"Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh"

  • 09:58 | Thứ Bảy, 29/07/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - “Rứa là hơn 56 năm rồi... ông ấy không về. Thân xác ông ấy cùng đồng đội mãi mãi nằm lại trên đất nước Lào, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì nghĩa vụ quốc tế cao cả!”, bà Hoàng Thị Vỹ (SN 1935, phường Đồng Hải, TP. Đồng Hới), người vợ từng ấy năm trung trinh thờ chồng bắt đầu câu chuyện với tôi như thế về chồng mình-liệt sỹ Nguyễn Văn Cát (SN 1931).
 
 “Gấu xám vùng Bắc Lào”
 
Liệt sỹ Nguyễn Văn Cát, cấp bậc trung úy, chức vụ Đại đội trưởng Đại đội 2 (C2) thuộc Tiểu đoàn 1 (D1), Trung đoàn 335 (E335), hy sinh ngày 4/9/1967 tại chiến trường Lào. Theo những tư liệu gia đình mà bà Hoàng Thị Vỹ hiện tại đang cất giữ thì có thể tái hiện lại một phần quãng đời hoạt động cách mạng của ông Cát.
Di ảnh liệt sỹ Nguyễn Văn Cát.
Di ảnh liệt sỹ Nguyễn Văn Cát.

 

Ông Nguyễn Văn Cát, bí danh Hồng Thái, con trai ông bà Nguyễn Đài, Bùi Thị Cháu người Quảng Bình là những Việt kiều yêu nước tại Thái Lan. Năm 1947, lúc tròn 16 tuổi, ông Cát sang Lào dạy học, sau đó trở lại Thái Lan đoàn tụ cùng gia đình. Thời gian dạy học tại Lào, vốn sớm giác ngộ cách mạng, ông Cát quyết định tham gia bộ đội Pathet Lào vào năm 1950. Năm 1951, ông Cát được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam.

Bà Hoàng Thị Vỹ nhớ lại: Sau cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, ông Cát về Quảng Bình, gặp bà lúc đó làm kế toán hợp tác xã sản xuất bánh kẹo TX. Đồng Hới... rồi “nên đôi, nên đũa” vào năm 1957. Vợ chồng trẻ chỉ có vẻn vẹn 15 ngày bên nhau, ông lên đường ra Tây Bắc, chuẩn bị nhận nhiệm vụ mới. Ông Nguyễn Văn Cát từng ở Thái Lan, Lào... rất rành tiếng bản địa, nhiệm vụ mới được giao cho ông là trở lại chiến trường xưa, sang giúp nước bạn Lào tiểu phỉ Vàng Pao.
 
Lần theo câu chuyện về liệt sỹ Nguyễn Văn Cát, qua lời giới thiệu của bà Hoàng Thị Vỹ tôi gặp được ông Nguyễn Hữu Trung (SN 1948) đang sinh sống ở TP. Điện Biên Phủ. Ông Trung nhập ngũ tháng 7/1966, nguyên y sĩ C2, D1, E335 gắn bó với liệt sỹ Cát đến thời điểm ông hy sinh. Ông Trung kể: “Thủ trưởng vốn người từng trải, cánh lính chúng tôi lúc đó mới 18, 19 tuổi, thủ trưởng đã 35. Ấn tượng về thủ trưởng là đi chiến trường, ngoài khẩu súng K54 còn khoác thêm khẩu cạc-bin. Phỉ Vàng Pao, lính Mỹ chỉ nghe danh thủ trưởng chưa đánh đã tan. Suốt một dãy chiến trường Luông-Pha-Băng, quân địch sợ hãi gọi thủ trưởng là “Gấu xám vùng Bắc Lào”.
 
Thủ trưởng khi đánh trận thường nhắc nhở bộ đội... chỉ mặc quần đùi. Huyện Nậm Bạt, tỉnh Luông-Pha-Băng hồi đó bãi mìn địch giăng đầy, đặc biệt là mìn cóc, bộ đội đánh trận, mặc quần đùi, chân chạm dây bãi mìn, cảm giác ngay. Nhờ thế, C2 rất ít thương vong”.
 
“Gấu xám vùng Bắc Lào” từng cứu ông Nguyễn Hữu Trung trong một lần trinh sát trận địa. “Đang đi, thủ trưởng đẩy tôi vào vách núi, đồng thời chân thủ trưởng vung lên đá bay một quả mìn cóc xuống vực. Lưng chừng vực, mìn nổ... tôi với thủ trưởng an toàn”, ông Nguyễn Hữu Trung kể-“Đơn vị C2 chốt tại cao điểm 564, Thẩm-Pha-Bo, huyện Nậm Bạt, tỉnh Luông-Pha-Băng, bị bao vây bởi một tiểu đoàn địch. Thủ trưởng lạc quan: Ta thắng trên 40 trận, thêm trăm trận nữa cũng chẳng sao. Không sợ!”.
Bà Hoàng Thị Vỹ và con trai Nguyễn Hải Tùng.
Bà Hoàng Thị Vỹ và con trai Nguyễn Hải Tùng.

Về trường hợp hy sinh của “Gấu xám vùng Bắc Lào” Nguyễn Văn Cát, ông Nguyễn Hữu Trung nhớ như in: “Sáng ngày 4/9/1967, thủ trưởng theo lệnh trên về hậu phương nhận chức Tiểu đoàn phó. Từ điểm chốt, tổ 4 người do thủ trưởng Cát chỉ huy gồm 2 chiến sĩ cùng 1 liên lạc xuất phát. Không may tổ công tác rơi vào ổ phục kích địch. Phát hiện “Gấu xám vùng Bắc Lào”, quân địch dồn sức tấn công. Trận đánh không cân sức diễn ra từ 8 giờ sáng đến tận chiều tối... Thủ trưởng cùng 2 chiến sĩ hy sinh, riêng đồng chí liên lạc bị thương, lợi dụng đêm tối quay trở về đơn vị”.

Tóc bạc nuôi con, tìm chồng

Ông Nguyễn Văn Cát và bà Hoàng Thị Vỹ kết hôn năm 1957, có với nhau 3 người con: Anh Nguyễn Hải Tùng (SN 1960); lần lượt thêm hai chị là Nguyễn Thị Nhật Lệ (SN 1962) và Nguyễn Thị Ngọc Bích (SN 1964). Người vợ liệt sỹ hoài niệm: “Các con cách nhau đều 2 tuổi vì cưới nhau xong là đi, ông ấy theo tiếng gọi non sông và cứ 2 năm thì cắt phép được 10 ngày. Năm 1965, lần cuối cùng ông ấy về thăm nhà... rồi biền biệt!”. 

Trung đoàn 335 (Đoàn Thảo Nguyên) được thành lập ngày 7/5/1965 thuộc Quân khu Tây Bắc, tiền thân là Lữ đoàn 335, đơn vị quân tình nguyện hoạt động tại chiến trường Lào từ những năm 1961. Về trường hợp hy sinh của liệt sỹ Nguyễn Văn Cát, ông Nguyễn Hữu Trung chia sẻ: Khi quân địch rút đi, chúng tôi chôn cất thủ trưởng cùng 2 chiến sĩ tại một quả đồi nhỏ. Nhưng ngày hôm sau đánh trận trở về thì quả đồi nơi có 3 phần mộ liệt sỹ đã bị bom Mỹ san phẳng. Thân xác các anh mãi mãi nằm lại trên đất Lào.
Anh Nguyễn Hải Tùng kể: “Rất nhiều năm, các con hỏi mạ, ba đang ở mô? Mạ cứ lặng lẽ khóc. Giấy báo tử đơn vị ba gửi về chỉ ghi vẻn vẹn mấy chữ: Hy sinh ở mặt trận phía Tây. Mà mặt trận phía Tây ở mô, mạ không biết”. Vì không biết mặt trận phía Tây ở đâu, nên ngoài việc nuôi các con khôn lớn thành người, bà Hoàng Thị Vỹ âm thầm tìm chồng... tận đến bây giờ, hơn 56 năm.
 
“Năm 1993, tôi lặn lội ra tận Bộ Quốc phòng dò hỏi thông tin chồng. Bộ Quốc phòng giới thiệu cho tôi 3 nghĩa trang liệt sỹ, nơi an nghỉ của bộ đội hy sinh tại chiến trường Lào, một ở tỉnh Tây Ninh, một ở huyện Anh Sơn (Nghệ An) và cuối cùng là ở TX. Điện Biên Phủ, tỉnh Lai Châu cũ (nay là TP. Điện Biên Phủ). Tây Ninh thì chắc chắn ông ấy không đến đó. Tôi đi Anh Sơn, tôi lên Điện Biên... nhưng càng tìm kiếm, thông tin về ông ấy càng mịt mờ”.
 
Người vợ liệt sỹ bạc tóc tìm chồng, run rủi thế nào đã gặp ông Nguyễn Hữu Trung, tại TP. Điện Biên Phủ. Qua ông Trung, bà Hoàng Thị Vỹ mới biết chính xác sự hy sinh, nơi hy sinh của liệt sỹ Nguyễn Văn Cát chồng mình.
Ngô Thanh Long

tin liên quan

"Giữ xanh" đồng ruộng - Bài 2: Có quá khó để giữ sạch đồng ruộng?!

(QBĐT) - Trước thực trạng môi trường đồng ruộng bị đe dọa bởi rác thải, nhất là những tồn dư của phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhiều mô hình đã được triển khai với kỳ vọng đồng ruộng được làm sạch, không còn cảnh rác thải... 
 

Thay đổi mức đóng, tăng quyền lợi hưởng bảo hiểm y tế

(QBĐT) - Bảo hiểm y tế là chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội nhằm chăm sóc tốt cho sức khỏe của nhân dân, mang ý nghĩa nhân văn và có tính sẻ chia cộng đồng sâu sắc, đặc biệt là với người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn mỗi khi ốm đau, tai nạn rủi ro... 

Biểu dương người cao tuổi tiêu biểu làm kinh tế giỏi giai đoạn 2018-2023

(QBĐT) - Sáng 28/7, Ban đại diện Hội Người cao tuổi (NCT) tỉnh tổ chức hội nghị biểu dương NCT tiêu biểu làm kinh tế giỏi giai đoạn 2018-2023.