Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Xuân ra đồng... Tết đoàn viên

  • 10:05 | Chủ Nhật, 11/02/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Mỗi độ "Tết đến, xuân về", ai có dịp một lần "xông đất" các xã vùng Nam huyện Quảng Ninh sẽ thấy được trọn vẹn sức sống mạch trào, tình người đầy đặn, chân chất, dung dị của đất và người thuộc xứ "nhì hai huyện" xưa.
 
Xuân ra đồng...
 
Khởi đầu hành trình “xông đất” vùng Nam huyện Quảng Ninh, tôi đến với xã Tân Ninh. Xe qua cầu Trung Quán ngập sắc cờ Tổ quốc dọc hai bên đường. Ngày xưa chưa có cầu Trung Quán, người dân vùng Nam huyện Quảng Ninh muốn về trung tâm huyện lỵ chỉ có thế xuôi qua đập Mỹ Trung chật hẹp hoặc ngược lên đường Hồ Chí Minh. Bây giờ, cầu Trung Quán nối liền đôi bờ sông Kiến Giang, vùng Nam gần hơn. 
 
Từ Tân Ninh, các tuyến giao thông liên xã: Tân-An-Vạn; Tân-Hiền-Xuân-An-Vạn và hàng loạt trục đường liên thôn, xóm tỏa đi muôn nơi, kết nối các xã vùng Nam huyện Quảng Ninh lại với nhau trong một thế đất tựa ô bàn cờ với những khu dân cư khang trang nằm giữa mênh mông đồng ruộng trải dài dọc phá Hạc Hải lên đến giáp huyện Lệ Thủy.
Làng quê vùng Nam Quảng Ninh chuẩn bị đón Tết Nguyên đán
Làng quê vùng Nam huyện Quảng Ninh chuẩn bị đón Tết Nguyên đán
“Xông đất” xã Hiền Ninh, Chủ tịch UBND xã Trần Văn Lai phấn khởi: “Sản xuất đông-xuân năm nay hết sức thuận lợi, bà con nông dân canh tác hết toàn bộ diện tích 270ha lúa; 30ha ngô. Thời tiết, khí hậu từ khi xuống đồng đến cận kề Tết Nguyên đán cơ bản thuận lợi, người dân tranh thủ ra đồng chăm sóc, tỉa dặm lúa. Cây lúa tăng trưởng nhanh, hứa hẹn một vụ mùa thắng lợi”.
 
Đến với xã An Ninh, Chủ tịch UBND xã Trương Thanh Long chân thành: “An Ninh cố gắng nỗ lực hơn nữa để giữ vững “thương hiệu” là vựa lúa của huyện Quảng Ninh. Không chỉ về năng suất, sản lượng mà còn cả chất lượng hạt lúa, hạt gạo, bảo đảm đầu ra lưu thông trên thị trường với chuỗi giá trị cao”. 
 
Diện tích gieo cấy vụ đông-xuân xã An Ninh là 942ha, trong đó thôn Thống Nhất 250 ha, còn lại tập trung ở các thôn Hoành Vinh, Đại Hữu, Thu Thừ, Kim Nại... Đang “thăm ló, ngó đồng” thôn Thống Nhất, tôi gặp ông Nguyễn Duy Viên, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Thống Nhất (HTX Thống Nhất) đang xắn quần xăm xăm bước trên đồng.
Nông dân vùng Nam Quảng Ninh ra đồng trong thời khắc “Tết đến, Xuân về”
Nông dân vùng Nam huyện Quảng Ninh ra đồng trong thời khắc “Tết đến, xuân về”.
“Diện tích gieo cấy vụ đông-xuân của HTX Thống Nhất đạt tối đa rồi, không còn tăng thêm được. HTX chỉ vận động bà con tập trung thâm canh, tăng năng xuất, chất lượng, sản xuất lúa theo hướng hàng hóa. Đưa các loại giống mới chất lượng, năng suất cao vào sản xuất, sản xuất theo quy trình khép kín. Đông-xuân năm nay, HXT Thống Nhất tiếp tục thử nghiệm giống mới DS1 đến từ đất nước Nhật Bản với diện tích 15ha. Đây là giống lúa được các công ty Hàn Quốc trực tiếp đặt hàng để sản xuất bánh kẹo chất lượng cao”, Chủ tịch HĐQT HTX Thống Nhất Nguyễn Duy Viên chia sẻ.
 
Cũng theo ông Nguyễn Duy Viên, người dân An Ninh nói chung và Thống Nhất nói riêng bước vào vụ đông-xuân với tâm thế rất phấn khởi vì thời điểm này lúa gạo được giá. Gặp thời tiết thuận lợi, bà con nhanh chóng hoàn thành khâu tỉa, dặm, chăm bón phân trước Tết Nguyên đán khoảng một tuần. Tạm gác lại chuyện đồng ruộng, cây lúa về lo sắm Tết.
 
Trong những người “thăm ló, ngó đồng” cùng với Chủ nhiệm HTX Thống Nhất, tôi gặp gỡ những gương mặt thân quen, như: Nguyễn Đại Sơn, Nguyễn Phong Trí, Nguyễn Phong Bình, Lê Văn Phú... những “ông chủ lúa” sở hữu diện tích canh tác từ 2ha trở lên. Câu chuyện ấm no, làm giàu từ cây lúa cứ thế say sưa cháy thời gian.
 
Từ xã An Ninh, băng qua vùng Vời trong lòng phá Hạc Hải, thuộc đồng ruộng “thẳng cánh cò bay” xã Vạn Ninh; đi giữa những “bờ vùng, bờ thửa” ôm lấy vùng Vời bời bời lúa ngát xanh, ông Nguyễn Hữu Lương, Chủ tịch UBND xã “bật mí”: “Nhờ được mùa, được giá, vụ đông-xuân, diện tích gieo trồng toàn xã đạt cao nhất từ trước đến nay, 823ha. Nông dân phấn khởi khi cuộc sống, nông thôn, nông nghiệp có nhiều khởi sắc. Tết Nguyên đán nhờ đó ấm no, đầy đủ hơn. Lao động con em đi làm ăn xa cũng đang dần trở về, vui Tết đoàn viên”.
 
Tết đoàn viên
 
Chủ tịch UBND xã Hiền Ninh Trần Văn Lai chia sẻ: “Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhân dân xã nhà đón Tết rất hạnh phúc, đủ đầy, đoàn viên và an toàn... Chưa bao giờ thấy có một cái Tết mà người nghèo, gia đình chính sách, đối tượng xã hội được đón nhận sự chăm lo chu đáo cả về vật chất lẫn tinh thần của Đảng, Nhà nước từ Trung ương đến cơ sở cùng sự trợ giúp rộng khắp của các tổ chức, cộng đồng xã hội. Quà Tết cho người nghèo bình quân từ 300 nghìn đồng đến 1 triệu đồng giúp hàng trăm gia đình chính sách, hộ nghèo đón Tết cổ truyền. Tổng kinh phí chăm lo Tết ấm cho người dân với khoảng gần 500 suất quà, trị giá trên 250 triệu đồng”.
Ông Nguyễn Đức Tuấn (người đeo kính) thay mặt Hội đồng hương Quảng Bình tại Hà Nội thăm và trao quà Tết tại Trung tâm phục hồi chức năng trẻ khuyết tật huyện Quảng Ninh
Ông Nguyễn Đức Tuấn (người đeo kính) thay mặt Hội đồng hương Quảng Bình tại Hà Nội thăm và trao quà Tết tại Trung tâm phục hồi chức năng trẻ khuyết tật huyện Quảng Ninh.
Tại xã An Ninh, theo Chủ tịch UBND xã Trương Thanh Long: Có 74 hộ nghèo được hỗ trợ 1 triệu đồng/suất quà; 345 hộ gia đình chính sách, đối tượng xã hội nhận quà Tết, tổng kinh phí trên 106 triệu đồng; quà Tết thông qua kênh Mặt trận và các tổ chức, đoàn thể giúp hộ cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn gồm 212 suất, số tiền 103 triệu đồng...
 
Xuân trở về... Tết để đoàn viên. Hàng nghìn lao động ở nước ngoài và các tỉnh thành phía Nam quê quán các xã Tân Ninh, Hiền Ninh, Xuân Ninh, An Ninh, Vạn Ninh... lần lượt trở về với gia đình, người thân, quê hương, làng xóm, cùng vui một cái Tết sum vầy, ấm cúng.
 
Trong rất nhiều người con quê hương Quảng Ninh sinh sống, làm việc khắp mọi miền Tổ quốc mang Tết ấm về quê, tôi gặp ông Nguyễn Đức Tuấn, Phó Hiệu trưởng Đại học quốc tế Bắc Hà (Hà Nội). Quê nội ông Tuấn ở xã Tân Ninh, quê ngoại xã An Ninh. Về quê vui Tết đoàn viên Giáp Thìn 2024, ông Nguyễn Đức Tuấn thay mặt Hội đồng hương Quảng Bình tại Hà Nội trao hơn 100 triệu đồng hỗ trợ người nghèo, đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số Quảng Bình đón Tết.
Chi nhánh Agribank Quảng Bình mang Tết ấm cho người nghèo tại vùng Nam Quảng Ninh
Chi nhánh Agribank Quảng Bình mang Tết ấm cho người nghèo tại vùng Nam Quảng Ninh.
Riêng ở vùng Nam huyện Quảng Ninh, ông trực tiếp thăm và tặng 25 triệu đồng cho trẻ em khuyết tật đang phục hồi chức năng tại Trung tâm phục hồi chức năng trẻ khuyết tật huyện Quảng Ninh; 5 triệu đồng hỗ trợ bếp ăn tình thương Bệnh viện đa khoa huyện; giúp bà Võ Thị Diên, cựu TNXP đơn thân ở thôn Hoành Vinh (An Ninh) 20 triệu đồng sửa chữa nhà ở đón Tết. “Số tiền tuy không lớn, nhưng đó là tấm lòng của những người con xa quê hương hướng về quê hương mỗi độ Tết đến, xuân về”, ông Nguyễn Đức Tuấn chia sẻ.
 
Như bao gia đình khác ở vùng Nam huyện Quảng Ninh, mâm cơm cúng tất niên dâng lên ông bà, tổ tiên tại nhà ông Nguyễn Duy Viên cũng là bữa cơm Tết đoàn viên với đầy đủ con cháu xa gần về hội tụ. Ông Nguyễn Duy Viên tâm niệm: “Cho dù con cháu lập nghiệp ở xa, nhưng Tết năm nào gia đình cũng động viên con cháu trở về. Tết trên quê hương, Tết trong gia đình mang hương vị tình thân khó tìm thấy nơi quê người. Vâng lời bố mẹ, cứ “năm hết Tết đến”, con cháu trong gia đình đều sắp xếp thời gian, công việc, quây quần bên gia đình, vui Tết đoàn viên”.
Thanh Long

tin liên quan

Đường xuân khát vọng

(QBĐT) - Thọ Lộc ở xã Cự Nẫm (Bố Trạch), nơi yên nghỉ của hàng trăm người con ưu tú là liệt sỹ thanh niên xung phong của Ban Xây dựng 67, một thời thuộc Bộ Giao thông vận tải.

Quảng Bình muôn vẻ

(QBĐT) - Trên cánh đồng vụ đông-xuân, bầu không khí rộn rã và ngập tràn hương thơm của lúa mới gieo.

Chiến công trên bầu trời Đồng Hới

(QBĐT) - Hơn nửa thế kỷ trôi qua, cánh chiếc máy bay của giặc Mỹ năm xưa vẫn hiện diện giữa Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình như nhắc nhớ về những chiến công vang dội ngày ấy.