Đồ dùng một lần và văn hóa tiêu dùng

  • 07:55 | Thứ Ba, 01/08/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Mùa hè tới là bắt đầu cho mùa họp lớp kỷ niệm vào trường, ra trường các cấp học. Trong nhiều câu chuyện được bàn tới ở khâu hậu cần cho các buổi lễ kỷ niệm, sẽ không thiếu vấn đề áo đồng phục.
 
Cách đây hơn 10, 15 năm, khi hội lớp, hội khóa còn mới mẻ, hầu như ai cũng hào hứng, đồng tình cao với phương án sẽ có đồng phục cho tất cả các thành viên dự hội, nhằm thể hiện tính thống nhất của tập thể, phong cách của lớp, khóa mình. Nhưng dần dà, hội lớp, hội khóa đã trở thành “phong trào” rầm rộ, nhà nhà hội lớp, hội khóa… thì câu chuyện áo đồng phục thành đề tài tranh luận trong các nhóm lớp.
 
Nhiều ý kiến cho rằng: Để vừa có tính thống nhất, vừa bảo đảm thẩm mỹ, chỉ cần quy định dress code (quy tắc chung về trang phục) là được, không nhất thiết phải là trang phục có in logo, dòng chữ kỷ niệm. Song cũng không ít người vẫn bảo vệ quan điểm: Cần phải có đồng phục cho mỗi kỳ hội khóa, hội lớp.
 
Chị H.V.H. là giáo viên ở một trường THPT bày tỏ: Đồng phục là để nhận diện team nên nhiều người thích nhưng chỉ mặc một dịp nên cũng khá lãng phí. 20 năm dạy học có đến 7 khóa học sinh, tôi làm chủ nhiệm. Mỗi lần hội khóa, hội lớp, các em lại tặng cho cô 1 áo đồng phục. Rồi các lớp, khóa học của chính tôi từ thời phổ thông, đại học… Cho đến lúc này, tủ quần áo không biết bao nhiêu chiếc áo đồng phục nhân các lần hội khóa, hội lớp. Vứt thì lưu luyến mà cất thì chật tủ.
Không phải lúc nào, ở các nhóm lớp cũng có sự đồng tình về việc bỏ đồng phục lớp.
Không phải lúc nào, ở các nhóm lớp cũng có sự đồng tình về việc bỏ đồng phục lớp.
Vì trên mỗi chiếc áo có in chữ, logo,… nên tất nhiên không thể mặc lại vào dịp khác; cũng không thể cho ai và mang đi hủy bỏ càng không đành. Những chiếc áo mới tinh, chỉ mặc 1 lần, giờ đành bỏ xó trong tủ.
 
Thế nhưng, mỗi lần hội khóa, hội lớp, một số ý kiến góp ý “nên bỏ đồng phục cho đỡ tốn kém, hình thức” không dễ nhận được sự đồng tình, hưởng ứng. “Khóa mình, lớp mình phải thật hoành tráng, có đồng phục chụp ảnh lên mới đẹp”; “5 năm, 10 năm, 20 năm mới tổ chức một lần”,… là những lý do được đưa ra để thuyết phục những người còn lại. Cứ thế, hội khóa kỷ niệm ngày vào trường, ra trường ở các cấp phổ thông, đại học, cao học…, những chiếc áo đồng phục cứ thế nhiều lên trong tủ.
 
Từ những chiếc áo đồng phục nhân hội lớp, hội khóa, nhìn rộng hơn về thói quen sử dụng các sản phẩm thời trang một lần. Trào lưu “sống ảo” với việc tạo hình ảnh ấn tượng tại các buổi dã ngoại hay các sự kiện có đông người tham gia cũng đã nảy sinh việc mua sắm tràn lan những trang phục chỉ dùng một lần cho buổi chụp ảnh. Và vì cơ bản chỉ mặc một lần nên hầu hết những trang phục này có vải, công nghệ in ấn không bảo đảm chất lượng.
 
Ngành công nghiệp thời trang góp phần gây ô nhiễm khi thải lượng khí các-bon ra môi trường, công nghệ dệt nhuộm cũng gây ảnh hưởng đến môi trường nước… Chúng ta đã có những phong trào “sống xanh” khi các cơ quan, đơn vị thay thế chai nhựa dùng một lần bằng chai thuỷ tinh đựng nước uống; các nhà hàng sử dụng ống hút bằng kim loại, tre, gỗ thay vì ống nhựa dùng một lần. Chúng ta cũng từng kêu gọi đoàn viên, thanh niên nhặt rác, bảo vệ môi trường. Vậy tại sao chúng ta không thể thực hành hành vi tiêu dùng có văn hóa, vừa tiết kiệm, vừa góp phần bảo vệ môi trường, đối với các sản phẩm thời trang?!
Hương Lê

tin liên quan

Tuyên Hóa: Thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững

(QBĐT) - Để triển khai hiệu quả công tác giảm nghèo, hạn chế tình trạng tái nghèo, thời gian qua, huyện Tuyên Hóa đã tích cực triển khai các giải pháp, chương trình, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án và tiểu dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Giữ nghề đan lát truyền thống

(QBĐT) - Nhiều năm qua, ông Lê Viết Sơn, ở thôn Kim Trung, xã Kim Hóa (Tuyên Hóa) luôn gìn giữ, phát triển nghề mây tre đan truyền thống, tạo ra nhiều sản phẩm với mẫu mã phong phú, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước.

Quản lý xây dựng, sử dụng nghĩa trang và triển khai phân loại rác thải tại nguồn

(QBĐT) - Tình trạng các khu nghĩa trang, nghĩa địa tự phát sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho công tác quy hoạch, quản lý nhà nước về đất đai; việc triển khai phân loại rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình gặp khó khăn do chưa đồng bộ... là những nội dung được đại biểu HĐND tỉnh chất vấn Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Nguyễn Huệ tại kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XVIII.