinh Mười và vùng phụ cận trở thành vùng kinh tế năng động, hiện đại, huyện cũng đang tập trung nguồn lực, thu hút đầu tư, thực hiện các dự án trọng điểm. Giai đoạn 2021-2025, huyện Quảng Ninh đã thông qua các chủ trương đầu tư từ ngân sách nhà nước và các nguồn vốn khác 10 tuyến đường với chiều dài hơn 15km, tổng kinh phí hơn 267 tỷ đồng; nâng cấp, cải tạo hệ thống thủy lợi trong vùng, hệ thống các trạm bơm tưới tiêu, đầu tư nâng cấp mới hệ thống kênh mương; đầu tư xây dựng tuyến điện chiếu sáng trên các tuyến đường, khu vui chơi, giải trí; đầu tư mở rộng và nối mạng cấp nước sinh hoạt về các xã từ nguồn nước hồ Rào Đá…
 
Hiện, đã có 16 dự án khu đô thị và nhà ở thương mại đăng ký triển khai trong vùng với tổng diện tích hơn 300ha. Dự án nhà ở thương mại Dinh Mười 3 đã hoàn thành giai đoạn 1, với diện tích 9,8ha.
Hạ tầng đô thị huyện Quảng Ninh đang ngày càng được đầu tư phát triển đồng bộ.
Hạ tầng đô thị huyện Quảng Ninh đang ngày càng được đầu tư phát triển đồng bộ.

Theo Bí thư Huyện uỷ Quảng Ninh Trần Quốc Tuấn, huyện đã tập trung đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH giai đoạn 2021-2025 theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại tạo bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện thành công các mục tiêu phát triển KT-XH trên địa bàn. Đến nay, huyện Quảng Ninh đã “thay da đổi thịt”, đời sống của người dân được nâng cao, nếp sống văn minh dần hiện hữu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương.

Toàn huyện có 12/14 xã đạt NTM, có 12 khu dân cư kiểu mẫu, 3 thôn thuộc xã khó khăn đạt chuẩn NTM và 7 xã đang tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí NTM nâng cao. Kết quả ấn tượng trong phát triển KT-XH của huyện trong những năm gần đây một lần nữa cho thấy sự vươn lên, bứt phá của huyện Quảng Ninh, như: Giá trị sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp tăng bình quân 2,8%/năm; giá trị sản xuất công nghiệp-xây dựng tăng bình quân 12,27%/năm; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu các ngành dịch vụ tăng bình quân 10,2%/năm; thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 53 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,36%.

Thời gian tới, huyện Quảng Ninh sẽ chú trọng cải tạo và nâng cấp hệ thống giao thông nội thị hiện đại, hợp lý; huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng đô thị Quán Hàu, Dinh Mười và vùng phụ cận..., để làm nền tảng vững chắc cho sự phát triển toàn diện về KT-XH, nâng cao đời sống của người dân.

Lan Chi

tin liên quan

Vượt khó làm giàu

(QBĐT) - Sau nhiều năm loay hoay tìm hướng phát triển kinh tế gia đình, chị Nguyễn Thị Phương, thôn Bắc Ngũ, xã Gia Ninh (Quảng Ninh) "bén duyên" với nghề nuôi chim bồ câu. Từ sự cần cù, ham học hỏi, chị đã thành công với mô hình này, đem lại nguồn thu nhập ổn định.

Chuyện của Rào Nan - Bài 3: Rào Nan ngày mới

(QBĐT) - Đang cao điểm của mùa hạn, nhưng những cánh đồng hạ lưu sông Gianh vẫn xanh mát mắt, hứa hẹn vụ mùa bội thu. Đi qua những thời khắc khó khăn, người dân càng thấu hiểu giá trị to lớn của công trình và tâm huyết của những người có trách nhiệm với quê hương...

Huy động tiền gửi tiết kiệm gần 570 tỷ đồng

(QBĐT) - Cùng với nhiệm vụ nâng cao chất lượng tín dụng, Ngân hàng Chính sách xã hội-Chi nhánh Quảng Bình còn làm tốt công tác huy động tiền gửi tiết kiệm.