Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục
Linh thiêng cột mốc biên cương

Bài 1: Hành trình lên với cột mốc quốc giới

  • 07:28 | Thứ Bảy, 08/07/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Mỗi cột mốc quốc giới đều mang ý nghĩa thiêng liêng là đánh dấu chủ quyền biên giới, lãnh thổ, lãnh hải quốc gia. Vậy nên, khi chạm tay vào đó, có ai không rưng rưng xúc động, không cảm nhận được ý nghĩa thiêng liêng của hai từ Tổ quốc!
Chỉ huy Đồn Biên phòng Làng Ho giới thiệu về mốc quốc giới số 567.
Chỉ huy Đồn Biên phòng Làng Ho giới thiệu về mốc quốc giới số 567.
Với đặc trưng địa hình biên giới Việt-Lào, phần lớn các mốc quốc giới trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đều nằm ở những vị trí hết sức hiểm trở trên dãy Trường Sơn, từ việc xây dựng đến bảo vệ đều rất gian nan. Vì vậy, hành trình đến với cột mốc quốc giới là một hành trình đầy ý nghĩa thiêng liêng!
 
“Khắc đi, khắc đến”
 
Đầu tháng 6/2023, anh Dương Trung Kiên, chuyên viên Phòng Biên giới (Sở Ngoại vụ), điện thoại hỏi tôi: “Cuối tháng này, Sở Ngoại vụ-cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Công tác biên giới tỉnh, sẽ tổ chức đoàn đi kiểm tra thực địa mốc quốc giới, nhà báo có tham gia được không? Nếu tham gia thì nên “tập luyện” trước đi, vì đường lên mốc quốc giới phải đi bộ xuyên rừng, vượt đèo, leo dốc, rất khó đi…”.
 
Nhận lời tham gia đoàn cùng với anh Kiên, tôi bắt đầu lo lắng, bởi ở vào cái tuổi gần U50 và cũng đã lâu không đi rừng, không biết có theo được đoàn không. Nhưng rồi, với quyết tâm một lần được chạm tay vào cột mốc quốc giới (trừ những mốc quốc giới nằm gần các cửa khẩu) thiêng liêng, tôi bắt đầu tập đi bộ 2 buổi mỗi ngày.
 
Theo kế hoạch, đoàn công tác liên ngành sẽ đi kiểm tra thực địa mốc quốc giới số 567 và 568 (xã Lâm Thủy, Lệ Thủy), trên đoạn biên giới giữa tỉnh Quảng Bình và tỉnh Sạ-vẳn-na-khệt (Lào). Đoàn do anh Nguyễn Thanh Xuân, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ làm trưởng đoàn cùng với sự tham gia của đại diện các cơ quan, đơn vị: Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Xây dựng, UBND huyện Lệ Thủy và 8 cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Ho.
 
5 giờ sáng một ngày cuối tháng 6, đoàn chúng tôi xuất phát từ TP. Đồng Hới đến bản Chút Mút (xã Lâm Thủy). Trước lúc lên đường, trung tá Hoàng Trọng Trình, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Làng Ho (người cùng tham gia đoàn công tác) đã quán triệt với đoàn những kỹ năng và trang thiết bị cần thiết khi đi rừng, đặc biệt là với việc đi tuần tra ở đường biên giới.
 
Theo anh Trình, khác với việc đi rừng thông thường, việc đi tuần tra ở mốc quốc giới phần lớn đều phải liên tục leo dốc mà không có những chặng đường bằng ở khe, suối hoặc xuống dốc. Bởi lẽ các cột mốc quốc giới thường nằm ở các đỉnh núi cao nhất trên dãy Trường Sơn.
Đoàn kiểm tra thực địa mốc quốc giới số 567 nghỉ chân giữa đường.
Đoàn kiểm tra thực địa mốc quốc giới số 567 nghỉ chân giữa đường.
Trung tá Hoàng Trọng Trình cho biết, Đồn Biên phòng Làng Ho được giao quản lý, bảo vệ 30,21km đường biên giới, 11 mốc quốc giới, từ mốc số 566 đến 576. Để thực hiện nhiệm vụ, hàng quý, cán bộ, chiến sĩ của đơn vị phải thực hiện tuần tra đến tất cả 11 mốc quốc giới, trong đó có những cột mốc ở xa, địa bàn hiểm trở, phải mất từ 2-3 ngày đường vượt suối, leo núi mới tới được.
 
Từ Km77 quốc lộ 9B (thuộc địa phận bản Chút Mút, xã Lâm Thủy), đoàn chúng tôi bắt đầu chuyến hành trình đến thăm mốc quốc giới số 567 nằm ở đỉnh núi có độ cao 999,07m. Con dốc dài thứ nhất chúng tôi phải vượt qua, được các chiến sĩ biên phòng đặt tên là dốc Nháp (có nghĩa là thử sức). Chỉ mới “nháp” thôi mà nhiều người trong đoàn đã bắt đầu sốc, "thở ra lỗ tai" vì phần lớn đều chưa quen hoặc rất ít đi rừng…
 
Hơn 1 giờ đồng hồ leo trèo, chúng tôi đã vượt qua dốc Nháp, đến được khe Chút Mút với dòng nước mát lành chảy ra từ đại ngàn Trường Sơn. Trung tá Hoàng Trọng Trình cho biết, địa điểm này là nơi mà cán bộ, chiến sĩ đơn vị thường nghỉ chân mỗi khi đi tuần tra.
 
Anh Trình cũng đề nghị với những người trong đoàn, ai cảm thấy “đuối sức” thì nên dừng lại ở địa điểm này, bởi đoạn đường từ đây lên tới mốc quốc giới 567 là quãng đường khó khăn nhất với một con dốc cao gần như dựng đứng và dài như bất tận. Với các chiến sĩ biên phòng, để vượt qua con dốc này, phải mất 3 giờ đồng hồ leo dốc, đặc biệt nếu gặp trời mưa thì vô cùng khó khăn.
 
Nghe anh Trình nói vậy, nhưng thật lạ, không một ai trong đoàn chịu ở lại, ai cũng quyết tâm phải lên bằng được cột mốc quốc giới 567.  Đặc biệt, trong đoàn chúng tôi có 4 người là nữ giới, những người mà như anh Xuân, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ, giới thiệu là “cách cách”, “nương nương” của đơn vị…
 
Đoạn đường từ đó lên cột mốc ít người đi nên rất rậm rạp, các chiến sĩ biên phòng phải đánh dấu bằng sơn đỏ và đi trước phát cây dẫn đường. Trên đường đi, các anh còn phải phân chia nhau để dìu dắt, hướng dẫn chúng tôi đi qua những đoạn đường nguy hiểm và tránh con vắt rừng đang vươn vòi bám theo. Những câu chuyện thân tình và lời động viên của các anh như: “Khắc đi, khắc đến”; “Còn khoảng 30 phút nữa là đến nơi”; “Qua khỏi ngọn núi trước mặt là đến nơi, cố lên các anh chị”… là động lực để chúng tôi quyết tâm leo dốc…
 
Chạm tay vào cột mốc quốc giới thiêng liêng
 
Sau gần 4 giờ leo dốc liên tục, cột mốc quốc giới 567 linh thiêng đã hiện ra giữa đất trời biên cương của Tổ quốc. Cảm giác vỡ òa hạnh phúc vì đã vượt qua được những chặng đường cực kỳ khó khăn mà nhiều thành viên trong đoàn chưa từng trải qua.
(Ảnh minh họa)
Đoàn đi kiểm tra thực địa mốc quốc giới-một hành trình đầy ý nghĩa thiêng liêng.
Đứng bên cột mốc quốc giới 567, chị Nguyễn Thị Thu Hương, Phó trưởng phòng Nghiệp vụ (Sở Ngoại vụ) đã không giấu được cảm xúc rưng rưng: “Tôi đã vượt qua nỗi sợ hãi khi nhìn thấy những con vắt rừng và vận dụng 200% sức lực để leo những con dốc dựng đứng và lên đến nơi đây. Được chạm tay vào cột mốc quốc giới, trong giây phút này, mọi vất vả, mệt mỏi dường như tan biến, trong tôi trào dâng một niềm tự hào khó tả. Có lẽ, chưa bao giờ tôi cảm nhận được rõ nhất ý nghĩa thiêng liêng của hai từ Tổ quốc mà bao lớp cha anh đã kiên cường chiến đấu, anh dũng hy sinh để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ như lúc này”.
 
Ông Nguyễn Hữu Hán, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy, một thành viên trong đoàn cũng chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi thực hiện chuyến hành trình lên với cột mốc quốc giới trên đỉnh Trường Sơn như thế này. Có thể nói, mỗi cột mốc quốc giới đều khắc ghi bao mồ hôi, xương máu của các thế hệ đi trước trong quá trình bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải quốc gia, trở thành biểu tượng giàu ý nghĩa thiêng liêng nơi biên cương Tổ quốc. Có lên đến nơi đây, chúng ta mới thấu hiểu nỗi khó khăn, vất vả của các chiến sĩ biên phòng đang ngày đêm không quản nắng mưa, gió bão có mặt tuần tra, canh gác để giữ từng tấc đất của quê hương, của Tổ quốc!".
 
Sau giây phút bồi hồi xúc động, khi được đặt chân lên đến đường biên giới, được chạm tay vào cột mốc quốc giới linh thiêng, các thành viên trong đoàn, không ai bảo ai, mỗi người một tay, cùng làm vệ sinh, phát quang xung quanh khu vực mốc để bảo đảm mốc quốc giới được sạch sẽ, nhận biết rõ ràng trên tuyến biên giới.
 
Trời bắt đầu xế chiều, rưng rưng tạm biệt cột mốc chủ quyền thiêng liêng, chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình xuống núi. Ai đã từng đi rừng đều biết, con đường đi lên đã khó thì khi trở xuống càng khó khăn gấp bội. Bởi lúc này tất cả trọng lượng cơ thể đều dồn cả vào đôi chân mà nếu không cẩn thận rất dễ bị trặc chân, chùn gối. Một lần nữa, các chiến sĩ biên phòng lại luôn sát cánh, dìu dắt, chia sẻ với chúng tôi những kinh nghiệm xuống dốc khi đi rừng…
 
Mặt trời xuống núi, cũng là lúc đoàn chúng tôi ra khỏi rừng già. Tròn 1 ngày với hơn 9 giờ luồn rừng, leo dốc và xuống dốc, các thành viên trong đoàn ai cũng mệt. Vậy nhưng tuyệt nhiên không ai có một lời than vãn, bởi chúng tôi vừa trải qua một hành trình đầy ý nghĩa thiêng liêng. Ai cũng vui vẻ cười tươi và tiếp tục chuẩn bị cho một hành trình mới vào ngày mai…
 
Ngày tiếp theo, đoàn chúng tôi tiếp tục hành trình kiểm tra thực địa mốc quốc giới số 568 nằm trên đồi Yên Ngựa. Mốc quốc giới số 568 có độ cao 645,53m so với mực nước biển, nằm cuối Quốc lộ 9B qua Lào. Theo quy hoạch, khi cửa khẩu Chút Mút-Lạ Vin được mở, mốc quốc giới số 568 sẽ trở thành cột mốc cửa khẩu. Còn hiện nay, để lên đến mốc quốc giới số 568, chúng tôi cũng phải đi bộ mất 1,5 tiếng đồng hồ.
 
Phan Phương
 
Bài 2: Những “cột mốc sống” nơi biên cương Tổ quốc

tin liên quan

Bài 1: Mưu sinh nơi cửa sông

(QBĐT) - Nơi cửa sông, những phận người vẫn sấp ngửa mưu sinh bất kể nắng mưa của trời, chật vật của đời. Với họ, nơi chốn này là tất cả những buồn vui, sướng khổ, là bao hy vọng đổi đời sau những tháng ngày nổi nênh cùng con nước.

Những bước chân không mỏi

(QBĐT) - Hơn 30 năm, những cánh rừng đã in hằn dấu chân của họ. Những bước chân vẫn miệt mài băng rừng, lội suối, vượt khó khăn, vượt hiểm nguy để tìm kiếm hang động, khám phá bí ẩn sâu trong lòng đất. Hành trình không mỏi suốt 3 thập kỷ của các chuyên gia thuộc Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh (BCRA) đã thực sự làm đổi thay mảnh đất này, bồi đắp thêm giá trị cho di sản.

Trong "ánh chớp lửa đạn"

(QBĐT) - "Việt Nam trong ánh chớp lửa đạn" là cuốn sách ảnh của nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh, liệt sỹ Lương Nghĩa Dũng do NXB Thông tấn ấn hành.