Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Cột mốc tình yêu

  • 09:08 | Chủ Nhật, 04/06/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Em đưa cho tôi vỏ ốc nhỏ, rơm rớm nói: "Chị ạ, em tặng chị. Về đất liền, mỗi khi nghĩ đến em, chị áp vào tai nhé!".
 
Tôi đã gặp Nguyễn Hữu Thắng, sinh năm 1998, quê Bình Định, ở đảo Sinh Tồn Đông, quần đảo Trường Sa lúc em đang đứng gác. Em học xong đại học, chưa muốn đi làm ngay mà đăng ký đi nghĩa vụ quân sự Hải quân vì yêu đất nước mình, muốn khám phá vẻ đẹp biển, đảo và có được cái khoảnh khắc “gác trời khuya đảo vắng” đầy tự hào.
 
Em ở đây được 8 tháng rồi, 4 tháng nữa sẽ xuất ngũ, về quê xin đi làm. Nhìn em đứng gác trong nắng gió biển rát bỏng, gương mặt đen sạm, tôi buột miệng hỏi em có buồn không? Em cười hiền khô, thời gian đầu có một chút buồn, song ở đây em được quan tâm, chia sẻ, mọi người đối đãi với nhau như người thân, nên em quen dần và không còn buồn nữa. Tối tối, lúc nào rảnh rỗi, em gọi điện thoại về nhà, chỉ cần nghe giọng nói thân thương của bố mẹ là em như được tiếp thêm động lực.
 
Từ ngày 7-13/5/2023, tôi theo đoàn công tác số 10 đi thăm một số đảo ở Trường Sa: Song Tử Tây, Đá Thị, Sinh Tồn Đông, Đá Đông B, Trường Sa Đông, Đá Tây B, Trường Sa và Nhà giàn DK1/2-Phúc Tần. Biết bao thế hệ con Rồng cháu Tiên vẫn không ngừng nuôi dưỡng, vun đắp tình yêu đất nước, vẫn khát khao trở thành những người lính Hải quân gìn giữ vẻ đẹp, truyền thống của đất nước. Gặp em ngay khi bước chân lên đảo thứ hai trong quần đảo Trường Sa, bao cái mệt, lừ đừ, liêng biêng của cơn say sóng tan biến, tôi bỗng trở thành người được động viên, chia sẻ chứ không phải tôi là người đến để động viên, chia sẻ với em, với những người lính Hải quân. 
Động viên chiến sĩ Hải quân ở đảo Đá Tây B.
Động viên chiến sĩ Hải quân ở đảo Đá Tây B.
Chia tay em, tôi tiếp tục theo đoàn hành trình đến đảo Đá Thị, cách bán đảo Cam Ranh 322 hải lý, cách đảo Sơn Ca 7 hải lý về phía Tây Nam, quanh năm chìm dưới mặn mòi, sóng gió mưa nắng không ngừng vần vũ. Đã từng bị phong tỏa gần 10 ngày sau khi Trung Quốc nổ súng chiếm đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988, Đá Thị vẫn vững chãi, kiêu hãnh với lá cờ đỏ sao vàng giữa trùng khơi.
 
Nhiều người đã đến đây, đã từng băn khoăn về tên gọi mỹ miều: Đá Thị, Núi Thị. Người bạn đồng hành, là bác sĩ một bệnh viện lớn, cho rằng: "Thị trong tiếng Hán có nghĩa yên ổn, đẹp đẽ, Đá Thị thể hiện điều đó, em nhìn sóng nước lấp lánh hoa cương dưới nắng sẽ cảm nhận được". Đúng vậy, nhưng tôi còn thấy tấm lòng các chiến sĩ ở đây thơm như quả thị, họ hy sinh niềm riêng để trở thành cột mốc cho Tổ quốc bình yên: ...vì Tổ quốc chúng tôi là cột mốc/ chúng tôi là trận địa tiền duyên/ chúng tôi là lá chắn/ chúng tôi là bệ phóng/ chúng tôi là chốt chặn xâm lăng...
 
Rời Đá Thị đi qua vùng biển Len Đao, dưới sự chủ trì của đồng chí trưởng đoàn Chuẩn đô đốc Phạm Văn Quang, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân, tàu KN 390 đã dừng lại để làm lễ kỷ niệm 68 năm Ngày truyền thống Hải quân nhân dân Việt Nam, 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và lễ tưởng niệm 64 anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh trong trận chiến Gạc Ma vào ngày 14/3/1988.
 
Mọi người, ai nấy đều không thể cầm được nước mắt. Với trên 3.000km bờ biển, biển đảo như tấm lá chắn ngăn chặn mọi kế hoạch xâm lược của kẻ thù, nhưng cũng vì thế mà biển, đảo luôn ôm trong lòng những mất mát, đớn đau không bao giờ nguôi. Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên. Bao nhiêu máu và nước mắt đã đổ xuống, thấm vào cát, thấm vào san hô, thấm vào muối. Những ngọn nến lung linh, những bông cúc vàng và hàng trăm con hạc giấy đêm nay sẽ trôi theo con sóng mang yêu thương và lòng biết ơn đến các anh-những cột mốc vĩnh hằng trong trái tim người con đất Việt.
 
Đêm tàu chạy từ Sinh Tồn Đông đến đảo Đá Tây B, đứng trên boong cabin lái, tôi và một anh bạn nhiếp ảnh ngạc nhiên trước bầu trời đầy sao. Sao rất gần như ôm lấy con tàu của chúng tôi. Tôi chợt nhớ đến bức tranh “Đêm đầy sao” rất nổi tiếng của Van Gogh, gợi mở đến một dải thiên hà trong vũ trụ. So với một hoặc nhiều dải thiên hà, trái đất nơi chúng ta đang sống chỉ là một hạt bụi. Đứng đây, mới thấy cuộc sống là vô thường.
 
Chúng ta đang mãi miết kiếm tìm giá trị của bản thân nơi xô bồ, nhộn nhịp mà chưa một lần lắng lòng để hiểu vị mặn của biển được chưng cất từ Cái giọt máu thiêng dưới ngầu ngầu bọt sóng. Những người lính làm bạn với biển, chuyện trò với trăng sao, rồi hòa vào biển để gìn giữ dáng hình Tổ quốc. Trước không gian biển bát ngát, trời rộng thênh thang, chúng ta càng thấy tự hào về những hy sinh thầm lặng của các anh, về sự diệu kỳ, thiêng liêng của Tổ quốc, và cả sự hy sinh vô bờ của những người mẹ, người vợ. Bao cuộc hải chiến còn đó như một lời nhắc nhở đến các thế hệ về ý thức, trách nhiệm gìn giữ chủ quyền của đất nước.
Tác giả với đại diện 5 gia đình trên đảo Trường Sa.
Tác giả với đại diện 5 gia đình trên đảo Trường Sa.

Tôi vô cùng yêu quý bức tranh hòa quyện tuyệt đẹp giữa màu xanh của biển cả, bầu trời, con người và cây cối nơi Trường Sa. Cái màu xanh của niềm tin, hy vọng và sự thanh bình này khiến đoàn công tác số 10 chúng tôi thêm phần bịn rịn, day dứt. Cầm trên tay quả bàng vuông, tôi hỏi một chiến sĩ, sao ở đây bàng vuông không được nhiều hoa, nhiều quả to như ở đảo Cồn Cỏ, Quảng Trị, vừa lái xe điện chở tôi và cô bạn ở nhà hát chèo đi một vòng quanh bờ biển, anh nói, khí hậu ở đây khắc nghiệt, bão tố sóng gió liên tục, mồ hôi trộn máu nơi đây mặn mòi, nhưng cây bàng vuông và nhiều loại cây khác, như: Bàng, phong ba, tra…, vẫn hiên ngang, mạnh mẽ vươn lên, bao trùm đảo một màu xanh.

Riêng ở các đảo chìm, vì không có đất, đảo điểm tô không gian xanh bằng các loại rau trồng trong khay nhựa, thùng xốp, các chậu hoa phong lan, hoa sứ, hoa giấy, xương rồng... Không gian xanh tuy nhỏ bé nhưng vẻ đẹp bình dị, dân dã, quê kiểng của nó luôn tưới mát tâm hồn các chiến sĩ.

Lên đảo Song Tử Tây và Trường Sa, tôi cũng dành thời gian tranh thủ gặp các gia đình người dân chuyện trò. Họ và các chiến sĩ cùng nhau lao động, xây dựng, bảo vệ biển, đảo. Tôi ghé thăm ngôi nhà số 4 của gia đình em Quốc Anh ở Trường Sa, em hồ hởi kể: "Chúng em ở đây không thiếu thứ gì, em làm dân quân tự vệ, còn vợ em lo việc con cái, nhà cửa, bếp núc. Các hộ đều yêu thương, luôn giúp đỡ lẫn nhau và đặc biệt, các chiến sĩ lúc nào cũng động viên, coi chúng em như một thành viên trong gia đình, nên chúng em cảm thấy ở đây cũng ấm áp như ở đất liền.
 
Thầy Bành Hữu Tình công tác ở Trường Sa đã 5 năm, con cái em đều nhờ thầy dạy dỗ". Nghe nói về cái lớp học rất lạ, chỉ 7 cháu, mà cháu lớp 3, cháu mẫu giáo lớn, bé và thêm 1 cháu chưa đến tuổi học, tôi liền tìm cách gặp thầy ngay. Thầy nói: "Em còn muốn ở lại dạy thêm 5 năm nữa, vì em đã yêu nơi này rồi." Nhìn dòng chữ nắn nót “Chào mừng đại biểu đoàn công tác đến thăm thầy và trò Trường tiểu học thị trấn Trường Sa” trên bảng, tôi cứ rơm rớm nước mắt, ôi, nghề dạy học đâu chỉ dạy chữ mà còn dạy cả tâm hồn. Chợt bé Múi, con của Quốc Anh lay lay bàn tay tôi, chìa ra nhánh cỏ: "Con tặng cô nè, nhà cô ở đâu, cô cho con về nhà cô chơi với". Tôi chỉ biết ôm bé thật lâu, lòng đẫm lệ.
 
Người ta nói, đi đâu xa, tìm người cùng quê mà đến, mới hiểu được giá trị của sự trân quý nguồn cội cũng như việc cùng nhau vượt qua mọi khó khăn. Đi đâu, tôi cũng hỏi về người Quảng Bình, khiến việc háo hức lên đảo lúc nào cũng quay quắt. Tôi thường theo chuyến xuồng của phóng viên báo, đài để tiếp cận được chiến sĩ và người dân trên đảo sớm hơn, vì thời gian không chờ đợi ai, mọi gặp gỡ đều là duyên. Ấy vậy mà tôi đã hai lần suýt đánh mất cơ hội ấy.
 
Lần thứ nhất, tôi gặp thiếu tá Vũ Ngọc Quý, người TX. Ba Đồn, công tác ở Trường Sa Đông lúc sắp lên chuyến xuồng rời đảo vì cơn áp thấp đang đến, mây đen kéo nhau ùa về. Anh nói gấp gáp: Tết này nữa là 2 năm, anh sắp được về phép rồi, sau đó, anh trở lại công tác thêm 2 năm nữa. Nhớ vợ nhớ con lắm, nhưng anh chỉ biết mình làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình, tận tụy, tận hiến, ấy là món quà tinh thần quý giá nhất mà anh dành cho vợ con.
 
Lần thứ hai, khi tàu cập cảng Cam Ranh, tôi đang lỉnh kỉnh hành lý chuẩn bị trở về đất liền, thì nghe tiếng gọi “rặt” Quảng Bình gấp gáp phía sau: "Chị ơi, em người Quảng Bình nì". Rồi, lại nghe hai, ba giọng Quảng Bình gọi nữa. Và cuối cùng, chúng tôi, anh Ngô Mậu Sơn, anh Trần Công Long, hai anh ở Lệ Thủy, em Nguyễn Lê Anh ở thị trấn Nông trường Lệ Ninh, em Nguyễn Đức Dũng ở TP. Đồng Hới, bắt tay và ôm nhau trong niềm tiếc nuối. Chúng tôi đã ở cùng, ăn cùng mà vô tình đi lướt qua nhau, để phút chia xa mới cảm thấy ước ao thời gian dừng lại. Nhưng tôi tin rằng, một lần gặp, dù chỉ kịp chào nhau, hỏi thăm đôi điều đủ để nhen lên trong lòng mỗi chúng tôi sự thân thương, như đã quen từ thuở nào.
 
Một người lính đã nói với tôi, mặt trời mọc lên từ biển Trường Sa to hơn ở các nơi khác, đúng vậy, vì em và các chiến sĩ ở đây chính là mặt trời, là cột mốc của Tổ quốc. Tôi đọc em nghe hai câu thơ của Nguyễn Việt Chiến trong tiếng sóng chiều dạt dào thay lời từ biệt: Tổ quốc kiên trì nhoài ra phía biển/ Ôm những quần đảo trong vòng tay thương mến.
 
         Hoàng Thụy Anh

tin liên quan

Bài 1: Mưu sinh nơi cửa sông

(QBĐT) - Nơi cửa sông, những phận người vẫn sấp ngửa mưu sinh bất kể nắng mưa của trời, chật vật của đời. Với họ, nơi chốn này là tất cả những buồn vui, sướng khổ, là bao hy vọng đổi đời sau những tháng ngày nổi nênh cùng con nước.

Trong "ánh chớp lửa đạn"

(QBĐT) - "Việt Nam trong ánh chớp lửa đạn" là cuốn sách ảnh của nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh, liệt sỹ Lương Nghĩa Dũng do NXB Thông tấn ấn hành.

"Lênh đênh" những con tàu 67

(QBĐT) - Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (gọi tắt là Nghị định 67) được xem là bước đột phá đối với ngành thủy sản, hướng đến mục tiêu hiện đại hóa đội tàu đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, đội tàu 67 (cách gọi những tàu cá đóng theo chính sách hỗ trợ của Nghị định 67) cả nước nói chung cũng như trên địa bàn huyện Bố Trạch nói riêng hiện đang gặp nhiều khó khăn.