Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Một thập kỷ gieo niềm thương, nỗi nhớ - Bài 2: Hỏa xa hóa gần

  • 06:11 | Thứ Sáu, 04/08/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tròn 10 năm, những chuyến tàu du lịch nối hai miền thương nhớ đã chuyên chở hàng triệu lượt khách Thủ đô đến với Quảng Bình. Chặng đường 10 năm đã chứng kiến bao đổi thay của ngành Du lịch Quảng Bình từ chỗ còn non trẻ đến hôm nay trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới.
 
Du khách xuống ga Đồng Hới, bắt đầu khám phá du lịch Quảng Bình.
Du khách xuống ga Đồng Hới, bắt đầu khám phá du lịch Quảng Bình.
Như những hành trình lặng thầm đi trong đêm tối, những chuyến hỏa xa trở thành đại sứ du lịch thân thiết, cần mẫn góp sức cho du lịch Quảng Bình hồi sinh mạnh mẽ qua bao bận đương đầu với “sóng dữ”.
 
Lựa chọn hợp lý
 
Đặt chân đến ga Đồng Hới sau hơn 12 giờ đồng hồ vượt 520km từ Thủ đô Hà Nội, du khách tiếp tục hành trình khám phá Quảng Bình. Những chuyến đi lên rừng, xuống biển, chinh phục hang động, trải nghiệm ẩm thực đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng mỗi du khách. Ngày trở về, nhiều du khách vẫn tiếp tục lựa chọn tàu QB2 và QB4 làm phương tiện bởi tính hợp lý về thời gian di chuyển, tiện lợi.
 
Anh Lê Xuân Hồng, Trưởng tàu QB2 cho biết, tàu xuất phát vào lúc 15 giờ 30 phút tại ga Đồng Hới và đặt chân đến Hà Nội vào 4 giờ sáng hôm sau. Đây là thời gian hợp lý bởi sau một đêm trên tàu, du khách có thể bắt đầu một ngày làm việc mới.
 
Với gần 700 công ty lữ hành trên cả nước, Câu lạc bộ (CLB) lữ hành UNESCO Hà Nội thường xuyên tổ chức các chuyến tàu du lịch về với điểm đến Quảng Bình. Trong năm 2022, các doanh nghiệp thuộc liên minh tàu charter (tàu trọn gói) của CLB đã lựa chọn tàu QB3, QB4 tổ chức 9 tàu charter đến Quảng Bình. Mỗi chuyến tàu gồm 13 toa 4 giường điều hòa.
Du khách xuống ga Đồng Hới, bắt đầu khám phá du lịch Quảng Bình.
Du khách xuống ga Đồng Hới, bắt đầu khám phá du lịch Quảng Bình.
Ông Đoàn Ngọc Tùng, Phó Chủ tịch CLB lữ hành UNESCO Hà Nội cho biết, từ năm 2020 đến nay, các đoàn tàu thuê bao trọn chuyến về Quảng Bình hoạt động rất tốt. Ngoài ra, các công ty thuộc CLB cũng lựa chọn tàu hỏa cho du khách khi đến Quảng Bình bởi tính tiện lợi, hiệu quả.
 
“Nếu một đơn vị có 300-400 nhân viên muốn tổ chức du lịch về Quảng Bình thì tàu hỏa là lựa chọn hàng đầu, vừa an toàn, vừa giảm được nhiều chi phí nhất so với các loại hình vận tải khác. Chỉ tính riêng trong năm 2022, các doanh nghiệp thuộc CLB đã đưa hơn 5.000 khách đến Quảng Bình bằng đường tàu hỏa”, ông Tùng cho biết thêm.
 
Ngoài tính an toàn, thân thiện, thuận tiện thì đi du lịch bằng tàu hỏa chính là tăng thêm nhiều trải nghiệm, thưởng ngoạn phong cảnh. Đi tàu cũng là lựa chọn của những du khách mong muốn sống chậm và thích thú với một loại hình giao thông đậm màu hoài niệm.
 
Là địa phương phát triển du lịch, Quảng Bình có rất nhiều lợi thế để du khách đến trải nghiệm bằng đường sắt. Ngoài phong cảnh, sự quan tâm đầu tư phát triển du lịch, khung giờ đường sắt đi đến Quảng Bình là khung giờ "vàng", rất thuận tiện cho du khách.
 
Đại sứ du lịch
 
Sự cố môi trường biển và đại dịch Covid-19 đã khiến cho du lịch Quảng Bình liên tiếp đối diện với “sóng dữ”. Nhưng, ngay sau đó, ngành Du lịch Quảng Bình đã có bước phục hồi mạnh mẽ, trong đó, có sự đóng góp không nhỏ của những đoàn tàu du lịch. Trong 10 năm đưa đôi tàu Hà Nội-Quảng Bình vào khai thác, lượng khách đến Quảng Bình ngày càng tăng lên nhanh chóng.
Tàu đi qua địa phận huyện Tuyên Hóa giữa khung cảnh núi non hùng vĩ. Ảnh: Đức Thành
Tàu đi qua địa phận huyện Tuyên Hóa giữa khung cảnh núi non hùng vĩ. Ảnh: Đức Thành
Theo ông Lê Minh Tuấn, Phó tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội, mỗi năm, lượng khách của các chuyến tàu du lịch Hà Nội-Quảng Bình tăng khoảng 5%. Điều đó cho thấy, việc lựa chọn QB1, QB2, QB3, QB4 để phục vụ du lịch là đúng đắn vì lượng khách từ Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đến Quảng Bình hàng năm rất cao.
 
Sau hai năm tạm dừng do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, năm 2022, các chuyến tàu này đã chuyên chở khoảng 72.000 lượt khách. Nếu tính so với năm 2019, trước dịch Covid-19 thì con số này đạt khoảng 80%. Năm 2023, công ty đang cố gắng bằng lượng khách năm 2019.
 
Là đoàn tàu du lịch nên du khách cũng đặt ra những yêu cầu khắt khe hơn với QB1, QB2 và QB3, QB4. Bởi vậy, mỗi cá nhân của ngành Đường sắt cũng đang phải tự thay đổi để thu hút khách, để giành lấy lại thị phần của một phương tiện từng chiếm vị trí độc tôn so với các loại hình vận tải khác. Từ thái độ, cung cách phục vụ của nhân viên, đến hệ thống buồng ngủ, vệ sinh, lối hành lang… đều có sự thay đổi theo hướng tích cực, hiện đại hơn.
 
10 năm qua, những đoàn tàu nối Hà Nội-Quảng Bình đã trở thành “đại sứ” du lịch đặc biệt đưa du khách đến gần hơn với Quảng Bình. Sự tự thay đổi để hiện đại hơn, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao hơn của du khách cũng chính là đang làm đẹp hơn hành trình của du khách khi lựa chọn đường sắt, lựa chọn Quảng Bình.
 
Điểm đặc biệt trên chuyến tàu QB2, QB4 là trên đường trở về Hà Nội, du khách có thể trải nghiệm mẹt gà-một món ăn đặc trưng của vùng đất di sản Phong Nha-Kẻ Bàng. Với nhiều du khách, thưởng thức ẩm thực di sản ngay trên chuyến tàu du lịch được coi là một trải nghiệm thú vị, để bước chân du khách lưu luyến mãi không rời.
 
Chị Trần Thị Hòa, du khách đến từ quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) chia sẻ: “Những ngày du lịch Quảng Bình, chúng tôi rất ấn tượng với các món ăn dân dã của địa phương. Chúng tôi đã dành trọn thời gian để thăm thú các danh lam thắng cảnh, thưởng thức các món ăn đặc trưng của Quảng Bình. Không nghĩ là khi lên tàu trở về, vẫn lại được thưởng thức thêm lần nữa. Vẫn là món ăn ấy nhưng khi ăn ở trên tàu sau những ngày vui chơi thỏa thích, cảm giác khác biệt lắm”.
 
Tuyến đường sắt đẹp nhất thế giới
 
Đầu năm 2023, tuyến đường sắt Bắc-Nam, trong đó có đoạn đi qua Quảng Bình xếp vị trí đầu tiên trong danh sách những tuyến đường sắt đẹp nhất thế giới, do trang cẩm nang du lịch Lonely Planet bình chọn.
Du khách thưởng thức mẹt gà-đặc sản của vùng Phong Nha-Kẻ Bàng trên tàu du lịch QB2.
Du khách thưởng thức mẹt gà-đặc sản của vùng Phong Nha-Kẻ Bàng trên tàu du lịch QB2.
Tuyến đường sắt qua địa phận Quảng Bình dài 174km là cung đường đi qua bao làng mạc, phố phường, khi lên dốc đèo hiểm trở, khi uốn lượn quanh co núi đồi, có lúc lại men giữa cánh đồng vàng rực lúa chín. Hành trình xúc cảm của du khách đi từ ngạc nhiên, háo hức đến vỡ òa khi ánh mắt chạm vào những bức tranh kỳ vĩ của thiên nhiên. Kể từ sau đại dịch Covid-19, xu hướng du lịch của khách nội địa đã có nhiều thay đổi nhưng tàu hỏa vẫn là lựa chọn tối ưu cho những chặng đường dài, cần đến những trải nghiệm mới lạ.
 
Như cả trăm năm trước, đi du lịch bằng tàu hỏa vẫn là sở thích, thú vui của những người yêu sân ga, quý con tàu và thích thú ngắm nghía Tổ quốc qua tấm kính vuông vuông, nho nhỏ. Và bởi thế nên tàu hỏa sẽ không còn chỉ dành riêng cho du khách từ Thủ đô mà từ nhiều tỉnh, thành khác khi đến với Quảng Bình.
 
Ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam khẳng định: “Qua theo dõi, nghiên cứu thị trường, thị hiếu du khách trong và ngoài nước, chúng tôi đã có những định hướng để phát triển du lịch bằng đường sắt, trong đó có Quảng Bình. Với tuyến Quảng Bình thì chúng tôi sẽ phát huy những gì đã và đang làm được, sẽ có những đoàn tàu chất lượng cao hoặc mô hình đoàn tàu khách sạn. Đồng thời cải thiện từng bước dịch vụ trên tàu, dưới ga, để đưa ra những đoàn tàu mang đậm tính du lịch, đưa du khách đi đến với Quảng Bình hoặc đưa những sản vật, điểm nhấn của Quảng Bình đến các khu ga, các đoàn tàu để du khách biết đến Quảng Bình nhiều hơn”.
Diệu Hương

tin liên quan

Bài 1: Mưu sinh nơi cửa sông

(QBĐT) - Nơi cửa sông, những phận người vẫn sấp ngửa mưu sinh bất kể nắng mưa của trời, chật vật của đời. Với họ, nơi chốn này là tất cả những buồn vui, sướng khổ, là bao hy vọng đổi đời sau những tháng ngày nổi nênh cùng con nước.

Những bước chân không mỏi

(QBĐT) - Hơn 30 năm, những cánh rừng đã in hằn dấu chân của họ. Những bước chân vẫn miệt mài băng rừng, lội suối, vượt khó khăn, vượt hiểm nguy để tìm kiếm hang động, khám phá bí ẩn sâu trong lòng đất. Hành trình không mỏi suốt 3 thập kỷ của các chuyên gia thuộc Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh (BCRA) đã thực sự làm đổi thay mảnh đất này, bồi đắp thêm giá trị cho di sản.

Như dòng Mê Kông chảy mãi - Bài 3: Người lính trở về

(QBĐT) - Bình yên trở về, những người lính năm xưa lại gắn bó bên nhau, sẻ chia cùng nhau những gian khó đời thường. Nhớ về quá khứ, hướng đến tương lai, mỗi ngày, họ lại cùng vun bồi cho tình cảm tốt đẹp giữa hai dân tộc Việt Nam-Campuchia thêm khăng khít, keo sơn.