Về đơn kiến nghị mở đường phục vụ sản xuất tại xã Cự Nẫm (Bố Trạch):

Cần giải quyết trên cơ sở "hợp lý, hợp tình"

  • 07:07 | Thứ Tư, 02/08/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Báo Quảng Bình nhận đơn của Hội trồng rừng thôn Nam Nẫm, xã Cự Nẫm (Bố Trạch) phản ánh: Thực hiện chủ trương giao đất trống, đồi trọc để sản xuất nông-lâm nghiệp do UBND huyện Bố Trạch cấp năm 1994, những thành viên của hội chung tay làm một con đường nối từ chân đập Bàu Trạng đến khu vực trồng rừng, sử dụng ổn định. Tuy nhiên, kể từ khi một hộ dân thôn Nam Nẫm được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) ở khu vực đất có con đường đi qua vào tháng 7/2020, hộ dân này đã phá con đường nêu trên, làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất và chăm sóc, bảo vệ rừng.
 
Theo hồ sơ lưu trữ, tháng 11/1994, UBND huyện Bố Trạch có Quyết định số 263/QĐ/UB-ĐĐ giao cho Hội trồng rừng thôn Nam Nẫm 72ha đất trống, đồi trọc khu vực giáp hồ Bàu Trạng để trồng cây nông-lâm nghiệp.
 
“UBND xã tiếp nhận phản ánh từ nhiều người dân thôn Nam Nẫm cho rằng, diện tích đất đã cấp GCNQSDĐ cho ông Nguyễn Minh Hữu nguồn gốc trước đây là đất lòng hồ Bàu Trạng. Đồng thời, cũng nhận được một số hình ảnh, ý kiến các hộ dân liền kề chứng minh con đường đã có từ trước đây rất lâu đời. Về những vấn đề này, UBND xã sẽ sớm có báo cáo cho các ban, ngành liên quan để kiểm tra, xác minh cụ thể”, Chủ tịch UBND xã Cự Nẫm Nguyễn Văn Lương cho biết thêm.

Nhằm tạo thuận lợi cho việc sản xuất, chăm sóc, bảo vệ rừng, sau khi có quyết định của UBND huyện Bố Trạch, Hội trồng rừng thôn Nam Nẫm xin UBND xã Cự Nẫm mở một con đường nối từ chân đập Bàu Trạng (đối diện nhà ông Nguyễn Hữu Sỹ), ngăn đôi Bàu Trạng (phía Bắc) và Bàu Đưng (phía Nam) đi thẳng lên vùng Nẫy (khu vực giao đất trống, đồi trọc để sản xuất). Từ khi mở đường cho đến thời điểm bị rào chắn, các hộ trồng rừng sử dụng ổn định gần 27 năm.

Hình ảnh trước đây vẫn thể hiện có con đường cắt ngang đất hiện tại đã cấp GCNQSDĐ cho ông Nguyễn Minh Hữu.
Hình ảnh trước đây vẫn thể hiện có con đường cắt ngang đất hiện tại đã cấp GCNQSDĐ cho ông Nguyễn Minh Hữu.

Tháng 7/2020, ông Nguyễn Minh Hữu (thường trú tại thôn Nam Nẫm, xã Cự Nẫm) được Sở Tài nguyên và Môi trường cấp GCNQSDĐ ở khu vực đất có con đường đi qua (đối diện nhà ông Nguyễn Hữu Sỹ). Sau khi có GCNQSDĐ, ông Hữu phá con đường, ngăn không cho các hộ dân trong Hội trồng rừng thôn Nam Nẫm đi lại sản xuất, chăm sóc, khai thác rừng.

Theo ông Nguyễn Minh Hữu, lý do rào đường là vì con đường đâm ngang qua diện tích đất thuộc quyền sở hữu gia đình ông. Về nguồn gốc đất được cấp GCNQSDĐ, ông Hữu trình bày trước đây nhận chuyển nhượng lại từ bà con và do ông khai hoang, phục hóa thêm mà có. Từ năm 1994, con đường không phải đường dân sinh mà tự phát trên cơ sở mượn đất gia đình ông, vì thế ông không đồng ý để Hội trồng rừng thôn Nam Nẫm mở lại trên phần đất gia đình ông sở hữu.
Hiện tại con đường đã bị phá hủy và được gia đình ông Hữu sử dụng để trồng tràm.
Hiện tại con đường đã bị phá hủy và được gia đình ông Hữu sử dụng để trồng tràm.
Sau khi nhận đơn kiến nghị của Hội trồng rừng thôn Nam Nẫm, ngày 27/7/2023, UBND xã Cự Nẫm tổ chức buổi làm việc giữa 2 bên liên quan trên cơ sở “hợp lý, hợp tình”. Buổi làm việc do ông Nguyễn Văn Lương, Chủ tịch UBND xã Cự Nẫm chủ trì.
 
Tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Hồng Nga, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Nam Nẫm khẳng định: Năm 1991, gia đình bà chuyển về sinh sống tại thôn, sau đó chứng kiến có con đường dân sinh do Hội trồng rừng thôn chung tay mở nhằm phục vụ cho sản xuất, chăn nuôi, trồng và khai thác rừng.
 
Đồng thuận với ý kiến bà Nga, các ông bà: Nguyễn Văn Nam, Nguyễn Thị Quý, thành viên Hội trồng rừng thôn Nam Nẫm cho hay: Là những hộ khai thác rừng đầu tiên, khi hội thống nhất mở đường dân sinh, họ chính là người tán thành và góp tiền san lấp, mở đường. Việc mở đường dân sinh từ năm 1994, nhưng đến tháng 7/2020, ông Nguyễn Minh Hữu mới có GCNQSDĐ. Như vậy, việc ông Hữu phá đường không cho Hội trồng rừng thôn Nam Nẫm sử dụng là thiếu cơ sở.
Nhiều hộ dân thôn Nam Nẫm cho rằng diện tích đất cấp cho ông Nguyễn Minh Hữu trước đây thuộc đất lòng hồ Bàu Trạng.
Nhiều hộ dân thôn Nam Nẫm cho rằng diện tích đất cấp cho ông Nguyễn Minh Hữu trước đây thuộc đất lòng hồ Bàu Trạng.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Cự Nẫm trao đổi tại buổi làm việc: Nguyện vọng của các hộ dân rất chính đáng. Trước đây, việc mở đường do họ tự thỏa thuận. Về lâu dài, đất ông Nguyễn Minh Hữu sẽ quy hoạch phát triển du lịch, đề nghị ông Hữu nên hiến đất cho bà con mở lại đường, kết hợp phát triển kinh tế với mở rộng các điểm du lịch theo đúng quy hoạch UBND xã Cự Nẫm phê duyệt.
 
Ông Nguyễn Văn Lương, Chủ tịch UBND xã Cự Nẫm trao đổi: “Mặc dù chính quyền xã, thôn đã phân tích hết lý hết tình cho gia đình ông Nguyễn Minh Hữu, nhưng ông Hữu không đồng ý hiến đất mở lại đường qua phần đất thuộc quyền sở hữu của mình để tạo thuận lợi cho các hộ trồng rừng trong sản xuất, chăm sóc, khai thác rừng. Vì thế, chính quyền xã có trách nhiệm hướng dẫn các bên tiếp tục phản ánh, kiến nghị lên cấp cao hơn theo đúng quy định pháp luật”.
Nhóm P.V Bạn đọc

tin liên quan

Giữ nghề đan lát truyền thống

(QBĐT) - Nhiều năm qua, ông Lê Viết Sơn, ở thôn Kim Trung, xã Kim Hóa (Tuyên Hóa) luôn gìn giữ, phát triển nghề mây tre đan truyền thống, tạo ra nhiều sản phẩm với mẫu mã phong phú, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước.

Quản lý xây dựng, sử dụng nghĩa trang và triển khai phân loại rác thải tại nguồn

(QBĐT) - Tình trạng các khu nghĩa trang, nghĩa địa tự phát sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho công tác quy hoạch, quản lý nhà nước về đất đai; việc triển khai phân loại rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình gặp khó khăn do chưa đồng bộ... là những nội dung được đại biểu HĐND tỉnh chất vấn Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Nguyễn Huệ tại kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XVIII.

Tuyên Hóa: Thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững

(QBĐT) - Để triển khai hiệu quả công tác giảm nghèo, hạn chế tình trạng tái nghèo, thời gian qua, huyện Tuyên Hóa đã tích cực triển khai các giải pháp, chương trình, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án và tiểu dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.