Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Ngày thu ở... 30 Hoàng Diệu

  • 10:47 | Thứ Bảy, 30/09/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sáng mùa thu Hà Nội trong xanh, ngôi nhà số 30 đường Hoàng Diệu cổ kính ẩn khuất sau những tán cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Chiếc cổng sắt cũ kỹ như chực chờ bàn tay ai rộng mở. Trước cổng nhà, tôi cứ mường tượng thấy dáng hình vị tướng già, mái tóc bạc màu thời gian thảnh thơi dưới những gốc cổ thụ. Rồi tự nhủ lòng, Đại tướng, người Anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng rời xa cõi tạm tròn 10 năm. 10 năm nay... “Cửa sổ 30 Hoàng Diệu vẫn mở đấy thôi/Mây trắng nhớ nụ cười Người vương nắng/Gió len phòng hong khô ngày nước mắt/Đừng vội tan hơi ấm cuối còn gần...”.
 
Đón chúng tôi từ Quảng Bình ra thắp nén nhang tri ân Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại 30 Hoàng Diệu là chị Võ Hòa Bình, người con thứ hai trong năm người con của Đại tướng. Chị Bình nhắc: “Hôm ni có các cháu người Quảng Bình đến dâng hương cho Bác đó nghe!”. Tôi khe khẽ dạ và nhận ra những gương mặt thân quen trong Hội đồng hương Quảng Bình tại TP. Hà Nội.
 
Nơi nhà Đại tướng, ai đó nhẹ ngâm những dòng thơ của nhà thơ Lương Đình Khoa: “Cổng 30 Hoàng Diệu, mây trắng vẫn bay về/Tìm bóng hình Người dệt lời thương nhớ/Sóng Vũng Chùa đêm ru mềm hơi thở/Mẹ Quảng Bình tình nghĩa vỗ trùng khơi”. Mọi người chung cảm giác rưng rưng.
Những người con Quảng Bình đến thắp hương nhân 10 năm ngày mất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Những người con Quảng Bình đến thắp hương nhân 10 năm ngày mất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Chị Võ Hòa Bình kể: “Nhà chúng tôi chuyển về 30 Hoàng Diệu sau ngày giải phóng Thủ đô năm 1954. Bên kia đường Hoàng Diệu là Tổng Hành dinh, nơi có ba là Đại tướng Tổng Tư lệnh và Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đặc biệt là trận quyết chiến 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không. Rồi chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 toàn thắng, Bắc-Nam sum họp một nhà. Số 30 Hoàng Diệu gắn chặt, chắt chiu tuổi thơ với nhiều và rất nhiều kỷ niệm của chị em chúng tôi, Võ Hạnh Phúc, Võ Điện Biên và Võ Hồng Nam”.
 
Mười năm Đại tướng đi xa, nhưng số nhà 30 Hoàng Diệu vẫn luôn trọn nghĩa vẹn tình. Thăm số nhà 30 Hoàng Diệu, tôi cứ cảm giác rằng mỗi buổi sáng mai, Đại tướng thức dậy, thảnh thơi thể dục trên từng lối đi nhỏ trong khu vườn mướt xanh hoa trái, tiếng gạch cũ khẽ lách cách theo bước chân người. Rồi tiếng nước reo chào ở những chậu lan người chăm bẵm. Tiếng cá vẫy hoan ca chờ Đại tướng cho ăn...
 
Các anh, các chị trong gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp đưa chúng tôi dạo quanh khu vườn. Dừng chân bên bộ bàn đá cũ đặt chính diện với lối dẫn vào phòng khách trước đây, bây giờ là nơi thờ phụng Đại tướng, chị Võ Hòa Bình xúc động kể: “Ngày 5/7/1967, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trước khi trở lại miền Nam theo sự phân công của Bộ Chính trị đã đến chào tạm biệt ba tôi. Chính nơi bộ bàn ghế đá này, hai vị tướng đã ngồi đàm đạo, bàn việc quân. Ba cũng không ngờ đây cũng là lần cuối cùng mình gặp Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Vì ngày hôm sau, ba nhận hung tin Đại tướng Nguyễn Chí Thanh qua đời”.
 
Từ khu vườn, chúng tôi tiếp tục sang thăm nơi làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ở đây, ấn tượng nhất là đôi câu đối của Giáo sư Vũ Khiêu đề tặng Đại tướng: “Võ công truyền quốc sử. Văn đức quán nhân tâm”. Nhà làm việc của Đại tướng hiện tại như một bảo tàng thu nhỏ với hàng nghìn kỷ vật, tranh, ảnh, tượng, bức trướng của đồng bào, chiến sĩ khắp cả nước và bạn bè quốc tế trao tặng Đại tướng. Ở hai chiếc ghế đặt chính giữa bàn làm việc, nơi Đại tướng và phu nhân thường ngồi tiếp khách một thời, chúng tôi hình dung ra dáng hình Đại tướng an yên, minh triết, nụ cười ấm nồng nàn...
Khuôn viên nhà số 30 đường Hoàng Diệu.
Khuôn viên nhà số 30 đường Hoàng Diệu.
Những ngày thu Hà Nội, “Nước mắt lòng dân vẫn chảy đượm tháng Mười/Người chốn xa xôi hiển linh vào sông núi/Gieo niềm tin không tuổi/Cho triệu người hôm nay...”. Người dân Thủ đô đang hướng về Đại tướng, tự dặn lòng về số 30 Hoàng Diệu, thắp một nén nhang tưởng nhớ đến người. Một công dân Thủ đô bảo với tôi rằng: “Nhà Đại tướng đơn sơ quá, mọi thứ trong nhà đều giản dị, chân chất. Ở 30 Hoàng Diệu chỉ có khuôn viên vườn là rộng. Những người con Đại tướng luôn gần gũi, giản dị như chính Đại tướng vậy. Chị Bình, chị Phúc, anh Biên, anh Nam lúc nào cũng ân cần với mọi người”.
 
Là một người con của quê hương Quảng Bình, 10 năm trước, trong dòng người đến tiễn đưa Đại tướng ở 30 Hoàng Diệu có chị Nguyễn Thị Hòa, Giám đốc Công ty CP Vận tải du lịch Hưng Long. Rồi trong vòng 10 năm ấy, rất nhiều lần chị trở lại nhà Đại tướng. Cùng mọi người trong Hội đồng hương Quảng Bình tại TP. Hà Nội đến dâng hương nhân dịp 10 năm Đại tướng mất, chị Hòa rưng rưng: Không riêng gì cá nhân chị đâu, nhân dân Thủ đô rất nhiều người luôn về thăm 30 Hoàng Diệu. Đây là một nét văn hóa của người Hà Nội nói riêng và con dân Việt nói chung dành cho Đại tướng kính yêu!
 
Chúng tôi tạm biệt 30 Hoàng Diệu lúc những giọt mưa thu loang nhẹ trên khu vườn xanh mướt... “Cổng 30 Hoàng Diệu, mây trắng vẫn bay về/Tìm bóng hình Người dệt lời thương nhớ/Sóng Vũng Chùa đêm ru mềm hơi thở/Mẹ Quảng Bình tình nghĩa vỗ trùng khơi/Nước mắt lòng dân vẫn chảy đượm tháng Mười/Người chốn xa xôi hiển linh vào sông núi/Gieo niềm tin không tuổi/Cho triệu người hôm nay...”.
Ngô Thanh Long

tin liên quan

Những bước chân không mỏi

(QBĐT) - Hơn 30 năm, những cánh rừng đã in hằn dấu chân của họ. Những bước chân vẫn miệt mài băng rừng, lội suối, vượt khó khăn, vượt hiểm nguy để tìm kiếm hang động, khám phá bí ẩn sâu trong lòng đất. Hành trình không mỏi suốt 3 thập kỷ của các chuyên gia thuộc Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh (BCRA) đã thực sự làm đổi thay mảnh đất này, bồi đắp thêm giá trị cho di sản.

Như dòng Mê Kông chảy mãi - Bài 3: Người lính trở về

(QBĐT) - Bình yên trở về, những người lính năm xưa lại gắn bó bên nhau, sẻ chia cùng nhau những gian khó đời thường. Nhớ về quá khứ, hướng đến tương lai, mỗi ngày, họ lại cùng vun bồi cho tình cảm tốt đẹp giữa hai dân tộc Việt Nam-Campuchia thêm khăng khít, keo sơn.

Như dòng Mê Kông chảy mãi - Bài 2: Cuốn nhật ký xuyên biên giới

(QBĐT) - Hơn 40 năm, cuốn nhật ký đã ngả màu nhưng Thiếu tướng Nguyễn Văn Hiếu, nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân khu 4, cựu quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia vẫn giữ bên mình như một báu vật.