Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Vĩnh hằng giữa lòng đất mẹ - Bài 4: Đường 20 Quyết Thắng... không chỉ là huyền thoại

  • 06:57 | Thứ Bảy, 06/01/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hành trình chúng tôi qua, khởi đầu từ Quảng Bình ra Nam Định rồi vào Thanh Hóa, cuối cùng trở lại Quảng Bình. Những gia đình liệt sỹ hy sinh trong sự kiện bi tráng chiều 14/11/1972 tại hang đá Km16+500 trên đường 20 Quyết Thắng đón tiếp chúng tôi với sự bao dung, thắm nghĩa, thắm tình. Tôi đã gặp một người vợ trọn đời vọng phu thờ chồng, một người mẹ sống gần trăm tuổi khôn nguôi ngóng con về, những người anh, người em liệt sỹ chung hy vọng tìm thấy di cốt người thân. 51 năm trôi qua... linh hồn 13 liệt sỹ đã hóa thân vào đại ngàn Trường Sơn, vĩnh hằng giữa lòng đất mẹ Quảng Bình.
 
 
Chúng tôi chạm đường 20 Quyết Thắng khoảng 15 giờ ngày 14/11/2023, đúng thời điểm xảy ra trận bom làm 13 liệt sỹ hy sinh 51 năm về trước. Trở lại đường 20 lần này chỉ có 3 cựu chiến binh (CCB) Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Đoàn 5043 pháo binh: Vũ Hữu Đại, Trần Công Hòa và Đặng Văn Đoàn.
 
Đón chúng tôi tại Đền tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ (AHLS) đường 20 Quyết Thắng có tiến sĩ sử học Nguyễn Khắc Thái; ông Hoàng Hải Vân, Phó Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng; tập thể cán bộ Ban Quản lý Đền tưởng niệm các AHLS đường 20 Quyết Thắng.
 Những nhân chứng của sự kiện bi tráng chiều 14/11/1972 thắp hương tưởng niệm các AHLS đường 20 Quyết Thắng đúng vào ngày giỗ lần thứ 51 của 13 liệt sỹ hy sinh tại hang đá Km16+500.
Những nhân chứng của sự kiện bi tráng chiều 14/11/1972 thắp hương tưởng niệm các AHLS đường 20 Quyết Thắng đúng vào ngày giỗ lần thứ 51 của 13 liệt sỹ hy sinh tại hang đá Km16+500.
Trước khi làm lễ giỗ chung 13 liệt sỹ nhân 51 năm ngày mất của các anh chị, CCB Trần Công Hòa đã có hơn 30 phút kể lại tường tận sự kiện trận bom Mỹ đánh vào khu vực hang đá Km16+500 cho tập thể cán bộ Ban Quản lý Đền tưởng niệm các AHLS đường 20 Quyết Thắng biết. Là những nhân chứng có mặt sớm nhất sau trận bom, sự thật được các CCB Vũ Hữu Đại, Trần Công Hòa, Đặng Văn Đoàn công bố có nhiều chi tiết khác với “huyền thoại” hang Tám Cô mà 51 năm qua bám chặt trên đường 20 Quyết Thắng, gắn liền sự kiện bi tráng chiều 14/11/1972.
 
Thêm một lần nữa, CCB Trần Công Hòa khẳng định: “Sau trận bom, không còn ai sống sót. Nên không thể có câu chuyện 8 TNXP bị vùi sâu trong hang đá mãi cho đến 9 ngày sau mới hy sinh. Vì sao? Vì chính chúng tôi, bộ đội Đoàn 5043 pháo binh và lực lượng TNXP tiến hành công tác tử sĩ, tìm kiếm người sống sót suốt từ chiều ngày 14/11 đến chiều ngày 16/11, khi không còn hy vọng phát hiện người sống mới tổ chức lễ truy điệu và chôn cất các anh chị”.
 
“Sự thật này, tôi từng đề cập, từng cung cấp cho các bộ, ban, ngành Trung ương và các ngành chức năng tỉnh Quảng Bình từ những năm 1996, 1997... Nhưng rất tiếc, vì lý do nào đó mà rơi vào quên lãng đến tận bây giờ”, CCB Trần Công Hòa cho biết thêm.
 
Thắp nén hương tại Đền thiêng trên đường 20 Quyết Thắng, tôi xin phép hương hồn 13 liệt sỹ tạm khép lại hành trình tri ân của mình. Tôi hiểu ra một điều... Dù câu chuyện về sự kiện ngày 14/11/1972 có như thế nào đi nữa, thì sự thật các anh chị đã hiến dâng trọn tuổi thanh xuân của mình cho độc lập dân tộc, cho Tổ quốc, cho đường 20 Quyết Thắng trọn vẹn tuổi hai mươi và mãi mãi nằm lại trên đất mẹ Quảng Bình.

CCB Vũ Hữu Đại sau khi thắp hương tại Đền tưởng niệm các AHLS đường 20 Quyết Thắng và ở hang đá Km16+500 chia sẻ: “Ngày đó, đơn vị chúng tôi hành quân trên đường 20 sang Lào vào Nam chiến đấu. Vì khu vực Cà Roòng bom Mỹ đánh phá ác liệt quá, đường tắc, cấp trên ra lệnh dừng chân, tạm cho xe pháo trú ẩn dọc hai bên đường. Trận bom Mỹ chiều 14/11/1972 cướp đi sinh mệnh 5 đồng đội chúng tôi, đau xót lắm! Trở lại với đường 20 Quyết Thắng lần này, tôi chỉ có mong muốn duy nhất, giống như gia đình 13 liệt sỹ... là cần làm sáng tỏ sự thật thời điểm các anh chị hy sinh và trả lại cho lịch sử đúng sự thật như vậy!”.

Tiến sĩ sử học Nguyễn Khắc Thái trong câu chuyện với các CCB Đoàn 5043 pháo binh Vũ Hữu Đại, Trần Công Hòa, Đặng Văn Đoàn bày tỏ quan điểm: "Sự hy sinh của 13 liệt sỹ tại hang đá Km16+500 giống như hàng vạn trường hợp hy sinh cao cả của các AHLS trên khắp chiến trường miền Nam, Lào, Campuchia, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Thời gian trôi qua quá lâu rồi, nhưng những ký ức về đồng đội đối với những ai từng sống, chiến đấu ở đường 20 Quyết Thắng thì mãi trường tồn. Các anh chị năm xưa sống chết với nhau và chứng kiến sự khốc liệt của chiến tranh thì ký ức kể lại không thể sai được. Cho nên tôi tin sự thật mà những CCB Đoàn 5043 pháo binh kể".

Cựu chiến binh Vũ Hữu Đại bên tấm bia ghi danh 13 liệt sỹ hy sinh ngày 14/11/1972.
Cựu chiến binh Vũ Hữu Đại bên tấm bia ghi danh 13 liệt sỹ hy sinh ngày 14/11/1972.

Vĩ thanh

Tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 41 năm 2023, bộ phim tài liệu “Sự thực khó thay đổi” của ê-kíp làm phim đến từ Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh Quảng Bình xuất sắc đoạt giải vàng ở hạng mục phim tài liệu. Tiếp đó, bộ phim còn đoạt thêm 2 giải khác: Giải C, giải Báo chí quốc gia lần thứ XVII; giải Ban Giám khảo hạng mục phim tài liệu, Giải Cánh diều vàng năm 2023.
 
Bằng trách nhiệm của những người làm báo trên tinh thần tôn trọng sự thật lịch sử; gặp gỡ, trao đổi những nhân chứng đang sống, chứng kiến trực tiếp trận bom Mỹ chiều 14/11/1972; cẩn trọng qua từng trang tư liệu, hồ sơ, bài báo còn lưu trữ của các ngành chức năng từ Trung ương đến địa phương..., bộ phim tài liệu “Sự thực khó thay đổi” dần hé mở cho thế hệ những người đang sống “một sự thật” khác với “huyền thoại hang Tám Cô” đã tồn tại, gắn chặt sự kiện bi tráng ngày 14/11/1972 với 13 liệt sỹ hy sinh tại hang đá Km16+500 hơn 50 năm nay.
 
Trở lại với Đền tưởng niệm các AHLS đường 20 Quyết Thắng chiều 14/11/2023. Là một nhân chứng lịch sử có trách nhiệm đối với đồng chí, đồng đội, CCB Trần Công Hòa tâm niệm: Mọi huyền thoại đều phải dựa trên nền tảng sự thật. Về sự hy sinh của 13 liệt sỹ bộ đội, TNXP tại vị trí này 51 năm về trước, đó là sự thật, và sự thật ấy được bộ đội, TNXP chúng tôi chứng kiến, tham gia công tác cứu hộ. Rất tiếc, hơn nửa thế kỷ trôi qua nhưng những người biết rõ sự kiện này nói ra không nhiều, mặc dù còn rất nhiều người đang sống. Trước hang đá Km16+500 linh thiêng, một lần nữa và là lần cuối cùng, chúng tôi cố gắng phản ánh đúng sự thật về trường hợp hy sinh của 13 liệt sỹ bộ đội, TNXP trong trận bom chiều ngày 14/11/1972, để giúp các thế hệ mai sau tưởng nhớ, tri ân.
 
                                                                                                     Ngô Thanh Long

tin liên quan

Đường xuân khát vọng

(QBĐT) - Thọ Lộc ở xã Cự Nẫm (Bố Trạch), nơi yên nghỉ của hàng trăm người con ưu tú là liệt sỹ thanh niên xung phong của Ban Xây dựng 67, một thời thuộc Bộ Giao thông vận tải.

Ngày thu ở... 30 Hoàng Diệu

(QBĐT) - 10 năm nay... "Cửa sổ 30 Hoàng Diệu vẫn mở đấy thôi/Mây trắng nhớ nụ cười Người vương nắng/Gió len phòng hong khô ngày nước mắt/Đừng vội tan hơi ấm cuối còn gần...".

Từ bước chân đầu tiên 60 năm trước và hy vọng hôm nay

(QBĐT) - 60 năm, còn gọi là "lục thập hoa giáp", quãng thời gian đáng để suy ngẫm về những "được-mất", "hơn-thua" của một đời người!