"Giữ xanh" đồng ruộng - Bài 2: Có quá khó để giữ sạch đồng ruộng?!

  • 08:05 | Thứ Bảy, 29/07/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trước thực trạng môi trường đồng ruộng bị đe dọa bởi rác thải, nhất là những tồn dư của phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), cơ quan chức năng và chính quyền, đoàn thể các địa phương đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp. Nhiều mô hình đã được triển khai với kỳ vọng đồng ruộng được làm sạch, không còn cảnh rác thải ngổn ngang, bừa bãi, tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện đã không chứng minh được hiệu quả hoặc hiệu quả thấp. Vậy, đâu là giải pháp hữu hiệu để "giữ xanh" đồng ruộng?
 
 
Có nhiều nhưng chưa hiệu quả
 
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Trần Tiến Sỹ đã khẳng định với chúng tôi như thế khi đánh giá về hiệu quả của mô hình bể chứa rác thải đồng ruộng đã được triển khai thực hiện ở nhiều địa phương trong tỉnh thời gian qua. “Mô hình được xây dựng từ nhiều năm nay tại nhiều địa phương, nhưng hiệu quả đạt được chưa cao nếu không muốn nói là kém hiệu quả. Bởi rất nhiều nơi, có bể chứa rác nhưng… không chứa rác, cỏ mọc um tùm, trong khi đó, rác thải, nhất là vỏ bao bì thuốc BVTV lại nằm ngổn ngang khắp cánh đồng”, ông Sỹ cho biết.
 
Để kiểm chứng lời Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, chúng tôi làm một cuộc khảo sát tại cánh đồng thôn 6, xã Lý Trạch (Bố Trạch). Vừa đặt chân trên tuyến nội đồng của thôn, đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh rác thải nằm ngổn ngang trên đường, dưới mương.
Hầu hết bể chứa rác thải tại các địa phương đều không có nắp đậy, nhiều bể hư hỏng, cỏ mọc um tùm không phát huy được công năng sử dụng.
Hầu hết bể chứa rác thải tại các địa phương đều không có nắp đậy, nhiều bể hư hỏng, cỏ mọc um tùm không phát huy được công năng sử dụng.
Tại hai điểm đầu và cuối con đường có đặt hai bể bi để chứa rác thải, nhưng một bể, rác tràn trong, tràn ngoài, còn một bể thì cỏ mọc um tùm, choán hết diện tích, quanh đó, vỏ chai thuốc BVTV, túi nilon nằm ngổn ngang. Khảo sát thêm nhiều điểm đặt bể bi khác tại cánh đồng cũng tình trạng tương tự.
 
Liên hệ với ông Lê Đình San, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lý Trạch, chúng tôi được biết, mô hình bể chứa rác thải đồng ruộng được địa phương triển khai từ nhiều năm trước với hơn 40 bể bi đặt dọc các tuyến nội đồng. “Khi mới triển khai, bà con còn chịu khó bỏ rác đúng nơi quy định, nhưng chỉ được một thời gian thì họ lại tiện đâu vứt đấy. Vì vậy, các bể chứa rác không phát huy được công năng sử dụng”, ông San cho biết.
 
Đây cũng là tình trạng đang diễn ra tại xã Tân Ninh (Quảng Ninh). Theo lời giới thiệu về một trong những mô hình bể chứa rác thải đồng ruộng “hiệu quả” của huyện, chúng tôi tìm đến Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Nguyệt Áng, xã Tân Ninh để tìm hiểu. Tuy nhiên, điều chúng tôi kiểm chứng được thì ngược lại.
 
Theo chân ông Nguyễn Đại Trực, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX, chúng tôi ra thăm cánh đồng lúa của HTX. Tại đây, cứ cách khoảng 500m có đặt một bể bi chứa rác thải, nhưng theo quan sát của chúng tôi thì nhiều bể trống không, trong khi cách đó mấy bước chân vỏ bao bì thuốc BVTV bị vứt ngổn ngang.
 
“Cách có một đoạn thôi mà bà con cũng không chịu khó bỏ rác vào bể. Chúng tôi đã tuyên truyền, vận động rất nhiều nhưng nói thật, ý thức của bà con còn hạn chế quá!”, ông Trực thở dài.
Rác thải ngổn ngang trên tuyến nội đồng của thôn 6 xã Lý Trạch (Bố Trạch) dù cách đó không xa có đặt 2 bể chứa rác thải.
Rác thải ngổn ngang trên tuyến nội đồng của thôn 6 xã Lý Trạch (Bố Trạch) dù cách đó không xa có đặt 2 bể chứa rác thải.
Theo ông Trực, hiện tại, mô hình bể chứa rác thải đồng ruộng của HTX chỉ đạt khoảng 20% hiệu quả. Trước đây, HTX đặt rải rác khắp cánh đồng 120 bể chứa rác, nhưng qua một thời gian sử dụng, một số bể bị hư hỏng, một số thì bị lấy cắp nên chỉ còn khoảng 30 bể. Để đạt hiệu quả cao hơn thì HTX cần khoảng 400-500 bể chứa rác.
 
Không thể phủ nhận, để giữ sạch môi trường đồng ruộng, mô hình bể chứa rác thải là một trong những giải pháp cần được triển khai. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, so với quy mô về sản xuất nông nghiệp của tỉnh, thì số lượng bể chứa rác thải tại các cánh đồng còn hạn chế, nên lượng rác thải rắn được thu gom trong sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ lệ thấp. Hầu hết các bể chứa rác thải đều không có nắp đậy nên chưa bảo đảm; rác thải tại các bể chứa chưa được thu gom, xử lý đúng cách. Và điều quan trọng nữa là ý thức của người dân còn nhiều hạn chế nên dù có bể chứa rác nhưng họ vẫn không bỏ rác đúng nơi quy định.
 
Toàn tỉnh hiện có 84.171,8ha diện tích gieo trồng cây hàng năm. Các loại cây trồng chính gồm có: Lúa 29.500ha, sắn 6.500ha, ngô 4.200ha, lạc 4.000ha, cao su 12.200ha, tiêu 1.100ha. Sản lượng lương thực đạt 32,2 vạn tấn/năm.

"Do đó, theo tôi, vấn đề cốt lõi là phải tuyên truyền, vận động người dân ý thức bảo vệ môi trường (BVMT), khuyến khích bà con thu gom rác ngay sau khi sử dụng để xử lý ngay, tránh tình trạng vứt rác bừa bãi cũng như dồn rác lâu ngày trong bể chứa, như vậy sẽ dẫn đến tình trạng tích tụ rác thải nguy hại, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường…”, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Trần Tiến Sỹ nhấn mạnh.

Để đồng ruộng thêm xanh
 
Đề cập đến các giải pháp hạn chế tình trạng ô nhiễm đồng ruộng từ việc sử dụng phân bón, thuốc BVTV, ông Hồ Khắc Minh, Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Hàng năm, chi cục tổ chức tập huấn chuyên đề hướng dẫn kỹ thuật sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả; hướng dẫn thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV, phân bón, thuốc trừ sâu sau sử dụng để nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho người dân.
Theo đánh giá, mô hình bể chứa rác thải đồng ruộng của HTX Nông nghiệp Nguyệt Áng, xã Tân Ninh (Quảng Ninh) chỉ đạt khoảng 20% hiệu quả.
Theo đánh giá, mô hình bể chứa rác thải đồng ruộng của HTX Nông nghiệp Nguyệt Áng, xã Tân Ninh (Quảng Ninh) chỉ đạt khoảng 20% hiệu quả.
Đồng thời, đơn vị triển khai thực hiện các mô hình áp dụng sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) trên rau quả với diện tích 2.560ha; ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến (SRI) tại các vùng sản xuất tập trung; đẩy mạnh ứng dụng các chế phẩm sinh học vào sản xuất, tăng tỷ lệ sử dụng các loại phân bón hữu cơ vi sinh, phân hữu cơ khoáng, phân bón lá khoáng sinh học cao cấp, các chế phẩm sinh học ủ phân… tạo các sản phẩm sạch, an toàn với người sử dụng.
 
Từ đó, lượng phân bón vô cơ, thuốc BVTV hóa học sử dụng trên đồng ruộng giảm khoảng 20-25%. Các phụ phẩm từ trồng trọt được người dân tận dụng làm thức ăn chăn nuôi, phân bón, góp phần giảm phát thải khí nhà kính khoảng 30-40%...
 
“Bên cạnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng thuốc BVTV tại các vùng canh tác tập trung, thiết nghĩ, các địa phương cần hỗ trợ xây dựng bể chứa ở các khu vực sản xuất nông nghiệp, đồng thời bố trí kinh phí để thực hiện việc tiêu hủy bảo đảm đúng quy định”, ông Minh chia sẻ.
 
Theo ông Phan Xuân Hào, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, để cải thiện môi trường đồng ruộng thì phải tìm ra nguyên nhân khiến đồng ruộng ô nhiễm mà vấn đề mấu chốt xuất phát từ ý thức của người dân.
Bao bì thuốc BVTV bị người dân Nguyệt Áng, xã Tân Ninh (Quảng Ninh) vứt bừa bãi sau khi sử dụng dù bể chứa rác được đặt cách đó vài bước chân.
Bao bì thuốc BVTV bị người dân Nguyệt Áng, xã Tân Ninh (Quảng Ninh) vứt bừa bãi sau khi sử dụng dù bể chứa rác được đặt cách đó vài bước chân.
Vì vậy, biện pháp đầu tiên và là biện pháp quan trọng nhất chính là tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức của người dân. Chính quyền các địa phương cần chú trọng công tác tuyên truyền, vận động thông qua nhiều kênh, nhiều hình thức nhằm tạo được sự chuyển biến thực sự về nhận thức, trách nhiệm BVMT ở mỗi người dân, từ đó thay đổi hành vi, hình thành văn hóa ứng xử thân thiện với môi trường.
 
Các địa phương cần bố trí người có chuyên môn phụ trách công tác môi trường; chú trọng xây dựng các mô hình tự quản về môi trường của cộng đồng dân cư, gắn nội dung BVMT với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, từng bước đưa công tác BVMT nông thôn đi vào nền nếp.
 
Cần đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động BVMT, tạo cơ sở pháp lý và cơ chế, chính sách khuyến khích cá nhân, tổ chức và cộng đồng tham gia các dịch vụ thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải và các dịch vụ khác về BVMT. Chính quyền các cấp cần quan tâm xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn, có cơ chế hỗ trợ nguồn lực để người dân phát triển sản xuất gắn với xây dựng các công trình BVMT… “Một khi các giải pháp được triển khai một cách đồng bộ, quyết liệt và thực chất thì thiết nghĩ, không quá khó để “giữ xanh” đồng ruộng”, ông Hào khẳng định.
Tâm An

tin liên quan

Thay đổi mức đóng, tăng quyền lợi hưởng bảo hiểm y tế

(QBĐT) - Bảo hiểm y tế là chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội nhằm chăm sóc tốt cho sức khỏe của nhân dân, mang ý nghĩa nhân văn và có tính sẻ chia cộng đồng sâu sắc, đặc biệt là với người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn mỗi khi ốm đau, tai nạn rủi ro... 

Như dòng Mê Kông chảy mãi - Bài 3: Người lính trở về

(QBĐT) - Bình yên trở về, những người lính năm xưa lại gắn bó bên nhau, sẻ chia cùng nhau những gian khó đời thường. Nhớ về quá khứ, hướng đến tương lai, mỗi ngày, họ lại cùng vun bồi cho tình cảm tốt đẹp giữa hai dân tộc Việt Nam-Campuchia thêm khăng khít, keo sơn.

Khánh thành và bàn giao nhà văn hóa cộng đồng tránh lũ tại xã Trường Sơn

(QBĐT) - Ngày 28/7, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam tổ chức lễ khánh thành và bàn giao nhà văn hóa cộng đồng tránh lũ tại xã Trường Sơn (Quảng Ninh).