Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Chiến công trên bầu trời Đồng Hới

  • 06:25 | Thứ Bảy, 23/12/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hơn nửa thế kỷ trôi qua, cánh chiếc máy bay của giặc Mỹ năm xưa vẫn hiện diện giữa Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình như nhắc nhớ về những chiến công vang dội ngày ấy. Và dù đã bạc phơ mái đầu, nhưng trong ký ức của những người thuộc Phân đội pháo 14,5 ly, Đại đội tự vệ, Xí nghiệp Sửa chữa ô tô A3 Quảng Bình, chiến công của một ngày tháng 10/1972 vẫn tươi mới như ngày hôm qua.
 
Chiếc máy bay thứ 3.999
 
Một ngày giữa tháng 10/2023, Phân đội pháo 14,5 ly, Xí nghiệp Sửa chữa ô tô A3 Quảng Bình gặp lại nhau sau một quãng thời gian dài chật vật với cuộc sống mưu sinh. Họ mừng mừng, tủi tủi, bao nhiêu ký ức cứ thế đua nhau ùa về. Giữa sân bảo tàng ngập nắng, những mái đầu bạc tụm lại bên nhau, những đôi bàn tay nhăn nheo cứ nắm lấy nhau như thể người thân lâu ngày gặp lại.
 
Họ dẫn nhau đến góc sân, nơi cánh chiếc máy bay giặc Mỹ đang được trưng bày. Bụi thời gian phủ lên trên cánh chiếc máy bay màu xám. Rồi cứ thế, những người đàn ông với mái đầu bạc đứng vòng bên di vật ngày cũ. Câu chuyện ký ức như cuốn phim chầm chậm trôi qua. 
 
Đôi bàn tay đầy vết đồi mồi di chuyển trên cánh máy bay, ông Nguyễn Đình Thiệt, nguyên là Đại đội trưởng, Đại đội tự vệ Xí nghiệp Sửa chữa ô tô A3, phụ trách Phân đội pháo 14,5 ly bồi hồi nhớ lại, đó là những ngày cuối năm 1972, toàn miền Bắc thi đua bắn rơi chiếc máy bay thứ 4.000. Đồng Hới là một trọng điểm bắn phá của địch. Thị ủy Đồng Hới quyết tâm hưởng ứng chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quân khu 4 và Tỉnh ủy Quảng Bình.
Phân đội pháo 14,5 ly bên cánh máy bay bị bắn rơi năm xưa.
Phân đội pháo 14,5 ly bên cánh máy bay bị bắn rơi năm xưa.
Trong khí thế hừng hực, toàn Đại đội tự vệ, Xí nghiệp Sửa chữa ô tô A3 Quảng Bình, đặc biệt là Phân đội 14,5 ly hạ quyết tâm bắn rơi máy bay giặc Mỹ. “Trước ngày 5/10/1972, trời đổ mưa tầm tã. Chúng tôi phải che phủ bạt lên trận địa pháo. Sáng 5/10, trời quang đãng. Tôi trao đổi với anh em giở bạt ra, lau chùi lại vũ khí, sửa sang lại hầm pháo và công sự. Tôi nói với anh em rằng trời quang đãng như thế này, thể nào giặc lái Mỹ cũng bay trinh sát. Tôi động viên anh em tỉnh táo, cảnh giác, không lơ là, sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống”, ông Thiệt kể.
 
Đúng như dự đoán, vào 13 giờ 45 phút, từ phía Nam, anh em Phân đội pháo 14,5 ly phát hiện một chiếc máy bay đang bay dọc theo biển Nhật Lệ. Đây là máy bay trinh sát điện tử loại RF4E. Sau khi lượn vòng quanh cảng Nhật Lệ, chiếc máy bay tiếp tục hướng về phía Bắc, dọc theo Quốc lộ 1. Cả phân đội bám trụ trên trận địa, đôi mắt hướng lên bầu trời quê hương, sẵn sàng nhả đạn và tiêu diệt máy bay giặc Mỹ.
 
“Khoảng chừng 5, 6 phút, nó quay lại theo đường bay cũ, đến sân bay, lượn 2 vòng trên không trung rồi đột ngột tăng tốc, bay thẳng theo hướng Nông trường Việt Trung. Tôi ra lệnh cho 3 khẩu đội, cố bám mục tiêu trong vòng kính ngắm. Từ độ cao trên 2.000m, chiếc máy bay bổ nhào xuống trận địa của chúng tôi. Chờ cho máy bay xuống chừng 1.000m, tôi hạ lệnh bắn. Ba khẩu đội đồng loạt nổ súng, lúc đó, khẩu pháo do anh Lê Văn Hải trực tiếp điều khiển đã bắn trúng mục tiêu, khiến cho cánh máy bay đứt lìa. Hai giặc lái bung dù, máy bay chao đảo rồi đâm thẳng xuống phía ruộng sau trận địa chúng tôi”, ông Thiệt hào hứng nhớ lại.
 
Cánh chiếc máy bay RF4E năm xưa đã được di chuyển về Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình. Khẩu pháo từng trực tiếp bắn rơi máy bay hiện cũng đang được trưng bày tại đây, giữa hàng nghìn hiện vật chiến tranh-minh chứng cho một quá khứ rất đỗi hào hùng của dân tộc, của quê hương Quảng Bình. 

Cả trận địa pháo vang dội tiếng hò reo, mừng vui trước chiến công ý nghĩa này. Sau 50 phút, dân quân cùng nhân dân Nam Lý đã bắt sống được 2 giặc lái và thu được một số chiến lợi phẩm. Niềm vui vỡ òa trên những gương mặt sạm đen. Hai giặc lái Mỹ với vẻ mặt hoảng sợ, bị giải đi ngay sau đó.

Ký ức không quên
 
Thời điểm ấy, Chỉ huy trưởng, Bí thư Đảng ủy Quân sự tỉnh Quảng Bình Trần Sự đã trực tiếp xuống tận nơi, chia vui với anh em Phân đội pháo 14,5 ly. Nhớ về kỷ niệm ngày ấy, ông Thiệt bồi hồi: “Tôi nhớ mãi, lúc đó, đồng chí Trần Sự đã bắt tay khen ngợi từng người trong phân đội, rồi nói: “Bắn như thế này mới gọi là bắn rơi tại chỗ”. Thăm hỏi xong, đồng chí ra lệnh cho phân đội rời ngay trận địa sang một trận địa khác để bảo đảm an toàn sau trận đánh”.
 
Với chiến công này, Phân đội pháo 14,5 ly của Xí nghiệp Sửa chữa ô tô A3 Quảng Bình đã vinh dự được nhận Huân chương Chiến công hạng Nhất. Ông Nguyễn Đình Thiệt, ông Lê Văn Hải-người trực tiếp bắn rơi máy bay cùng toàn Phân đội pháo 14,5 ly đã được nhận Huy chương Chiến công vẻ vang. Thời điểm ấy, đồng chí Lê Quang Hòa, Tư lệnh Quân khu 4 và đồng chí Trần Sự đã thưởng nóng cho anh em Phân đội pháo 14,5 ly một chiếc Radio, 1,4 tạ lương khô A72.
Khẩu pháo bắn rơi máy bay hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình.
Khẩu pháo bắn rơi máy bay hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình.
Hơn 50 năm sau sự kiện đặc biệt ấy, những người đồng chí, đồng đội của Phân đội pháo 14,5 ly mới có cơ hội gặp lại nhau, mừng mừng, tủi tủi. Nửa thế kỷ đã trôi qua với bao biến cố, thăng trầm của cuộc đời, của thời cuộc, những người đàn ông rắn rỏi bên những khẩu pháo năm xưa nay đã bạc trắng mái đầu. Người còn, người mất, Phân đội pháo 14,5 ly chỉ còn lại vài người. Dẫu vậy, ký ức đáng tự hào của một thời vẫn vẹn nguyên, tươi mới. Đó cũng là động lực sống, là niềm hãnh diện, nhắc nhớ về những ngày tháng
 
“Chúng tôi rất tự hào vì đã được đóng góp một phần nhỏ bé trong chiến công chung của các lực lượng phòng không để bảo vệ vùng trời của Tổ quốc. Chỉ tiếc rằng sau những lần đơn vị di dời, sáp nhập rồi giải thể, những huân chương, huy chương, bằng khen ngày cũ đã bị thất lạc hoàn toàn. Giờ đây, muốn khoe với con cháu, nhắc nhớ con cháu về một thời hào hùng của cha ông cũng khó bởi vì không có bất kỳ một giấy chứng nhận nào còn sót lại cả”, ông Lê Văn Hải ngậm ngùi.
 
Sau bao bộn bề mưu sinh, đến ngày 5/10 hàng năm, những người đồng chí, đồng đội của Phân đội pháo 14,5 ly năm xưa chọn nơi đây để làm điểm gặp gỡ, cùng ôn lại ký ức ngày cũ, nhắc nhớ nhau sống xứng đáng với năm tháng hào hùng đã qua.
Diệu Hương

tin liên quan

Ngày thu ở... 30 Hoàng Diệu

(QBĐT) - 10 năm nay... "Cửa sổ 30 Hoàng Diệu vẫn mở đấy thôi/Mây trắng nhớ nụ cười Người vương nắng/Gió len phòng hong khô ngày nước mắt/Đừng vội tan hơi ấm cuối còn gần...".

Từ bước chân đầu tiên 60 năm trước và hy vọng hôm nay

(QBĐT) - 60 năm, còn gọi là "lục thập hoa giáp", quãng thời gian đáng để suy ngẫm về những "được-mất", "hơn-thua" của một đời người! 

Ngạc nhiên du lịch Tuyên Hóa

(QBĐT) - Hẳn nhiều người sẽ ngạc nhiên khi nói đến việc phát triển du lịch ở huyện Tuyên Hóa. Bởi huyện miền núi này có gì để phát triển "ngành công nghiệp không khói"? Tuy nhiên, thời gian gần đây, có ý kiến nên chăng Tuyên Hóa cần xem xét, đánh giá những tài nguyên du lịch đã và đang có, để xây dựng kế hoạch phát triển trong tương lai.