Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Vĩnh hằng giữa lòng đất mẹ - Bài 1: Thủy chung với đường 20 huyền thoại

  • 07:34 | Thứ Tư, 03/01/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đường 20 Quyết Thắng là tuyến chi viện huyết mạch phá thế độc đạo nối liền Đông Trường Sơn và Tây Trường Sơn thuộc hệ thống đường Hồ Chí Minh trên “đất lửa” Quảng Bình trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ. Trên đường 20 Quyết Thắng, hàng nghìn lượt bộ đội, thanh niên xung phong (TNXP), dân công hỏa tuyến... đã anh dũng, kiên cường, sống, chiến đấu bảo đảm tuyến chi viện luôn thông suốt. Đã có nhiều gương anh hùng, liệt sỹ ngã xuống tại con đường này. Trong đó, sự kiện 8 TNXP và 5 bộ đội pháo binh hy sinh chiều 14/11/1972 tại Km16+500 để lại bao tiếc thương vô hạn, sự day dứt khôn nguôi cho đồng đội, người thân đến tận hôm nay... dù thời gian đã 51 năm (1972-2023) trôi qua.
 
Sự kiện 8 TNXP và 5 bộ đội pháo binh hy sinh chiều 14/11/1972 như thế nào? Có đúng 8 TNXP bị tảng đá hàng trăm tấn làm sập mất cửa hang, cho đến 9 ngày sau mới qua đời? Thi hài các anh chị bây giờ ở đâu? Đây là những câu hỏi, lịch sử chưa trả lời trọn vẹn. Tôi là người sinh sau hòa bình, “duyên nợ” với đường 20 Quyết Thắng.
 
Nhân ngày giỗ lần thứ 51 của các anh chị, tìm về quê hương các anh chị; chuyện trò cùng đồng đội và người thân các anh chị. Tôi hiểu ra một điều... dù câu chuyện về sự kiện ngày 14/11/1972 như thế nào đi nữa, thì các anh chị đã hiến dâng tuổi thanh xuân cho độc lập dân tộc, cho Tổ quốc. Các anh chị nằm xuống giữa lòng mẹ Tổ quốc thủy chung, bao dung, nâng đỡ, chở che.
 
Đường 20 Quyết Thắng khởi công ngày 21/1/1966 và thông xe ngày 31/5/1966 có chiều dài 125km xuất phát từ Km số 0, thôn Xuân Sơn, xã Sơn Trạch (nay là thị trấn Phong Nha, Bố Trạch) đến ngã ba Lùm Bùm (Lào).
Đền tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ đường 20 Quyết Thắng.
Đền tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ đường 20 Quyết Thắng.
Sau khi phát hiện ra tuyến đường “rọc ngang” Trường Sơn này, đế quốc Mỹ tập trung đánh phá rất ác liệt bất kể ngày đêm, biến nơi đây thành những tọa độ lửa: Trọng điểm ATP (cua chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Phu La Nhích), ngầm Trạ Ang, ngầm Cà Roòng, dốc Ba Thang... Để bảo vệ đường 20, ngày 23/4/1967, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định thành lập Ban xây dựng 67 bên cạnh Cục Tiền phương, Đoàn 559, chịu sự lãnh đạo song trùng của Bộ Giao thông vận tải và Đoàn 559. Ban 67 tiếp nhận toàn bộ công trường 20; TNXP, dân công hỏa tuyến từ các tuyến đường 16, 12A, 15A, trong đó phần lớn là lực lượng TNXP.
 
Sống, chiến đấu trên đường 20 Quyết Thắng, lực lượng TNXP ngày đêm bám đường, bám trọng điểm, vừa đánh địch, vừa xẻ núi, bạt đèo, san lấp hố bom, bảo đảm tuyến chi viện luôn thông suốt. Nhiều anh hùng, liệt sỹ TNXP hy sinh trên đường 20, mãi mãi trọn vẹn tuổi hai mươi huyền thoại, trong đó có sự kiện bi tráng chiều ngày 14/11/1972.
 
Ngày 14/11/1972, khoảng 15 giờ chiều, bầu trời Trường Sơn nắng đẹp. Tại khu vực phía trước hang đá ở Km16+500 (mà chúng ta hay gọi là hang Tám Cô hay hang Tám TNXP-P.V), các anh chị TNXP thuộc đơn vị C217, N25, P31, Ban xây dựng 67 và một số cán bộ, chiến sĩ đại đội 3, tiểu đoàn 1, Đoàn 5043 pháo binh trên đường hành quân vào Nam tranh thủ nghỉ ngơi, chuyện trò. Không gian đang yên bình như thế, bất chợt từ dãy núi phía Tây xuất hiện hai máy bay phản lực Mỹ, chúng bổ nhào và cắt bom. Cả khu vực trước hang đá rung chuyển, khói bom, đất đá bao trùm lên tất cả. Khi máy bay Mỹ rút đi, tất cả im lìm.
 
Đại tá Trần Công Hòa, nguyên y tá, nguyên trinh sát Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Đoàn 5043 pháo binh, nguyên Chủ tịch Công ty 129, Ban cơ yếu Chính phủ, chính là người có mặt sớm nhất khi trận bom vừa dứt, cũng là người đầu tiên cùng đồng đội ở Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Đoàn 5043 pháo binh tiến hành công tác tử sĩ, tìm kiếm người còn sống, khẳng định: “Không còn ai sống sót cả!”.
 
Các ông Nguyễn Đức Thắng, Trần Công Hòa, Vũ Hữu Đại, Đặng Văn Đoàn... là những nhân chứng của sự kiện bi tráng chiều 14/11/1972 tại hang đá Km16+500, đường 20 Quyết Thắng. Nhiều năm nay, họ cùng với thân nhân 13 liệt sỹ TNXP, bộ đội Đoàn 5043 pháo binh thăm lại chiến trường xưa, dâng hương tại Đền tưởng niệm các Anh hùng, liệt sỹ đường 20 Quyết Thắng. Nhiều người trong số họ mong muốn rằng Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng và các ngành chức năng tỉnh Quảng Bình cần nghiên cứu xây những ngôi mộ gió ghi đủ thông tin 13 liệt sỹ nơi khu vực đền thiêng! Vì các anh chị mãi mãi sắt son, gắn bó với đường 20 Quyết Thắng!

Ông Nguyễn Đức Thắng, Chính trị viên, Đại đội trưởng C217 kể lại: “Nhận được tin, tôi từ Km23, đường 20 Quyết Thắng cơ động ra ngay khu vực hang đá Km16+500, gần tối thì đến nơi và bắt đầu cùng lực lượng TNXP, bộ đội tìm kiếm thi hài đồng đội và người sống sót. Quá trình tìm kiếm suốt từ chiều 14 cho đến sáng ngày 16 thì xác định tất cả TNXP của C217 đều hy sinh. Chiều 16, đơn vị tiến hành lễ truy điệu. Sau lễ truy điệu, Đoàn 5043 pháo binh tiếp tục cơ động sang Lào vào Nam”.

Mười ba liệt sỹ hy sinh trong trận bom ngày 14/11/1972 tại hang đá Km16+500 có 8 TNXP của C217, N25, P31, Ban xây dựng 67 cùng quê huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) gồm: Nguyễn Văn Huệ (SN 1952), Nguyễn Văn Phương (SN 1954), Nguyễn Mậu Kỷ (SN 1947), Hoàng Văn Vụ (SN 1953), Trần Thị Tơ (SN 1954), Lê Thị Mai (SN 1952), Đỗ Thị Loan (SN 1952), Lê Thị Lương (SN 1953). Năm liệt sỹ Đoàn 5043 pháo binh là: Mai Đức Hùng (SN 1952), Đinh Công Đính (SN 1953), Nguyễn Văn Quận (SN 1952), Sầm Văn Mắc (SN 1952) và Nguyễn Văn Thủy (SN 1954).
 
Nhân ngày giỗ lần thứ 51 của 13 liệt sỹ, tôi đã về quê hương các anh chị, thắp nén nhang tri ân mang nặng từ Quảng Bình ra và tìm thấy một tiếng nói chung, thiêng liêng, gần gũi... như lời ông Nguyễn Đức Thắng tâm niệm: “Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc. Hồn bay lên hóa linh khí Quốc gia”.
 
Tại huyện Hoằng Hóa, ông Nguyễn Đức Thắng (SN 1938, quê quán xã Hoằng Thanh), Chính trị viên, Đại đội trưởng C217, N25, P31, Ban xây dựng 67, thủ trưởng của 8 liệt sỹ TNXP đồng hương, cùng nhập ngũ một ngày, cùng vào Nam một lượt dẫn tôi đi thắp hương từng gia đình liệt sỹ đồng đội mình.
 
Đón tôi tại huyện Hải Hậu (Nam Định) trong ngôi nhà nhỏ là ông Vũ Hữu Đại, nguyên Trung đội trưởng pháo 130mm, Đoàn 5043 pháo binh, người chứng kiến trận bom ngày 14/11/1972 tại Km16+500 trên đường 20 Quyết Thắng đang chờ hội ngộ với đại tá Trần Công Hòa và ông Đặng Văn Đoàn (nguyên pháo thủ Đoàn 5043 pháo binh) từ Thủ đô Hà Nội về để đến thắp hương tri ân các liệt sỹ pháo binh Mai Đức Hùng (xã Hải Giang, Hải Hậu) và Đinh Công Đính (xã Hải Tây, Hải Hậu).
Thăm gia đình thân nhân liệt sỹ Đinh Công Đính.
Thăm gia đình thân nhân liệt sỹ Đinh Công Đính.
Liệt sỹ Đinh Công Đính nhập ngũ tháng 1/1972, sau khi huấn luyện tại huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) cùng đơn vị hành quân cấp tốc vào Nam. Liệt sỹ Đính hy sinh khi vừa tròn 11 tháng tuổi quân. Ông Đinh Văn Yên (SN 1964), em trai cũng là người chăm lo hương khói cho liệt sỹ Đinh Công Đính bồi hồi: “51 năm trôi qua rồi, người thân mất đi, ai chẳng xót. Thời gian hơn nửa thế kỷ trôi qua, thân xác anh tôi nằm lại nơi đâu giờ không còn là nỗi đau canh cánh của người thân. Vì gia đình tôi tâm niệm, anh tôi vẫn thủy chung, sắt son với đường 20 Quyết Thắng, với Quảng Bình. Ở nơi đâu thì cũng là đất mẹ Việt Nam cả thôi!”.
 
Ngày tôi cùng ông Nguyễn Đức Thắng đến thắp hương cho liệt sỹ Lê Thị Mai ở xã Hoằng Thịnh (Hoằng Hóa), ông Lê Xuân Phước (SN 1957), em trai chị Mai cho biết: “Sinh thời mẹ tôi còn sống luôn thôi thúc tôi đi tìm chị Mai. Tình cờ tôi đọc được bài báo “Mùa xuân lại đi tìm đồng đội” đăng trên Báo Tiền Phong Chủ nhật ngày 2/3/1997 mới biết rõ sự kiện bi tráng tại hang đá Km16+500, đường 20 Quyết Thắng và trong 8 TNXP hy sinh có tên tuổi chị Mai. Tôi cũng là thân nhân 8 liệt sỹ TNXP lặn lội vào đường 20 viếng chị Mai sớm nhất”.
 
Qua lời kể của ông Lê Xuân Phước, tôi mới biết, ngoài chị Lê Thị Mai, gia đình còn có thêm một liệt sỹ khác là liệt sỹ Lê Xuân Lưu (anh trai chị Mai) hy sinh tại chiến trường Tây Ninh, đến nay vẫn chưa tìm ra phần mộ. Bà Dương Thị Hĩm, thân mẫu ba anh em là Bà mẹ Việt Nam anh hùng... cho đến lúc qua đời năm 1993 vẫn quặn thắt lòng vì chưa thấy hai người con về.
                                                                                                  Ngô Thanh Long
 
Bài 2: Mẹ ơi! Chúng con đã về!

tin liên quan

Đường xuân khát vọng

(QBĐT) - Thọ Lộc ở xã Cự Nẫm (Bố Trạch), nơi yên nghỉ của hàng trăm người con ưu tú là liệt sỹ thanh niên xung phong của Ban Xây dựng 67, một thời thuộc Bộ Giao thông vận tải.

Ngày thu ở... 30 Hoàng Diệu

(QBĐT) - 10 năm nay... "Cửa sổ 30 Hoàng Diệu vẫn mở đấy thôi/Mây trắng nhớ nụ cười Người vương nắng/Gió len phòng hong khô ngày nước mắt/Đừng vội tan hơi ấm cuối còn gần...".

Từ bước chân đầu tiên 60 năm trước và hy vọng hôm nay

(QBĐT) - 60 năm, còn gọi là "lục thập hoa giáp", quãng thời gian đáng để suy ngẫm về những "được-mất", "hơn-thua" của một đời người!