Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Vĩnh hằng giữa lòng đất mẹ - Bài 3: Vọng phu thờ chồng

  • 07:08 | Thứ Sáu, 05/01/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong 5 liệt sỹ Đoàn 5043 pháo binh hy sinh tại hang đá Km16+500 đường 20 Quyết Thắng ngày 14/11/1972 có liệt sỹ Mai Đức Hùng (SN 1952), quê quán xã Hải Giang, huyện Hải Hậu (Nam Định). Vợ liệt sỹ Hùng là chị Vũ Thị Mai (SN 1954). Cưới nhau xong, ở với nhau chỉ đúng 24 ngày, anh hành quân vào chiến trường, sau đó thì hy sinh. Kể từ ngày đó... chị Mai trở thành “vọng phu thờ chồng” đã 51 năm.
 
 
Ông Vũ Hữu Đại, nguyên Trung đội trưởng trung đội pháo 130mm, Tiểu đoàn 1, Đoàn 5043 pháo binh kể lại: Liệt sỹ Mai Đức Hùng nhập ngũ cuối năm 1971. Sau một thời gian huấn luyện tại Triệu Sơn (Thanh Hóa), ngày 15/10/1972 thì đơn vị được lệnh đi B. Hành quân từ ngày 15/10-5/11, đơn vị đến thôn Tân Ấp, xã Hương Hóa, Tuyên Hóa. Ngay đêm đó, Đoàn 5043 được “nếm mùi” B52. Rất may, máy bay B52 đánh trật đội hình trú quân, chỉ hư hỏng ít xe pháo.
 
Đêm mồng 9/11, đơn vị vượt đèo Đá Đẽo, đến sáng thì nghỉ lại ở Troóc một ngày. Đêm mồng 10/11, Đoàn 5043 vượt phà Xuân Sơn. Ngày 11/11, Tiểu đoàn 1, Đoàn 5043 tập kết xe pháo, phương tiện, con người an toàn từ Km16+500 kéo dài đến Km23, đường 20 Quyết Thắng. Vào thời điểm này, trọng điểm Cà Roòng và ATP bị máy bay Mỹ đánh phá rất ác liệt nên đơn vị được lệnh dừng chân, đưa xe pháo vào trú ẩn an toàn dọc hai bên đường, chờ đường thông.
Ngôi nhà của chị Vũ Thị Mai, vợ liệt sỹ Mai Đức Hùng.
Ngôi nhà của chị Vũ Thị Mai, vợ liệt sỹ Mai Đức Hùng.

Đồng đội liệt sỹ Mai Đức Hùng là ông Vũ Hữu Đại và ông Trần Công Hòa cho biết: Liệt sỹ Mai Đức Hùng làm tiếp phẩm tiểu đoàn. Khi đơn vị trú quân trên đường 20 Quyết Thắng, vì có một đồng đội bị ốm nên anh xung phong nhận nhiệm vụ trực xe pháo thay, rồi hy sinh vào buổi chiều 14/11/1972 định mệnh. Lời kể của ông Vũ Hữu Đại, Trần Công Hòa trùng khớp với thông tin từ gia đình liệt sỹ Mai Đức Hùng cung cấp. Sau trận bom, đơn vị tiến hành làm công tác tử sĩ, chôn cất 5 đồng đội phía trái đường 20 Quyết Thắng, cách không xa hang đá Km16+500, dùng gỗ của thùng đạn pháo làm bia ghi tên tuổi, quê quán, ngày hy sinh từng người.

Ông Mai Quang Thế (SN 1953), em trai liệt sỹ Hùng kể: "Thời gian sau đó, có anh Xiêm người làng, bộ đội Đoàn 559 hành quân qua đường 20 Quyết Thắng, thấy bia mộ liệt sỹ Mai Đức Hùng đã viết thư về cho mẹ ở hậu phương nhờ thông báo cho gia đình tôi và chị Mai."

Theo chỉ dẫn của ông Mai Quang Thế, chúng tôi đến thăm chị Vũ Thị Mai ở xóm Ninh Giang, thôn Hùng Cường, xã Hải Giang (Hải Hậu). Một ngôi nhà cấp 4 ẩm thấp giữa mưa rét đầu mùa. Trong nhà trống huơ, trống hoác, ngoài bộ bàn nhỏ kê trước bàn thờ, chiếc giường đơn phía bên phải, chẳng còn thấy thêm tài sản gì đáng giá.
 
Tôi hỏi chị Vũ Thị Mai, chị đã có lần nào vào thăm đường 20 Quyết Thắng, thắp nén hương nơi chồng chị và đồng đội đã ngã xuống cách đây 51 năm chưa. Chị Mai trả lời buồn: “Chưa! Chỉ có chú Thế em chồng chị đi thôi!”. Tôi thắc mắc nguyên nhân vì sao chị chưa đến đường 20 Quyết Thắng, chị Mai im lặng, quay đầu nhìn di ảnh liệt sỹ Mai Đức Hùng trên bàn thờ nghẹn ngào: “Chắc từ đây đến cuối đời, chị cũng phải vào với anh một lần!”.

Chị Vũ Thị Mai ngồi trên chiếc giường đơn chiếc, người gầy đét, gương mặt khắc khổ chất chứa đầy nếp nhăn thời gian, mái tóc dày và dài quấn cao quanh đỉnh đầu, bạc trắng. Ông Mai Quang Thế gọi cửa mấy lần, mới thấy chị Mai nhớm khỏi giường ra mở cửa. Ông Thế bảo: “Chị dâu tôi thật tính lắm. Từ ngày anh Hùng mất, chị cứ lặng lẽ vậy. Không biết trong tâm hồn chị chất chứa những nỗi niềm gì?”.

Chị Vũ Thị Mai nhớ lại: Hai vợ chồng tổ chức đám cưới khoảng giữa năm 1971, 24 ngày sau anh nhập ngũ, đi B dài. Bố mẹ liệt sỹ Mai Đức Hùng là Mai Văn Đăng (SN 1924), Nguyễn Thị Ngát (SN 1926) lúc đang sống, thương con dâu, xót con trai vì vợ chồng cưới nhau chưa kịp có mụn con giúp ông bà và người vợ trẻ thêm nguồn an ủi nơi hậu phương.
 
“Mẹ chồng chị khát cháu hơn cả chị khát con. Vì thế, khi biết tin anh Mai Đức Hùng đang huấn luyện tại Triệu Sơn (Thanh Hóa), mẹ quyết tâm đưa chị đi thăm chồng. Tại nơi đóng quân, chị lưu lại sống cùng anh đúng một tuần rồi quay về nhà. Thế mà chẳng có tin vui gì về đường con cái. Mẹ chồng buồn, chị càng buồn hơn... Âu cái số nó vậy! Qua năm 1973, gia đình nhận giấy báo tử của anh Hùng, trên giấy báo tử ghi ngày mất 26/11/1973, hy sinh tại mặt trận phía Nam. Mặt trận phía Nam thì rộng lắm, gia đình nhà chồng và chị biết đâu mà tìm. Và rồi, run rủi thế nào đó, năm 1997, chú Thế đọc được bài báo “Mùa xuân lại đi tìm đồng đội” đăng trên Báo Tiền Phong Chủ nhật mới biết đến sự kiện bi tráng tại hang đá Km16+500, đường 20 Quyết Thắng, mới biết chính xác nơi anh Hùng nằm lại, biết thời điểm chính xác anh hy sinh”.
51 năm nay, chị Vũ Thị Mai thành vọng phu thờ chồng liệt sỹ.
51 năm nay, chị Vũ Thị Mai thành vọng phu thờ chồng liệt sỹ.
Ông Mai Quang Thế kể: “Bố mẹ tôi rất thương chị Mai, nhất là khi hay tin anh tôi hy sinh. Mấy năm sau, bố mẹ giục chị đi lấy chồng, chị vẫn lắc đầu, xin ở vậy để thờ phụng anh Hùng”. “Chị không đi bước nữa, không phải chẳng có ai thương, vì lúc anh Hùng hy sinh, chị cũng chỉ mới 20 tuổi”-chị Vũ Thị Mai hoài niệm-“Ban đầu khi nhận giấy báo tử của chồng, chị không dám tin. Chị cứ hy vọng có một sự nhầm lẫn nào đó. Chị tự động viên mình ráng chờ, anh Hùng vẫn còn sống. Cứ chờ... hết chiến tranh, anh sẽ trở về với chị, với gia đình. Chị cứ thế chờ đợi... tuổi thanh xuân trôi qua lúc nào chẳng hay. Nhìn lại, tóc bạc phủ trắng trên đầu. Thôi kiếp này, chị chỉ nặng nghĩa, trọn duyên cùng anh mà thôi!”.
 
Đang trò chuyện, chị Vũ Thị Mai đứng lên đến bên chiếc bàn thờ nhỏ châm nén nhang thắp cho liệt sỹ Mai Đức Hùng. Ông Mai Quang Thế băn khoăn: “Chị Mai ngày đêm vẫn khát khao tìm thấy phần mộ anh Hùng, dù chỉ là một phần xương thịt nhỏ, rồi đưa anh về với chị, gia đình, quê hương. Mong muốn này cũng canh cánh trong lòng bố mẹ tôi lúc các cụ còn sống. Và bây giờ tôi vẫn băn khoăn, anh của tôi, chồng chị Mai, liệt sỹ Mai Đức Hùng đang ở đâu? 51 năm trôi qua rồi, nên có một câu trả lời xác đáng!”.
 
Câu trả lời hôm nay đến từ ông Trần Công Hòa, đồng đội liệt sỹ Mai Đức Hùng. Trước bàn thờ liệt sỹ, trong ngôi nhà chị Vũ Thị Mai, người vợ liệt sỹ trung trinh, 51 năm "vọng phu thờ chồng", đúng ngày 14/11/1972, ngày hy sinh của 13 liệt sỹ tại hang đá Km16+500, đường 20 Quyết Thắng, ông Hòa xác nhận: “Thân xác các anh chị mãi mãi nằm lại với hồn thiêng sông núi trên đường 20 Quyết Thắng”.
 
                                                                                                 Ngô Thanh Long
 
Bài cuối: Đường 20 Quyết Thắng... không chỉ là huyền thoại

tin liên quan

Đường xuân khát vọng

(QBĐT) - Thọ Lộc ở xã Cự Nẫm (Bố Trạch), nơi yên nghỉ của hàng trăm người con ưu tú là liệt sỹ thanh niên xung phong của Ban Xây dựng 67, một thời thuộc Bộ Giao thông vận tải.

Ngày thu ở... 30 Hoàng Diệu

(QBĐT) - 10 năm nay... "Cửa sổ 30 Hoàng Diệu vẫn mở đấy thôi/Mây trắng nhớ nụ cười Người vương nắng/Gió len phòng hong khô ngày nước mắt/Đừng vội tan hơi ấm cuối còn gần...".

Từ bước chân đầu tiên 60 năm trước và hy vọng hôm nay

(QBĐT) - 60 năm, còn gọi là "lục thập hoa giáp", quãng thời gian đáng để suy ngẫm về những "được-mất", "hơn-thua" của một đời người!