Để lao động vững chân trên hành trình mới

  • 07:27 | Thứ Ba, 30/01/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Năm 2023, có hơn 6.000 lao động được tuyển chọn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 163,3% so với kế hoạch. Để có được con số này là sự nỗ lực không mệt mỏi của các ban, ngành, địa phương và sự cố gắng của người lao động (NLĐ) trong việc nâng cao kỹ năng nghề, trình độ ngoại ngữ. Điều đó không chỉ góp phần nâng cao chất lượng lao động được tuyển dụng mà còn giúp NLĐ vững chân trên hành trình mới.
 
Tại một hội nghị do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức mới đây, bà Đinh Thị Ngọc Lan, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội khẳng định, những năm qua, Quảng Bình luôn xác định công tác đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đặc biệt là đi theo các chương trình phi lợi nhuận là mũi nhọn trong công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững. Với thực tế việc làm và thu nhập của thị trường lao động (LĐ) trong tỉnh, trong nước còn hạn chế, chưa hấp dẫn, phần lớn LĐ Quảng Bình có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài lớn, bình quân mỗi năm từ 3.000-4.000 LĐ. NLĐ Quảng Bình thích làm việc tại thị trường châu Á, như: Nhật Bản, Đài Loan, đặc biệt là Hàn Quốc.
 
Tuy nhiên, một thực tế thời gian qua cho thấy, chất lượng LĐ tham gia tuyển dụng ở nước ngoài vẫn chưa đáp ứng được như kỳ vọng. Đặc biệt, NLĐ theo chương trình EPS lĩnh vực ngư nghiệp có trình độ văn hóa thấp, tuy có kỹ năng đi biển tốt, đáp ứng điều kiện của chương trình nhưng việc tiếp thu kiến thức trong quá trình học tập tiếng Hàn rất hạn chế, ý thức tổ chức kỷ luật chưa cao. Nhiều trường hợp LĐ do hạn chế về mặt ngoại ngữ, dẫn đến việc mâu thuẫn với chủ LĐ mà bỏ trốn ra ngoài, cư trú bất hợp pháp. Điều đó đặt ra những yêu cầu ngày càng cao trong công tác đào tạo toàn diện kỹ năng cho NLĐ trước khi xuất cảnh.
Đào tạo tiếng Hàn cho người lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.
Đào tạo tiếng Hàn cho người lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.
Theo anh Nguyễn Thanh Phương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) tỉnh, nội dung, thời gian đào tạo sẽ phụ thuộc vào từng đơn hàng và thị trường xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, dù là đơn hàng gì, thị trường nào thì mẫu số chung vẫn là tập trung vào 3 yếu tố quan trọng: Tay nghề, vốn ngoại ngữ và ý thức tổ chức kỷ luật. Những năm qua, cùng với việc đào tạo ngoại ngữ, trung tâm đã tập trung trang bị các kỹ năng nghề cơ bản, đồng thời giáo dục định hướng cho NLĐ, chủ yếu là các kiến thức về văn hóa ứng xử, hiểu biết pháp luật… của nước sở tại. Để NLĐ bớt đi những bỡ ngỡ ban đầu và làm tốt với vị trí, công việc đảm nhận, việc đào tạo những kỹ năng đó cũng cần một quá trình bài bản, nghiêm túc.   
 
Trung tâm DVVL tỉnh hiện đang đảm nhận nhiệm vụ tuyên truyền, tư vấn các thông tin tuyển dụng LĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và tư vấn tuyển sinh, đào tạo tiếng Hàn cho NLĐ. Hiện, chương trình cấp phép việc làm của Chính phủ Hàn Quốc (gọi tắt là chương trình EPS) đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ NLĐ trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2023, đã có hơn 500 LĐ xuất cảnh và có hơn 1.500 người đăng ký thi mới.
 
Chương trình này có 4 ngành, nghề tuyển chọn, là: Sản xuất chế tạo, xây dựng, nông nghiệp và ngư nghiệp. NLĐ đăng ký tham gia chương trình EPS sẽ phải tham dự 2 vòng thi, gồm: Vòng 1 thi năng lực tiếng Hàn, vòng 2 kiểm tra tay nghề và đánh giá năng lực. Những người đạt yêu cầu qua vòng 1 mới được tham dự vòng 2. NLĐ đạt yêu cầu qua cả 2 vòng thi mới đủ điều kiện nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS. Với chi phí thấp, cơ hội tuyển dụng lớn, thu nhập cao, từ nhiều năm nay, EPS là một trong những kênh xuất khẩu lao động hiệu quả, được NLĐ Quảng Bình quan tâm.
 
Tuy nhiên, EPS cũng đòi hỏi NLĐ được tuyển dụng cần đáp ứng những yêu cầu cao, khắt khe hơn so với nhiều chương trình khác. Để ứng tuyển, NLĐ phải theo học chương trình đào tạo tiếng Hàn trong vòng 4 tháng, với kết cấu gồm 320 tiết lý thuyết, 40 tiết thực hành và 40 tiết luyện thi giải đề trên máy tính. Sau khi thi đỗ tiếng Hàn, LĐ sẽ tiếp tục theo học các lớp kỹ năng nghề trong 80 tiết, trong đó có 40 tiết luyện thi phỏng vấn.
 
Năm 2024, Quảng Bình đặt mục tiêu tạo việc làm cho 19.500 người, trong đó có khoảng trên 5.000 LĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Từng đó LĐ là từng ấy ước mơ thoát nghèo được vun vén. Để NLĐ thực sự vững chân trên hành trình xa xôi, hành trang mang theo không chỉ là nỗ lực, ý chí mà còn là nền tảng kiến thức, kỹ năng và ý thức kỷ luật.

Năm 2023, Trung tâm DVVL tỉnh đã mở được 27 lớp tiếng Hàn với tổng số học viên tham gia học là 900 người, đạt 375% so với kế hoạch đề ra. Để hỗ trợ cho các học viên thi đỗ kỳ thi tiếng Hàn vòng 1 chuẩn bị thi tay nghề, trung tâm đã mở 6 lớp thực hành dụng cụ vòng 2. Bắt đầu từ tháng 9/2023, trung tâm cũng đã tiến hành phân luồng học viên theo các ngành dự thi nhằm thuận tiện cho việc giáo viên bổ trợ kiến thức cho học viên, đồng thời xây dựng lại khung chương trình đào tạo, tăng số tiết giảng dạy đối với ngành sản xuất chế tạo. Học viên Trung Kiên (Bố Trạch) đang theo học tiếng Hàn với mục tiêu tham gia chương trình EPS ngành sản xuất chế tạo.

Kiên bảo, đây là giai đoạn nước rút để Kiên và nhiều NLĐ khác chuẩn bị bước vào kỳ thi tiếng Hàn nên anh thường xuyên chú tâm giải đề trên máy tính. “Tôi hiểu rằng nếu chúng tôi chú tâm vào việc học và ôn luyện tiếng Hàn thì không chỉ trải qua kỳ thi dễ dàng mà còn giúp ích rất nhiều trong quá trình sống và làm việc tại Hàn Quốc. Khi ngoại ngữ tốt, chúng tôi sẽ có nhiều cơ hội để có được công việc, mức thu nhập cao hơn”, Trung Kiên chia sẻ.
 
Theo các giáo viên đứng lớp tại trung tâm, mỗi ngành nghề chương trình EPS sẽ có những yêu cầu khác nhau. NLĐ trong lĩnh vực ngư nghiệp có kinh nghiệm làm việc, kỹ năng nghề nhưng khả năng tiếp thu tiếng Hàn vẫn còn hạn chế. Ngành sản xuất chế tạo lại yêu cầu cao hơn so với các ngành nghề khác nhưng NLĐ chủ yếu là người trẻ, khả năng học tiếng Hàn, phỏng vấn sẽ nhanh hơn nhưng kỹ năng nghề lại chậm hơn so với ngành ngư nghiệp. Sự khác biệt đó đòi hỏi trung tâm phải điều chỉnh chương trình linh động tùy theo từng đối tượng, từng ngành nghề.
 
Để nâng cao chất lượng đào tạo, tiệm cận với nhu cầu thị trường LĐ, trung tâm cũng đã liên kết với các cơ sở đào tạo nghề tại Nghệ An, hợp đồng thêm giáo viên đứng lớp. Phần mềm thi thử tiếng Hàn cũng đã được đầu tư mua sắm thêm nhằm nâng cao chất lượng dạy và học cho học viên, lập tài khoản riêng cho mỗi học viên để luyện thi ở nhà, nâng cấp phòng học bảo đảm theo tiêu chuẩn.
Diệu Hương

tin liên quan

Đoàn viên, thanh niên tham gia làm vệ sinh tại chùa Kim Phong-núi Thần Đinh

(QBĐT) - Ngày 29/1, Huyện đoàn Quảng Ninh tổ chức dọn dẹp vệ sinh tại khuôn viên chùa Kim Phong-núi Thần Đinh.

Tết đoàn viên-Xuân yêu thương

(QBĐT) - Nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, các đơn vị, địa phương tổ chức các chương trình chăm lo Tết cho người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Chỉ là giãn ra thôi ạ!

(QBĐT) - Từ ngày mai, ông đừng đi câu cá nữa nhé, tôi chán ăn cá lắm rồi!